Sunday, February 23, 2020

“MÀU XANH”: SỰ THAY ĐỔI LẠ LÙNG CỦA SÔNG MEKONG KHI ĐẬP THỦY ĐIỆN VÀ THAY ĐỔI KHÍ HẬU ĐƯỢC GHI NHỚ


'The colour is blue’: Strange changes to Mekong River as hydropower dams and climate change make their mark

Jack Board – Bình Yên Đông lược dịch
Channel News Asia – 12 January 2020

Sông Mekong trông có màu xanh ở hạ lưu đập Xayaburi vì mực nước thấp. 
[Ảnh: Jack Board)

LUANG PRABANG, Lào: Hừng sáng, các tu sĩ đi trên đường phố Luang Prabang để khất thực.  Sông Mekong uốn khúc hiền hòa trong bóng tối.  Dòng sông rất thanh bình nhưng cũng rất mạnh bạo ở đây.
Sương mù dày đặc phủ trên mặt nước trước khi mặt trời lên.  Lúc nầy trong năm, nó tan đi vào giữa trưa, trong nhiệt độ dịu dàng của mùa đông.  Cuộc sống thường rất chậm ở bắc Lào, nhưng con sông luôn luôn khuấy động vì lưới của ngư dân hay tiếng gọi của người lái đò.  Và dòng sông luôn luôn chảy, nhịp điệu thiên nhiên của nó hình thành đất đai và con người từ nhiều ngàn năm qua.
Nhưng vai trò đã đảo ngược.  Ngày nay con người thống trị.  Và có nhiều cái sai với Mekong. “Mẹ của Nước”, như con sông lớn nầy được biết đến trong khắp vùng nó chảy qua, đang lâm bệnh.

Một ngư dân trong sương mù trên sông Mekong vào sáng sớm ở gần Luang Prabang. 
[Ảnh: Jack Board]

Khi các dự án thủy điện hoạt động, vào lúc các ảnh hưởng của thay đổi khí hậu bắt đầu hoành hành, ngay chính dòng chảy của Mekong cũng bị gián đoạn.  Mực nước sông thay đổi nhanh chóng vì nước được giữ lại hay xả ra.  Mùa nắng và mưa trở nên lộn xộn.  Việc sinh sản của cá bất thường và việc đi lại trở thành vấn đề vì mực nước xuống thấp đến mức kỷ lục.
Mekong được biết qua màu sắc của nó – đục ngầu vì chứa nhiều phù sa làm thức ăn cho thủy sản và làm cho đất đai của cư dân thêm phì nhiêu.  Ngày nay, ở nhiều nơi, điều đó đã thay đổi.
Cùng với sự hoạt động của dự án thủy điện lớn nhất vùng – đập Xayaburi – một số dự án quan trọng khác cũng được dự trù trên dòng chánh Mekong ở Lào trong những năm tới, và các dự án khác trên các phụ lưu, các chuyên viên tin rằng tương lai của dòng sông chưa bao giờ lâm nguy hơn lúc nầy.

Thanh bình, những ngày thơ mộng của Mekong có thể bị đe dọa vì việc phát triển sông như một món hàng ngày càng tăng. [Ảnh: Jack Board]

“Năm qua, hệ sinh thái của sông Mekong bị cư xử một cách tàn tệ hơn bao giờ.  Nói bằng ngôn ngữ quyền anh, nó bị đấm vào mặt nhiều cú, nhưng chuyện nước trong xanh của sông Mekong là một cú đo ván,” Montri Chantawong cho biết như thế.  Montri đã nghiên cứu sông Mekong từ 15 năm nay và hiện đang nghiên cứu các vấn đề về tình trạng của sông đối với những thay đổi trong sông cho cơ quan y tế công cộng, Hiệp hội Vận động Y tế Thái (ThaiHealth Promotion Foundation).
Đối với nhiều người ở Lào – và một số quốc gia lân bang – thủy điện đã mang lại thịnh vượng và tiềm năng.  Nước nầy với tham vọng trở thành bình điện của Đông Nam Á (ĐNA) đang nắm lấy nguồn tài nguyên dồi dào nhất và biến đổi cuộc sống của người dân, từ lâu bị cô lập và nghèo khó.
Cùng lúc, các dự án cũng mang theo lo ngại, vì ảnh hưởng của cú đấm môi trường được cảm nhận, nặng nề và nhanh chóng.

Mekong cung cấp sinh kế cho hàng triệu người trên khắp vùng hạ lưu.
 [Ảnh: Jack Board]

“Giống như nước biển”

Ở hạ lưu Luang Prabang, đập Xayaburi bắt đầu hoạt động hồi tháng 10 năm ngoái.  Nó là phần chiến lược của hạ tầng cơ sở chận ngăn sông, gây nhiều tranh cãi như tham vọng xây cất.  Công suất của đập là 1.285 MW, và điện được quản lý bởi cơ quan tiện ích điện Thái Lan (Electricity Generating Agency of Thailand (EGAT)) và xuất cảng qua biên giới.
Tiến sĩ (TS) Daovong Phonekeo, Thư ký Thường trực của Bộ Năng lượng và Hầm mỏ Lào, nói: “Cảm tưởng của tôi đối với dự án rất ấn tượng.  Tôi tham gia vào dự án từ lúc đầu.”
Sau gần 1 thập niên xây dựng, lễ khánh thành vào cuối năm ngoái đánh dấu một bước tiến quan trọng trong chiến lược thủy điện của Lào, chiến lược được quảng bá bởi chánh phủ để nâng cao ngân sách và phát triển kinh tế quốc gia.  Mekong là một món hàng sinh lợi.
Nam Ou 1 được xây trên một phụ lưu quan trọng của Mekong bởi một công ty Trung Hoa. [Ảnh: Jack Board]

TS Daovong nói: “Chánh phủ Lào mong muốn khuyến khích thủy điện thành một trong những đặc tính của nền kinh tế, có thể thu hút đầu tư ngoại quốc và cải thiện tình hình kinh tế.  Trước năm 1995, có rất ít gia đình có điện.  So sánh với hiện nay, chúng tôi có gần 94% gia đình có điện.  Họ có cuộc sống dễ dàng hơn.  Họ có thể mua máy giặt, tủ đông lạnh, tủ lạnh và các thứ khác giúp cho cuộc sống của họ được tiện lợi hơn.”
Nhưng, điện sản xuất bởi Xayaburi và các dự án quan trọng khác vượt xa nhu cầu điện ở Lào.  Cuộc đua để tạo lợi nhuận trong khu vực cần điện đã đến với cái giá cho sự lành mạnh của dòng sông, theo các nhà nghiên cứu môi trường và cư dân địa phương.
Sau một vài tuần hoạt động, và thời kỳ thử nghiệm kéo dài, các cộng đồng ở hạ lưu Xayaburi cho biết sông đã thay đổi đặc tính.  Ở Nong Khai, Thái Lan, nước chảy chậm tạo một hình ảnh bất thường.  Nó trở thành một cảnh đẹp thu hút du khách trong những tháng vừa qua.

Một phần của Mekong có mực nước thấp kỷ lục trong những tháng vừa qua. 
[Ảnh: Jack Board]

Montri Chantawong nói: “Sông trở nên xanh và không có phù sa.  Ở nhiều nơi, nước phản chiếu bầu trời và có màu xanh.  Màu xanh giống như nước biển.  Tất cả dân làng đều nói rằng họ chưa bao giờ thấy như vậy.”
Nước sạch và phản chiếu màu xanh của sông được các chuyên viên cho biết do triệu chứng của dòng chảy rất thấp.  Không có phù sa được nước sông mang theo, đưa đến các ảnh hưởng phụ khác dọc theo sông.
Montri nói: “Sự kiện nước trong có nghĩa là nó đói phù sa.  Do đó, mức độ sạt lở sẽ nghiêm trọng hơn cho cả 2 bờ và đáy sông.”  Thông thường, nước đục ngầu của Mekong ám chỉ sự bảo hòa của phù sa lơ lững, có ít ảnh hưởng đến bờ sông.  Vấn đề có thể lan rộng khi sông uốn khúc qua Cambodia và hồ Tonle Sap và sau cùng vào Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam (ĐBSCL).
TS So Nam, quản lý trưởng môi trường của Văn phòng Ủy hội Sông Mekong (Mekong River Commission (MRC)), nói: “Hiện tượng nước màu xanh sẽ lan rộng đến các khúc sông Mekong khác nơi có dòng chảy chậm.  Vấn đề nước chảy chậm và lắng đọng phù sa có thể đưa đến các ảnh hưởng tai hại đã được xác định.”
Nhưng những bất cập khiến cho sinh kế dọc theo sông khó khăn hơn.  Cái luôn cung cấp cho người dân cuộc sống và hạnh phúc nay không còn tin cậy được nữa.
  
Montri Chantwong quan sát sự thay đổi đối với sông Mekong từ Nong Khai, Thái Lan. 
[Ảnh: Jack Board]

Cá và ngập lụt

Boonme Dejsuthi đã sống trọn 54 năm ở Nong Khai, Thái Lan.  Năm qua là năm khó khăn nhất.
Quan niệm về thế giới của ông thật bình dị từ bờ sông cao ngất trông ra một khúc quanh hiền hòa của sông Mekong và cơ sở nuôi cá nhỏ của ông là một nỗ lực đáng tự hào.
Nay, bên kia bờ sông, phía Lào của biên giới quốc tế ở giữa sông, một cỗ máy đói đang xúc cát trên cạn.  Tiếng búa vang dội ngang qua dòng sông là âm thanh biểu tượng cho những thay đổi ảnh hưởng đến dòng sông.

Việc trồng rau trở nên khó khăn hơn vì bờ sông Mekong ít ổn định và ít mầu mỡ hơn. 
[Ảnh: Jack Board]

Việc nuôi cá và trồng rau của Boonme đã bị thiệt hại nặng trong những tháng qua.  Ông đổ cho việc xây dựng đập Xayaburi và việc kiểm soát lưu lượng sau đó đã gây thiệt hại, với trận càn quét sau cùng khiến ông mất trên 6.500 USD.
Ông nói: “Trước khi có đập, dòng nước và thời điểm nước lên xuống rất tự nhiên.  Nay, chúng không còn tự nhiên nữa.  Khi đập xả nước, nó chảy rất nhanh, đẩy cá của tôi đi và cuối cùng giết chúng.”
“Ngày trước, nông dân có thể trồng rau dọc theo bờ sông, nhưng họ không thể tiếp tục làm vì rau cải của họ bị ngập.  Chúng tôi không thể thấy đáy sông nhưng bây giờ, nước rất trong đến nỗi tôi có thể thấy đáy sông qua lưới.  Ánh sáng chiếu thẳng vào cá.  Nó làm nhức cả đầu.
“Lần sau khi trở lại, có thể anh không còn thấy tôi và trang trại của tôi nữa.  Tôi không biết tôi có thể tranh đấu bao lâu nữa.”

Boonme Dejsuthi mất hàng ngàn con cá vì mực nước sông lên xuống bất thường.
 [Ảnh: Jack Board]

Xa hơn về phía thượng lưu ở Ban Muang, dòng nước trông giống như một mê cung tinh vi, nơi nước đổ qua những mỏm cát và đá.  Anuaworrarat Chani, một người lái đò kinh nghiệm và rất thành thạo trong việc đi lại qua các nơi đặc biệt của Mekong.  Ngay với anh, tình trạng của sông cũng lạ lùng.
Anh nói: “Những ngày nầy, nước ngập trong mùa khô và mực nước xuống thấp trong mùa mưa.  Đây là điều bất thường.”
Các chuyên viên đồng ý rằng mặc dù ảnh hưởng của đập Xayaburi đối với hạ lưu vực Mekong là hiển nhiên, những ảnh hưởng lâu dài của nó vẫn chưa được biết.  MRC, một cơ quan phối hợp với các chánh phủ của 4 quốc gia thành viên – Thái Lan, Việt Nam, Cambodia và Lào – để quản lý dòng sông và đánh giá ảnh hưởng xuyên biên giới của dự án đập, nói còn quá sớm để phê bình dự án, mặc dù các dự án thủy điện “gây ảnh hưởng tai hại cho hệ sinh thái của sông và gây nguy hại cho tính khả chấp của nó.”

Anuworrarat Chani đi qua khúc sông Mekong cạn và trong ở gần Ban Muang. 
[Ảnh: Jack Board]

“Vào lúc nầy, còn quá sớm để kết luận.  Chúng ta cần dữ kiện điều hành đập ít nhất là một năm để phân tích,” Văn phòng MRC cho CAN biết trong một văn bản.
Nhưng người dân như Anuworrarat đã nổi giận.  “Đó là vì có một nhóm người nghĩ đến tư lợi, mà xem thường và không nhận thức quyền lợi của người khác và môi trường sẽ biến mất,” anh nói.  “Tôi muốn thấy đập Xayaburi là đập cuối cùng.  Tôi không muốn có thêm đập trên sông Mekong.”
Với các kế hoạch được dự trù trong tương lai cho 9 đập nữa ở Lào và 2 đập ở Cambodia, hầu như anh sẽ không đạt được ước nguyện của mình.  Hạ tầng cơ sở cho con đập kế tiếp đã sẵn sàng.  Cái sẽ thấy đã rõ – nó là bản sao của Xayaburi.

Các nhà hoạt động môi trường nói nước sông Mekong trong là đáng lo 
vì nước không có phù sa. [Ảnh: Jack Board]

“Điện và tình thương”

Hình ảnh Phật vàng ở động Pak Ou in bóng trước dòng chảy đục ngầu của sông Mekong.  Du khác tụ tập ở đây để chụp ảnh và cầu nguyện.  Một số người địa phương hy vọng rằng nó không là điểm thu hút du khách duy nhất trong vùng trong vài năm tới.
Khoảng 30 km về phía bắc Luang Prabang, dự án khổng lồ kế tiếp trên dòng chánh Mekong ở Lào đang được hình thành, một hành trình ngắn bằng tàu về phía thượng lưu động nổi tiếng nầy.
“Nếu đập được xây, nhiều người sẽ đến thăm.  Sẽ có khách sạn.  Họ đến và ở lại.  Sẽ rất vui,” người lái đò địa phương nói khi anh lái chiếc tàu đi qua lá cờ vàng đánh dấu vị trí tương lai của đập Luang Prabang.

Công nhân thử đất trong vùng dự án trước khi việc xây cất đập Luang Prabang khởi sự. 
[Ảnh: Jack Board]

Đập mới nầy đang ở trong giai đoạn tham vấn, sẽ kết thúc vào tháng 4.  Việc cứu xét kỹ thuật và đánh giá sơ khởi dự án đang được MRC thực hiện.  Các kết quả sẽ được dùng để đề nghị các hướng dẫn, nhưng không cần phải thi hành.
Đập cũng giống như đàn anh Xayaburi của nó nhưng với công suất cao hơn một chút, sẽ xuất cảng sang Việt Nam và Thái Lan.  Các nhóm môi trường đã có nhiều lo ngại.
Pianporn Deetes, Phối trí viên Thái Lan của tổ chức phi chánh phủ International Rivers, nói: “Chúng tôi nghĩ không nên xây đập Luang Prang.  Mặc dù có rất nhiều thông tin khoa học về ảnh hưởng của đập, việc xây đập vẫn tiếp tục mặc cho những cảnh báo thảm khốc nầy.”

Khúc sông Mekong nầy sẽ được dùng để xây đập Luang Prabang. 
[Ảnh: Jack Board]

Nhưng quan trọng cho tương lai của dự án, nó được sự ủng hộ của chánh phủ Lào.  TS Davong nói: “Vì chúng ta đang bị bao vây bởi những thị trường đang lên như Việt Nam, Thái Lan hay Trung Hoa, điều nầy có nghĩa là nếu các quốc gia đó cần sự sản xuất của dự án, dĩ nhiên, chúng ta phải phát triển nó.  Người dân cần năng lượng, phải không?”
Vị trí [đập Luang Prabang] ở gần hợp lưu với sông Nam Ou, một phụ lưu quan trọng của Mekong.  Ở đây, nhà phát triển Trung Hoa PowerChina đang bận rộn ráp nối 7 đập với khẩu hiệu “Xây dựng một Tương lai Tốt đẹp bằng Điện và Tình thương.”

PowerChina đang xây 7 đập trên sông Nam Ou, dự trù sản xuất điện để xuất cảng. 
[Ảnh: Jack Board]

Qua sương mù, khung đập bê tông dang dở vươn lên trên dòng nước đang biến đổi hoàn toàn và nhanh chóng.  Nhiều dân làng trong vùng bị ảnh hưởng đã được tái định cư đến các thị trấn hiện đại hơn nơi có đường sá rộng rãi, trường học bận rộn và người dân nói về cuộc sống hạnh phúc của họ, trong lúc đại diện công ty lắng nghe.  Ở các nơi khác của Nam Ou, việc tái định cư và bồi thường vẫn còn tranh cãi.
Việc tái định cư người dân địa phương không thể tránh được trong các dự án chuyển đất như dự án nầy.  Hồ chứa tương lai của đập Luang Prang sẽ làm cho làng Ban Houy Yor bị ngập, ký ức bị danh nghĩa của sự tiến bộ cuốn đi.
Người dân sẽ được cấp nhà mới nhưng dư luận địa phương chia rẽ về tương lai của họ.  Một người dân lớn tuổi nói: “Họ khoan ở đây và ở đó.  Nhiều lúc họ khoan rất gần khiến nhà cửa rung rinh.  Vâng, chúng tôi muốn dời đi.  Họ bảo chúng tôi dời đi và rồi chúng tôi sẽ phải đi thôi.”

Người dân tái định cư đến nhà mới xây. [Ảnh: Jack Board]

“Nếu tôi dời đi, tôi không biết tôi có thể sinh sống hay làm ăn.  Ở đây, tôi trồng hoa màu.  Tôi cũng nuôi trâu.  Tôi không muốn dời đi nhưng tôi nghĩ tôi không thể coi thường,” một người dân khác giải thích.
Tồn tại là lẽ sống của các cộng đồng khiêm tốn nầy.  Họ sống và chết với môi trường, nhưng đang thay đổi chưa từng thấy.
Trở lại động Pak Ou, những người đàn bà từ các làng nhỏ ven sông đứng dọc theo lối vào để bán các vòng đeo tay đủ màu rẻ tiền cho du khách qua lại, trong khi cho con bú, nhiều đứa khóc vang trong trời nóng.  Hạn hán xảy ra nặng nề trong năm qua nên họ không có cách nào khác để kiếm thêm lợi tức để nuôi gia đình.
Thay đổi khí hậu đang gậm nhấm Lào và đây là một trong những lý do chánh phủ thừa nhận họ phải cứu xét cẩn thận sự lệ thuộc vào thủy điện.

Làng ven sông Ban Houy Yor sẽ bị ngập và người dân buộc phải dời cư nếu đập Luang Prabang tiếp tục. [Ảnh: Jack Board]

Một tương lai đáng ngại

Những thập niên lù lù hiện ra cho thấy chấn thương khí hậu của Mekong.  Và những ngày thanh bình trên sông có thể đếm được nếu các tiên đoán thành sự thật.
Nó đặt sự sống còn của kỹ nghệ thủy điện trên sông Mekong, ảnh hưởng bởi nhu cầu nước của Trung Hoa, vào tình trạng vô cùng nguy hiểm.  Cambodia đã lâm vào tình trạng thiếu điện nghiêm trọng trong năm qua khi lượng mưa và mực nước sông thấp, đồng nghĩa với việc đập không thể hoạt động như dự trù.
Một phúc trình của MRC cho thấy nhiệt độ trung bình được dự đoán sẽ gia tăng khoảng 0,8 độ Celcius vào năm 2030, con số sẽ tăng lên trong suốt thời gian còn lại của thế kỷ, mỗi mức gia tăng nâng cao mức độ và phạm vi của ảnh hưởng.

Thay đổi khí hậu được dự đoán sẽ thay đổi cuộc sống trên Mekong mạnh mẽ hơn. 
[Ảnh: jack Board]

Nó cũng cho biết lưu lượng hàng năm của sông Mekong chảy qua thủ đô Vientiane chỉ còn 50% trong vòng 40 năm sắp tới, trong “tình huống khí hậu khô”.  Theo MRC, thiệt hại trung bình hàng năm do ngập lụt lên đến 60 hay 70 triệu USD trong hạ lưu vực.
Văn phòng MRC cho biết: “(Thay đổi khí hậu) gây ngập lụt, hạn hán và nước mặn xâm nhập.  Nó cũng làm cho nhiệt độ gia tăng và dòng nước Mekong giao động như được quan sát.  Ảnh hưởng của thay đổi khí hậu sẽ nghiêm trọng hơn trong tương lai.”
Một nghiên cứu của USAID [U.S. Agency for International Development (Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ)] năm 2014 còn đáng lo ngại hơn.  Nó ước tính rằng cuộc sống của ít nhất 60 triệu người trong vùng sẽ đối mặt với thiệt hại liên quan đến lũ lụt, nước biển dâng và bệnh tật liên quan đến khí hậu.
Hạn hán có thể làm cho 4 quốc gia thành viên của MRC thiệt hại 615 triệu USD mỗi năm vào năm 2030, và 5 lần nhiều hơn vì lũ lụt.  Nông nghiệp và ngư nghiệp đối mặt với hàng chục tỉ USD thiệt hại hàng năm và hạ tầng cơ sở trị giá ít nhất là 18 tỉ USD có thể bị ngập thường xuyên hay vĩnh viễn.

Đào cát gây thêm tai họa cho hệ thống sông căng thẳng. [Ảnh: jack Board]

Có một dự đoán cho rằng chánh phủ Lào nhận thấy sự cần thiết để “nghĩ lại” về việc phát triển đập.  TS Davong nói: “Thông thường, trước thay đổi khí hậu, mỗi 10 năm thì có một năm hạn hán nghiêm trọng.  Nay nó ngắn hơn.  Nhiều năm có rất nhiều mưa hay có hạn hán và mưa với nhau.  Nên hiện nay rất khó để điều hành hay chú trọng vào sản lượng của thủy điện.  Chúng tôi phải suy nghĩ cẩn thận hơn, và nhiều hơn và có thể phát triển cách nầy hay cách khác.”
Ông cho biết chánh phủ cũng muốn gia tăng việc phát triển năng lượng mặt trời trên cả nước, mà giá cả thị trường trước đây khiến nó không được sử dụng.  Theo International Rivers, đó là sự phát triển đáng hoan nghênh, nhưng cho đến nay vẫn là một lời hứa rỗng tuếch.
Pianporn nói: “Nó chưa được biến thành hành động có ý nghĩa, bao gồm việc tạm ngưng hay hủy bỏ các dự án thủy điện.”

Hạn hán gây ra vấn đề an ninh lương thực cho Mekong. 
[Ảnh: Jack Board]

Cùng lúc, an ninh lương thực và an ninh là một vấn đề đang lù lù hiện ra.  Ngoài sản lượng cá thất thường, việc sản xuất lương thực không có hóa chất dọc theo sông Mekong đang lâm nguy vì đất suy thoái do thiếu phù sa hay sạt lở do lưu lượng sông giao động.
Ormbun Thipsuna, đại diện của Hệ thống Cộng đồng Đông bắc trong 7 Tỉnh của Lưu vực sông Mekong ở Thái Lan (Northeast Community Network in 7 Provinces of the Mekong River Basin in Thailand), nói: “Thay vì ăn rau cải hữu cơ, ngày nay, chúng tôi phải ăn rau cải được trồng với thuốc trừ sâu rầy.  Gánh nặng trên vai chúng tôi, và chúng tôi không có cơ hội để tranh luận hay lên tiếng chống lại.  Tôi nghĩ sông Mekong hiện nay rất lo sợ.  Nó cũng không thể đoán trước được.  Nó không còn giống như Mekong nữa.”
Tâm trạng và động lực của nhiều người dân địa phương sống dọc theo sông đang xuống thấp như nước trong trước mặt họ.  Và những ai hoạt động cho sự lành mạnh của Mekong có ít hy vọng để cứu vãn dòng sông của họ.

Hoàng hôn trên sông Mekong gần Luang Prabang ở đông bắc Lào. 
[Ảnh: Jack Board]

Montri nói: “Ngày nay, cá nhân tôi cảm thấy đau buồn nhiều hơn tức giận.  Cuối cùng, 4 quốc gia thành viên ở hạ lưu vực Mekong không nhận ra rằng sông Mekong là một con sông của người dân cần được bảo tồn.  Ngôn ngữ ở đây là tìm lợi nhuận.”
“Có nhiều ngôn từ tốt đẹp nói rằng sông Mekong thuộc về 60 triệu người, nuôi sống 60 triệu người.  Đó chỉ là những lời giới thiệu tốt đẹp, nhưng chúng làm cho người ta hiểu lầm.  Không có chuyện 60 triệu người sở hữu Mekong.”



No comments:

Post a Comment