Nam
Nguyên, phóng viên RFA
2016-06-24
2016-06-24
Một
cánh đồng thiếu nước ở huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng hôm 2/3/2016. AFP PHOTO.
Trong nhiều năm liền, GSTS Võ Tòng
Xuân nhà nông học nổi tiếng ở Đồng bằng sông Cửu Long đã phân tích sự lợi bất
cập hại của việc làm lúa bằng mọi giá, mà ông gọi là kém thông minh, qua việc
xây dựng đê bao khép kín để làm lúa vụ ba trong mùa lũ. Trong những dịp trò
chuyện với chúng tôi, GSTS Võ Tòng Xuân nhiều lần nhấn mạnh:
“Làm vụ ba rất là tốn kém, tốn kém về
mặt đầu tư và công sức của người nông dân, rồi tốn kém về mặt mất phù sa trong
đồng ruộng. Thứ ba là phải dùng phân bón nhiều hơn bình thường, dẫn tới sâu
bệnh cũng nhiều hơn. Người nông dân muốn có năng suất mong muốn đã bón phân
nhiều hơn, thừa phân bón, nhưng thực tế phân bón không được hấp thu hữu hiệu.
Số liệu nghiên cứu của Viện lúa Quốc tế cho thấy rất rõ là khoảng 60% lượng
phân bón bị bốc hơi thành khí ammonia hoặc ôxít nitơ nitrous oxide là hai loại
khí nhà kiếng rất độc, nó làm trầm trọng thêm biến đổi khí hậu. Người ta không
thấy được những điều này, chỉ thấy có thêm hạt lúa, theo tôi làm với bất cứ giá
nào thì không phải là thông minh lắm”.
Trong bài “Nguy cơ tan rã đồng bằng
sông Cửu Long: Xác định lại chiến lược an ninh lương thực” trên Thanh Niên
Online, nhà báo Chí Nhân trích lời PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viên
Nghiên cứu biến đổi khí hậu Đại học Cần Thơ cho biết, tính đến năm 2012 tổng
chiều dài của các con kênh đã được đào ở Đồng bằng sông Cửu Long là 91.064 km
dài gấp đôi đường xích đạo. Đê bao được đắp cao chừng 1,5 tới 2 mét ngăn cách
dòng kênh với đồng ruộng. Những con kênh, đê bao được tạo nên để phục vụ mục
đích chính là sản xuất lúa vụ 3, bên cạnh các mục tiêu như cải thiện điều kiện
sống cho người dân và giao thông…Nhưng mặt trái là kênh, đê tăng làm cho nước
thoát ra biển nhanh hơn, gây thiếu nước vào mùa khô, gây ngập ở khu vực đô thị
trong mùa mưa lũ là những thiệt hại mà chưa ai tính đến.
Vắt kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên quí giá
Báo Thanh Niên dẫn nghiên cứu của ông
Nguyễn Hữu Thiện chuyên gia sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long cho thấy, 1 ha
lúa sản xuất 2 vụ, lợi nhuận đạt 31 triệu đồng/năm. Làm 3 vụ lợi nhuận tối đa
cũng chỉ đạt chưa tới 38 triệu đồng/ năm, nhưng phải tốn chi phí đắp đê, duy tu
bảo dưỡng, trạm bơm. Vẫn theo chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện và báo Thanh Niên,
tổng chi phí đầu tư làm đê và trạm bơm để có thể sản xuất lúa vụ 3 lên tới hơn
29 triệu đồng cho một ha, chưa kể những hệ lụy như vừa phân tích. Trung bình
mỗi năm Đồng bằng sông Cửu Long sản xuất 25 triệu tấn lúa, trong đó xuất khẩu
khoảng 10 triệu tấn tương đương 6-7 triệu tấn gạo. Như vậy, ông Thiện cho rằng,
tăng vụ tăng sản lượng không hoàn toàn vì vấn đề an ninh lương thực, mà chủ yếu
tăng lượng gạo xuất khẩu. Ông Nguyễn Hữu Thiện nhận định, trong khi vùng châu
thổ sông Cửu Long ngày càng nghèo đi về mặt dinh dưỡng do giảm phù sa và có thể
dẫn tới nguy cơ tan rã trong một tương lai không xa thì trước mắt chúng ta lại
đang vắt kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên quí giá này để xuất khẩu.
Mình
làm hai vụ lúa thì mình cắt vụ để sâu rầy không tiếp nối, người ta vẫn đạt được
năng suất 14-15 tấn như đồng bào di cư ở Cái Sắn huyện Tân Hiệp, ở đây không
bao giờ làm ba vụ.
-GS Võ Tòng Xuân
-GS Võ Tòng Xuân
Trong dịp trả lời chúng tôi, Giáo sư
Tiến sĩ Võ Tòng Xuân cũng nhiều lần đề xuất chỉ nên làm hai vụ lúa một năm ở
đồng bằng sông Cửu Long:
“Mình làm hai vụ lúa thì mình cắt vụ
để sâu rầy không tiếp nối, người ta vẫn đạt được năng suất 14-15 tấn như đồng
bào di cư ở Cái Sắn huyện Tân Hiệp, ở đây không bao giờ làm ba vụ. Còn mấy ông
làm ba vụ ở Đồng Tháp An Giang thì cũng đạt 13-14 tấn cỡ đó mà chi phí cao gấp
rưỡi bên Tân Hiệp. Mình phải biết làm kinh tế, chứ mấy ông lãnh đạo cứ đè dân
xuống cho họ làm ra thêm lúa để được thăng quan tiến chức. Bỏ đê bao đi mình
làm hai vụ, vụ kia để cho phù sa vào mình nuôi trồng thủy sản trong vụ mùa mưa.
Thí dụ ở Tam Nông Đồng Tháp làm ba vụ nhưng vụ giữa họ nuôi tôm càng xanh…”
Các nhà khoa học đã mòn mỏi khuyến
cáo, cần phá bỏ đê bao trả lại môi trường thiên nhiên cho đồng bằng sông Cửu
Long. Nông dân chỉ nên làm hai vụ lúa, mùa mưa lũ về nên để thiên nhiên làm vệ
sinh đồng ruộng và bồi đắp phù sa. Nhất là trong giai đoạn hiện nay sông Mê
Kông bị khống chế về lượng nước và nước đã bị mất nhiều phù sa qua các đập thủy
điện và hồ chứa.
Trong bài trên báo Thanh Niên, PGS-TS
Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viên Nghiên cứu biến đổi khí hậu Đại học Cần Thơ, dẫn
nghiên cứu của Đại học Quốc gia Singapore cho thấy lượng phù sa về đồng bằng
sông Cửu Long giảm từ 160 triệu tấn/năm xuống 75 triệu tấn, sau khi Trung Quốc
xây dựng và vận hành đập thủy điện Mạn Loan. Chuyên gia ước tính lượng phù sa
sẽ tiếp tục giảm xuống chỉ còn khoảng 42 triệu tấn/năm, một khi các đập trên
dòng chính sông Mê Kông ở Lào và Campuchia đi vào hoạt động.
Cảnh báo “nguy cơ tan rã Đồng bằng
sông Cửu Long cần xác định lại chiến lược an ninh lương thực” qua loạt bài của
báo Thanh Niên Online, chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện kêu gọi, cần đổi mới tư duy
về an ninh lương thực với tầm nhìn dài hạn. Cần làm rõ nội hàm an ninh lương
thực cho ai và vì ai. Thay vì vắt kiệt sức khỏe của đất, thì cần phải tìm cách
duy trì sự màu mỡ của nó để có thể khai thác càng lâu càng tốt. Chuyên gia
Nguyễn Hữu Thiện cho rằng đó mới là chính sách an ninh lương thực cho quốc gia
về lâu dài.
No comments:
Post a Comment