Thursday, June 23, 2016

Văn bản của chính quyền CSVN về việc "Quy hoạch thủy lợi đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2012 - 2020"





CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
             Số:     1397/QĐ-TTg


                  Hà Nội, ngày   25  tháng   9  năm 2012

QUYẾT ĐỊNH

Phê duyệt Quy hoạch thuỷ lợi Đồng bằng sông Cửu Long
giai đoạn 2012 - 2020 và định hướng đến năm 2050
 trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng


 


THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Tài nguyên nước ngày 20 tháng 5 năm 1998;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,

QUYẾT ĐỊNH:

          Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch thủy lợi đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2012 - 2020 và định hướng đến năm 2050 trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng với các nội dung chính như sau:

I. PHẠM VI

13 tỉnh, thành phố thuộc Đồng bằng sông Cửu Long bao, gồm: Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre, An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang và thành phố Cần Thơ. Diện tích tự nhiên khoảng 3,96 triệu ha, dân số khoảng 18 triệu người. 

II. QUAN ĐIỂM

          - Quy hoạch thuỷ lợi phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đồng bằng sông Cửu Long, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực; làm cơ sở thực hiện quy hoạch chuyển đổi sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản, lâm nghiệp, điều chỉnh các quy hoạch khác có liên quan, đáp ứng yêu cầu và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội; từng bước ứng phó biến đổi khí hậu - nước biển dâng.
          - Quy hoạch thuỷ lợi nhằm góp phần khai thác, sử dụng hiệu quả, bảo vệ và phát triển nguồn nước ở thượng lưu và vùng lân cận; kết hợp hài hoà giữa giải pháp công trình và phi công trình; hạn chế các tác hại do nước gây ra, nhất là lũ lụt và xâm nhập mặn trong điều kiện biến đổi khí hậu - nước biển dâng; bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
          - Đầu tư xây dựng hệ thống thuỷ lợi đồng bộ, khép kín; phục vụ đa mục tiêu, lợi dụng tổng hợp, phát huy các lợi thế, thế mạnh của vùng; đảm bảo tính thống nhất toàn vùng và phù hợp với đặc thù của từng khu vực trong vùng.
          - Tận dụng hiệu quả lợi ích do các nguồn thiên nhiên mang lại như nước lũ cung cấp phù sa, nguồn lợi thuỷ sản nước ngọt, vệ sinh đồng ruộng; nước mặn với rừng ngập mặn, nguồn lợi thuỷ sản và hệ sinh thái nước mặn.
          - Huy động mọi nguồn lực từ ngân sách nhà nước, các nguồn vốn hợp pháp khác trong nước và ngoài nước, đồng thời huy động sự đóng góp của người dân để đầu tư xây dựng công trình thuỷ lợi.
          - Tôn trọng Hiệp ước Mê Công và các điều ước quốc tế có liên quan trong đầu tư xây dựng công trình thuỷ lợi, đảm bảo hài hoà lợi ích giữa các quốc gia, khu vực trong vùng.  

III. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát
- Tạo ra hệ thống thuỷ lợi, phục vụ sản xuất nông nghiệp trong tình hình mới, từng bước thích ứng trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển bền vững.
- Xác định các chương trình, dự án ưu tiên và kế hoạch thực hiện giai đoạn 2012-2020 và định hướng đến năm 2050; đề xuất các vấn đề còn tồn tại cần tiếp tục nghiên cứu bổ sung quy hoạch, nhất là trong điều kiện sử dụng nước thượng lưu sông Mê Công, tình hình biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

2. Mục tiêu cụ thể
- Góp phần đảm bảo an toàn dân sinh, sản xuất, cơ sở hạ tầng cho khoảng 32 triệu dân vùng đồng bằng sông Cửu Long (số liệu ước tính đến năm 2050), trong đó khoảng 20 triệu dân vùng ngập lũ và 12 triệu dân vùng ven biển.
          - Từng bước hoàn thiện hệ thống thuỷ lợi, chủ động cấp nước, tiêu thoát nước, kiểm soát lũ, kiểm soát mặn ổn định cho khoảng 1,8 triệu ha đất lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long; chủ động nguồn nước đảm bảo lịch thời vụ và quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đề xuất giải pháp cung cấp nước ngọt, nước mặn ổn định và bền vững cho khoảng 0,7 triệu ha diện tích nuôi trông thuỷ sản nước lợ và nước ngọt trong vùng.
          - Hoàn chỉnh hệ thống đê biển, đê sông, hệ thống cống điều tiết nhằm ngăn mặn, giữ ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị và lợi nhuận trên một đơn vị diện tích; khai thác thế mạnh về sản xuất lúa, nuôi trồng thuỷ sản, trồng và chế biến các loại trái cây đem lại hiệu quả cao.
- Góp phần phục vụ xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống của người dân nhằm ổn định chính trị, bảo đảm an ninh - quốc phòng, trật tự an toàn xã hội trong vùng.
          - Chủ động các giải pháp ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn, suy giảm dòng chảy kiệt thượng lưu; đề xuất giải pháp phòng chống xói lở, bồi lắng và bảo vệ nguồn nước, giảm thiểu ô nhiễm môi trường sinh thái.

IV. CÁC GIẢI PHÁP CHÍNH

- Tiếp tục đầu tư, xây dựng các công trình thuỷ lợi (không bị ảnh hưởng do biến đổi khí hậu và nước biển dâng) đã được đề xuất theo Quyết định số 84/2006/QĐ-TTg ngày 19 tháng 4 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch thuỷ lợi đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2006-2010 và định hướng đến năm 2020. 
- Tiếp tục xây dựng và nâng cấp các cụm tuyến dân cư và bảo vệ các thị trấn, thị xã, thành phố trong vùng ngập do lũ và nước biển dâng.
- Thực hiện Quyết định số 667/QĐ-TTg ngày 2 tháng 5 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình củng cố, nâng cấp hệ thống đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang (trong đó có các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long); kết hợp tuyến đê biển vùng đồng bằng sông Cửu Long với đường giao thông ven biển.
- Kết hợp chặt chẽ các công trình thủy lợi, giao thông, dân cư trong tổng thể phát triển cơ sở hạ tầng chung nhằm đạt được hiệu quả cao trong đầu tư.
- Xem xét các tuyến giao thông nông thôn khi xây dựng mô hình nông thôn mới trong vùng ngập lũ.
- Nâng cấp và xây dựng mới tuyến đê sông đảm bảo yêu cầu thiết kế.
- Hạn chế lũ tràn từ biên giới vào vùng đồng bằng sông Cửu Long bằng hướng thoát lũ ra biển Tây (vùng Tứ giác Long Xuyên), sang sông Vàm Cỏ và qua sông Tiền (vùng Đồng Tháp Mười). Tận dụng khả năng trữ lũ, chậm lũ bằng các hệ thống kênh trục cắt ngang vùng lũ tạo nên, nhất là cho vùng Đồng Tháp Mười trong điều kiện lũ nhỏ và trung bình.
- Nâng cấp và làm mới các trục thoát lũ, dẫn nước, tiêu nước cho các vùng Tứ giác Long Xuyên, Tả sông Tiền, giữa sông Tiền - sông Hậu, Bán đảo Cà Mau, ưu tiên các vùng ven biển.
- Tăng cường khả năng trữ nước trên các sông lớn và trên hệ thống kênh rạch đảm bảo nguồn nước ngọt cấp cho toàn vùng ổn định và bền vững. 
- Nâng cao các giải pháp phi công trình ứng phó với biến đổi khí hậu như chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, tưới tiết kiệm nước, lai tạo giống lúa chịu mặn, chịu hạn, chịu ngập…, thực hiện tốt công tác dự báo, cảnh báo khí tượng, thuỷ văn; công tác quản lý khai thác công trình thuỷ lợi.

2. Giải pháp công trình cho từng vùng:

a) Vùng Tả sông Tiền (Đồng Tháp Mười và Đông Vàm Cỏ Đông):

- Cấp nước và kiểm soát mặn: 

+ Tăng khả năng cấp nước từ sông Tiền sang sông Vàm Cỏ Tây thông qua việc nạo vét, mở rộng các trục tiếp nước qua Đồng Tháp Mười như Sở Hạ - Cái Cỏ, Tân Thành - Lò Gạch, Hồng Ngự, An Phong - Mỹ Hòa - Bắc Đông, Đồng Tiến - Lagrange, Nguyễn Văn Tiếp... Tận dụng tối đa nguồn nước ngọt cung cấp từ hồ Dầu Tiếng qua sông Vàm Cỏ Đông. Chủ động trữ nước, kiểm soát mặn trên sông Vàm Cỏ.
+ Xây dựng cống ngăn mặn trên các cửa kênh dọc sông Tiền để kiểm soát mặn; kết hợp chuyển nước ngọt bằng xi phông qua các trục giao thông thủy để cấp nước cho các dự án Bảo Định và Gò Công, song song với đê ngăn lũ, triều cường dọc sông. 

- Kiểm soát lũ, triều cường: 

+ Phối hợp công trình trữ ngọt và ngăn mặn trên sông Vàm Cỏ để giải quyết ngập lũ, triều bằng cách tăng khả năng thoát lũ qua cống và ngăn đỉnh triều cường.
+ Vùng trung tâm Đồng Tháp Mười, các phương án trữ lũ, chậm lũ theo bậc thang các kênh trục thoát lũ được thực hiện trong giai đoạn trước mắt. Khi có cống trên sông Vàm Cỏ sẽ tăng khả năng trữ ngọt, hạn chế xâm nhập mặn và tăng khả năng thoát lũ.
+ Xây dựng hệ thống cống kiểm soát lũ trên kênh Tân Thành - Lò Gạch.
+ Tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống đê ven biển khép kín từ cửa Tiểu đến công trình trên sông Vàm Cỏ.

- Hệ thống công trình: 

          + Cụm công trình thoát lũ ven biên giới: Thực hiện theo Quyết định 84/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, bổ sung 11 cống kiểm soát lũ trên kênh Tân Thành - Lò Gạch và các cống ven sông Tiền.
          + Cụm kênh thoát lũ ra sông Tiền:
* 5 kênh thoát lũ trực tiếp từ tuyến kiểm soát lũ kênh Tân Thành - Lò Gạch là kênh 2/9, Kháng Chiến, Bình Thành, Thống Nhất - Đốc Vàng Thượng, Phú Hiệp - Đốc Vàm Hạ.
* 21 kênh thoát lũ vùng Nam kênh Nguyễn Văn Tiếp.
          + Cụm kênh thoát lũ, dẫn nước từ sông Tiền sang sông Vàm Cỏ Tây:
* Kênh Đồng Tiến-Lagrange, An Phong-Mỹ Hòa - Bắc Đông, Nguyễn Văn Tiếp); nạo vét tăng khả năng thoát lũ của Sông Vàm Cỏ Tây.
*  Kênh tiếp nước Bình Phan - Gò Công.
* Xi phông tiếp nước qua kênh Chợ Gạo.
+ Các công trình thuỷ lợi phục vụ nuôi trồng thuỷ sản. 

b) Vùng giữa sông Tiền, sông Hậu: 

Đây là vùng thuận lợi về cấp nước với nguồn nước ngọt từ sông Tiền, sông Hậu, trừ một số vùng còn khó khăn thuộc 2 tỉnh Bến Tre, Trà Vinh và cần có giải pháp công trình với quy mô lớn; đã và đang thực hiện Dự án Bắc Bến Tre.

- Cấp nước và kiểm soát mặn:
Tiếp tục thực hiện các hạng mục theo phân kỳ đầu tư, triển khai trước các hạng mục đã rõ về kỹ thuật đảm bảo không mâu thuẫn với lâu dài.

- Kiểm soát lũ, triều cường:
+ Đầu tư xây dựng tuyến đê dọc sông Tiền, sông Hậu trên cơ sở kết hợp tuyến giao thông (ở nơi có điều kiện), đảm bảo ứng phó với mực nước lũ kết hợp nước biển dâng.
+ Nạo vét, mở rộng các kênh nối sông Tiền - sông Hậu để tăng khả năng chuyển tải nước từ sông Tiền sang sông Hậu, đồng thời tiêu nước chua phèn, tiêu thoát cho các khu vực bị ngập úng lâu ngày.
+ Hoàn chỉnh hệ thống đê biển, đê sông nhằm khép kín và kết nối từ cửa Đại đến cửa Định An. 
+ Xây dựng các cống, kết hợp tuyến đê hiện có nhằm chống ngập úng cho thành phố Vĩnh Long.

- Hệ thống công trình:
+ Cụm công trình trên kênh Vĩnh An, đầu tư nâng cấp bờ bao, cống bọng phục vụ sản xuất theo hướng chủ động, thích nghi.
+ Cụm công trình Bắc Cái Tàu Thượng (gồm Bắc Vàm Nao và Nam Vàm Nao), tiến hành thực hiện theo nội dung đã được phê duyệt.
+ Cụm công trình thoát lũ, cấp nước, tiêu nước sông Tiền - sông Hậu: kênh Mương Khai, kênh Cần Thơ - Huyện Hàm, kênh Nha Mân - Tư Tải, kênh Xẻo Mát - Cái Vồn, kênh Xã Tàu - Sóc Tro…
+ Cụm công trình Nam Măng Thít
* Cống Trà Ôn, Tích Quới (rạch Bông Lớn), Mỹ Văn, Rùm Sóc.
* Kênh tiếp nước Long Hồ - Vũng Liêm - Thống Nhất - Kênh 3/2, Xã Tàu - Trà Ngoa - La Ban.
* Kênh Mây Phốp - Ngã Hậu.
          + Cụm công trình Ba Lai (Bắc Bến Tre), gồm một số công trình chính:
* Cống An Hóa.
* Các cống ven sông Cửa Đại từ cống An Hóa ra biển (Vĩnh Thái, Giồng Rừng, Cái Ngang)
* Các cống ven hạ lưu cống Hàm Luông ra biển (Phú Mỹ, Hưng An, Hưng Nhơn, Sơn Đốc 2, An Thới)
* 8 cống Bắc kênh Bến Tre - An Hóa; kênh tiếp nước thượng Ba Lai, Giồng Trôm.
+ Cụm Hương Mỹ (Nam Bến Tre):
* Kênh tiếp nước Giồng Ông Keo-Hương Mỹ.
* Cống ven sông Cổ Chiên (Gò Cốc).
* 8 cống ven sông Hàm Luông (Lâm Đồng, Tân Thuận, Tân Phú, Phước Khánh, Phú Đông, Tân Phú Đông, Phú Khánh, Vĩnh Điền). 
+ Các cống chống ngập úng cho thành phố Vĩnh Long (Cái Cá, Cái Cam, Long Hồ, Cái Đa, Cái Đôi).
+ Các công trình thuỷ lợi phục vụ nuôi trồng thuỷ sản.

c) Vùng Tứ giác Long Xuyên:

- Cấp nước và kiểm soát mặn:
+ Đầu tư xây dựng 8 cống dọc sông Hậu và mở rộng một số kênh trục để tăng khả năng chuyển nước vào nội đồng và tăng nguồn nước ngọt cho nuôi trồng thuỷ sản dải ven biển (Cống kênh Chắc Cà Đao; An Hòa; Bình Phú; Ba Thê; Mười Châu Phú; Tri Tôn; Cần Thảo và cống kênh Số 2)
+ Xây dựng 5 cống Tà Xăng, Tam Bản, Tà Lúa, Cầu số 1, Rạch Giá.
- Kiểm soát lũ, triều cường:
+ Kết hợp đê và cống dọc sông Hậu cùng 2 cống Trà Sư, Tha La hiện nay tạo hệ thống kiểm soát lũ cho toàn vùng.
+ 8 cống ven sông Hậu nhằm kiểm soát lũ cho vùng, tăng khả năng thoát lũ ra biển Tây.
+ Mở rộng các cống ven biển và khẩu diện các cầu qua Quốc lộ 80 từ Rạch Giá đi Hà Tiên đảm bảo khả năng thoát lũ, kể cả lũ gia tăng do biến đổi khí hậu. Nâng cấp đê biển đủ cao trình ứng với nước biển dâng kết hợp với tuyến giao thông ven biển.

- Hệ thống công trình:
+ Cụm công trình kiểm soát lũ ven biên giới:
* Hoàn thành tuyến đê kiểm soát lũ từ Tịnh Biên đến Hà Giang.
* Hoàn thành 8 cống kiểm soát lũ đầu các kênh từ T6 đến Hà Giang.
* Cống Đầm Chích.
          + Cụm công trình kiểm soát mặn ven biển:
* Xây dựng 5 cống Tà Xăng, Tam Bản, Tà Lúa, Cầu số 1, Rạch Giá.
* Nâng cấp tuyến đê biển Tây kết hợp với hệ thống cống điều tiết.
          + Cụm công trình thoát lũ ra biển Tây tập trung hoàn chỉnh các kênh trục thoát lũ ra biển Tây.
+ Cụm công trình kiểm soát lũ ven sông Hậu, đầu tư xây dựng 8 cống ven sông Hậu.
+ Các công trình thuỷ lợi phục vụ nuôi trồng thuỷ sản.

d) Vùng Bán đảo Cà Mau: 
Đây là vùng khó khăn về nguồn nước, nhất là vùng ven biển và trung tâm Quản Lộ - Phụng Hiệp. Giải pháp cấp nước ngọt cơ bản cho vùng này là mở rộng, nạo vét các kênh trục nối từ sông Hậu vào sâu trong nội đồng.

- Cấp nước và kiểm soát mặn:
+ Xây dựng 2 cống Cái Lớn - Cái Bé nhằm ngăn mặn từ biển Tây, tăng khả năng chuyển nước cho vùng nhất là vùng Nam bán đảo Cà Mau.
+ Tiếp tục thực hiện dự án phân ranh mặn ngọt và nghiên cứu thêm giải pháp chuyển nước bằng xiphông qua các trục kênh lớn phục vụ nuôi trồng thuỷ sản.

- Kiểm soát lũ, triều cường:
+ Xây dựng đê và cống điều tiết dọc sông Hậu (nhất là vùng cửa sông).
+ Tiếp tục nâng cấp và hoàn chỉnh hệ thống đê biển và cống điều tiết.
+ Xây dựng các tuyến đê biển, đê sông đủ khả năng ứng phó biến đổi khí hậu nước biển dâng và các cống dưới đê tại các cửa Mỹ Thanh, Gành Hào, Bảy Háp, Ông Đốc... nhằm kiểm soát triều và lũ (trước mắt tập trung cống Gành Hào nhằm chống ngập úng cho thành phố Cà Mau).
(Dọc tuyến Cái Sắn, để ngỏ không kiểm soát lũ do lũ vùng Tứ giác Long Xuyên sẽ được kiểm soát khá tốt sau khi có thêm 8 cống ven sông Hậu). 

- Hệ thống công trình:
+ Cụm công trình Cái Lớn-Cái Bé:
* Cống Cái Lớn, Cái Bé; cống, âu thuyền Xẻo Rô.
* 2 cống thượng lưu Cái Lớn (Xẻo Rô 1, Xẻo Rô 2).
* 9 kênh tiếp nước KH1, KH3, Thốt Nốt, KH5, KH6, KH7, Ô Môn - Xà No, kênh Giữa.
          + Cụm công trình ven biển Tây: Tiếp tục thực hiện theo Quyết định 84/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
          + Cụm công trình vùng Quản Lộ - Phụng Hiệp:
* Hệ thống cống Nam kênh Chắc Băng.
* Hệ thống phân ranh mặn, ngọt vùng Quản Lộ - Phụng Hiệp.
          + Cụm công trình tiếp nước vùng Bán đảo Cà Mau: kênh Nàng Mau; kênh Cần Thơ-Phụng Hiệp-Sóc Trăng; kênh Sóc Trăng-Bạc Liêu và kênh Lai Hiếu.      + Cụm công trình cống ven sông Hậu:
* 7 cống kết hợp đê kiểm soát mặn xâm nhập từ cửa Trần Đề (Rạch Saintard, Rạch Mọp, Mỹ Hội, Rạch Vọp, Cái Trâm, Cái Cau, Cái Côn).
* Đê kiểm soát mặn từ cửa Trần Đề đến Phú Thạnh.
          + Các cống dưới đê nhằm kiểm soát lũ, triều (Gành Hào, Mỹ Thanh, Bảy Háp, Ông Đốc...). Trước mắt tập trung xây dựng cống Gành Hòa.
+ Công trình thuỷ lợi phục vụ nuôi trồng thuỷ sản.

d) Vùng hải đảo (thuộc tỉnh Kiên Giang): Đầu tư các hồ chứa nước cấp nước tưới và phục vụ dân sinh.
- Nâng cấp hồ chứa nước Dương Đông, Phú Quốc;
- Hồ chứa nước suối Lớn, Phú Quốc;
- Hồ chứa nước Hòn Ngang, Nam Du;
- Hồ chứa nước Hòn Mấu, Nam Du;
- Hồ chứa nước Ấp 1, Hòn Tre.

3. Giải pháp phi công trình:

- Nghiên cứu đề án thành lập các tổ chức quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi và xây dựng quy trình vận hành các hệ thống thuỷ lợi lớn, liên tỉnh trong vùng: Ô Môn - Xà No, Quản Lộ - Phụng Hiệp, Nam Măng Thít, Trà Sư - Tha La; hệ thống thuỷ lợi vùng Tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười...  

- Thực hiện chương trình trồng rừng ngập mặn ven biển và bảo vệ các khu vườn quốc gia tại các tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long; trồng cây chắn sóng đối với các khu vực đê bao chống lũ triệt để ở các khu vực ngập lũ.

- Tuyên truyền, cảnh báo và có giải pháp cho người dân khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng do ngập lũ, sạt lở, hạn hán, xâm nhập mặn nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu - nước biển dâng.

- Tiếp tục nghiên cứu làm rõ tính khả thi và hiệu quả của tuyến đê biển Vũng Tàu - Gò Công và Kiên Giang - Hòn Tre.

- Rà soát, chủ động di dời dân cư đang sinh sống ở khu vực ven sông, kênh rạch có nguy cơ sạt lở cao.

- Nghiên cứu, đánh giá tổng thể diễn biến sạt lở bờ hệ thống sông Tiền, sông Hậu trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng để đề xuất phương án bảo vệ các thành phố, thị xã, khu vực dân cư tập trung. 

- Đề xuất các giải pháp chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, cây trồng, vật nuôi thích hợp ứng phó với biến đổi khí hậu (tưới tiết kiệm nước, lai tạo giống lúa chịu mặn, chịu hạn, chịu ngập) và tình trạng khan hiếm nguồn nước ngọt, xâm nhập mặn gia tăng và ảnh hưởng của lũ kết hợp triều cường trong khu vực.

- Thực hiện tốt công tác dự báo, cảnh báo khí tượng, thuỷ văn; công tác quản lý khai thác công trình thuỷ lợi.

- Tích cực hợp tác với các nước thượng lưu trong khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn nước. 

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN QUY HOẠCH

1. Tổng kinh phí dự kiến thực hiện quy hoạch khoảng 171.700 tỷ đồng (Một trăm bảy mươi mốt nghìn, bảy trăm tỷ đồng), trong đó:

a) Phân theo hạng mục công trình:
- Thực hiện tiếp theo Quyết định 84/2006/QĐ-TTg: 18.260 tỷ đồng.
- Xây dựng đê biển khoảng: 6.370 tỷ đồng.
- Xây dựng, củng cố đê sông khoảng: 11.660 tỷ đồng.
- Kênh tiếp nước, hồ chứa khoảng: 4.980 tỷ đồng.
- Xây dựng công trình kiểm soát lũ khoảng: 4.760 tỷ đồng.
- Xây dựng các cống lớn vùng ven biển; củng cố, hoàn thiện hệ thống thủy nông nội đồng: 125.310 tỷ đồng.

b) Phân theo giai đoạn đầu tư:
- Giai đoạn năm 2012 - 2020: khoảng 41.400 tỷ đồng.
- Giai đoạn năm 2021 - 2030: khoảng 49.450 tỷ đồng.
- Giai đoạn năm 2031 - 2050: khoảng 80.850 tỷ đồng.

c) Phân theo vùng:
          - Vùng tả sông Tiền: khoảng 33.980 tỷ đồng.
          - Vùng giữa sông Tiền - sông Hậu: khoảng 85.280 tỷ đồng.
          - Vùng Tứ Giác Long Xuyên: khoảng 13.440 tỷ đồng.
          - Vùng bán đảo Cà Mau: khoảng 37.780 tỷ đồng.
          - Vùng hải đảo: khoảng 1.220 tỷ đồng.

2. Nguồn vốn đầu tư:
Nguồn vốn thực hiện quy hoạch được cân đối từ vốn ngân sách nhà nước hàng năm (ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA, vốn chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu), đóng góp của người dân vùng hưởng lợi và các nguồn vốn hợp pháp khác.

V. TRÌNH TỰ THỰC HIỆN QUY HOẠCH

Điều1:
 Căn cứ nội dung quy hoạch và khả năng ngân sách, cân đối ngân sách nhà nước hàng năm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, sắp xếp thứ tự ưu tiên, bảo đảm đầu tư đồng bộ và có hiệu quả, cụ thể theo trình tự ưu tiên sau:

1. Các công trình dở dang theo Quyết định 84/2006/QĐ-TTg đảm bảo đồng bộ, khép kín hệ thống để sớm hoàn thành đưa vào sử dụng phát triển hiệu quả, tập trung các hệ thống thủy lợi lớn trong vùng (Ô Môn - Xà No, Quản Lộ - Phụng Hiệp, Nam Măng Thít...). Thực hiện việc củng cố, nâng cấp đê biển theo chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 667/QĐ-TTg.

2. Công trình phục vụ đa mục tiêu, có khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu - nước biển dâng; công trình cấp bách và công trình có hiệu quả cao nhằm phục vụ các chương trình trọng điểm về phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

3. Công trình bảo vệ dân cư vùng ngập lũ, bảo vệ thành phố, thị xã, thị trấn, các công trình đường giao thông huyết mạch kết hợp giữa giao thông và thủy lợi.

4. Công trình thuỷ lợi phục vụ nuôi trồng thuỷ sản và bảo vệ vùng cây ăn trái, công trình phân ranh mặn - ngọt.

5. Công trình kiểm soát lũ tràn biên giới, nhất là vùng Đồng Tháp Mười và vùng Tứ Giác Long Xuyên.

6. Các kênh trục tưới, tiêu, cải tạo đất… và hoàn thiện phần nội đồng.

7. Triển khai nghiên cứu các công trình thuỷ lợi lớn trên dòng chính.

Điều 2. 
Tổ chức thực hiện
1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương:
- Chỉ đạo quán triệt và thực hiện tốt mục tiêu, nội dung, định hướng phát triển, giải pháp quy hoạch và quản lý quy hoạch giai đoạn 2012-2020 và định hướng đến 2050.
- Hướng dẫn, kiểm tra các địa phương tiến hành thực hiện quy hoạch thủy lợi chi tiết cho từng vùng, từng địa bàn.
- Phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long, sắp xếp thứ tự ưu tiên đầu tư các dự án, công trình theo các mục tiêu như: phòng tránh giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ an toàn tài sản và tính mạng của nhân dân, cấp nước, kiểm soát mặn, kiểm soát lũ, xây dựng nông thôn mới gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. 
- Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xác định cơ cấu các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách trung ương, địa phương huy động và các nguồn vốn khác kể cả nguồn vốn ODA và đề xuất giải pháp, chính sách để thu hút các nguồn vốn đầu tư phát triển hệ thống thủy lợi của vùng.

2. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long chỉ đạo các cơ quan chức năng quán triệt và thực hiện Quy hoạch theo sự chỉ đạo thống nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; quy hoạch chi tiết hệ thống thủy lợi trên địa bàn.

3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành, địa phương liên quan cân đối, bố trí vốn đầu tư hàng năm (bao gồm cả nguồn vốn theo chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu) theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước để thực hiện các nội dung Quy hoạch, đồng thời chịu trách nhiệm theo dõi, giám sát đầu tư, bảo đảm nguồn vốn đầu tư cho các công trình, dự án được thực hiện đúng mục tiêu và hiệu quả.

4. Các Bộ, ngành khác theo chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện có hiệu quả nội dung Quy hoạch thủy lợi đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2012-2020 và định hướng đến 2050, đồng thời xem xét điều chỉnh quy hoạch của ngành, địa phương phù hợp với nội dung Quy hoạch này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4. Các Bộ trưởng: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh: Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre, An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang và thành phố Cần Thơ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Thủ tướng, Các Phó Thủ tướng CP;
- Ban CĐ Tây Nam Bộ;
- VPCP: BTCN, các PCN, trợ lý TTCP, Cổng TTĐT, các Vụ: KTTH, KGVX, ĐP, TH;
- Lưu VT, KTN (3).KN.50
THỦ TƯỚNG


(Đã ký)

Nguyễn Tấn Dũng




No comments:

Post a Comment