1.
Nhập đề
Môi trường là gì? Nó
bao gồm các yếu tố tự nhiên (như đất, nước, không khí..) và yếu tố vật chất nhân
tạo (như nhà máy, đập nưóc, cơ xưởng..) ở xung quanh sinh vật, có tác dộng trực
tiếp, gián tiếp hoặc tác động qua lại tới sự tồn tại, sinh trưởng, phát triển
của sinh vật. Những vấn đề cấp bách về môi trường cần phải đối phó hàng ngày
như ô nhiễm nước, ô nhiễm tiếng động, ô nhiễm không khí, trong một khung cảnh
đất hẹp, người đông đã tạo nên sức ép trên tài nguyên thiên nhiên. Khung cảnh
sống thay đổi. Những danh từ mới về khoa học môi trường đua nhau xuất
hiện như sinh khối (biomass), kiểu sinh học (biotype), sinh
cảnh (biotope), quần xã sinh vật (biome), hệ sinh thái
(ecosystem), ổ sinh thái ( ecological niche), dấu chân sinh thái
(ecological footprint), đa dạng sinh học (biodiversity), bền vững
(sustainability), lỗ hổng ozon (ozone hole ), sự sưởi ấm toàn
cầu (global warming), tái chế biến (recycling) v.v.
Các vấn nạn môi trường có tính cách chung cho toàn thế giới:
các nưóc giàu có thì tiếng động, mưa acit, khí nhà kiếng; các nước nghèo, chậm
phát triển thì phá rừng, nhân mãn; tóm lại với hành tinh càng ngày càng nhỏ bé
và không còn hành tinh nào khác ngoài Trái Đất có điều kiện sinh sống nữa, con
người nhận ra là bảo vệ môi trường là việc chung của nhân loại. Vào năm 1992,
tại Rio, nhiều xứ họp lại để ký bản thoả ước về bảo vệ tài nguyên trên trái đất,
sau đó tại Kyoto lại họp bàn về giới hạn các sự phát thải các khí độc trên bầu
trời..
Các tổ chức bảo vệ môi trường ra đời, đặc biệt nhất là tổ
chức phi chính phủ Green Peace. Rồi ngày Earth Day xuất hiện, trong đó nhiều
công dân đứng ra tổ chức vận động các chính phủ khuyến cáo các nhà lãnh
đạo về năng lượng sạch (mặt trời, gió ..), tiết kiệm năng lượng, phát triển bền
vững.
2. Môi trường như một hệ thống mở
Khác với các hệ kín trong cơ học và vật lý, hệ thống môi trường nói riêng và các hệ thống nhân văn nói chung đều là những hệ thống mở (open system) nghiã là có các tương tác với bên ngoài, qua những trao đổi các dòng chảy (flux) vật chất, năng lượng và thông tin. Hệ thống có đầu vào (input), đầu ra (output) và các vòng phản hồi (feedback). Đầu vào, còn gọi là các dữ kiện, là do hậu quả các tác động của môi trường trên hệ thống, còn đầu ra tức các kết quả là do tác động của hệ thống trên môi trường. Môi trường gồm những hệ thống nhỏ cấu tạo nên (thuỷ văn, khí hậu, thổ nhưỡng, thực vật..) và lại là thành phần cấu tạo của những hệ thống lớn hơn trong đó ta phải kể đến xã hội, kinh tế, chính trị, giáo dục v.v và trong mỗi hệ thống này lại có những hệ thống phụ đan xen và tác động lên nhau. Vì có những tương tác như vậy nên cái toàn thể không giống tính chất của từng yếu tố hợp thành và cũng không phải là con số cọng của các yếu tố đó. (The whole is more than the sum of its parts). Sau đây ta thử điểm qua vài hệ thống có tác động trên môi trường.
2.1. môi trường và dân số
Dân số Việt Nam tăng nhanh: năm 1954, toàn nước Việt chỉ có
25 triệu ngày nay, năm 2000, là 80 triệu. Theo thống kê, vào thời điểm 1999,
dân số mỗi năm tăng 1.65%. Dù đã giảm nhiều từ 3% vào đầu thập niên 90, nhưng
với nhịp tăng gia như vậy có nghĩa là cứ mỗi 42 năm, dân số sẽ tăng gấp đôi.
Vì diện tích đất đai không thay đổi nên mật độ dân số tăng
lên rất nhanh. Năm 1921, chỉ 47 người/km2 thì nay đã 235 mgười/km2, đứng thứ 15
trên thế giới về mật độ dân số. Đến nay, tuy tỷ lệ sinh đã giảm từ 3,8 con
xuống còn 2,3 con nhưng trong 10 năm tới, dân số Việt Nam vẫn tăng thêm trung
bình 1 triệu người mỗi năm (Nguồn : Ủy Ban Dân số ) .
Riêng về đồng bằng sông Hồng với 11 tỉnh và diện tích tự nhiên là 1.478.256 ha, chiếm 4,46% diện tích đất cả nước nhưng dân số lại chiếm khoảng 22% dân số cả nước thì mật độ dân số lại càng rất cao với 1.124 người /km2.
Dân số cao với tài nguyên đất đai bị hạn chế đưa đến sử dụng nhiều phân bón, hoá chất bảo vệ thực vật, gia tăng phá rừng ngập mặn, gia tăng dùng nước sinh hoạt vào mùa khô khiến nước mặn đi sâu vào đất liền vào mùa khô tại khắp các vùng duyên hải từ Bắc chí Nam
Riêng về đồng bằng sông Hồng với 11 tỉnh và diện tích tự nhiên là 1.478.256 ha, chiếm 4,46% diện tích đất cả nước nhưng dân số lại chiếm khoảng 22% dân số cả nước thì mật độ dân số lại càng rất cao với 1.124 người /km2.
Dân số cao với tài nguyên đất đai bị hạn chế đưa đến sử dụng nhiều phân bón, hoá chất bảo vệ thực vật, gia tăng phá rừng ngập mặn, gia tăng dùng nước sinh hoạt vào mùa khô khiến nước mặn đi sâu vào đất liền vào mùa khô tại khắp các vùng duyên hải từ Bắc chí Nam
Dân số tăng gây sức ép trên môi trường thiên nhiên như sơ đồ
tóm lược dưới đây:
Như vậy, dân số tăng cao có nhiều hiệu ứng ngoại biên.
Nhà thơ Tú Xương trước đây cũng từng viết:
Phố phường chật hẹp người đông đúc
Bồng bế nhau lên nó ở non
- Dân số đông đòi hỏi năng lượng
để nấu ăn, để đun nước, để tắm giặt.
- Dân số đông đòi hỏi có nguyên
liệu để làm nhà cửa, làm bàn ghế.
- Dân số đông đòi hỏi nhiều nhà
máy để sản xuất ra điện, ra vật liệu tiêu dùng.
- Dân số đông đòi hỏi xe cộ di
chuyển đi làm
- Dân số đông đòi hỏi lương thực
mà muốn có lương thực trên đất càng ngày càng ít dần thì phải dùng phân bón và
muốn có phân bón lại phải có năng lượng và nguyên liệu từ sản phẩm dầu hoả và
hơi đốt.
Như vậy, có mối tương quan mật thiết giữa dân số và môi
trường. Dân số cao qúa sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường như sơ đồ ghi trên.
Do đó, bảo vệ môi trường là phải kiểm soát sinh đẻ, sinh đẻ có kế hoạch, cần có
chất lượng thay vì số lượng.. Nhưng dân
số cũng lại liên hệ đến dân trí (trình
độ hiểu biết, công dân) và dân sinh
(nếp sinh hoạt, tăng gia chất lượng cuộc sống). Như vậy bài toán có tính
cách đa chiều và giữa dân số, dân trí và dân sinh lại có thêm các quan hệ hữu
cơ và tương thuộc lẫn nhau: dân trí cao, nếp sống cao sẽ làm dân số giảm xuống.
Nhưng muốn nếp sống cao, thì phải có chương trình thực tế giúp người dân có thể
giải quyết các nhu cầu cơ sở như nước uống, thực phẩm, chất đốt.. Giáo dục phụ
nữ, nâng cao trình độ giáo dục của phụ nữ rất quan trọng cũng cần thiết để giảm
dân số.
2.2 môi trường và sức khoẻ
Nếu môi trường với đất, nước, không khí bị ô nhiễm thì dĩ
nhiên sức khoẻ con người cũng bị ảnh hưởng theo. Không khí ô nhiễm thì ta bị dị
ứng. Nước ô nhiễm thì ta bị đau bụng.
·
ô nhiễm không khí
-
do ùn tắc giao thông của hàng vạn xe
lưu thông trên đường phố. Dân đông nên xa lộ trước kia nay thành như
đường phố
-
do khói bụi các nhà máy công nghiệp
sắt thép, than đá, ximăng v.v. Nhiều cơ xưởng xây trước kia ở ngoại ô thì nay
do đô thị bành trướng lại nằm ngay trong thành phố tạo nên thêm ô nhiễm không
khí. Các nhà máy không có thiết bị lọc bụi. Kèm theo bụi là khí SO2 gây tác
động xấu đến sức khoẻ con người, gây các bệnh viêm kết mạc, co thắt phế quản,
viêm mũi, viêm họng
·
ô nhiễm nước
do nước thải sinh hoạt con người tại các khu dân cư và nước thải từ các cơ sở
công nghiệp chưa dược xử lý thường được đổ thẳng vào kinh rạch, sông ngòi. Nhìn
chung, có thể nói là các nguồn ô nhiễm bao gồm các nguồn điểm (point source) và
diện (non-point source). Các nguồn điểm như hệ thống thoát nước, các kỹ nghệ
như chế biến thực phẩm, dệt nhuộm, giấy, làng nghề với đúc đồng, tái chế biến
kẽm v.v.còn các nguồn diện bao gồm các hoạt động nông nghiệp, các khu dân cư
không tập trung, giao thông trên sông ngòi, các công trường xây dựng. Nước ngầm
cũng bị ô nhiễm do sự rữa trôi phân hoá học, thuốc trừ sâu, nước thải sinh hoạt
hoặc từ nước rò rỉ từ các bãi rác. Ô nhiễm nước trong sông rạch làm nhiều loại
cá chết. Và như vậy số lượng nước có thể sử dụng cho sinh hoạt bị mất đi .
·
ô nhiễm đất.
Vì diện tích đất nông nghiệp càng ngày càng giảm với dân số tăng gia nên nhiều
nông dân không có việc làm ở nông thôn, đành phải di dân về các thành phố lớn,
chui rúc trong các xóm nghèo, không đủ hạ tằng cơ sở vệ sinh, gây thêm ô nhiễm
môi trường với cống rãnh bị ngập, bãi rác không chỗ chứa. Với sự đô thị
hoá, rác thải càng ngày càng trở nên trầm trọng vì bãi rác còn gây ô nhiễm
không khí và nguồn nước vì nước mưa ngấm vào bãi rác tạo thành nước rò rỉ chứa
các yếu tố độc hại gây ô nhiễm môi trường nước ngầm và đất, chưa kể đó là
nơi sinh đẻ ruồi muỗi, tăng thêm nguy cơ dịch bệnh thương hàn, dịch tả, lị v.v.
Trong nông nghiệp, có thể kể sản phẩm thải bỏ các nhà máy thực phẩm đóng hộp,
lò sát sanh, sản phẩm bài tiết của các trại chăn nuôi lớn. Trong công nghiệp,
ngoài những rác thải thông thường như bao nilông, cao su, thủy tinh, ve chai,
đồ kim loại, còn phải kể các rác thải nguy hiểm (hazardous wastes) như các chất
dễ cháy, phóng xạ, chất nổ, các rác thải y tế như giây truyền máu, kim chích
v.v…
Phân hoá học càng ngày càng được sử dụng nhiều để đảm bảo an
toàn lương thực. Nhưng muốn giảm thiểu tác động lên môi trường, phải sử dụng
cân đối, đúng lượng, đúng kỳ, hạn chế các tổn thất do bay hơi, rửa trôi.
Thuốc bảo vệ thực vật cũng giúp tăng sản lượng nông nghiệp
nhưng nếu sử dụng qúa liều lượng sẽ gây nên nhiều hậu qủa: cá, tôm, tép trong
ruộng bị giảm hẳn, cua, ốc, ếch, nhái, rắn cũng càng ngày càng hiếm. Ô nhiễm
các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh ra ngộ độc rau cải .
Sau đây là vài hoá chất bảo vệ thực vật:
Chủng loại hoá học
Ví dụ
Thuốc diệt trùng
Các hydrocacbon có chất
Chlore
Aldrin, Chlordane, heptachlor, DBCP
Lân hữu
cơ
Diazinon, parathion, malathion, ethylparathion
Cacbamat
Carbaryl, carbofuran, dithiocarb, aldicarb
Pyrethrin
Permethrin
Thuốc diệt khuẩn
Benzimidazol
Benomyl, thiabenzazol
Thiocacbamat
Ferbam, maneb
Triazol Triadimefon.
Bitertanol
Những cái
khác
Sulfat đồng
Thuốc diệt cỏ
Acid
phenoxyalkyl
2,4-D; 2,4 DB; 2,4,5-T; MCPA; MCPB
Triazin
Atrazin, Simazin, Propazin
Phenylurea
Diuron, Linuron, Bromacil
Cacbamat
Butylat, vernolat, Thiobencarb
Nitrophenol
Dinoseb
Acid
aliphatic
Dalapon
Dipyridyl
Paraquat, diquat
Khi xịt các hoá chất trên cây thì chỉ một phần do cây hấp
thụ còn lại bị rửa trôi trong đất, bị các giao chất sét hoặc các giao chất hữu
cơ ngoại hấp và đó chính là lí do môi trường đất và nước cũng bị ô nhiễm .Hoá
chất bảo vệ thực vật tại các nông dân được bảo quản rất tùy tiện , vứt bao
ngoài kinh rạch. Số lượng, chủng loại thuốc bảo vệ thực vật đem ra bán có
khi ngoài danh mục, hoặc bán thuốc cấm sử dụng, bán thuốc không đúng quy định.
Nông dân thường sử dụng thuốc không đúng quy trình kỹ thuật về liều lượng, về
thời gian cách ly gây thêm ô nhiễm môi trường cho đất và nườc. Nhiều khi, tồn
dư thuốc bảo vệ thực vật trong nông sản hay rau cải đưa đến tình trạng ngộ độc
đe dọa đến sức khoẻ của người dân .
2.3 Môi trường và du lịch. Việt Nam có nhiều hệ sinh thái rất đa dạng vì có vùng núi, vùng đồi, vùng đồng bằng và vùng biển. Mỗi vùng có những đặc điểm riêng khiến phong cảnh rất đa dạng . Với trên 50 sắc tộc rải rác ở miền núi có những nét đặc thù khác nhau, ta có thể kết hợp du lịch sinh thái lẫn du lịch văn hoá .Miền biển đa dạng từ vịnh, vũng, rừng ngập mặn, bãi cát dài, san hô v.v. có nhiều điều kiện thuận lợi cho du lịch nghĩ ngơi
Du lịch giúp tạo công ăn việc làm với hàng loạt dịch vụ kèm theo như ca kịch, chuyên chở, nhà hàng, thủ công nghệ, khách sạn v.v. và như vậy giúp bớt được áp lực dân số trên tài nguyên thiên nhiên, giúp nông dân chuyển nghề nhanh chóng.
Nhưng để có một nền du lịch bền vững thì môi trường cần được bảo vệ nghĩa là kinh rạch, sông ngòi không là nơi vứt bừa bãi mọi thải vật; bãi biển không phải nơi hứng chịu bụi bặm từ các cơ xưởng đóng tàu hay nhận nước thải các ống cống từ thành phố đổ ra; rừng không là nơi với xói lở bào mòn v.v.
2.4 Môi trường và tâm linh
Cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật hiện nay như mạng lưới thông tin, như đô thị hoá, như vệ tinh nhân tạo, khiến cho cuộc sống vật chất đầy đủ hơn xưa: điện khí hoá, cơ giới hoá, thông tin liên lạc dễ hơn bội phần nhưng với đô thị hoá như hiện nay, các mối liên lạc giữa người và người vốn bền chặt trong đại gia đình xưa kia càng ngày càng lỏng lẽo . Nhà văn Andrei Makine, có nói văn minh Tây phương hiện nay là một nền văn minh của bản hữu (civilisation de l’avoir) còn văn minh Đông Phương là một nền văn minh của bản thể (civilisation de l’ être). Nói khác đi, dù cuộc sống vật chất có đầy đủ trong nền văn minh Tây phương hiện nay nhưng vẫn thiếu một khoảng trống của linh hồn. Nhà thờ, giáo đường hiện nay tràn ngập bởi những vấn nạn như trên. Thất nghiệp, nghiện ngập, xì ke, ma túy ở học đường, tội phạm thiếu nhi, không biết bao nhiêu là vấn đề xã hội .
Con người trong môi trường đô thị sống trong
những cao ốc béton vô danh, đi làm trong tiếng động của hàng ngàn xe cộ trên
đường phố, không tiếp xúc với ai, thường dễ bị rối loạn do sự thiếu hụt thiên
nhiên.
Ngày nay khung cảnh thiên nhiên càng ngày càng nhỏ dần với
sự phá rừng. Sự suy giảm diện tích rừng do dân số tăng, do di dân tự do bùng
phát, đã làm suy giảm tài nguyên rừng, tác động xấu đến đa dạng sinh học gây
nên hoang mạc, khiến đất đai bị mất phì nhiêu, lụt lội xảy ra liên tiếp hoặc
hạn hán . Và khi không còn thảm thực vật rừng thì khả năng tích nước
cũng bị giảm và làm qúa trình bốc hơi nước từ mặt đất mạnh mẽ hơn, khiến cây
cối không đủ nước để sinh trưởng
Phá hủy thiên nhiên
là phá hủy luôn con người vì con người sau những giờ làm việc suốt tuần cũng
cần có không khí trong lành, nghe lại tiếng chim muông, tiếng suối reo, mặt
trăng lên, nhìn mặt trời lặn, để tìm chất lượng của đời sống để có chỗ
giảm bớt căng thẳng vốn là một nhân tố giết người nhiều nhất (stress killer).
Stress có thể làm tăng huyết áp, rối loạn tiêu hoá, làm khả năng chống bệnh
giảm đi, cũng như kéo theo một lô bệnh của thời đại: lo âu, buồn rầu vô
cớ, rồi từ đó là trầm cảm.
Chính vì con người càng xa rời Thiên Nhiên nên hiện nay có
trào lưu trở về với Thiên Nhiên để tìm được sự quân bình giữa tạo hoá và con
người : du lịch sinh thái, làng Thiền, tu luyện Yoga v.v., chính là để
phản ứng lại với nếp sống xa rời các chuẩn mực của thiên nhiên. Những kỹ
thuật thiền định dựa trên chánh niệm, ‘ở đây và bây giờ’, mục đích là giảm
stress dựa trên Niệm (Mindfulness Based Stress Reduction ) dù là ngồi
thiền, đi thiền, chính là làm dịu tâm thần để buông lỏng cơ thể càng ngày được
nhiều người hưởng ứng.
Thực vậy, vào rừng, thở không khí trong lành, nhìn sao ban
đêm, nhìn suối, nghe nước róc rách, bướm lượn nhởn nhơ, chuồn chuồn, nghe côn
trùng rỉ rả, mặt trăng lên, sao đêm nở đầy trời, giúp ta tránh được các căng
thẳng của cuộc sống máy móc đô thị, giúp ta quên đi những nỗi nhọc nhằn của thể
chất và của tâm linh, ngỡ lòng mình là rừng, ngỡ hồn mình là mây (thơ Hồ
Dzếnh) . Ta cũng thấy trước cảnh vật bao la của vũ trụ rằng con
người chỉ là một thành phần nhỏ bé và từ đó cảm thấy khiêm tốn hơn ..
Mà khiêm tốn giúp cho con người đến đức tin chân thật và đức
tin chân thật mới hướng dẫn con người đến được nơi có Thượng Đế ngự trị dễ đi
vào nội tâm hơn, cõi lòng lắng xuống . Khi tâm yên lặng, ta mới biết cõi sâu
thẳm của ta, mới biết những điều sâu kín ẩn náu trong nội tâm, biết mình hơn chứ không phải điều mà ta có thể tìm thấy
trong sách vở. Tôn giáo phát sinh do lòng sùng kính, do cảm thông không
thể nghĩ bàn, bất khả tư nghị chứ không phải do sự bàn cãi lý luận. Con người,
ngoài cái hướng ngoại như đọc sách, nghiên cứu khoa học, du lịch, thám hiểm
cũng phải có chiều kích hướng nội nghĩa là quay vào cuộc sống nội tâm, suy nghĩ
và trầm tư. Họ muốn hướng về sự an định nội tâm, an lạc, tìm lại sự thanh tản
qua sự tu dưỡng tinh thần.
Từ ngàn xưa, con người cổ đại đã nhờ rừng mà tồn tại. Con
người cổ sơ phải săn bắn trong rừng hoang, phải tìm cây rừng để chữa bệnh, phải
hái lượm các tài nguyên trong rừng để tồn tại . Người Việt thuở xưa vì không
chế ngự được thiên nhiên: gió, mưa, lụt lội, sấm sét, thú dữ nên tôn thờ mọi
thần linh: thần lửa, thần mưa, thần gió ..Thần linh có mặt trong rừng, trên
cây, khúc sông, thác nước ..cho nên thường có những lễ hội cầu trời, cầu thần
linh phù trợ cho con người. Do đó con người tôn thờ cây như một cái gì
linh thiêng, chứa đựng những linh hồn.. Rừng không phải chỉ là tài nguyên
hay môi trường vật lý mà rừng là tâm linh, là cõi vĩnh hằng, là cõi sâu
thẳm của nội tâm, là ‘một cõi đi về’.
Vào rừng, nghe gió thổi như là hồn người:
Một vùng cỏ áy bóng tà
Gió hiu hiu thổi một vài bông lau
Một vùng cỏ áy bóng tà
Gió hiu hiu thổi một vài bông lau
Vào rừng, nhờ thư giãn, nhờ không khí trong sạch (không ô nhiễm không khí ), nhờ im lặng hùng tráng của thiền định (không ô nhiễm tiếng động) nên thân, khẩu, ý dễ lắng dịu. Tâm có định thì thân mới an vì thân tâm là một .
Vào rừng thì con người thư giãn, thoải mái hơn, cởi mở
hơn, từ đó tư tưởng có những ‘chỗ trống’ và chính các ‘chỗ trống’ giúp ta thâu
nhận các ý kiến mới lạ. Nó giúp ta nghiệm thấy một cái gì mới mẻ khác, vượt ra
ngoài các quan niệm thông thường. Nó nâng tâm thức ta lên một bình diện mới,
một phạm thức mới (new paradigm).
Slow is beautiful ..để nhái lại tựa
đề một cuốn sách nổi tiếng ‘Small is beautiful’ ! Con người ở thời đại công
nghiệp này có tâm trí luôn luôn bị động như robot suốt ngày, làm
việc lắp ráp các bộ phận trong dây chuyền sản xuất từ máy điện toán đến ráp xe
hơi, máy bay, mọi công đoạn đều lớp lang, có thời lượng quy định. Con người không
ai biết nhau, xong việc là về nhà. Tâm lý bị dồn ép. Sự tiến bộ kỹ thuật từ
nhiều thập niên gần đây với sự tăng tốc, cái gì cũng Express, nào là
ExpressPost, Fast food, Café Express..làm phá vỡ cấu trúc các xã hội cổ truyền,
lối sống.
Thế giới thay đổi qúa nhanh, con người không kịp thích nghi
với các chuyển biến của thời đại sinh ra mất thăng bằng về tâm lý . Do đó,
trước đây người ta nói không bệnh tật là sức khỏe. Ngày nay, quan điểm về sức
khỏe đã mở rộng hơn vì sức khỏe phải gồm 3 phần: sức khỏe cơ thể: khỏe mạnh; sức khỏe tâm thần: vui đời, lạc quan; sức khỏe xã hội: hòa hợp với xã hội, cộng đồng
Ta không thể mua cảnh mặt trời
lặn Ta mua gạo, bánh mì để sống, còn cuộc đời, sự tự
do, cảnh đẹp của tạo hoá .., là free. Con người cũng cần không khí trong
lành, sự im lặng, một thành phố không bạo lực, nhiều thì giờ nghỉ ngơi.
Tóm lại phải tiến đến một sự tương quan sâu xa giữa người và
vũ trụ, một mối liên hệ chân chính với thiên nhiên, tìm lại niềm yêu
thương lặng lẽ của đất, những giọt sương mai lấp lánh, bớt
dục vọng để tinh thần thảnh thơi như Nguyễn Công Trứ đã viết:
Người ta ở trong phù thế
Chữ vô cầu là chữ thiên nhiên (Nguyễn Công Trứ )
Người ta ở trong phù thế
Chữ vô cầu là chữ thiên nhiên (Nguyễn Công Trứ )
Các học thuyết Đông Phương luôn đề cao thiên nhiên :
Khổng giáo với quan niệm gắn bó Thiên- Địa- Nhân; Lão giáo với quan niệm Vô Vi
có nghĩa không làm gì trái với thiên nhiên ; Phật giáo với tâm từ bi với
mọi sinh vật v.v.
3. Các vấn nạn môi trường
Các vấn nạn môi trường có thể kể: phá rừng; thoái hoá đất;
thiếu nước ngọt vào mùa nắng; lạm thác các tài nguyên sinh học; mặn hoá; sa mạc
hoá v.v. Với sự sưởi ấm toàn cầu, nước biển sẻ dâng lên cao làm ngập lụt các
vùng thấp duyên hải tại châu thổ sông Hồng cũng như châu thổ Cửu Long. Ngoài
ra, nước biển dâng cũng tác động tiêu cực đến các thành phố có cao độ thấp Biến
đổi khí hậu còn tạo thêm nhiều bão lụt, triều cường, đe dọa đến an ninh lương
thực.
3.1 phá rừng: Rừng Việt Nam bị
đốn phá qúa mức do nhiều yếu tố như dân đông, du canh, lạm thác rừng . Rừng là
nơi cản bớt sự xói mòn đất, giúp làm chậm giòng chảy nước tràn, giúp điều hoà
nguồn nưóc, bảo toàn đa dạng sinh học, cải tạo môi trường đất, có tác dụng nâng
cao độ phì nhiêu của đất .. Với sự phá rừng, các nơi trú ẩn của các loài động
vật hoang dã càng ngày càng nhỏ dần nên chim muông, thú hoang càng ngày càng
hiếm..Đồi trọc càng ngày càng nhiều:
Khổ chi phận em cha chả là cam phận khổ
Lên non đốn củi, đụng chỗ đốn rồi !
Xuống sông gánh nước
Đụng chỗ cát bồi, khe khô!
Phá rừng nên chim không còn nơi trú ẩn, vắng hẳn tiếng hát
líu lo của chim; nhiều loài thực vật biến hẳn do phá rừng và nhiều loài động
vật có nguy cơ tuyệt chủng như cọp, nai, voi v.v.
Hiện nay, nhiều vùng như vùng Tây Bắc (Sơn La, Lai Châu)
rừng chỉ còn khoảng 10% tổng diện tích đất đai tự nhiên, trong khi tỷ lệ che
phủ các vùng núi cao đầu nguồn phải cao (50-70%) mới bớt được lụt lội . Tại
miền Trung, các dòng sông thường ngắn và có một lưu vực hẹp. Với sự
phá rừng đầu nguồn, nước lụt lên rất nhanh. Lũ lụt thường đến bất thình lình và thay đổi
tùy năm.. Có lúc mưa bão gây ra một lượng mưa rất lớn, có thể vài trăm mm trong
24 giờ . Ảnh hưởng của dãy núi cũng gây ảnh hưởng. Một phần thì rặng núi gần đồng bằng, mặt khác,
núi có triền dốc rất lớn, nên vận tốc của dòng chảy cũng rất mạnh. Do đó cần
tăng khả năng chứa nước của các hồ chứa ở miền núi (không phá rừng thượng nguồn
!) để làm chậm thời gian lụt về miền hạ lưu.
3.2 thoái hoá đất
Dưới danh từ thoái hoá đất, có thể gom lại các vấn nạn
như sa mạc hoá, bờ biển bị xâm thực, đất dốc bị xói mòn, sụp lở bờ
sông v.v
·
sa mạc hoá: Tại nhiều
vùng duyên hải miền Trung, cát bay đã khiến nhiều ruộng vườn bị cát che lấp.
Chính vì cát bay, nên diện tích đất nông nghiệp bị giảm đi mỗi ngày và chi phối
đến cảnh nghèo đói các làng duyên hải.
·
đất dốc bị xói mòn:
Vì nước ta nhiều đồi núi hơn đồng bằng và hơn nữa, phần lớn núi đồi lại là đồi
trọc ít cây cối, do du canh nương rẫy, thêm vào đó là vũ lượng rất lớn nên đất
bị xói mòn nặng nề. Xói mòn phụ thuộc vào nhiều thông số như chiều dài
của độ dốc, độ dốc nhẹ hay nặng, độ che phủ thực vật. Xói mòn trên các lưu vực
sẽ làm các hồ chứa nước bị lắng tụ rất nhanh và làm lòng sông cạn dần, khiến
lưu lượng nước chảy ít đi..Xói mòn còn làm đất nghèo thêm vì làm mất đi các
cation kiềm và kiềm thổ; giảm các chất dinh dưỡng như đạm, lân, kali; giảm chất
hữu cơ khiến dung lượng hấp thu và độ no bazơ giảm . Đất đồng bằng ngày nay đã
gần tới bảo hoà vì bị nhiều sức ép do đô thị hoá, kỹ nghệ hoá nên trong tương
lai, chính các loại đất dốc, đất đồi sẽ là trọng tâm của sản xuất nông nghiệp.
·
sụp lở bờ sông: Nạo
vét sạn cát qúa sức lòng sông với những phương pháp máy nổ sẽ làm cho lòng sông
sâu xuống, tạo thành nhiều vực nguy hiểm và gây cảnh sụp lở nghiêm trọng làm
cho nhiều vườn tược ven sông sẽ đổ xuống dòng sông. Chân bến bị khoét nên
nhiều bến nước bên bờ sông là chỗ người dân sinh hoạt sẽ không sử dụng được. Như vậy nhiều đập chắn cũng có thể bị vỡ, nguy
hiểm tính mạng dân chúng.
·
thiếu nước ngọt vào mùa nắng:
Mùa nắng, lưu lượng các dòng sông thường không nhiều và thêm tưới nước ruộng
đồng cho hoa màu nên nước biển xâm nhập sâu lên thượng nguồn, làm nước sông bị
nhiễm mặn, gây trở ngại cho sinh hoạt vì dân không có nước ngọt. Thêm vào đó,
đất phù sa ven sông cũng bị nhiễm mặn không trồng trọt được.
·
lạm thác các tài nguyên sinh
học: Vì sự phá rừng nên đa dạng sinh học cũng bị mất theo .
Ngoài ra, vì tập trung qúa nhiều vào đánh cá ven bờ, không có ngư thuyền đánh
cá xa bờ nên tài nguyên cá dễ bị cạn kiệt. Do đó, phải xác định mức độ
khai thác, chọn vùng khai thác để bảo tồn các sinh vật biển có giá trị đang là
đối tượng khai thác như rùa biển.
4 . Bảo vệ môi trường .
Như vậy, ta đã thấy các ảnh hưởng tiêu cực của sự ô nhiễm
môi trường sống. Vậy làm thế nào để giảm thiểu các tác hại ?
Bảo vệ tài nguyên rừng:
Có thể kết
hợp trồng rừng và cây ăn qủa ở nơi đất tốt để vừa có hiệu qủa kinh tế nhanh,
cao và không làm hại môi trường, kết hợp giữa việc xây dựng các công
trình chống lũ với việc trồng rừng để làm chậm nuớc lụt..
Bảo vệ rừng cũng có nghĩa tăng cường giáo dục về môi sinh,
chống nạn cháy rừng, trồng thâm canh hoa màu lương thực tại các thung lũng để
giảm bớt sức ép trên các đất dốc; đó là chưa kể giáo dục nâng cao dân trí để
chương trình kế hoạch hoá sinh đẻ thực hiện hiệu qủa hơn hoặc tái chế biến giấy
báo, sách củ, giấy bìa thay vì đốn thêm rừng làm bột giấy..
Bảo vệ tài nguyên nước:
Vào
mùa mưa, Viet Nam bị nhiều thiên tai, gió bão phá hại mùa màng, nhà cửa và sinh
mạng. Vậy để giảm thiểu, cần kết hợp giữa việc xây dựng các công trình chống lũ
như đê điều, đào kinh ..với việc trồng rừng để làm chậm nuớc lụt. Vào mùa nắng,
rất nhiều nơi lại thiếu nước vì tưới hoa màu và do đó, nước mặn có cơ xâm nhập
sâu hơn vào đất liền. Bảo vệ tài nguyên nước không phải chỉ là nước mặt mà còn
khai thác hợp lý các nguồn nước ngầm, đảm bảo chất lượng nước ngầm.
Bảo vệ tài nguyên đất:
Trong hơn 33
triệu hecta toàn nước Việt thì 70% là đất đồi núi trong đó nhóm đất đỏ vàng
(thuộc nhóm Acrisols) chiếm nhiều nhất .Phần lớn đồi núi lại là đồi trọc vì
rừng bị đốn phá trồng cây lương thực . Vì vậy cần bảo vệ tài nguyên đất đồi
bằng nông lâm kết hợp nghĩa là trồng cây lương thực với cây rừng hoặc với cây
công nghệp lâu năm như chè, cà phê, cao su v.v.mục đích tạo thảm cây xanh
che phủ đất để chống khô hạn. Nếu cọng thêm các biện pháp công trình (bực thềm,
hố..), xây dựng các hồ chứa nước để điều tiết lượng nước tưới thì đất đai sẽ
bớt bị thoái hoá.. Tại các vị trí thuận lợi thì xây dựng các hồ chứa nước
để dự trữ nước tưới, nuôi cá để tận dụng tài nguyên. Ven hồ trồng cỏ để chăn
nuôi . Vì tài nguyên đất nông nghiệp càng ngày càng ít do dân số tăng do đó
không nên dùng đất phì nhiêu ở đồng bằng vào việc xây cất khu kỹ nghệ, nhà cửa
mà chỉ nên sử dụng các loại đất xấu. Đất hẹp, người đông mà nếu đất không được
sử dụng hợp lý thì con người tự làm hại đến mình: đất thoái hoá thêm, gây
ảnh hưởng dây chuyền đến an toàn lương thực, nông dân nghèo thêm.
Bảo vệ môi truờng không khí:
Muốn
bảo vệ môi trường không khí thì phải trồng nhiều cây xanh ven đường, sân chơi,
phải có nhiều công viên trong thành phố, quanh các khu kỹ nghệ, giảm bớt hút
thuốc lá trong nhà hay tại các khu công cọng; sử dụng phương tiện công
cọng chuyên chở . Các biện pháp vật lí như sử dụng các thiết bị lọc và làm sạch
khí thải từ các nhà máy (thiết bị lọc bụi, thu khí xoáy, lắng tĩnh điện..).
Các năng lượng mới như năng lượng sức nước, sức gió, Mặt
Trời cũng là các năng lượng ít ô nhiễm. Những nhà máy khí sinh (biogas) nhỏ, rẽ
tiền, dùng chất thải của người và động vật để nấu nướng, thắp sáng. Gió, dòng
suối con có thể sản xuất điện ở các vùng xa, vùng sâu . Năng lượng mặt trời để sưởi
nước nóng về mùa đông, để chạy máy bơm nước, sưởi ấm nhà cửa
Bảo vệ môi trường biển:
Bảo vệ môi trưòng biển có nghĩa là chỉ khai thác phần lời,
cụ thể là phải đảm bảo cho các loài sinh vật có thể tiếp tục sinh sản và phát
triển; bảo vệ các nơi các sinh vật sống, đẻ ; khai thác đúng kỹ thụật, không
dùng mắt lưới qúa nhỏ. Hiện nay nước ta tập trung qúa nhiều vào đánh cá
ven bờ, không có ngư thuyền đánh cá xa bờ nên tài nguyên cá dễ bị cạn kiệt.
Ngoài ra, phải xác định mức độ khai thác, chọn vùng khai thác để bảo tồn các
sinh vật biển có giá trị đang là đối tượng khai thác như rùa biển.. Những dải
rừng ngập mặn là nơi nhiều loài tôm cá có giá trị sinh sôi nẩy nở vì ở đấy khi
lá cây rụng xuống bị vi sinh vật phân hủy tạo thức ăn cho sinh vật; ngoài
ra dải rừng này có khả năng chống gió bão . Khi các giải rừng này mất đi, đất
bị khô thiếu nước ngọt thì đất sẽ bị xì phèn, tạo nên thêm đất phèn. Do đó
nhiều quai đê lấn bển đưọc tạo ra để có thêm đất khai khẩn nhưng chỉ vài năm
sau, đất lại bị bỏ hoang vì đất bị phèn. Có những nơi phá rừng ngập mặn để nuôi
tôm nhưng nhiều nơi đắp bờ bao nên đất không đưọc ngập nưóc: độ pH của dất do
đó giảm thấp làm nhiều sinh vật chết làm đất bị bỏ hoang, không nuôi tôm được
nữa. Đó là chưa kể đến nguồn nước bị ô nhiễm khiến tôm bị dịch bênh chết hàng
loạt .
5. Phát triển bền vững
Phát triển bền vững (sustainable development) là sự phát
triển không những để thoả mãn các thế hệ hôm nay mà còn cho những thế hệ mai
sau cũng còn thừa hưởng được tài nguyên của tạo hoá. Phát triển bền vững là một
vấn đề liên ngành vì nó liên quan đến nhiều thông số của trái đất : giáo dục,
kinh tế, dân số, an toàn lương thực, bảo vệ môi sinh; do đó tiếp cận nhiều
chiều kích nhằm tìm toàn bộ các khía cạnh văn hoá, môi sinh, kiến thức
bản địa, kinh tế .. để cứu xét vấn đề, ngày nay đã trở nên thông thường.
Cần để ý có bốn loại hình trong sự bền vững:
·
bền vững về con người (human sustainability)
·
bền vững về xã hội (social sustainability)
·
bền vững mặt kinh tế (economic
sustainabillity)
·
bền vững môi sinh (environment
sustainability ).
Bốn loại hình này tác
động hỗ tương với nhau, nghĩa là cần có những khoa học liên ngành để tạo sự hỗ
trợ cho nhau trong một viễn kiến toàn bộ (integrated).
·
bền vững về con người là
đầu tư vào giáo dục, chăm lo sức khoẻ, sinh đẻ an toàn. Yếu tố con người, từ
công nhân lành nghề đến người quản lý, nhà khoa học.. trở nên vô cùng
quan trọng vì một kế hoạch, một dự án dù hay nhưng có thể trở thành ít kết quả,
ít hiện thực nếu con người thực hiện kém khả năng chuyên môn, thiếu lãnh đạo
tính (leadership), giáo điều, không linh hoạt với điều kiện địa phương, với
trình độ của mỗi tộc người ..
·
bền vững về kinh tế là
chú trọng đến phát triển kinh tế trên sự tôn trọng các tài nguyên, khai thác
các tài nguyên tái tạo như gió, mặt trời, nước, thủy triều, thay vì than đá,
dầu hoả vì các loại này sẽ cạn kiệt trong tương lai. Năng lượng gió của Việt
Nam có nhiều tiềm năng vì mùa hè, dọc theo miền Trung có gió Lào, mùa thu và
đông thì có gió từ biển thổi vào. Các phó sản nông nghiệp như vỏ trấu, bả mía,
vỏ cà phê cũng là nguồn năng lượng sinh khối tái tạo
·
bền
vững về kinh tế có nghĩa là tăng trưởng trên căn
bản không lạm thác tài nguyên, chỉ khai thác phần gỗ tăng
trưởng hằng năm mà thôi (total allowable cuts ), chứ không được đụng
chạm vào phần vốn rừng và suy rộng ra, vốn đất, vốn nước . Nói khác đi,
trong bền vững kinh tế, ta phải chú ý đến vấn đề liên thế hệ
(intergenerational), vì phần vốn phải để dành cho các thế hệ mai sau. Một nền
nông nghiệp bền vững phải hướng tới sự đa dạng (nhiều giống cây trồng), sự hài
hoà (tôn trọng môi sinh) và phong phú (qũy gen dần dà eo hẹp lại với sự chuyên
canh cao độ)
·
bền vững về xã hội là
chú trọng đến người nghèo, người thất nghiệp sao cho xã hội có ‘bộ mặt con
người’, nhân bản, không quá chênh lệch. Bền vững xã hội có nghĩa phải có tương
thân tương ái, không tham nhũng, thượng tôn luật pháp, tôn trọng các giá trị
nhân bản.
·
bền vững về môi trường là
bớt ô nhiễm, duy trì đa dạng sinh học, không khai thác cạn kiệt nguồn nước mặt,
hay hạ mực nước ngầm hoặc làm nhiễm bẩn nguồn nước sinh hoạt, không làm đất bị
xói mòn thêm. Làm giàu thêm môi trường như thiết lập các khu bảo tồn thiên
nhiên, khu dự trữ sinh học, công viên quốc gia, khu bảo tồn đất ngập nước,
trồng cây gây rừng, nông lâm kết hợp v.v.
Cả bốn loại hình bền vững trên đều liên quan chặt chẽ với
nhau; không thể chỉ phát triển kinh tế mà lơ là bảo vệ môi trường; không thể
chỉ phát triển kinh tế mà loại trừ xã hội các nhóm người nghèo khó. Phát triển
kinh tế mà môi trường ô nhiễm, thân tâm biến loạn, phân hoá giàu nghèo quá
đáng, bệnh siêu vi HIV tràn lan, nói cách khác không đoái hoài đến các
nan đề xã hội thì chưa có thể gọi là phát triển bền vững. Thực vậy, sự phát
triển kinh tế với vô số xe cộ gây ùn tắc giao thông, tạo ô nhiễm không khí, lại
làm tăng chi phí cứu chữa những người mắc bệnh vì nạn ô nhiễm không khí.
6. Kết luận
Ngày nay, môi trường sống của nước ta bị nhiều chấn thương
quan trọng với đủ loại ô nhiễm (đất, nước, không khí) , đủ loại suy thoái (phá
rừng, sa mạc hoá , mặn hoá ..) .
Cái rối loạn sinh thái này, các nhà khoa học gọi là một en-tro-pi sinh thái (ecological
entropy) . Nó do nhiều nguyên nhân: cơ chế pháp lý còn lỏng lẻo nên mới có lâm
tặc, sa tặc, thạch tặc; dân đông nên diện tích đất nông nghiệp càng ngày càng giảm.
Cũng y hệt như tiền trong trương mục ngân hàng, con người
của thế hệ hôm nay chỉ có quyền sử dụng phần lời, đừng đụng chạm đến phần vốn,
vì vốn (vốn đất, vốn rừng, vốn nước…) phải dành lại cho các thế hệ mai hậu.
Trái đất này là của chung, mọi việc đều liên quan đến nhau:
khí dioxyt cacbon trên khí quyển là một khí không biên giới; bầu không khí O3
(ozone) là không biên cương. Nó không tuân thủ các ranh giới hành chánh của các
chính phủ .Môi sinh có thể nhìn dưới dạng vĩ mô hay vi mô . Trên cương vị vĩ
mô, đó là trái đất, là một xứ, trên phạm vi vi mô đó là một quả đồi, một thung
lũng, một dòng sông, một cái hồ.
Trái đất này là Một, một không có nghĩa là 1, 2, mà là toàn
thể (holism, do chữ whole)
Đó cũng là luận
thuyết GAIA. Gaia là một từ ngữ Hi Lạp cổ về nữ thần của Trái Đất Ngày nay,
người ta sử dụng danh từ này để mô tả một hệ thống trong đó đại dương, khí
quyển, khí hậu và vỏ trái dất được điều chỉnh lẫn nhau dể có sự sống: vũ trụ
này là một thực thể sống động tương tác với những dòng chảy năng lượng luân
lưu.
Quan niệm Gaia với Trái Đất-Quê Hương buộc ta có một cái
nhìn tổng thể, cái nhìn Huyền đồng. Trên hành tinh này, vạn vật nương nhau mà
sống: cái này có vì cái kia có, vì mọi hệ sinh thái đều là những hệ thống mở,
nghĩa là có trao đổi vật chất và năng lượng giữa chúng: rừng cây sống là nhờ đất,
đất phóng ra các dưỡng liệu nuôi cây là nhờ nước; nhưng nếu không có lửa
của mặt trời thì không có quang hợp và cây sẽ chết.
Như vậy rõ ràng là mọi thực tại đều phụ thuộc lẫn nhau, ảnh
hưởng lẫn nhau. Trong vũ trụ, không có chủ thể, không có khách thể tồn tại một
cách độc lập và cũng không có sự tách biệt giữa thế giới người và thế giới sự
vật. Vạn vật tạo thành một nhất thể như sơ đồ trên .
Như vậy, Trái Đất này không chỉ là một hành tinh vật lý cộng
với một bầu sinh quyển cộng với một nhân loại mà là một tổng thể phức tạp có
tính vật lý/ sinh lý/ nhân loại. Giáo dục cho mọi người về sự cần thiết
của niềm đồng cảm giữa người và vũ trụ, tình gắn bó giữa con người với thiên
nhiên để con người yêu thêm thiên nhiên, tạo vật, tìm lại mây trời hiền hoà,
màu xanh của nước và của núi rừng, nói theo danh từ thời đại là green
awareness. Giáo dục cho mọi người các vấn đề nóng bỏng của thời đại, các
vấn nạn môi sinh, sự bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ qũy gen (gene pool),
phát triển bền vững, các ảnh hưởng qua lại của các yếu tố môi sinh và từ đó
thấy sự cần thiết có một sự hài hoà giữa dân số và thiên nhiên, hài hoà giữa
thiên nhiên và phát triển kinh tế, một sự hài hoà mà chính hệ thống triết
học Á Đông luôn luôn đề cao.
Thái Công Tụng
No comments:
Post a Comment