Chúng
ta đã nói đến và có trách nhiệm giải trình nhưng lại không có chế tài. Nếu nói
đi bán chổi đót, chạy xe ôm mà lại có khối tài sản như biệt phủ mấy chục tỉ đồng…
thì tức là không giải trình được. Với cách thức vận hành và khung khổ pháp luật
hiện nay thì quan chức giải trình ngô nghê thế cũng không có cách gì chế tài
trách nhiệm được, ngoài sự chê cười của công chúng.
Tôi
vốn duy tâm (và hơi duy cảm) nên gần như chả có tham vọng, hay khát
vọng gì nhiều về vật chất. Trước khi về Trời (hay về đâu đó) tôi chỉ
có ước vọng duy nhất là được ngồi trong khoang hạng nhất – First Class,
hay Business Class cũng ok – trên một chuyến bay đường dài, từ châu Mỹ
sang châu Á.
Sau
khi xem qua giá vé, tôi đổi ý liền, tới mấy ngàn Mỹ Kim lận. Ở Việt
Nam không ít người phải bán thân (hay bán thận) mà chỉ được vài trăm đô
la thôi nên tôi đâu có điên mà ... vứt tiền qua cửa sổ như vậy.
Đã
vậy, tôi cũng hơi ngại ngần rằng cái thứ thường dân tị nạn như mình mà
giả dạng làm du khách e cũng khó coi. Tôi còn sợ là mình sẽ vô cùng
lúng túng khi được những tiếp viên hàng tiếp đãi trang trọng quá.
Cách
đây chưa lâu tôi cũng đã có đôi chút kinh nghiệm (rất phiền) khi bầy
đặt làm sang, liều mạng thuê một cái phòng ngủ hơi mắc tiền ở
Rangoon – Miến Điện. Vừa bước xuống taxi, nhân viên khách sạn túa ra
chào đón khiến tôi hết hồn hết vía. Họ đưa tôi vào một cái phòng
rộng thênh thang có bàn ăn, bàn viết, bàn phấn, tủ lạnh, sofa tiếp
khách to đùng, và cả hoa tươi trên table de nuit. Mình ên tui mà tới hai
cái giường ngủ lận, cái lớn/cái nhỏ, ra nệm trắng tinh. Trên mặt gối
còn có đặt mấy búp sen hồng thơm ngát nữa.
Tôi
chỉ dám nằm ké né chút xíu xiu ở mí giường thôi, và nằm thao thức
cho tới gần sáng luôn vì không quen ngủ ở một nơi sang trọng. Đợi mặt
trời vừa lú là tôi cút ngay vì ngại cái cảnh nhân viên khách sạn (lại)
chắp tay xá chào khi từ biệt.
Tôi
trở lại với mấy cái nhà trọ rẻ tiền quen thuộc, chi phí chỉ vài
Mỹ Kim một ngày thôi – breakfast included. Tuy phải nằm giường hai tầng,
và ngủ chung phòng với mấy cô/cậu Tây ba lô (xốc xếch) nhưng tôi cảm thấy
thoải mái hơn nhiều. Tưởng chừng như mình là một con cá hồi, vừa
tìm lại được đúng dòng sông cũ vậy!
Hoá
ra Oscar
Lewis cũng không sai lắm. Nhà nhân chủng học này đưa ra cái khái
niệm culture of
poverty (văn hoá nghèo) và tin rằng một kẻ sinh trưởng và nuôi
nấng từ một gia đình – và đất nước nghèo khó – như tôi rất khó
thích ứng với những sinh hoạt của nếp sống phú túc nên cứ ... nghèo
hoài, cho tới chết luôn! Tui cũng sắp chết tới nơi rồi nên không có
gì để phiền hà ráo trọi nhưng khi còn sống thì nhất định không để cái
văn hoá nghèo biến mình trở thành một kẻ nghèo văn hóa.
Chỉ
cần ngồi nhà – không phải tiêu dùng một đồng nào ráo trọi – xem một bộ phim tài liệu (Amazing
Hotels: Life Beyond the Lobby) dài sáu tiếng, cũng đủ giúp tôi học
hỏi rất nhiều điều kỳ thú về những khách sạn lạ lùng và sang
trọng vòng quanh thế giới: Marina Bay Sands (Singapore),
Giraffe Manor (Kenya), Royal Mansour (Morocco), Fogo Island Inn (Newfoundland),
Icehotel (Sweden) …
Thư viện riêng của Mashpi
Lodge
Riêng
Mashpi Lodge thì
tôi coi đi coi lại tới vài lần. Mashpi được coi là “Five Star Ecohotel.” Có
tên trong danh sách những khách sạn độc đáo của thế giới do National
Geographic tuyển chọn, dù Mashpi chỉ chiếm một diện tích rất khiêm
tốn, và nằm ẩn mình trong khu rừng mây (cloudy forest) xa khuất thuộc
rặng núi Andean ở Nam Mỹ.
Chủ
nhân là Roque Sevilla (cựu thị trưởng Quito, thủ đô của Ecuador) người
trở thành triệu phú nhờ vào dịch vụ bảo hiểm và truyền thông, đã
mua 1.200 mẫu Tây đất rừng với giá 350, 000 USA dollars, và bỏ thêm 10
triệu Mỹ Kim nữa để xây dựng quán trọ Mashpi Lodge. Ông tâm sự: “Mọi
người đều nghĩ rằng tôi điên. Everybody thinks I’m crazy.”
Với
số vốn lớn lao này mà khách sạn chỉ có 22 phòng thì quả là
“khùng” thiệt nhưng mục đích của Roque Sevilla không phải là đầu tư
sinh lợi. Ông muốn cứu vãn, và bảo vệ, một phần rừng nguyên sinh đang
bị mất dần vì sự khai thác quá tải của những công ty cung cấp gỗ.
Phần
lớn nhân viên của Mashpi Lodge vốn là thợ làm rừng hay thợ săn. Nay họ
đều trở thành những chuyên viên bảo vệ thiên nhiên. Kết quả là nhiều
chủng loại (chim chóc cũng như động vật hoang dã) mất dạng từ hơn
nửa thế kỷ đã có mặt trở lại trong khu rừng mây của Mashpi Lodge –
theo ghi nhận bởi camera traps của nhà sinh vật học thường trú Carlos Morochz.
Tôi
cứ nhìn cái khách sạn thiết kế toàn bằng kiếng (để du khách đứng
ở góc nào cũng có thể tiếp xúc với thiên nhiên) với thư viện, phòng
thí nghiệm, đài quan sát … của ông thị trưởng Quito mà không khỏi
ngẩn ngơ và trạnh lòng nghĩ đến giới quan chức ở đất nước mình.
Thay vì bảo vệ thì những kẻ này chính là thủ phạm đã phá nát
rừng núi ở Việt Nam để khai thác gỗ kiếm tiền, và xây những biệt
thự hay biệt phủ.
Biệt
thự quan chức: Những dinh thự, biệt phủ "ồn ào" dư luận thời
Bà
Nguyễn
Hải Vân, một chuyên viên về môi trường cho hay:
“Rừng
phòng hộ ở Việt Nam đang suy giảm mạnh cả về diện tích và chất lượng. Chỉ tính
từ 2004-2014, diện tích rừng phòng hộ đã giảm 1,7 triệu hécta, tương đương tốc
độ suy giảm trung bình 23%/năm.”
Phóng ảnh lấy từ vietnamplus
Facebooker
Trương
Châu Hữu Danh nhận xét:
“Trên
khắp dải đất hình chữ S này, nhà gỗ triệu đô không hiếm. Nhưng những căn nhà
này không thuộc về giới siêu giàu, giới doanh nhân. Những căn nhà này, trớ trêu
thay, lại là của cán bộ. Sau lệnh đóng cửa rừng, các món đồ gỗ, nhà gỗ này càng
trở nên vô giá.
Một
thực tế là nhà cán bộ càng to thì lũ càng lớn, dân chết càng nhiều. Những căn
nhà xa hoa này được đánh đổi bằng mạng dân. Các vị ngủ có ngon không khi dưới
chân mình là xác dân lập lờ trong lũ dữ?”.
Theo
tôi thì “các vị cán bộ” này đều vẫn ngủ rất ngon vì họ được bảo
vệ rất kỹ trong những căn “nhà gỗ triệu đô” bởi chế độ hiện hành. Qua
lệnh xử phạt “500
triệu đồng và cho tồn tại ‘biệt phủ' của gia đình ông Phạm Sỹ Quý” ở Yên
Bái, mọi người đều thấy được cái tâm, cũng như cái tầm, của những
người hiện đang nắm quyền bính ở Việt Nam. Đất nước này tuy không
nằm trên đường xích đạo như Ecuador nhưng số phận thì e đen đủi hơn
nhiều.
Tưởng Năng Tiến
No comments:
Post a Comment