(SE Asia slowly but
surely sinking into the sea)
Dan Southerland – Bình Yên Đông lược dịch
Asia Times – January 8, 2020
Một người đàn ông đang sửa đồng hồ điện
sau trận mưa to ở
Jatinegara, Jakarta, Indonesia.
[Ảnh: Anton Raharjo/AFP]
Vùng duyên hải trong khu vực dễ bị
tổn thương vì mực nước biển dâng do thay đổi khí hậu nhiều hơn dự đoán trước
đây.
Thành phố Hồ Chí Minh bị ngập lụt liên tục, trong khi Bangkok
tiếp tục lún dưới mực nước biển.
Nó giống như một bộ phim khoa học giả tưởng ở Đông Nam Á
(ĐNA). Nhưng đó là cái mà các chuyên
viên dự đoán sẽ xảy ra trong vòng 2 đến 3 thập niên sắp tới ở trung tâm đô thị
quan trọng của Việt Nam và Thái Lan, nếu chiều hướng hiện nay vẫn tiếp diễn.
Một nghiên cứu mới đây được một số người gọi là “phúc trình
tận thế” cho rằng mực nước biển dâng có thể làm ngập gấp 3 diện tích đất được
dự đoán trước đây.
Nếu nghiên cứu chính xác, ĐNA rất dễ bị tổn thương, với một
phần của thành phố Hồ Chí Minh và Bangkok sẽ chìm xuống nước vào năm 2050. Trong khi đó, hàng triệu người ở Đồng bằng
sông Cửu Long của Việt Nam (ĐBSCL), vùng trồng lúa phì nhiêu của cả nước, có
thể phải chạy khỏi vùng duyên hải.
Phúc trình, do Nhóm Liên Chánh phủ về Thay đổi Khí hậu Liên
Hiệp Quốc (United Nations Intergovernmental Panel on Climate Change (IPCC))
biên soạn với sự hợp tác của trên 130 khoa học gia trên khắp thế giới, được
công bố hồi tháng 9 năm ngoái.
Mực nước biển dâng ở ĐNA được thúc đẩy bởi việc phóng thích
khí nhà kiếng nhân tạo, thay đổi khí hậu, nước ấm, lượng mưa nhiều, và tuyết
tan nhanh ở Bắc và Nam Cực. Đặc biệt,
lớp băng Tây Nam Cực sụp đổ sớm hơn và nhanh hơn dự đoán.
Phúc trình IPCC điều chỉnh dữ kiện cao độ do vệ tinh đo đạc
và khẳng định rằng vùng duyên hải dễ bị ảnh hưởng của nước biển dâng nhiều hơn
ước tính trước đây. Nó nói rằng các tình
huống nước biển dâng trong quá khứ đã ước tính diện tích đất bị mất và dân số
phải dời cư thấp hơn khoảng 1/3.
Tính dễ tổn thương đối với thay đổi
khí hậu ở ĐNA tùy thuộc vào việc tiếp xúc với nguy hiểm khí hậu, tính nhạy cảm
và khả năng thích ứng.
0 = Dễ tổn thương thấp nhất, 1 = Dễ tổn thương cao nhất.
[Ảnh: ReserachGate]
Tuy nhiên, mặc dù công nhận phúc
trình IPCC được soạn thảo bởi các nhà nghiên cứu đứng đắn, một số khoa học gia
cho rằng nó mô tả “tình huống xấu nhất” cần được kiểm chứng và bảo vệ đối với
dữ kiện của chính họ.
Những người sẽ hay đã chịu ảnh hưởng
của nước biển dâng vì thay đổi khí hậu hầu như là những nông dân hay ngư dân
nghèo sống dọc theo hay gần duyên hải ở ĐNA.
Một bài viết được công bố gần đây của
Climate Central, một tổ chức bất vụ
lợi, gây sóng gió ở Việt Nam khi nó tiên đoán rằng phần lớn ĐBSCL sẽ chìm xuống
nước vào năm 2050, Financial Times
tường trình.
Đối với người đọc trung bình, cái
đáng ngạc nhiên nhất có lẽ là nguồn gốc của nước biển dâng đến từ Bắc và Nam
Cực xa xôi. Dòng nước biển phải mang mực
nước biển dâng trên 6.000 miles để đến Bangkok và thành phố Hồ Chí Minh.
Như National Geographic giải thích,
“sự sụp đổ nhanh chóng không biết trước của lớp băng, hay lớp đất đông đặc
thường trực, ở Bắc Cực, có thể bơm thêm hàng tỉ tấn methane và carbon dioxide
vào khí quyển mỗi năm – mối đe dọa chưa được tính đến trong các mô hình khí
hậu.”
Tóm lại, điều nầy giống như một thảm
họa đi chậm nhưng tăng tốc mà nhiều nơi trên thế giới ít biết đến. Lãnh đạo của một số quốc gia biết rất rõ tình
huống. Năm 2015, 195 quốc gia ký kết một
thỏa ước được biết là Thỏa ước Paris (Paris Accord), ấn định mục tiêu để giới
hạn hâm nóng toàn cầu và lượng phóng thích khí nhà kiếng.
Nhưng trong 2 tuần thương thảo gần
đây ở Madrid, Spain, đại diện của gần 200 quốc gia tham dự thượng đỉnh khí hậu
đã thất bại trong việc tăng cường mục tiêu để cắt giảm lượng phóng thích khí giữ
nhiệt trong khí quyển.
Việc tài trợ cho các quốc gia nghèo
để chuyển sang kỹ thuật ít gây ô nhiễm hơn là một trong những vấn đề lôi thôi
nhất khiến thượng đỉnh thất bại, theo tường trình của The Wall Street Journal.
Việc Hoa Kỳ đe dọa rút lui khỏi thỏa ước “gây thêm thách thức trong việc
cắt giảm khí nhà kiếng cao kỷ lục,” bài báo cho biết.
Thành phố Hồ Chí Minh, nằm trong châu
thổ sông Sài Gòn cạnh ĐBSCL, đã đối mặt với ngập lụt hàng năm do sự kết hợp của
giông bão, mưa nhiều, và xả nước từ hồ chứa ở thượng lưu.
Ngập lụt ở ĐBSCL. [Ảnh: IMF/Twitter]
Vẫn được người dân gọi là Sài Gòn,
tên trước thời cộng sản, thành phố Hồ Chí Minh là một trong những thành phố
tăng trưởng nhanh nhất ở ĐNA, với dân số khoảng 9 triệu người.
Thành phố, nơi có mật độ dân số cao
nhất Việt Nam, cung cấp 21% tổng sản lượng quốc gia (gross domestic product
(GDP)). Theo nhật báo mạng VnExpress của Việt Nam, thành phố Hồ Chí
Minh có kế hoạch chi tiêu 354 triệu USD cho các dự án ngừa lụt trong năm
nay. Các dự án nầy bao gồm khu trung tâm
thành phố và một số vùng phụ cận. Giới
chức của thành phố cũng đang thảo luận khả năng xây một đập kiểu sông Thames để
ngăn chận lụt lớn trong tương lai.
Ở Cà Mau, trong ĐBSCL, truyền thông
nhà nước vừa cho biết chánh quyền vừa di tản và xây nhà mới cho 5.000 người bị
ảnh hưởng của nước biển dâng. Khi nói đến
Việt Nam và Thái Lan, người dân dường như biết rằng nước sẽ ngập nhiều hơn và
đến sớm hơn dự đoán trước đây.
Nhưng nhiều nguồn tin ở Bangkok và
thành phố Hồ Chí Minh vừa cho biết rằng đe dọa từ biển không được lãnh đạo
chánh phủ Việt Nam và Thái Lan chú ý.
Bangkok, một thành phố có 8,2 triệu dân, được xây trên đầm lầy và nhà
cửa đã lún đến 20 mm trong những năm qua, theo các khoa học gia. Trong một cuộc phỏng vấn của Nik Martin,
phóng viên truyền thanh cho Deutsche Welle, một khoa học gia hàng đầu của Thái
Lan vừa nói rằng nếu cộng tất cả các con số lại, mức lún sẽ vào khoảng 3 cm,
hay 30 mm, một năm.
Công nhân xây giai đoạn 1 của kè ngừa
lụt và cải thiện bờ kinh chung quanh Klong Prem Prachakorn ở Don Muang,
Bangkok. [Ảnh: AFP]
Anond Sanitwong, giám đốc Cơ quan
Phát triển Kỹ thuật Không gian và Địa Tin Thái Lan (Thai Geo-Informatics and
Space Technology Development Agency (GISTDA)), nói về phúc trình: “Nó rất
nhanh.” Theo Arnond, mặc dù bị ngăn cấm
chánh thức, trên 50% sụt lún là do khai thác nước ngầm kỹ nghệ.
Trích lời các nhà khoa học, Martin
tường trình rằng chánh phủ Thái Lan “bỏ qua sự kiện Bangkok đang sụt lún trong
nhiều năm.” Thủ đô Thái không đơn độc
trong vấn đề nầy. Tổng thống Indonesia Joko
Widodo tuyên bố trong mùa hè vừa qua rằng nước ông sẽ dời thủ đô từ Jakarta
đang chìm xuống biển đến Kalimantan trên đảo Borneo. Những vùng phụ cận Jakarta bị ảnh hưởng nặng
nề nhất với mức độ từ 10 đến 20 cm mỗi năm, một trong những mức sụt lún nhanh
nhất trên thế giới.
Vào ngày 3 tháng 1, Wall Street Journal trích dẫn một phúc
trình của Ngân hàng Thế giới nói rằng 40% của Jakarta đã chìm dưới mực nước
biển, phần lớn vì cư dân dựa vào nước ngầm để dùng hàng ngày, khiến mặt đất sụt
lún. Kết quả là, nước không chảy ra biển
như thường lệ. Phúc trình của Ngân hàng
Thế giới ghi nhận rằng người nghèo ở Jakarta là thành phần sản suất của kinh tế
thành phố nhưng “dễ bị tổn thương nhất vì ngập lụt.” Điều đó được nhìn thấy trong các trận lụt vừa
qua ở Jakarta khiến ít nhất 60 người chết và trên 170.000 phải tạm lánh cư.
Một người đàn ông đi giữa lụt lớn ở
Jakarta, 2 tháng 1 năm 2020.
[Ảnh: Donal Husni/AFP]
Ở Philippines, hiện tượng sụt lún
tương tự đang ảnh hưởng các đảo ở xa hay dọc theo duyên hải gần thủ đô
Manila. AFP tường trình vài tháng trước
rằng một số thị trấn ven biển ở Philippines đối mặt với thảm họa vì sụt lún
đất. Một nguyên nhân là các giếng đào
trái phép của các nhà máy và nông trại.
Sự sụt lún đều đặn của một số thị trấn và làng mạc ven biển như Sitio
Pariahan, cách Manila khoảng 10 km về phía bắc, khiến nước lợ tràn vào. Theo tờ Philippines
Star trên mạng, “nước biển dâng vì hâm nóng toàn cầu có thể làm cho làng
không còn sinh sống được.”
Trong lúc đó, dọc theo bờ sông dài
2.700 miles của Mekong, chảy qua 6 quốc gia Trung Hoa, Myanmar, Lào, Thái Lan,
Cambodia và Việt Nam, nguy cơ thay đổi khí hậu đặc biệt cao.
Trên 60 triệu người dựa vào con sông dài nhất
ĐNA và phụ lưu của nó để có thực phẩm và vận chuyển. Nhưng theo các khoa học gia, bờ sông ở hạ lưu
Mekong càng ngày càng bị đe dọa bởi nước biển dâng, nước mặn xâm nhập và mất
phù sa vì các đập ở thượng lưu ở Trung Hoa và Lào giữ lại.
Sơ lược về tác giả
Dan Southerland nguyên là chủ bút
điều hành tại Radio Free Asia.
.
No comments:
Post a Comment