TT – Có hai thừa nhận về đập Tam Hiệp: chính quyền Trung Quốc
thừa nhận đập Tam Hiệp “có nhiều vấn đề khẩn cấp cần giải quyết về môi trường,
sinh thái”; giới chuyên gia môi trường Trung Quốc thừa nhận “đã quá muộn để sửa
chữa”.Đập Tam Hiệp trên sông Dương Tử là công trình thủy điện lớn nhất thế
giới với chiều cao 182m và công suất năm 2010 vào khoảng 84 tỉ kWh. Theo chính
quyền Bắc Kinh, tổng đầu tư của dự án này lên đến 23 tỉ USD, nhưng giới chuyên
gia quốc tế cho rằng con số thực tế có thể gấp đôi.Đập Tam Hiệp được xây dựng
kéo dài 15 năm. 13 thành phố, 140 thị trấn và 1.600 làng bị nhấn chìm, khoảng
1,43 triệu dân phải di dời.
Tuyên bố của Quốc vụ viện Trung Quốc được đưa ra mới đây đã
khẳng định: “Dù dự án đập Tam Hiệp đem lại lợi ích tổng thể lớn, song vẫn còn
các vấn đề khẩn cấp cần giải quyết như tái định cư người dân, bảo vệ và ngăn chặn
nguy cơ thảm họa môi trường, sinh thái”.
+ Ô nhiễm tảo, đảo rác,
lở đất
Kể từ năm 2006 khi đập Tam Hiệp cơ bản hoàn thành, ô nhiễm tảo đã trở thành một vấn nạn nghiêm trọng trên các nhánh sông Dương Tử. Dọc sông Dương Tử đầy rẫy mỏ phôtpho và các nhà máy. Chất gây ô nhiễm được thải thẳng ra sông, dẫn đến tình trạng tảo độc sinh sôi nảy nở trên mặt nước.
Trong khi đó do bị chặn bởi đập Tam Hiệp, sông Dương Tử mất dần
khả năng phân tán chất gây ô nhiễm trong nước. Hậu quả: nước ở các nhánh của
sông Dương Tử tại tỉnh Hồ Bắc trở nên xanh lè, bốc mùi hôi thối, đẩy hàng ngàn
người dân vào cảnh không có nước sạch.
Ở khu vực đập Tam Hiệp cũng xuất hiện các đảo rác khổng lồ!
Mưa lũ mùa hè 2010 đã cuốn hàng chục ngàn tấn rác xuống sông Dương Tử, phủ kín
50.000m2 mặt nước trên sông và trôi đến đập Tam Hiệp. Có những đảo rác dày và kết
chặt với nhau đến mức có thể đi bộ bên trên. Lượng rác này đe dọa làm nghẽn hoạt
động của đập.
Ước tính mỗi năm Tập đoàn đập Tam Hiệp phải chi khoảng 1,48
triệu USD để dọn rác trôi về phía đập. Trước đó, các chuyên gia môi trường từng
cảnh báo hồ chứa nước của đập có thể trở thành “hầm cầu” chứa nước thải không
qua xử lý và hóa chất công nghiệp, và hoạt động của đập Tam Hiệp sẽ đẩy nước thải
về phía thành phố Trùng Khánh.
Ô nhiễm lại đe dọa hủy diệt môi trường sinh thái dọc sông
Dương Tử. Giới chuyên gia môi trường Trung Quốc và quốc tế khẳng định đập Tam
Hiệp đã góp phần vào sự tuyệt chủng của loài cá heo nước ngọt baiji trên sông
Dương Tử.
Lượng cá tầm sông Dương Tử giảm sút đáng kể sau khi đập được
đưa vào hoạt động. Loài sếu Siberia đang có nguy cơ tuyệt chủng do đập Tam Hiệp
đã hủy diệt một diện tích lớn đầm lầy, nơi trú đông của loài sếu này. Ngoài ra,
một diện tích lớn rừng trong khu vực cũng đã bị phá hủy.
Do mực nước trong hồ chứa dâng cao, đập Tam Hiệp gây xói mòn,
lở đất nghiêm trọng ở hai bờ các nhánh sông Dương Tử. Từ năm 2007, 91 điểm ở bờ
hồ chứa nước đập Tam Hiệp đã bị lở, khoảng 36km đã bị sụp. Một số vụ lở đất dọc
sông Dương Tử đã tạo ra sóng thần cao tới 50m.
Tháng 7-2007, một ngọn núi dọc một nhánh sông Dương Tử bị lở,
gây sóng lớn cướp đi sinh mạng 13 nông dân và 11 ngư dân. Tháng 11-2007, một trận
lở đất khác làm 30 người chết.
Tháng 7-2010, lũ lụt và lở đất gần đập Tam Hiệp làm 30 người
thiệt mạng. Chính quyền Trung Quốc cũng thừa nhận áp lực từ hồ chứa khổng lồ của
đập Tam Hiệp có thể dẫn đến nguy cơ động đất. Sau khi đập Tam Hiệp được hoàn
thành, nhiều vết nứt bí ẩn đã xuất hiện ở các con đường, tòa nhà các thị trấn
và làng mạc trong khu vực.
+ Gây hạn hán
Các chuyên gia môi trường cho biết do làm thay đổi dòng chảy sông Dương Tử, đập Tam Hiệp đã khiến hạn hán thêm nghiêm trọng ở khu vực miền trung và miền đông Trung Quốc. Hạn hán liên tục trong bốn tháng đầu năm 2011 đã khiến mực nước đoạn giữa sông Dương Tử tụt xuống mức thấp kỷ lục.
Các thành phố khu vực hạ lưu đập không còn khả năng tiếp nhận
tàu bè vào cảng, 400.000 dân và 97.300 gia súc ở tỉnh Hồ Bắc rơi vào cảnh thiếu
nước sạch. Ở tỉnh Hà Nam, 320.000 người bị ảnh hưởng. Nhiều cáo buộc cho rằng đập
Tam Hiệp đã giữ nước để đảm bảo sản xuất điện.
Do đó, từ ngày 7 đến 11-5, ban quản lý đập Tam Hiệp đã cho xả
400 triệu m3 nước để chống hạn hán và nâng mực nước sông Dương Tử cho tàu bè đi
lại dễ dàng hơn.
+ “Chẳng thể làm nổ tung con đập!”
Chuyên gia môi trường kỳ cựu ở Trung Quốc Đới Thanh cho rằng dù thừa nhận các vấn đề do đập Tam Hiệp gây ra, chính quyền Bắc Kinh khó có thể làm gì. “Đã quá trễ để giải quyết những vấn đề đó” – ông khẳng định.
Chuyên gia môi trường kỳ cựu ở Trung Quốc Đới Thanh cho rằng dù thừa nhận các vấn đề do đập Tam Hiệp gây ra, chính quyền Bắc Kinh khó có thể làm gì. “Đã quá trễ để giải quyết những vấn đề đó” – ông khẳng định.
Chuyên gia môi trường Vương Vĩnh Thần cho rằng Bắc Kinh có thể
giải quyết một số vấn đề như cải thiện chất lượng nước, nhưng cũng thừa nhận:
“Chẳng thể làm gì nhiều. Chúng ta chắc chắn không thể cho nổ tung con đập đó được”.
Dù vậy, giới bảo vệ môi trường Trung Quốc lại cho rằng tuyên
bố của quốc vụ viện sẽ là một “vũ khí” chống lại trào lưu sính làm thủy điện tại
Trung Quốc. Mới đây, Cơ quan Năng lượng quốc gia Trung Quốc còn lên kế hoạch sản
xuất thêm 140 gigawatt thủy điện trong vòng năm năm tới.
Một phần trong kế hoạch này là xây dựng 13 đập thủy điện dọc
sông Nộ Giang ở tây nam Trung Quốc, một khu vực sinh thái giàu có. Báo chí
Trung Quốc cho biết Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã tỏ thái độ phản đối kế hoạch xây đập
trên sông Nộ Giang.
“Bằng việc nhắc lại những vấn đề của đập Tam Hiệp, Thủ tướng
Ôn Gia Bảo có thể đang bắn mũi tên tới những kẻ mù quáng chạy theo đập thủy điện
và sẵn sàng quên đi những bài học trong quá khứ” – chuyên gia Peter Bosshard,
giám đốc chính sách Tổ chức Sông quốc tế, nhận định.
Ảnh: Đập nước khổng lồ Tam Hiệp, trên sông Dương tử gây nhiều
nguy cơ sinh thái nghiêm trọng – Ảnh: Reuters
HIẾU TRUNG (Theo WSJ, People’s Daily, NYT)
Bombing, dat min no tung DTH, Nhan Trung+ vao Bien nuoc de het mong ba quyen xam lang VN
ReplyDelete