Monday, July 30, 2018

Vỡ đập thủy điện ở Lào: Hàng loạt đập xả nước, sông Mê Kông khó lường


Chí Nhân

27/7/2018
Sau sự cố vỡ đập thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy, hàng loạt con đập khác ở Lào đã tiến hành xả nước để bảo đảm an toàn. Điều này khiến nước sông Mê Kông trong những ngày tới diễn biến khó lường.


Sông Mê Kông chảy qua địa phận thành phố Cần Thơ
Ủy hội Mê Kông

Báo Vientiane Times (Lào) ngày 26.7 dẫn lời một quan chức phụ trách năng lượng trong Chính phủ nước này cho biết: Hiện có 3 đập đang tiến hành xả nước là đập Nam Ngiep 2 công suất 180 MW (tỉnh Xieng Khuang), Nam Phay công suất 86 MW (tỉnh Xaysomboun) và Nam Tha 1 công suất 168 MW (giữa tỉnh Bokeo và Luang Namtha).
Ngày 24.7, đập thủy điện Nam Theun 2 (tỉnh Khammuan) cũng lên kế hoạch tạm ngưng phát điện để xả nước. 

Cục Quản lý năng lượng Lào xác nhận ngày 25.7 đã đồng ý với yêu cầu xả nước của ban quản lý của Nam Tha 1 và Nam Ngiep 2. Việc xả nước để bảo đảm an toàn đập.

Vientiane Times cho biết thêm: Trong những ngày qua, tại Lào nhiều nơi vẫn đang xảy ra mưa lớn làm cho mực nước trên các sông nhánh và cả dòng chính Mê Kông tăng lên nhanh chóng.
Số liệu của Bộ Năng lượng và Mỏ Lào cho biết nước này hiện có 51 nhà máy thủy điện với tổng công suất phát điện lắp đặt là 6.984 MW. Ngoài ra Lào còn 46 dự án đang trong giai đoạn xây dựng và 112 dự án khác đang nghiên cứu triển khai.

Source:



Vỡ đập thủy điện tại Lào và lời cảnh tỉnh cho tham vọng ‘đấu Trời đấu Đất’ của Trung Quốc


29/7/2018

Trong tứ họa có tính chất tàn phá mạnh mẽ nhất trên đời là “Thủy – Hỏa – Đạo – Tặc”, Thủy đứng đầu bởi “Trên thế gian không có thứ gì yếu mềm như nước, nhưng lại không có thứ mạnh mẽ nào có thể thắng được nước” (Lão Tử).
Thiên tai, thảm họa có liên quan tới nước từ bao đời vẫn là những điều con người không thể kiểm soát và khi nó xảy ra thì hậu quả là rất tang thương. Lũ lụt, mưa bão, sóng thần… là phản ứng chủ động của thiên nhiên. Nhưng vỡ đê, vỡ đập dẫn tới tai họa khôn lường là cái họa do con người tự tay bấm nút khởi động.

Sông Mê Kông và Việt Nam: Nạn nhân của những con đập thủy điện ở thượng nguồn

Ủy hội sông Mê Kông (Mekong River Commission – MRC, tiền thân là Ủy ban sông Mê Kông 1957) đã được thành lập vào năm 1995 với sự tham gia của 4 quốc gia tại lưu vực sông gồm Việt Nam, Thái Lan, Lào và Campuchia. Dù là nước kiểm soát dòng chảy trực tiếp tại phần thượng nguồn sông Mê Kông, nhưng Trung Quốc từ chối tham gia hiệp hội mà chỉ là đối tác của Ủy hội cùng với Myanma.

Ủy hội sông Mê Kông đã thực hiện rất nhiều nghiên cứu khoa học và đưa ra cảnh báo nhằm hạn chế và tạm dừng quá trình xây các đập trên sông Mê Kông. Theo tính toán của Ủy hội, lợi ích thu được từ việc phát triển thủy điện nhỏ hơn rất nhiều so với các tổn thất mà nó gây ra như thiệt hại nghề cá, thiệt hại nông nghiệp, sự tuyệt chủng của nhiều loại động thực vật… “Các dự án phát triển thủy điện làm ngưỡng đói nghèo gia tăng,” TS. Naruepon Sukumasvin, Ban Thư ký Ủy hội sông Mê Kông Quốc tế đã từng đưa ra cảnh báo. “Sản lượng đánh bắt cá ở hành lang sông Mê Kông sẽ giảm khoảng 1,57 tỉ USD”. 

Một nghiên cứu công bố năm 2017 của Đại học Mae Fah Luang tại Thái Lan cho biết nếu hơn 40 dự án đập thủy điện trên dòng chính và các nhánh của sông Mê Kông được xây dựng trước năm 2030, phúc lợi kinh tế đối với 4 quốc gia hạ nguồn sẽ là -7,3 tỷ USD. Thiệt hại từ lượng cá mất đi còn lớn hơn lợi ích từ 110.000 gigawatt giờ điện sản xuất được.

Tuy nhiên, mọi cảnh báo và các kiến nghị của Ủy hội sông Mê Kông cũng chẳng thể làm gì khi Trung Quốc không nằm trong Ủy hội và liên tục cho xây các đập thủy điện lớn trên lưu vực sông thuộc địa phận của mình. Tờ The Nation (Thái Lan) đưa tin Trung Quốc là một trong những quốc gia đầu tư mạnh mẽ nhất vào thủy điện trên sông Mekong bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế. Nước này đã xây dựng 8 đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mê Kông.

Con đập lớn nhất thượng lưu sông Mê Kông Nọa Trát Độ của Trung Quốc.

(Ảnh: youtube.com)

Khi con đập lớn nhất thượng lưu sông Mê Kông Nọa Trát Độ của Trung Quốc đi vào hoạt động, Milton Osborne, chuyên gia về Đông Nam Á tại Viện Lowy, một tổ chức tư vấn chính sách quốc tế ở Sydney, Australia, đã nói: “Những gì đang diễn ra ở Trung Quốc rốt cuộc sẽ thay đổi khả năng tạo ra lúa gạo và các sản phẩm khác của con sông dài nhất, quan trọng nhất Đông Nam Á, con sông trọng yếu đối với sinh kế của 60 triệu người ở hạ lưu”. “Mỗi con đập mà Trung Quốc xây lên đều tạo ra nguy cơ làm cạn kiệt dòng chảy lớn hơn, đặc biệt là khi cả đập Tiểu Loan và Nọa Trác Độ đều có vai trò là những đập trữ nước, hạn chế dòng chảy của sông”, ông Osborne chia sẻ thêm.

Sự vô trách nhiệm của Trung Quốc đã thúc đẩy các quốc gia hạ lưu sông cũng lên kế hoạch xây dựng đập thủy điện để kiếm lời khi mọi nỗ lực khai thác bền vững dòng sông đã trở nên vô nghĩa. Và Trung Quốc đã giúp đẩy nhanh quá trình này với vai trò là nhà đầu tư cung cấp vốn cho các dự án thủy điện trên sông Mê Kông của Lào, Campuchia. Con đập lớn nhất Campuchia, Sesan 2 có nhà đầu tư lớn nhất là Tập đoàn Hydrolancang International Energy, một công ty con của Tập đoàn Huaneng, Trung Quốc, nắm giữ 51% cổ phần. Tờ The Nation (Thái Lan) cho biết Trung Quốc cũng đứng sau hai dự án thủy điện lớn ở Lào, gồm đập Pak Beng và đập Pak Lai.

Việt Nam là nước nằm ở hạ lưu con sông bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng này, với tỷ lệ diện tích lưu vực là khoảng 9%, tỷ lệ dòng chảy 11%. Việt Nam không có đập thủy điện nào trên sông nhưng lại là quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất từ những đập thủy điện đặt dọc phía thượng nguồn con sông này.
“Một trong những nguyên nhân gây ra sạt lở ở đồng bằng sông Cửu Long là do các nước trên thượng nguồn sông Mê Kông gia tăng các hoạt động kinh tế, tập trung vào thủy điện, gây ra hệ lụy tiêu cực đối với hạ lưu”, ông Nguyễn Trường Sơn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) chia sẻ với báo chí.

Nguồn nước suy giảm do điều tiết chủ động từ các đập thủy điện khiến lưu vực hạ lưu sông khô cằn, hạn hán. Tình trạng xâm ngập mặn tăng nhanh và nguy cơ nước biển dâng cao đe dọa đời sống vùng đồng bằng sông Cửu Long. PGS, TS. Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Biến đổi khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ cho rằng vùng đồng bằng được hình thành do phù sa sông Mê Kông có thể bị sụt lún khi không còn được bồi đắp nữa. Đồng thời, chuyên gia về tài nguyên nước Nguyễn Thị Phương Lâm cho biết, khi phù sa bị giữ lại ở thượng nguồn, lượng chất dinh dưỡng cho sản xuất nông nghiệp ở vựa lúa của Việt Nam sẽ suy giảm khiến giảm năng suất cây trồng.



 Nguồn nước suy giảm do điều tiết chủ động từ các đập thủy điện khiến lưu vực hạ lưu sông khô cằn, hạn hán, nhất là ở những vùng hạ lưu của Việt Nam. (Ảnh: youtube.com)

Những tác hại của các đập nước trên sông Mê Kông đối với Việt Nam là quá hiển nhiên. Và không chỉ vùng đất ở hạ lưu sông phải chịu thiệt thòi, chính dòng sông ảnh hưởng tới đời sống của 60 triệu người dân sống trong lưu vực cũng sẽ trở thành nạn nhân của những con đập thủy điện.

Theo CGIRA – Nhóm Tư vấn Nông nghiệp Quốc tế, tính đến tháng 6/2018, có tổng cộng 750 con đập đã được hoàn thành, đang xây dựng và đã được lên kế hoạch xây dựng trên dòng sông Mê Kông (gồm cả các đập thuỷ điện, đập thuỷ lợi và các công trình chắn nước khác). Một báo cáo mới của Viện Bảo vệ Môi trường Mỹ vừa qua cho biết dự án xây dựng đập thủy điện lớn nhất sông Mê Kông – đập Sambor ở Campuchia (chủ thầu là Công ty Lưới điện Hoa Nam của Trung Quốc), có nguy cơ “giết chết” dòng sông chảy qua 6 quốc gia châu Á này. Và với quy mô được cho là lớn nhất sông Mê Kông, nếu được xây dựng, sức chứa của đập Sambor lớn hơn nhiều so với đập Xe Pian – Xe Namnoy vừa xảy ra sự cố nứt vỡ và lũ lụt kinh hoàng tại Lào.

Con sông trở thành nạn nhân của tham vọng chinh phục thiên nhiên của con người và cả những tính toán kinh tế. Nhưng luôn có những rủi ro tiềm ẩn cho chính những người trục lợi từ thiên nhiên. Có lẽ đã đến lúc các quốc gia đang chạy đua làm đập thủy điện để kiếm lời trên sông Mê Kông phải tham khảo xu hướng phá bỏ các con đập trên thế giới sau quá nhiều những hệ lụy nguy hiểm từ hành động cao ngạo của con người: Chinh phục và bắt thiên nhiên phải phục tùng ham muốn của mình.

Sự vô trách nhiệm của Trung Quốc đã thúc đẩy các quốc gia hạ lưu sông cũng lên kế hoạch xây dựng đập thủy điện để kiếm lời khi mọi nỗ lực khai thác bền vững dòng sông đã trở nên vô nghĩa – Bản đồ các đập thủy điện trên sông Mekong. (Ảnh: pinterest.com)

Xu hướng phá bỏ đập thủy điện của các quốc gia phát triển

Sau khi xét thấy lợi ích và tác hại của các đập thủy điện đã phản ánh hết sức rõ ràng trong thực tế, các quốc gia phát triển trên thế giới đã đi đầu trong phong trào gỡ bỏ các đập nước và đập thủy điện để hồi sinh những dòng sông.
Các đập thủy điện chắc chắn đã phá huỷ hệ thống sinh thái của những con sông, làm sụt giảm nghiêm trọng sự phong phú của các loài thuỷ sinh, ảnh hưởng tiêu cực tới các quyền lợi của cộng đồng cư dân trong lưu vực các con sông có công trình thủy điện. Chính vì thế, Hoa Kỳ đã cho gỡ bỏ hơn 1.380 đập nước trong hơn 100 năm qua (theo Hiệp hội Sông ngòi Hoa Kỳ).
Và người ta dễ dàng quan sát được rằng, sau khi các công trình đập thuỷ điện được gỡ bỏ, các dòng sông đều được phục hồi mau chóng. Phần lớn các dòng sông trở lại trạng thái ổn định chỉ trong một vài tháng hay một vài năm.

Theo tổ chức Mạng lưới Sông ngòi Quốc tế (International Rivers Network), một năm sau khi gỡ bỏ đập thuỷ điện Edwards (năm 1999), loài cá di cư đã phục hồi phong phú như trước trên sông Kennebec của bang Maine. Hàng triệu con cá trích (một loài cá di cư phụ thuộc vào việc bơi ngược dòng lên thượng nguồn để đẻ trứng) đã trở lại và phát triển khắp dòng sông – nơi chúng đã không được nhìn thấy trong 160 năm trước đó (Theo nghiên cứu của Dan Beard).

Theo tổ chức Gỡ bỏ Đập nước châu Âu (Dam Removal Europe), 500 đập lớn tại Pháp đã chặn dòng chảy của các loài cá và phù sa, đặc biệt từ dãy núi Alps và Pyrenees. Việc sụt giảm đột ngột số lượng các loài cá di cư đã khiến Pháp quyết định cho dỡ bỏ các đập nước.
Và theo sau Pháp, nhiều quốc gia châu Âu khác cũng đã tiến hành gỡ bỏ nhiều con đập trên lãnh thổ của mình. Đến nay đã có 3.450 đập tại các quốc gia ở châu lục này bị gỡ bỏ, tại Thuỵ Điển, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Anh, Thuỵ Sĩ và Pháp (Theo tổ chức Gỡ bỏ Đập nước châu Âu).

Những đập thủy điện lớn nhất thế giới cũng sẽ bị dỡ bỏ – Đập Glen Canyon trên sông Klamath, Hoa Kỳ. (Ảnh: orastie.info)

Sau khi ngây thơ nghĩ rằng mình có thể làm chủ được thiên nhiên, con người đã nhận ra lý lẽ của cổ nhân là chính xác, chỉ có thuận theo tự nhiên mới là cách sinh tồn tốt nhất.

Vì sao cần quay trở lại với tư tưởng chủ đạo của hàng nghìn năm văn minh nhân loại?

Nền văn minh 5.000 năm của mảnh đất Thần Châu vốn đều có tư tưởng chủ đạo là “Thiên nhân hợp nhất”, tôn trọng và thuận theo tự nhiên.
Bàn về việc trị nước, Mạnh Tử đã viết rằng: “Không làm trái thời canh tác của dân thì thóc dư ăn; Không dùng lưới dày ở ao đầm thì cá và ba ba dư ăn; Tùy theo mùa mới khai thác gỗ rừng thì gỗ dư dùng”… “Không giết hại gà, lợn, chó vào mùa chúng sinh sản thì dân bảy mươi tuổi có thịt để ăn”.
Nghĩa là thiên nhiên cho ta điều kiện tốt để sinh tồn, thì ta phải biết trân quý và sử dụng hợp lý. Càng không thể ngông cuồng mà muốn “cải tạo” thiên nhiên, hay biến thiên nhiên thành vũ khí theo ý muốn thiển cận của mình như cách những người con của mảnh đất Thần Châu thời nay đang làm.

Trung Quốc hiện đại với tư tưởng đấu với Trời, đấu với Đất đang gây ra biết bao hệ lụy nghiêm trọng. (Ảnh: DKN).

Chính Trung Quốc đã có bài học đau đớn từ đập thủy điện Tam Hiệp khi nó gây ra ô nhiễm, động đất, lở đất, xáo trộn cuộc sống của hơn 1,3 triệu dân, phá hủy các di tích lịch sử và môi trường sống của động vật nguy cấp. Hàng trăm nhà máy, hầm mỏ, bãi rác và khu công nghiệp bị nhấn chìm trong nước, khiến cho nước trong một hồ chứa nước dự trữ gần đó bị ô nhiễm nặng nề. Một con sông hùng vĩ một thời đã trở thành một cái ao tĩnh lặng.

Đập Tam Hiệp được xây dựng phía trên 2 đường đứt gãy chính, và kể từ khi nó được xây dựng đã có hàng trăm cơn chấn động nhẹ xảy ra. Các chuyên gia còn cho rằng trận động đất thảm khốc ở Tứ Xuyên năm 2008 làm 200.000 người chết cũng một phần là do lượng nước dồn về phần đập nằm ở rất gần đường đứt gãy.

Thêm vào đó là những nguy cơ rình rập cho tương lai người dân Trung Quốc và thậm chí là cả nhân loại. Một báo cáo được đăng tải trên trang Futurism chỉ ra rằng, khối lượng nước khổng lồ được tích trữ tại đập Tam Hiệp đủ để làm thay đổi chuyển động quay, làm lệch cực từ và biến đổi hình dạng vỏ Trái Đất.
Trước đó, vào năm 1975, đập thủy điện ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc bị vỡ sau một trận mưa bão lớn đã khiến gần 171.000 người thiệt mạng.
Nhưng có vẻ bị nhiễm nặng quan điểm “đấu Trời là niềm vui vô tận, đấu Đất là niềm vui vô tận, và đấu người là niềm vui vô tận” của cựu lãnh đạo Mao Trạch Đông, chính quyền Trung Quốc ngày nay vẫn không học được bài học về việc ngông cuồng tranh đấu với cả Thiên Địa chắc chắn sẽ mang lại kết quả đau thương cho con người.

Tư tưởng đấu tranh đã ăn sâu một cách hệ thống vào trong tư tưởng của người Trung Quốc ngày nay – Đây chính là nguyên nhân then chốt cho việc hủy hoại môi trường và đi ngược lại với các giá trị truyền thống. (Ảnh: pinterest.com)

Các ca khúc quần chúng trong thời kỳ đại nhảy vọt đã cho thấy sự ngạo mạn của chính quyền Trung Quốc: “Hãy để cho núi phải cúi đầu và sông phải dẹp sang một bên”; “Không có Ngọc Hoàng Thượng Đế trên trời và không có Long Vương dưới đất. Ta là Ngọc Hoàng Thượng Đế và ta là Long Vương. Ta ra lệnh cho tam núi ngũ đèo phải dẹp sang một bên, ta đã đến đây!”.
Ăng-ghen đã từng nói rằng: “Tự do là sự thừa nhận những điều tất nhiên” và Mao Trạch Đông tiếp theo thêm vào, “và là sự cải tạo thế giới”. Đó chính là quan điểm về việc thiên nhiên hay nhân loại đều có thể bị chinh phục bằng cách vận động ý thức chủ quan của con người để hiểu những quy luật khách quan, là quan điểm của thuyết tiến hóa “quần ngư tranh thực, kẻ mạnh sinh tồn” đầy sơ hở. Đây cũng là kim chỉ nam cho chính quyền Trung Quốc trong suốt bao năm qua, và họ vận dụng vào cả việc biến thiên nhiên thành vũ khí để tấn công quốc gia ở hạ lưu Mê Kông như Việt Nam.

Chính quyền Trung Quốc tin rằng con người là sinh vật thông minh, giỏi giang nhất bởi là kẻ mạnh và chiến thắng trong cuộc chiến sinh tồn. Nên tất nhiên, kẻ mạnh thì được phép khiến mọi thứ phải phục tùng mình, kể cả thiên nhiên hay nước bạn láng giềng yếu thế hơn.
Thế nhưng xu hướng thời đại đã chứng minh điều ngược lại, thuận theo tự nhiên, biết khiêm nhường trước thiên nhiên mới là cách bảo vệ sự hiện diện của nhân loại trong tương lai trên Trái Đất này.

Và đó không phải là nhận thức mới mẻ gì của con người sau biết bao phát minh, phát kiến tưởng chừng là vĩ đại. Từ xa xưa, cổ nhân đã từng lưu lại bài học cho hậu thế. Khổng Tử nói: “Địa thế khôn, quân tử dĩ hậu đức tải vật”, nghĩa là, đất rộng rãi, kẻ quân tử nên theo gương đất, lấy đức dày chở muôn vật.
Lão Tử nói: “Người thuận theo Đất, Đất thuận theo Trời, Trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo tự nhiên. Vạn vật cứ vận chuyển như thế mà sinh tồn”.
Trị thủy là điều cần thiết để con người có thể sinh tồn, nhưng người xưa trị thủy không phải là hành động thô bạo để chống chọi lại thiên nhiên. Và câu chuyện Đại Vũ trị thủy vẫn còn nguyên giá trị.

Cha của ông là Cổn vốn là người được cử ra phụ trách việc trị thủy, tránh ngập úng cho dân chúng ở lưu vực sông Hoàng Hà. Cổn trị thủy suốt chín năm trời mà không có kết quả gì, vì ông chỉ biết đắp đê và đắp đập để ngăn nước. Khi nước dâng cao, làm vỡ đê đập, tai họa còn lớn hơn trước. Đại Vũ dùng cách khơi thông để trị thủy, gặp núi xẻ núi, gặp dốc đắp đê, khơi thông dòng nước, thuận theo thế dòng chảy mà dẫn nước, cuối cùng đưa ra biển.

Công trình thủy lợi cổ đại “Đô Giang Yển” của nhà Tần sau 2.200 năm vẫn luôn bồi đắp cho đồng bằng Tứ Xuyên màu mỡ trở thành “Thiên cổ chi quốc (đất nước thiên đường). Công trình này đã được Tổ chức Giáo dục Khoa học Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là “Di sản Văn hóa Thế giới”, xứng danh là tinh hoa văn hóa của nhân loại. Trên thế giới không có một công trình nào có sinh mệnh kéo dài như vậy.

Công trình thủy lợi cổ đại “Đô Giang Yển” là kiệt tác vĩ đại tạo phúc cho dân, được xây dựng trong sự hài hòa với thiên nhiên. (Ảnh: weibo.com)

Đó chính là minh chứng hùng hồn cho cái lý “Thiên nhân hợp nhất” của cổ nhân, không đối đầu với tự nhiên mà mượn sức mạnh của tự nhiên dùng cái hay của nó biến hại thành lợi, chung sống hòa bình với tự nhiên.
Trong khi các quốc gia văn minh trên thế giới đều đang xem xét lại việc xây dựng các công trình thủy điện sẽ hủy hoại thiên nhiên như thế nào, thì Trung Quốc với thứ văn hóa đấu với Thiên Địa đã gây bao tổn thất cho chính dân Trung Quốc, còn tiếp tục xuất khẩu tư tưởng ngông cuồng sang các quốc gia láng giềng.
Xin chia buồn với nhân dân Lào, những tổn thất từ vụ vỡ đập chắc chắn là quá đau thương và nặng nề. Nhưng cũng xin bày tỏ nỗi lo ngại về những nguy hiểm rình rập khi Lào và Campuchia đang lập kế hoạch xây dựng 12 đập trên dòng sông Mê Kông. Trong đó có những vị trí đã được cảnh báo nguy hiểm.
Di sản của quốc gia không phải chỉ ở những đồng đô la kiếm được từ việc lạm dụng thiên nhiên, tài nguyên. Mảnh đất chúng ta đang đứng trên cho chúng ta quá nhiều thứ, chúng ta chỉ là những người con của đất, sinh tồn và phát triển được nhờ tự nhiên. Như tù trưởng Seattle của bộ lạc da đỏ Duwamish và Supuamish đã từng viết trong bức thư gửi tổng thống Hoa Kỳ năm 1854:
Đất là Mẹ. Điều gì xảy ra với đất đai tức là xảy ra đối với những đứa con của đất.

SOURCE: