Sunday, February 16, 2020

Vũ Kim Hạnh – Quá đắng và quá chát, đồng bào ơi!


16/2/2020

Hôm qua, 14/2, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai ở thành phố Cần Thơ cho biết là toàn bộ 13 tỉnh, thành ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã bị nước biển xâm nhập, sớm hơn một tháng so với đợt xâm nhập mặn lịch sử năm 2016. Độ mặn là 3.5%, nước măn xâm nhập đến rạch Cái Cui –điểm giáp ranh với tỉnh Hậu Giang, thuộc Phường Tân Phú, Quận Cái Răng, và đã vào các kênh rạch nội đồng ven sông Hậu.

Ảnh: Chen chúc hứng nước giếng (cũng mặn) ở Đồng Bằng

Trước đó, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam đã thông báo, do nguồn nước đổ về đồng bằng thấp hơn những năm trước và các đập thủy điện Trung Quốc xả thấp, nguồn nước về thấp nên nước mặn sẽ thâm nhập sâu ở ĐBSCL trong tháng 2/2020.
Đỉnh của nạn xâm nhập mặn này sẽ là ngày...mai, 16/2, theo ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở NN-PTNT Cần Thơ.

Thiếu nước nghiêm trọng, 3.600 héc ta lúa ở huyện Long Phú tỉnh Sóc Trăng có nguy cơ mất trắng; 26 ngàn hộ dân ở tỉnh này cũng đang thiếu nước sạch sử dụng. Tại Trà Vinh hơn 10,000 hecta lúa đông xuân thiếu nước tưới, có thể mất trắng 50%. Nước mặn từ cửa sông thuộc hệ thống sông Tiền và Hàm Luông đã lấn sâu, đe dọa vùng trồng cây ăn trái của Cai Lậy,tỉnh Tiền Giang. Đặc biệt, toàn tỉnh Bến Tre đã bị nước mặn xâm nhập, khiến sản xuất và đời sống người dân bị ảnh hưởng nặng. Nước uống, nước sinh hoạt, nước để nấu ăn và...nước tắm cũng đều mặn. Cô bạn Nhật Ino Mayu kể là uống bia ở Bến Tre thấy cũng mặn !

Một nông dân trẻ, người quen của gia đình tôi, có mảnh vườn 3 công trồng bưởi, ngay vùng ven thành phố Bến Tre, vừa mất trắng. Tôi hỏi anh, rồi sắp tới anh dự định trồng trái gì, làm ăn gì? Anh trả lời: trồng quả quéo, làm ăn thì...ăn mày chị ơi ! Trồng gì mà nước tưới mặn chát thì cũng chỉ ra trái quéo, nên chỉ có ăn mày thôi. Nghe buồn.
ĐB rất cần những công trình xã hội cung cấp nước ngọt. Và các giải pháp canh tác, kinh doanh thích ứng tình hình mặn đắng này.

VÀNG ĐEN VIỆT NAM SẼ BAY SANG ẤN?

Thị trường Ấn Độ sẽ thay phần nào thị trường TQ, ăn hàng nông sản Việt Nam? Bên cạnh giải pháp tăng giá trị bằng bảo quản, chế biến thật linh hoạt thì đa dạng hóa thị trường cũng là một lối ra...Danh mục nông sản của Ấn và VN không tương đồng như các nước Asean. Do khoảng cách địa lý nên lâu nay, ta cũng chưa xuất nhiều nông sản sang Ấn.
Có một câu chuyện đáng suy nghĩ ở đây. Doanh nhân Đặng Đức Thành kể có lần đi thăm Mumba, anh quan tâm xem kỹ các loại dược liệu bày bán ở một chợ truyền thống. Và ngạc nhiên chưa, anh tận mắt thấy nhiều loại cây dược liệu của núi rừng các tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam được bày bán. Hỏi, thì ra do người Trung Quốc mua của VN dạng nguyên liệu, rồi đóng gói mang sang Ấn bán. Bán chạy, giá tốt. Anh Thành nói, hơi “thốn” khi thấy hàng mình sang Ấn lại do thương nhân TQ, mình nên làm chứ, thị trường cần mà?
Reuters đưa tin ngày 14/2, đoàn đại biểu Bộ Công Thương đã bay sang Ấn Độ để thúc đẩy xuất khẩu nông sản sang nước này trong tình hình thị trường TQ đang ách tắc. Đoàn đề nghị Ấn Độ giảm các rào cản thương mại về xuất khẩu đối với các mặt hàng như tiêu đen, hạt điều. Hai nước đặt mục tiêu tăng kim ngạch hai chiều từ khoảng hơn 11 tỷ đô la vào năm ngoái lên 15 tỷ đô la.

Về hồ tiêu Việt. Người thành thị Việt Nam hình như ít biết về danh tiếng Hồ tiêu hữu cơ của Quảng Trị. Lại càng chưa quen với tên địa danh “Cùa”, vâng, tiêu Cùa của Quảng trị đã được EU trao chỉ dẫn địa lý, chất lượng chẳng kém tiêu Kampốt, cũng chỉ dẫn địa lý EU, chỉ khác là CPC làm marketing và bán hàng tốt hơn mình.

Bạn sẽ còn ngạc nhiên hơn khi biết, hiện đã có 60 ha trồng hồ tiêu của xã Gio An và Gio Linh QT được cấp chứng nhận hữu cơ của EU. Năm 2018, Tổ hợp tác tiêu hữu cơ xã Gio An đã xuất khẩu hơn 18 tấn đạt tiêu chuẩn châu Âu; năm 2019 cũng đã xuất khẩu được 43 tấn. Sản phẩm tiêu hữu cơ có giá bán 78.000 đồng/kg, đang cao hơn từ 20.000 - 30.000 đồng/kg so với giá tiêu trên thị trường hiện nay.
Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam công nhận tiêu khô Quảng Trị có chất lượng tốt nhất. Thời tiết, khí hậu khắc nghiệt của Quảng Trị làm cho hạt tiêu ở đây vỏ mẩy, hạt chắc, cay và thơm nồng. Sự khác biệt về chất lượng là do tiêu Quảng Trị trồng trên thân cây choái sống, dùng phân bón hữu cơ, chăm sóc theo kiểu truyền thống.

Nói mà buồn, sản xuất mình không thua kém, nhưng kinh doanh thì...kém thật. Chỉ là do không chú ý tiêu chuẩn, xây dựng thương hiệu và nhất là liên kết theo chuỗi giá trị vẫn đang...quá mạnh. Mạnh ai nấy làm đó mà.

Vũ Kim Hạnh
Source:
https://www.baoquocdan.org/2020/02/vu-kim-hanh-qua-ang-va-qua-chat-ong-bao.html?fbclid=IwAR23U9m-SlLaYgLqOe_LupjAF0mnGChmItonqQW6cHindAsjxjrvHc5nnQE

.

No comments:

Post a Comment