Sunday, February 9, 2020

ĐẬP DÒNG CHẢY GẶP PHẢI SỰ BẢO TỒN



(Run-off dam met with reservation)

Apinya Wipatayotin – Bình Yên Đông lược dịch
Bangkok Post – January 7, 2020


Vị trí đập Luang Prabang trên sông Mekong ở Lào. [Ảnh: RFA]

Người Thái lo sợ ảnh hưởng của các đập ở Lào nhưng quên rằng nhu cầu điện của họ cần phải được đáp ứng.

Giám đốc Quy hoạch và Chánh sách Năng lượng của Lào nói rằng nhà máy thủy điện được dự trù ở Luang Prabang sẽ không có ảnh hưởng xuyên biên giới đáng kể với Thái Lan, và thêm rằng, với sự ủng hộ của Thái Lan, dự án sẽ mang lợi ích đến tất cả mọi người.

Giám đốc Chansaveng Buongnong nói việc sản xuất thủy điện là trọng tâm của chiến lược phát triển kinh tế nòng cốt của Lào vì nguồn tài nguyên dồi dào thích hợp cho các dự án như vậy.  Ông nói: “Lào có các khách hàng quan trọng trong khu vực, như Thái Lan, thường mua điện từ các nhà máy của Lào.  Hơn nữa, những dự án nầy giúp giảm mức thất nghiệp và phát triển nông thôn.”

Ông cũng nhấn mạnh rằng kế hoạch thủy điện của Lào chỉ có ảnh hưởng giới hạn đối với hệ sinh thái sông của Thái Lan, vì “máng cá” được xây cất đặc biệt để cho phép cá tiếp tục sống và sinh sản dọc theo khúc sông bị ngăn đập.

Trong buổi họp đầu tiên của Thủ tục Thông báo, Tham vấn Trước và Thỏa thuận (Procedure for Notification, Prior Consultation and Agreement (PNPCA)) cho dự án ở Nakhon Phanom, ông cho biết: “Các bộ trưởng năng lượng của chúng tôi đã thảo luận về dự án, nâng cao lòng tự tin của chúng tôi về tương lai của dự án.  Đây sẽ là đập dòng chảy thứ hai sau đập Xayaburi, có thể bắt đầu hoạt động trong năm nay.”

Các buổi họp PNPCA thứ hai và thứ ba sẽ được tổ chức ở Amnat Charoen và Loei trong tháng tới.  Thủ tục được ấn định qua thỏa thuận hợp tác phát triển khả chấp Mekong được Cambodia, Lào, Việt Nam và Thái Lan ký kết hồi năm 1995.

Bất cứ nhà phát triển nào quy hoạch 1 dự án trên dòng chánh Mekong phải lắng nghe những quan ngại về dự án của các thành viên khác.  Nói như thế, thỏa thuận không cho các thành viên khác có quyền phủ quyết dự án.

Nhưng Hệ thống Nhân dân 8 Tỉnh dọc theo sông Mekong đả kích kịch liệt đập Luang Prabang, cho rằng thủ tục PNPCA không bảo vệ và bảo tồn tài nguyên sông Mekong.  Họ kêu gọi chánh phủ đầu tư vào các nguồn năng lượng thay thế để giảm nhập cảng điện từ Lào.  Họ nói rằng việc tiêu thụ điện rất cao ở Thái Lan là yếu tố chánh hình thành việc xây dựng thêm các nhà máy thủy điện ở Lào.

Dự án, do chánh phủ Lào và một tổ hợp công ty Thái Lan và Việt Nam đồng sỡ hũu, sẽ là một nhà máy thủy điện dòng chảy có công suất khoảng 1.460 MW xây trên sông Mekong, giữa đập Pak Beng ở phía bắc và đập Xayaburi ở phía nam.  Điện sản xuất được dự trù xuất cảng sang Thái Lan và Việt Nam.

Việc xây cất được dự trù sẽ hoàn tất vào năm 2027, và được thực hiện bởi CH Karnchang, công ty đứng sau đập Xayaburi.  Chansaveng nói rằng đập Luang Prabang, giống như đập Xayaburi, có thể chịu đựng được lũ và động đất lớn và cải thiện việc quản lý nước trong vùng.

Tuantong Jutagate, Khoa Nông nghiệp của Đại học Ubon Ratchathani, nói thách thức hiện nay là minh chứng các máng cá có giúp ích cho số cá trong sông hay không, vì một số chủng loại cá cần độ sâu để sinh sản.  Ông nói: “Có ít nhất 7 chủng loại cá địa phương sẽ biến mất vì không còn các cù lao nhỏ dọc theo sông mà chúng nương tựa.  Không có những biện pháp để giới hạn ảnh hưởng của đập, và đây chắc chắn là một vấn đề xuyên biên giới sẽ có ảnh hưởng đến số cá trong sông.”


Lào có kế hoạch xây tổng cộng 5 đập dòng chảy trên sông Mekong – Xayaburi, Don Sahong, Pak Beng, Pak Lay và Luang Prabang.  Suriya Kotamee, chủ tịch hệ thống nghiên cứu ở địa phương chú trọng đến hạ lưu sông Songkram, bày tỏ lo ngại vì dự án sẽ gia tăng áp lực lên sông Mekong và các phụ lưu đã bị việc xây cất đập Xayaburi ảnh hưởng.  Ông thêm rằng cư dân bị ảnh hưởng của đập Xayaburi chưa nhận được bất cứ trợ cấp nào từ chánh phủ.  Ông nói: “Lưu lượng giảm sẽ giáng 1 đòn chí tử vào số cá đã giảm và cộng đồng sống nhờ vào sông.  Một ngân khoản phải được thiết lập để giúp cho người dân ở hạ lưu Mekong bị ảnh hưởng bởi đập.”


Somkiat Prajamwong, tổng thư ký của Văn phòng Ủy ban Quốc gia Thủy Lợi, cam kết đệ trình tất cả ý kiến trong buổi họp với Ủy ban Mekong Quốc gia Thái Lan và Vientiane.  Ông cũng nói rằng mặc dù đập Luang Prabang có ảnh hưởng đối với Thái Lan ít hơn đập Xayaburi, bất cứ công tác nào của dự án phải được quản lý thích đáng để bảo đảm rằng chúng ít gây ảnh hưởng đến môi trường và nhu cầu ở địa phương phải được cứu xét.
Ông nói: “Những khiếu nại về đập Xayaburi phải được cứu xét.”

.

No comments:

Post a Comment