Thứ 3, 18:30, 20/03/2018
VOV.VN -Bộ TNMT, ngành chức năng và địa phương vừa tiến hành
khảo sát thực tế, lấy mẫu nước tại khu vực xả thải của Công ty 6666 để phân
tích.
Khu vực hồ thải chứa quặng sau tuyển của Xưởng chế biến, tận
thu kim loại vàng, chì thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn khoáng sản công nghiệp
6666 nằm bên cạnh suối Trang, xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh.
Tại đây có 2 vị trí bờ hồ bị vỡ; 1 vị trí có độ rộng khoảng 5
mét và 1 vị trí có độ rộng khoảng 3m.
Theo giải thích của chủ doanh nghiệp, tình trạng vỡ hồ chứa
nước thải xảy ra chiều 16/3, xe xúc đất thải tại khu vực hồ bị lầy, người của Công
ty đã phá 1 đoạn bờ hồ khoảng 5m để kéo xe lên, dẫn đến tình trạng nước từ
trong hồ chứa quặng sau tuyển chảy ra suối Trang, sau đó đổ ra sông Bồng Miêu.
Bãi thải của Công ty 6666.
|
Nhiều người đặt nghi vấn vì sao Công ty Cổ phần Tập đoàn
khoáng sản công nghiệp 6666 chưa được cấp phép hoạt động vẫn có quặng thải?
Ông Trần Ngọc Thi, người dân địa phương thắc mắc: "Thấy
vẫn chở xái quặng về bình thường nhưng chính quyền địa phương ở đây không biết
ai cho phép Công ty hoạt động. Chúng tôi lo ngại nước và môi trường sống ở đây
bị ô nhiễm, trâu bò hoàn toàn cho uống đường nước ni mà chừ không có nước để uống",
ông Trần Ngọc Thi nói.
Theo báo cáo của ngành chức năng, nguyên nhân gây ra hiện tượng
cá chết tại khu vực suối Trang chảy ra sông bồng Miêu, thuộc địa bàn xã Tam
Lãnh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam do nhiều yếu tố, trong đó có ảnh hưởng từ
nguồn xả thải của Công ty Cổ phần Tập đoàn khoáng sản công nghiệp 6666 và hoạt
động khai thác vàng trái phép. Vị trí cá chết cách bờ hồ bị vỡ khoảng 1 km.
Đường ống xả thải của Công ty 6666 đưa nước thẳng ra môi
trường.
|
Ông Nguyễn Thế Vinh, Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh cho biết, kể từ
khi Công ty vàng Bồng Miêu dừng hoạt động khai thác vàng đến nay, môi trường
xung quanh mỏ vàng của Công ty này bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Các khu vực Thác Trắng, Đồi Sim, Suối Tre mọc lên những lán
trại đãi vàng trái phép.
Những đợt truy quét của lực lượng chức năng chỉ có ý nghĩa đối
phó tình hình, sau đó đâu lại vào đấy.
Đặc biệt, kể từ sau Tết đến nay, sông Bồng Miêu chảy qua địa
bàn xã bị ô nhiễm nặng, người dân trong thôn đã nhiều lần phản ánh về tình trạng
xả thải của Công ty 6666 nhưng chính quyền xã không đủ thẩm quyền xử lý.
Môi trường xã Tam Lãnh bị ô nhiễm
nghiêm trọng sau khi Công ty vàng Bồng Miêu dừng khai thác.
|
Ông Nguyễn Thế Vinh cho biết: "Người dân bức xúc nên đến
khu vực công ty và đề nghị chính quyền địa phương đến lập biên bản, đề nghị
không cho Công ty tiếp tục làm vàng nữa. Địa phương đề nghị bà con giữ trật tự
trong thời gian xảy ra sự cố. Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã có văn bản đình chỉ
không cho công ty hoạt động nhưng công ty vẫn lén lút hoạt động. Địa phương với
lực lượng mỏng cũng đã báo cáo lên cấp trên và đề nghị cấp có thẩm quyền xử
lý".
Năm 2016, sau khi Công ty vàng Bồng Miêu thuộc Tập đoàn Besra
hết thời hạn cấp phép khai thác vàng tại khu vực Bồng Miêu, UBND tỉnh Quảng Nam
đã đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chính phủ không gia hạn giấy phép khai
thác đối với Công ty này; Đồng thời đề nghị đóng cửa mỏ, bàn giao địa phương quản
lý.
Kể từ tháng 10/2016 đến nay, kiến nghị của địa phương chưa được
giải quyết, dẫn đến tình trạng khai thác vàng trái phép không được ngăn chặn,
gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.
Người dân tố Công ty 6666 xả thải
ra môi trường.
|
Trong thời gian chờ đợi đóng cửa mỏ, Công ty Cổ phần Tập đoàn
khoáng sản công nghiệp 6666 xin giấy phép khai thác tận thu kim loại, vàng tại
đây.
Theo đó, Công ty này được vận chuyển quặng đuôi từ khu vực
bãi thải của mỏ vàng Bồng Miêu về xưởng chế biến, tận thu vàng, chì và các kim
loại khác.
Ông Bùi Văn Ba, Trưởng phòng Tài nguyên và Khoáng sản, Sở Tài
nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam cho biết: "Công ty 6666 thì nói theo
kiểu của ổng là dừng hoạt động, nước là nước mưa tràn ra. Bây giờ mình mới lấy
mẫu phân tích. Theo nhận định của cá nhân tui thì thấy rằng có 2 nguồn xả thải,
1 là vỡ đập và 2 là từ trên nguồn xả xuống"./.
No comments:
Post a Comment