Ry Sochan – Bình Yên Đông lược dịch
Phnom Penh Post – 16 March 2022
Các ngư dân ra sức chèo trên sông Mekong ở Phnom Penh hồi tháng 7 năm ngoái. [Ảnh: Heng Chivoan]
Ủy hội Sông Mekong (Mekong River Commission (MRC)) kêu gọi hành động cấp bách để bảo vệ sông cho lợi ích của hàng triệu người trên khắp Đông Nam Á (ĐNA) dựa vào nó. Mekong bị ảnh hưởng nặng nề bởi các dự án hạ tầng cơ sở nước và thay đổi khí hậu, MRC nói.
Vào ngày 15 tháng 3, MRC công bố một phúc trình dài 174 trang nhấn mạnh đến những thành quả quan trọng và hoạt động của mình, và đưa ra các chỉ số then chốt đã nâng cao sự hiểu biết trên toàn lưu vực về cách thức mà việc phát triển và lũ lụt và hạn hán ngày càng nghiêm trọng ảnh hưởng đến Hạ Lưu vực sông Mekong.
“Với dòng sông quan trọng nay bị ảnh hưởng bởi các dự án hạ tầng cơ sở nước và thay đổi khí hậu, phúc trình mới kêu gọi “ngoại giao nước” cấp bách để bảo vệ con sông lớn nhất ĐNA và khuyến khích phát triển khả chấp cho hàng triệu người trên khắp lưu vực,” MRC cho biết trong thông báo báo chí hôm 15 tháng 3.
MRC xác nhận rằng những hoạt động nầy đã thúc các quốc gia thành viên – Cambodia, Lào, Thái Lan và Việt Nam – có những bước chưa từng thấy cùng với 2 láng giềng ở thượng lưu là Trung Hoa và Myanmar.
Phúc trình đề nghị rằng dữ kiện chính xác và kiến thức khoa học phải thúc đẩy các nhà quy hoạch và làm chánh sách trong việc lấy quyết định và thi hành.
Thông báo báo chí trích lời của Prawitt Wongsuon, chủ tịch của Ủy ban Mekong Quốc gia Thái Lan, nói: “Trong Hạ Lưu vực sông Mekong, ảnh hưởng của thay đổi khí hậu có những hệ quả sâu đậm đối với phúc lợi xã hội và kinh tế của cử tri của chúng tôi, và là thách thức hiện nay cho các nhà làm chánh sách.”
Ông nói rằng ngoại giao nước càng ngày càng quan trọng trong khu vực, nhất là con số thủy điện gia tăng và các dự án hạ tầng cơ sở nước và các hoạt động phát triển khác.
Phúc trình trích dẫn một thí dụ điển hình là Trung tâm Quản lý Lũ lụt và Hạn hán Khu vực, trong năm 2017 được nới rộng để bao gồm việc tiên đoán hạn hán. Khả năng để tiên đoán nầy đã giúp cứu mạng sống và bảo vệ tài sản của người dân sống trong lưu vực.
Theo phúc trình, một điều đáng chú ý nhất là cải thiện tiên đoán, là sản phẩm của việc đào sâu mối liên hệ khu vực, đặc biệt với Beijing (Bắc Kinh). Lần đầu tiên, Trung Hoa đồng ý chia sẻ dữ kiện thủy học trong mùa khô.
Trong năm 2021, MRC và ASEAN phát động Đối thoại An ninh Nước để khuyến khích các giải pháp sáng tạo đối với những thách thức an ninh nước đang xuất hiện.
So Sophort, tổng thư ký của Ủy ban Mekong Quốc gia Cambodia, không thể liên lạc để có nhận xét ngày 15 tháng 3.
Ro Vannak, đồng sáng lập của Viện Dân chủ Cambodia, nói sông Mekong là một nguồn quan trọng của sinh kế và hoạt động kinh tế ở ĐNA. Sông có kỹ nghệ thủy sản nước ngọt lớn nhất trên thế giới, và rất quan trọng đối với an ninh lương thực của khu vực.
Sông Mekong là nơi cư trú đa dạng sinh học khổng lồ cung cấp chất đạm cho thú vật và trên 60 triệu người sống dọc theo sông, ông nói.
No comments:
Post a Comment