18:59 29/03/2018
Thượng nguồn sông Mekong dự kiến có
467 thủy điện trong đó khoảng 1/4 đang trong quá trình xây dựng hoặc dự kiến
xây dựng, gia tăng nguy cơ gây sạt lở và xói mòn ở hạ lưu.
Sông Cửu Long, bên lở bên bồi là quy
luật bình thường của tự nhiên, tạo cân bằng tương đối cho hai bên bờ. Thế nhưng
từ năm 2010 trở lại đây, sạt lở diễn ra nhanh hơn bồi tụ và vô cùng phức tạp,
tác động không hề nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
"Một trong những nguyên nhân gây
ra sạt lở ở ĐBSCL là do các nước trên thượng nguồn sông Mekong
gia tăng các hoạt động kinh tế, tập trung vào thủy điện, gây ra hệ lụy tiêu cực
đối với hạ lưu", ông Nguyễn Trường Sơn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Phòng
chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) nhận định với báo
chí.
Việc khai thác tài nguyên nước trên
thượng nguồn châu thổ, đặc biệt là xây dựng đập thủy điện đã làm thay đổi dòng
chảy, giảm lượng phù sa, suy giảm nguồn lợi thủy sản, xâm nhập mặn sâu vào nội
vùng. Nằm ở khu vực hạ lưu sông Mekong, là nơi hứng chịu những hệ lụy gây ra bởi
hoạt động của các đập thủy điện phía thượng nguồn.
Những năm gần đây, thủy điện trên dòng chính sông Mekong đua nhau mọc lên. Trung Quốc, Lào và Campuchia đã quy hoạch hơn 20 đập thủy điện, trong đó Trung Quốc đã xây được 8 đập ở thượng nguồn. Lào và Campuchia có kế hoạch xây 11 đập ở hạ nguồn. Gần đây nhất, Lào tuyên bố xây dựng đập Pak Beng - đập thủy điện lớn thứ ba, sau hai đập Xayaburi và Don Sahong, bất chấp sự phản đối từ phía các nước thuộc tiểu vùng sông Mekong.
“Nhìn chung, tất cả các thủy điện
trên lưu vực sông Mekong đều có ảnh hưởng đến vùng ĐBSCL nước ta nhưng những thủy
điện trên dòng chính luôn có ảnh hưởng nhiều hơn cả,” PGS, TS. Lê Anh Tuấn, Phó
viện trưởng Viện Biến đổi khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ, trả lời Zing.vn.
"Bản chất ĐBSCL được hình thành
do phù sa sông Mekong. Vùng đất này sẽ bị sụt lún khi không còn phù sa. Bài
toán biến đổi khí hậu sẽ xảy ra nhanh hơn, nặng nề hơn khi các đập thủy điện lần
lượt chặn dòng chính sông Mekong," TS. Lê Anh Tuấn lo ngại.
Trong một báo cáo của Ủy ban Sông
Mekong, nếu cả 3 công trình thủy điện của Lào: Xayaburi, Don Sahong, Pak Beng
đi vào hoạt động, thì tổng lượng dòng chảy sẽ giảm 6,2%/tháng, xâm nhập trên
sông xâm nhập mặn trên sông Tiền, sông Hậu lấn sâu vào từ 2,8-3,8 km. Và với viễn
cảnh không xa, khi cả chuỗi 11 đập thủy điện hoạt động thì tổng lượng dòng chảy
sẽ giảm hơn 27%/tháng, xâm nhập mặn sẽ vào sâu trên sông Tiền, sông Hậu khoảng
từ 10-18 km.
Theo ước tính của CGIRA, Nhóm tư vấn
nghiên cứu nông nghiệp quốc tế, đến năm 2030, cả vùng hạ lưu ĐBSCL sẽ bị bao phủ
bởi khoảng 470 đập thủy điện lớn nhỏ. Số lượng hồ chứa được quy hoạch trên thượng
lưu sông Mekong sẽ đạt tổng dung tích 101,9 tỷ m3.
Việc xây dựng và lên kế hoạch xây dựng
hàng chục con đập trên dòng Mekong mang lại một số lợi ích cho quốc gia sở hữu
nhưng lại gây ra vô vàn hệ lụy cho khoảng 60 triệu người sống phía dưới hạ lưu.
Dự kiến năm 2030, cả vùng hạ lưu
ĐBSCL sẽ bị bao phủ bởi khoảng 468 đập thủy điện lớn nhỏ.
|
Điều khiến các chuyên gia lo ngại lượng
cát thô nằm trong phù sa sẽ không còn về đồng bằng sông Cửu Long nữa.
"Phù sa bị thủy điện ngăn lại sẽ
mất đi vĩnh viễn không gì bù đắp được. Khi đó, sụt lún bao gồm cả sụt lún tự
nhiên, sụt lún do khai thác nước ngầm, sạt lở, nước biển dâng sẽ đáng sợ hơn rất
nhiều”, TS Lê Anh Tuấn nói.
Cùng chung mối lo ngại vói ông Lê Anh
Tuấn, chuyên gia về tài nguyên nước Nguyễn Thị Phương Lâm cho biết: “Các đập
thượng nguồn ở Trung Quốc đã giữ lại 30% phù sa, đập xây trên dòng chính của
Lào và Campuchia sẽ chặn khoảng 5% nữa. Ít nhất 50% đất canh tác ở ĐBSCL sẽ bị
tác động do mất phù sa và dinh dưỡng từ các công trình thủy điện.”
Sinh kế người dân ĐBSCL bị đe dọa
Sông Mekong bắt nguồn từ tỉnh Thanh Hải
của Trung Quốc, chảy qua Tây Tạng và Vân Nam trước khi đi vào Myanmar, Thái
Lan, Lào, Campuchia và đổ ra biển tại Việt Nam. Theo tính toán, tổng lượng
dòng chảy các sông suối vào lãnh thổ Việt Nam khoảng 830-850 tỉ m3/năm, trong
đó sông Mekong đóng góp là 475 tỉ m3, tương đương với 53-57% tổng lượng dòng chảy
toàn lãnh thổ.
Con sông này có vị trí quan trọng
không chỉ đối với ĐBSCL mà đối với phát triển nhiều vùng khác như Tây Nguyên và
những vùng lãnh thổ Việt Nam nằm trong lưu vực.
Tuy nhiên thời gian trở lại đây, nguồn
nước suy giảm trên sông Mekong, tình trạng xâm nhập mặn tăng nhanh và nguy cơ
nước biển dâng ảnh hưởng đến kế sinh nhai của bà con vùng ĐBSCL.
Sự mất mát lương thực do tác động của
chuỗi các đập thủy điện sẽ rất cao và tăng dần theo thời gian. Khả năng “tan
rã” quá trình kiến tạo đồng bằng khiến vùng châu thổ có thể không còn là vựa
lúa của Việt Nam, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực quốc gia, ông
Lê Anh Tuấn nhận định.
Trong điều kiện chịu tác động của biến
đổi khí hậu, thủy điện trên Mekong còn mở đường cho xâm nhập mặn lấn sâu vào
ĐBSCL trong mùa khô, nông dân sẽ phải vất vả hơn.
Hạn mặn đe dọa vùng ĐBSCL. Ảnh: Ngọc
Trinh
|
Ngoài ra, phù sa bị giữ lại phía thượng
nguồn sẽ dẫn đến suy giảm nguồn cung cấp dinh dưỡng quan trọng cho hoạt động sản
xuất nông nghiệp ở ĐBSCL.
Tính toán sơ bộ, tác động tích lũy của
dự án thủy điện trên dòng chính cùng với các bậc thang thủy điện dòng chính
sông Mekong có thể làm giảm từ 6-10% nguồn chất dinh dưỡng (đạm và lân)
cho ĐBSCL. Theo đó, năng suất cây trồng được dự báo sẽ giảm từ 0,6-1 tấn/ha.
“Các dự án phát triển thủy điện làm
ngưỡng đói nghèo gia tăng,” TS. Naruepon Sukumasvin, Ban Thư ký Ủy hội sông Mê
Kông Quốc tế cảnh báo. “Sản lượng đánh bắt cá ở hành lang sông Mê Kông sẽ giảm
khoảng 1,57 tỉ USD”.
“Lượng cá trên dòng Mê Kông giảm, trọng
lượng cá cũng giảm và ít cá to. Khoảng 60% thành phần loài di cư bị giảm sút.
Theo đó xuất khẩu cá da trơn có giá trị hàng tỉ đô la của Việt Nam bị đe dọa,
do cá da trơn phụ thuộc nguồn thức ăn là cá trắng di cư,” TS. Naruepon
Sukumasvin thông tin thêm.
Cuộc sống của gần 20 triệu cư dân
ĐBSCL sống nương nhờ nông nghiệp, nương nhờ đánh bắt cá đang bị đe dọa bởi những
đập thủy điện được xây dựng ngày một nhiều phía thượng nguồn.
Đồng bằng sông Cửu Long nằm ở hạ lưu
Châu thổ sông Mekong có diện tích gần 4 triệu ha, chiếm 12% diện tích toàn quốc
và 5% diện tích lưu vực sông Mekong. Đồng bằng sông Cửu Long có vị trí quan trọng
trong phát triển kinh tế - xã hội và là địa bàn trọng điểm trong chiến lược an
ninh lương thực quốc gia, đóng góp 50% sản lượng lương thực, gần 70% kim ngạch
xuất khẩu thủy sản, 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước, theo số liệu của Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Hà Phương
No comments:
Post a Comment