Sunday, March 6, 2022

ĐỂ CỨU HỒ ĐANG KHÔ, CÁC QUỐC GIA MEKONG PHẢI HÀNH ĐỘNG NHƯ MỘT

 (To Save a Dying Lake, Mekong Nations Must Act as One)

Abby Seiff and Len Leng – Bình Yên Đông lược dịch

New Naratif – 9 February 2022

 

Các quốc gia Mekong phải hành động tập thể để bảo tồn hồ Tonle Sap ở Cambodia, thủy sản của nó và sinh kế dựa vào nó.  Nếu không, các vấn đề nhân tạo như đánh cá bừa bãi, các đập thủy điện và thay đổi khí hậu sẽ gây tai họa cho hàng triệu người.

 

Trên hồ Tonle Sap của Cambodia, có cái gì đó sai vô cùng.  Các thước nước do chánh phủ thiết lập đang ghi nhận mực nước thấp choáng người ở hồ và sông cùng tên.  Các ảnh vệ tinh cho thấy rừng chung quanh hồ đang biến mất.  Các nhà khoa học và nghiên cứu trên toàn cầu đã tích lũy hàng đống dữ kiện cho thấy vô số vấn đề đang đe dọa vùng nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á (ĐNA).  Người dân sống trên hồ, trong lúc đó, đã đi đến các kết luận đơn giản hơn: có rất ít cá hơn, thất mùa, và không có gì hoạt động như nó phải làm.

Mok Hien đã đánh cá ở hồ gần cả đời.  Mặc dù ông không biết tuổi chính xác – ông đoán khoảng 70 – ông biết bao nhiêu lưới và bao nhiêu giờ để có một mẻ kha khá.  Trong những năm gần đây, tuy nhiên, những con số đó bắt đầu tăng nhanh.

“Tôi bắt đầu lúc 6:00 AM, thả lưới, và để đó cho đến nửa đêm hay 1:00 AM.  Càng ngày càng khó để sống như một ngư dân.  Không có đủ cá để bắt, ngay cả chỉ để nấu ăn trong nhà.”

Ngày nay, hồ bị vây quanh bởi một số vấn đề chồng chất: đánh cá thương mại trái phép, xây đập thủy điện và thay đổi khí hậu.  Luật thủy sản phần lớn không được thi hành, và có rất ít hay không có trợ giúp của chánh phủ cho hàng triệu người phụ thuộc vào hồ và cần để thích ứng với thay đổi khí hậu.

Quan trọng nhất, các quốc gia cung cấp điện cho các thành phố của họ bằng cách xây đập trên các sông nuôi dưỡng hồ Tonle Sap đã không công nhận những thủy lộ nầy như tài nguyên chung, kết tội hàng chục triệu người đến nguồn cung cấp thực phẩm nhỏ dần chưa từng thấy.  Nếu không có nỗ lực tập thể, Cambodia sẽ mất đi nguồn chất đạm quan trọng, và các gia đình đánh cá như Hien sẽ buộc phải bỏ sinh kế truyền thống lại phía sau.

Hien đã sống trên hồ kể từ khi Khmer Đỏ sụp đổ trong năm 1979.  Trong nhiều năm, ông giữ chức phó xã trưởng của Kampong Prak, một làng nổi nhỏ trong tỉnh Pursat gồm không đầy 100 nhà.  Chính ở nơi đây, bờ phía nam của hồ, ông và vợ ông nuôi dưỡng 4 đứa con.  Mặc dù đời sống của họ không dễ dàng, ông có thể kiếm đủ từ số cá đánh được để hỗ trợ gia đình.

“Khi tôi trong tuổi 20s và 30s, giống như cá có thể ăn con người vì chúng rất to và ở khắp nơi,” ông nói với New Naratif.

 

Ellena Ekarahendy

 

Điều đó không còn nữa.  Trong khi trước đây Hien có thể thả 3 hay 4 lưới và kéo được khoảng 30 kg cá lên thuyền, ngày nay, ngay với 14 lưới cũng không được trên 5 hay 6 kg.  Không thể bắt đủ để bán, Hien chỉ có thể bắt đủ để ăn trong gia đình.

“Chỉ có vợ tôi và tôi, nhưng rất khó để nuôi chúng tôi,” ông nói.

Hien dự đoán năm nay cũng sẽ tương tự: đủ cá để nấu nướng ở nhà, nếu họ may mắn.  Ba trong số 4 đứa con của ông sống ở gần, và cũng cố gắng để kiếm sống như ngư dân.  Đây là một công việc không thể làm, đó là lý do tại sao các đứa con gái của ông đã rời nhà để đi làm trong một hãng may – dạng di dân đã trở nên phổ biến trong những năm gần đây.

“Chúng tôi sống trên nước rất khốn khổ.  Tôi muốn thay đổi công việc, nhưng tôi không có tiền,” Hien nói.  “Tôi muốn có đất để trồng hoa màu, nhưng sống trên nước, chúng tôi chỉ dựa vào đánh cá.”

Trái tim đang đập

Hàng năm, hồ Tonle Sap phình ra và thu nhỏ lại theo mùa.  Hồ được nuôi dưỡng bởi sông Tonle Sap, một phụ lưu của Mekong nổi tiếng với dòng chảy ngược 2 lần trong năm.  Vào khoảng tháng 6, vào lúc cao điểm của mùa mưa, sông Mekong rất đầy nên đẩy nước vào sông Tonle Sap và vào hồ.  Rồi hồ phình ra vào đồng lụt, cuối cùng rộng đến 16.000 km2 – khoảng 6 lần diện tích trong mùa khô.  Vào khoảng tháng 11, bắt đầu mùa khô, mực nước trong sông Mekong tụt xuống, và sông Tonle Sap đảo ngược dòng chảy, đưa nước từ hồ trở lại sông Mekong.

Nhịp lũ không chỉ mang nước.  Nó mang phù sa giàu chất dinh dưỡng đến các rừng nổi và đất canh tác ở chung quanh hồ và thu hút di ngư từ các nhánh thượng lưu của Mekong.  Hiện tượng đặc thù làm cho hồ là một kỳ quan sinh thái, nơi cư trú của nhiều loại chim và cá có nguy cơ tuyệt chủng, cùng với các loài bò sát và động vật có vú hiếm.

Hàng trăm ngàn tấn cá được kéo từ hồ mỗi năm là nguồn thực phẩm quan trọng của người Cambodia kể từ khi con người hiện hữu.  Các nhà khảo cổ đã tìm thấy thức ăn cá được bảo tồn trong các lăng mộ xưa, trong khi một du khách ngắm chạm trổ ở Angkor có thể thấy các ngư dân, chợ cá và người mua một cách dễ dàng.  Chừng nào con người còn sống trên Tonle Sap, đánh cá đóng một vai trò toàn bộ trong đời sống của họ.

Mặc dù Hien không thể biết khi nào những thay đổi trên hồ bắt đầu, ông biết chắc chúng đến vào thập niên 2000s.  Không đầy 1 thập niên trước, ngư dân bắt đầu báo cáo số cá đánh được giảm giữa cơn giông hoàn hảo của đánh cá trái phép, xây đập thủy điện và thay đổi khí hậu.  Các vấn đề gây ra bởi các lực lượng ở địa phương, khu vực và toàn cầu, tất cả góp phần vào kết quả tương tự: người nghèo nhất của Cambodia chật vật từ năm nầy sang năm khác, với ít hy vọng để tình hình được cải thiện.

“Chúng tôi nay không thể mua gạo,” Hien nói.  “Tôi rất tuyệt vọng.”

Ngoài ra, dân số chung quanh hồ tăng trưởng căng phồng đã đẩy người dân vào rừng ngập nước chung quanh hồ, nơi một số đi tìm đất canh tác và vật liệu xây nhà.  Thêm người có nghĩa là thêm áp lực đối với tài nguyên của hồ, đã cạn kiệt bởi đánh cá trái phép tràn lan.  Chánh quyền thường đổ cho ngư dân chọn các phương pháp trái phép, như dùng lưới mắt nhỏ, thuốc nổ và điện.  Nhưng các NGOs và ngư dân ghi nhận thủ phạm lớn hơn như đánh cá trái phép đại qui mô thay mặt cho quyền lợi kinh doanh, không thể xảy ra nếu không có hối lộ và tham nhũng của giới chức.

Đập và hạn hán

Đánh cá trái phép có thể được giảm nhẹ qua việc thi hành luật pháp và quản lý tài nguyên.  Khó khăn hơn để đối phó là vấn đề kép của thay đổi khí hậu và đập thủy điện – đã nở rộ trên khắp khu vực trong những thập niên gần đây khi các quốc gia tăng trưởng nhanh chóng tìm cách đáp ứng với nhu cầu năng lượng gia tăng.  Các đập lớn, như các đập trên dòng chánh Mekong và các phụ lưu chánh, ngăn chận việc di chuyển của cá và sự di chuyển của phù sa màu mỡ.  Các nhà phê bình từ lâu vẫn nói rằng việc đánh đổi không đáng giá, với các mô hình kinh tế của tổ chức liên chánh phủ Ủy hội Sông Mekong (Mekong River Commssion (MRC)) và các nhà nghiên cứu độc lập cho thấy lợi ròng âm của các đập được dự trù vì mất thủy sản, rừng và đồng lúa.

Các đập ở thượng lưu nằm dọc theo Mekong và các phụ lưu đã thay đổi đáng kể thủy học của Hạ Lưu vực Mekong.  Không đâu rõ hơn Tonle Sap.  Trong tháng 1, một phúc trình của MRC nói đảo ngược dòng chảy của sông Tonle Sap có tác dụng như một “chỉ số quan trọng của tình trạng dòng chảy tổng quát trong Lưu vực Mekong”.  Các hồ chứa ở thượng lưu, nhất là các hồ chứa ở Trung Hoa, có 11 đập đang hoạt động trên dòng chánh Mekong, đã đưa đến ít nước được xả ở Cambodia trong mùa mưa và nhiều hơn trong mùa khô.  Thay đổi đó trong thủy học tự nhiên của sông có những hậu quả nghiêm trọng cho ngư dân và nông dân.

“Cùng nhau, những yếu tố nầy cũng có thể có ảnh hưởng tai hại đến sản lượng thủy sản và nông nghiệp, gây áp lực lên sinh kế của người dân ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), và đe dọa làm xáo trộn hệ sinh thái mong manh của Lưu vực Mekong,” An Pich Hatda, CEO của Văn phòng MRC, nói trong một tuyên bố trong tháng trước.

“Ba năm qua là những năm thấp nhất kỷ lục về lưu lượng trong Mekong,” Brian Eyler, giám đốc chương trình ĐNA của Trung tâm Stimson ở Hoa Kỳ và tác giả của Last Days of the Mighty Mekong (Những Ngày Cuối cùng của Mekong Hùng vĩ), nói.  Khối lượng nước chảy vào Mekong hàng năm, Eyler giải thích, đã tụt xuống rất thấp hơn số nước có thể giữ lại trong 1 hồ chứa nước.  “Vì thế chỉ có yếu tố duy nhất gây nên những khoảng trống lớn nầy là thiếu mưa.  Nhưng các đập làm cho nó thêm tồi tệ - đó là một cảnh báo quan trọng.”

Trong 3 năm liên tiếp, hạn hán ở Cambodia và phần còn lại của ĐNA khiến cho mực nước trong sông Mekong tụt xuống đến mức thấp kỷ lục.  Mực nước thấp của Mekong có nghĩa là đảo ngược dòng chảy của Tonle Sap đến trễ và yếu hơn, đưa đến mực nước của hồ thấp hơn.  Năm ngoái, lượng nước chảy vào hồ chỉ bằng ½ mức trung bình.

Hạn hán mới nhất nầy không phải lần đầu tiên.  Trong năm 2016, khi ĐNA trải qua đợt hạn hán tồi tệ nhất thế kỷ, nạn cháy rừng lan tràn khắp rừng ngập nước của hồ, đốt cháy khoảng 2.500 km2.  Ở làng nổi của Hien, nước chỉ đến bắp chân.

Các đám cháy rừng hủy hoại nơi cư trú quan trọng của cá, Hien nói vào lúc đó, trong khi thiếu mưa làm tồi tệ thêm số cá đánh được của ông.  Ông và láng giềng mới đây đã in dấu tay vào một thỉnh nguyện thư cùa một NGO kêu gọi Lào và Trung Hoa mở các đập của họ ở thượng lưu và xả thêm nước.  Họ từ chối làm thế, ông nói, đã góp phần vào sự cạn kiệt của hồ.

Trong một điện thoại gần đây, Hien chỉ tay vào việc đánh cá trái phép trên khắp hồ.  Ông đúng trong mọi điểm, mỗi lý do kết hợp các áp lực khác trên Tonle Sap, cùng nhau làm cho hồ đối mặt với tàn phá hoàn toàn.

Một tương lai thay đổi

Phúc trình mới nhất của MRC thúc giục các quốc gia hạ lưu Mekong và Trung Hoa chia sẻ dữ kiện và cộng tác trong một “mô hình điều hành” cứu xét nhu cầu của tất cả quốc gia.  Một mô hình như thế sẽ xem việc giữ nước hay xả nước của các chánh phủ ở thượng lưu trong một cách để giảm ảnh hưởng của hạn hán ở hạ lưu.  Trong tất cả các quốc gia Mekong, Trung Hoa có tư thế nhất để làm con tính nầy, vì họ có 2 hồ chứa nước lớn nhất có thể thay đổi đáng kể dòng chảy ở hạ lưu.  Tạo nên ảnh hưởng tương tự không có Trung Hoa sẽ đòi hỏi việc phối hợp hàng chục các đập trên phụ lưu nhỏ hơn ở Thái Lan, Lào, Cambodia và Việt Nam.

Eyler nói có “những dấu hiệu Trung Hoa đang tăng ý muốn cộng tác”, ghi nhận rằng Beijing (Bắc Kinh) đã tham gia vào các nghiên cứu hỗn hợp về ảnh hưởng của các đập thủy điện và đã thực hiện nghiên cứu về chi phí và lợi ích của việc hy sinh một số sản xuất năng lượng của họ cho các láng giềng ở hạ lưu.

“Liệu Trung Hoa sẵn lòng để hy sinh việc sản xuất thủy điện để xả nước cứu hạn ở hạ lưu trong mùa mưa vẫn còn chờ xem,” Eyler nói thêm.  Nhưng nếu hợp tác tốt hơn có thể giúp hạ lưu Mekong, có thể đã quá trễ để cứu Tonle Sap.

 

Làng nổi Kampong Kleang, một cộng đồng đánh cá trên bờ phía bắc của hồ Tonle Sap trong tỉnh Siem Reap ở Cambodia trong tháng 1 năm 2020. 

[Ảnh: Roun Ry]

 

Eyler nói có nhiều thành phần đặc thù khiến cho Tonle Sap là nền thủy sản nội địa lớn nhất thế giới, chẳng hạn như lượng chảy vào của phù sa hữu cơ là thức ăn của cá, cũng như cá, được cuốn vào hồ bởi dòng chảy ngược của sông.

“Những yếu tố đó – cá, phù sa và chất hữu cơ – tất cả bị đập ngăn chận.  Càng có thêm đập được xây, càng khó hơn để bảo tồn thủy sản của Tonle Sap,” ông nói.  “Anh có thể mang nước ra vào hồ trở lại, nhưng các thành phần khác thật sự không thể mô phỏng hay noi theo hay kiến tạo, đó là lý do dễ hơn để cho sông làm cái nó đã làm hàng ngàn năm với chi phí thấp và năng suất rất cao.”

Hien, về phần ông, đã đi đến kết luận tương tự.  Trong năm 2016, ông tiên đoán tình hình chỉ tồi tệ thêm.  Kể từ đó, ông ước mơ nhận được đất từ chánh phủ để giúp ông rời khỏi nước.

“Nay không phải là lúc để đánh cá,” ông nói.  “Tôi mong gia đình tôi có thể có một lô đất ở đâu đó để chúng tôi có thể trồng rau cải và các hoa màu khác.  Đánh cá càng ngày càng khó.  Tôi hoàn toàn không có hy vọng.”

No comments:

Post a Comment