Friday, May 18, 2018

Nguy hại từ đập Tam Hiệp


By Ngọc Linh
May 13, 2016

Người Trung Quốc xem đập thủy điện Tam Hiệp (Three Gorges Dam) là biểu tượng quốc gia, được ví như Vạn Lý Trường Thành thứ hai vì mức đồ sộ của công trình thủy điện lớn nhất thế giới cả về mặt kiến trúc lẫn công suất điện năng. Thật ra, công trình vĩ đại này được người Trung Quốc manh nha từ đầu thế kỷ 20 nhưng phải đến năm 1994 mới bắt tay xây dựng kéo dài trong mười năm. Các tổ máy phát điện lần lượt được lắp đặt hoạt động cho đến 2012 mới đạt công suất cao nhất theo thiết kế gồm 32 turbine cung cấp một phần mười điện năng cho toàn quốc.

Các cống xả nước trên đập Tam Hiệp hoạt động – Nguồn: Three Geoges Dam

Tuy vậy, vùng núi Tam Hiệp thuộc tỉnh Hồ Bắc trên con sông Dương Tử hiện nay không còn bình yên trong vẻ đẹp mê hồn của những dãy núi đá phủ đầy sương mây mà thỉnh thoảng nền đất bị rung chuyển vì những cơn chấn động từ lòng đất kể từ khi đập thủy điện Tam Hiệp vận hành. Đó là cái giá phải trả để đổi lại cho một công trình trị thủy sản xuất điện năng vốn được xem là công trình biểu tượng của một Trung Hoa hiện đại. Việc xây dựng công trình lớn lao này mặc dầu vấp phải sự chỉ trích quyết liệt của các chuyên gia thủy điện thế giới cảnh báo nguy cơ xảy ra các trận động đất quanh vùng nhưng chính quyền Bắc Kinh kiên quyết thực hiện cho bằng được để thể hiện sức mạnh xây dựng Trung Quốc.

Đập Tam Hiệp trên sông Dương Tử – công trình thủy điện lớn nhất thế giới, cao 185m – Nguồn: Wiki

Với chiều dài con đập 2.3km, bức tường bê tông dày và cao 185m, đủ sức chặn đứng dòng nước của một trong những con sông hung dữ nhất trên thế giới nhằm nâng độ cao của nước sông lên 175m so với mực nước biển để tạo nguồn điện có công suất bằng 18 nhà máy điện nguyên tử, đập Tam Hiệp được coi là một thách thức công nghệ xây dựng của thiên niên kỷ thứ ba, là Vạn Lý Trường Thành thứ hai và là một biểu tượng của Trung Quốc.

Theo dòng lịch sử, dự án xây dựng đập Tam Hiệp đã manh nha từ đầu thế kỷ 20 nhưng phải đợi đến gần một thế kỷ sau mới chính thức được đưa vào thực hiện. Vào thời Tưởng Giới Thạch nắm quyền, hồ sơ dự án này đã được thiết lập và nhiều lần đem ra thảo luận vào những năm 30. Đến thời kỳ Mao Trạch Đông những năm 50 cũng được đưa ra bàn luận cho việc xây dựng nhà máy thủy điện nhưng không thành do sự chỉ trích của giới chuyên gia do việc đầu tư nhân lực và tài lực khổng lồ trong khi quốc gia còn nghèo khó. Đến cuối thập niên 80, Đặng Tiểu Bình lại đưa ý tưởng về một con đập lớn tạo một lượng điện năng thay thế sử dụng than đá quá gây ô nhiễm môi trường, mở đường hội nhập kinh tế cho vùng Tây Nam gồm Hà Nam, Hồ Bắc, Hồ Nam và Giang Tây. Nhưng những lời chỉ trích từ dư luận không làm các nhà lãnh đạo Trung Quốc chùn bước mà ngược lại, còn khiến họ thêm quyết tâm. Năm 1992, dự án xây dựng đập Tam Hiệp được phê duyệt và nhanh chóng huy động tài lực chuẩn bị khởi công xây dựng. Tháng 12/1994 công trình chính thức khởi công, dự án tiêu tốn 180 tỷ nhân dân tệ tương đương gần 27 tỉ USD với số lượng nhân lực 15,000 người làm việc suốt 10 năm ròng.

Một turbine phát điện hoạt động bên trong đập thủy điện – Nguồn: Three Geoges Dam

Để hoàn thành đập Tam Hiệp và nhà máy thủy điện với 32 tổ máy hoạt động, một vách tường ngăn nước cao 185m đã hoàn thành đưa dòng nước sông Dương Tử cao lên 175m, toàn bộ khu vực Tam Hiệp bị nhấn chìm trong nước, 1.2 triệu con người phải di  cư đến vùng đất mới, những di tích có niên đại từ thời đồ đá mới, nhiều đền thờ Lão giáo và cả những dấu vết của nhiều nền văn minh địa phương sẽ bị san bằng trong nước. Còn giới khoa học lên tiếng, nguồn nước sông vốn chứa nhiều phù sa càng bị ô nhiễm hơn vì rác và công trình sẽ làm nguy hại nhánh sông Hoàng Hà vốn đã bị đứt dòng chảy từ năm 1972 sẽ không còn đủ nước khi đập Tam Hiệp tích nước sông Dương Tử lên đến 40 tỷ mét khối làm thiếu hụt nguồn nước ảnh hưởng đến mùa màng nông nghiệp của hàng trăm nghìn nông dân.ss
Tuy nhiên, tất cả sự mất mát hy sinh của một khu vực đất đai canh tác để có được một biểu tượng Trung Hoa lớn mạnh đã chiến thắng khi các van xả của hồ chứa được đóng lại thành công, nâng cao mực nước dần dần cho các tổ máy phát điện hoạt động. Chính trong khoảng thời gian này, nguy cơ môi trường và ô nhiễm nguồn nước bắt đầu xảy ra. Những đợt chấn động rung chuyển xuất hiện thường xuyên hơn như lời cảnh báo một thảm họa không xa khiến dân chúng hoang mang. Và cuối cùng, ban thực hiện dự án và chính quyền trung ương thừa nhận đập Tam Hiệp phát sinh nhiều vấn đề ảnh hưởng nghiêm trọng cho môi trường. Sự đánh đổi đời sống người dân để có một công trình biểu tượng thế giới bắt đầu phải trả giá bằng cuộc sống bất an không biết lúc nào sẽ xảy ra trận đại hồng thủy khi một trận động đất bất ngờ xảy ra tại khu vực Tam Hiệp.


Công trình dành cho tàu bè qua lại trên sông Dương Tử – Nguồn: Three Geoges Dam

Trước đó, giới khoa học trong nước cảnh báo rằng trọng lượng quá nặng của khu vực trữ nước có thể làm biến đổi địa chất vùng trung tâm Trung Quốc một cách nguy hiểm, đầu độc nguồn nước và phá hủy môi trường. Khi hồ Tam Hiệp bắt đầu trữ nước sau khi hoàn thành và lắp đặt bốn tổ máy phát điện, đập Tam Hiệp đã tạo ra một loạt địa chấn trong khu vực hồ chứa. Giới chuyên môn cho rằng, con đập được xây dựng ở khu vực dễ xảy ra động đất và một hồ chứa nước quá lớn có thể tự tạo ra những chấn động mạnh. Chỉ cần một trận động đất trung bình cũng đủ để gây ra một loạt rung động cho khu vực hồ chứa, dẫn đến lở đất, xói lở bờ sông gần vùng chấn tâm và hậu quả sẽ khôn lường.

Giới chuyên môn cảnh báo, nếu các con đập trong vùng động đất Tứ Xuyên bị vỡ, có thể gây nên một cơn đại hồng thủy. Khoảng 1.2 triệu người đã bị đẩy ra khỏi chốn cư trú của họ khi việc xây dựng đập bắt đầu, gồm 13 thành phố, 140 thị trấn và 1,350 làng xã đã bị nước phủ chìm khi lượng nước trong hồ dâng cao với sức chứa là 40 tỷ mét khối. Và từ đây cho đến năm 2017, thêm 100 ngàn dân sẽ bị đẩy đi nơi khác vì nạn đất chuồi và lở bờ. Họ lại sẽ di tản một lần nữa. Nhưng điều quan trọng là sinh mạng con người sẽ bị tước đi trong trận động đất. Nhiều người cho rằng chính đập thủy điện Tam Hiệp đã tạo ảnh hưởng trong cuộc động đất ở Tứ Xuyên hồi năm 2008 khiến 87,000 người chết dù rằng chính quyền bác bỏ nguồn tin này không liên quan gì đến việc xây dựng đập Tam Hiệp.
Giữa lúc hạn hán nghiêm trọng, chính phủ Trung Quốc thừa nhận sai lầm với đập Tam Hiệp – nguồn The Washington Post

Cách đây 8 tháng, giới truyền thông Trung Quốc từng cảnh báo, nếu không nhanh chóng giải quyết những vấn đề môi trường phát sinh từ đập Tam Hiệp, thảm họa sẽ khôn lường như nguy cơ lụt lội, xói mòn đồi núi dọc theo sông Dương Tử. Giới khoa học cảnh báo, Trung Quốc sẽ phải đối phó một thảm họa nếu các vấn đề môi trường của đập Tam Hiệp không được giải quyết sớm. Theo giới chuyên môn, hồ chứa nước được tạo bởi đập Tam Hiệp đang bốc mùi và đây là hệ quả của tình trạng ô nhiễm môi trường. Ước tính có khoảng 14 tỷ tấn rác thải các loại đã được đổ xuống sông Dương Tử mỗi năm. Chính việc ô nhiễm dòng sông đã làm lượng cá tầm, cá heo nước ngọt trên sông Dương Tử giảm đáng kể.
Nhiều khu vực trên sông Dương Tử gần vách tường ngăn nước, rác theo dòng nước trôi về tập trung mỗi ngày. Có khi rác dày đến độ người ta có thể đi bộ trên đống rác mà không chìm xuống dòng nước. Trước kia, phù sa và nước thải công nghiệp hòa vào dòng nước chảy đến hạ lưu sông Dương Tử. Tuy nhiên, khi công trình đập thủy điện hoàn thành, nước bẩn sẽ bị đập ngăn lại gây ra ô nhiễm. Bây giờ lại cộng thêm rác ứ đọng do người dân sống dọc hai bờ sông Dương Tử xả xuống.
Mặc dù chính quyền Trung Quốc đang ra sức chống lại nạn ô nhiễm bằng cách đóng cửa các nhà máy gây ô nhiễm, phủ xanh đất trống quanh hồ chứa để ngăn chặn hiện tượng xói mòn đất làm tăng trưởng phù sa, xây dựng các trung tâm xử lý rác thải xung quanh hồ chứa cũng như các khu bảo tồn các loài thủy sản làm dịu đi những chỉ trích từ nhiều phía, nhưng nguy hại quan trọng là vấn đề nhân mạng con người khi một cơn động đất lớn bỗng nhiên xảy ra khó tiên liệu trước.

Rác tràn ngập phía bên tường chắn nước trên đập Tam Hiệp – Nguồn: Three Geoges Dam

NL – Theo Three Gorges Dam





 


No comments:

Post a Comment