Tuesday, March 29, 2022
Sunday, March 27, 2022
MEKONG LÂM NGUY: MRC
Ry Sochan – Bình Yên Đông lược dịch
Phnom Penh Post – 16 March 2022
Các ngư dân ra sức chèo trên sông Mekong ở Phnom Penh hồi tháng 7 năm ngoái. [Ảnh: Heng Chivoan]
Ủy hội Sông Mekong (Mekong River Commission (MRC)) kêu gọi hành động cấp bách để bảo vệ sông cho lợi ích của hàng triệu người trên khắp Đông Nam Á (ĐNA) dựa vào nó. Mekong bị ảnh hưởng nặng nề bởi các dự án hạ tầng cơ sở nước và thay đổi khí hậu, MRC nói.
Vào ngày 15 tháng 3, MRC công bố một phúc trình dài 174 trang nhấn mạnh đến những thành quả quan trọng và hoạt động của mình, và đưa ra các chỉ số then chốt đã nâng cao sự hiểu biết trên toàn lưu vực về cách thức mà việc phát triển và lũ lụt và hạn hán ngày càng nghiêm trọng ảnh hưởng đến Hạ Lưu vực sông Mekong.
“Với dòng sông quan trọng nay bị ảnh hưởng bởi các dự án hạ tầng cơ sở nước và thay đổi khí hậu, phúc trình mới kêu gọi “ngoại giao nước” cấp bách để bảo vệ con sông lớn nhất ĐNA và khuyến khích phát triển khả chấp cho hàng triệu người trên khắp lưu vực,” MRC cho biết trong thông báo báo chí hôm 15 tháng 3.
MRC xác nhận rằng những hoạt động nầy đã thúc các quốc gia thành viên – Cambodia, Lào, Thái Lan và Việt Nam – có những bước chưa từng thấy cùng với 2 láng giềng ở thượng lưu là Trung Hoa và Myanmar.
Phúc trình đề nghị rằng dữ kiện chính xác và kiến thức khoa học phải thúc đẩy các nhà quy hoạch và làm chánh sách trong việc lấy quyết định và thi hành.
Thông báo báo chí trích lời của Prawitt Wongsuon, chủ tịch của Ủy ban Mekong Quốc gia Thái Lan, nói: “Trong Hạ Lưu vực sông Mekong, ảnh hưởng của thay đổi khí hậu có những hệ quả sâu đậm đối với phúc lợi xã hội và kinh tế của cử tri của chúng tôi, và là thách thức hiện nay cho các nhà làm chánh sách.”
Ông nói rằng ngoại giao nước càng ngày càng quan trọng trong khu vực, nhất là con số thủy điện gia tăng và các dự án hạ tầng cơ sở nước và các hoạt động phát triển khác.
Phúc trình trích dẫn một thí dụ điển hình là Trung tâm Quản lý Lũ lụt và Hạn hán Khu vực, trong năm 2017 được nới rộng để bao gồm việc tiên đoán hạn hán. Khả năng để tiên đoán nầy đã giúp cứu mạng sống và bảo vệ tài sản của người dân sống trong lưu vực.
Theo phúc trình, một điều đáng chú ý nhất là cải thiện tiên đoán, là sản phẩm của việc đào sâu mối liên hệ khu vực, đặc biệt với Beijing (Bắc Kinh). Lần đầu tiên, Trung Hoa đồng ý chia sẻ dữ kiện thủy học trong mùa khô.
Trong năm 2021, MRC và ASEAN phát động Đối thoại An ninh Nước để khuyến khích các giải pháp sáng tạo đối với những thách thức an ninh nước đang xuất hiện.
So Sophort, tổng thư ký của Ủy ban Mekong Quốc gia Cambodia, không thể liên lạc để có nhận xét ngày 15 tháng 3.
Ro Vannak, đồng sáng lập của Viện Dân chủ Cambodia, nói sông Mekong là một nguồn quan trọng của sinh kế và hoạt động kinh tế ở ĐNA. Sông có kỹ nghệ thủy sản nước ngọt lớn nhất trên thế giới, và rất quan trọng đối với an ninh lương thực của khu vực.
Sông Mekong là nơi cư trú đa dạng sinh học khổng lồ cung cấp chất đạm cho thú vật và trên 60 triệu người sống dọc theo sông, ông nói.
CHÁNH TRỊ HÓA CÁC ĐẬP THỦY ĐIỆN TRONG LƯU VỰC LANCANG-MEKONG: NHẬN XÉT VỀ NHỮNG THÁCH THỨC MÔI TRƯỜNG HIỆN ĐẠI
(Politicization of the Hydropower Dams in the Lancang-Mekong Basin: A Review of Contemporary Environmental Challenges)
Richard Grünwald, Wenling Wang and Yan Feng – Bình Yên Đông lược dịch
Energies – 24 February 2022
Đập Xiaowan trên sông Lancang (Mekong) ở Trung Hoa. [Ảnh: WorldAtlas]
Tóm lược
Tính đến nay, các đập thủy điện gây ra một số diễn dịch về ảnh hưởng của chúng đối với sông Lancang-Mekong. Mặc dù hầu hết nghiên cứu phân tích các khía cạnh tiêu cực của việc phát triển thủy điện đối với sinh kế của người dân và môi trường ở địa phương, trong lịch sử, thành phần thủy điện là một trong những thành phần kinh tế tiêu biểu nhất làm dễ dàng việc hợp tác nước xuyên biên giới trong nhiều thập niên. Bằng cách sử dụng phân tích đàm luận xây dựng và đường lối sinh thái chánh trị phê phán, bài viết trình bày (1) phác họa những đàm luận môi trường hiện tại đối với việc phát triển thủy điện Lancang-Mekong và (2) thăm dò việc chánh trị hóa các đập trên dòng chánh của Trung Hoa. Dữ kiện được thu thập dựa trên việc phân tích nội dung nhiều cấp của những nguồn thích hợp và kiểm chứng kép (double-checked) với Kho Dữ kiện Hợp tác và Xung đột Lancang-Mekong (Lancang-Mekong Cooperation and Conflict Database (LMCCD)) theo dõi trên 4.000 sự kiện liên quan đến nước giữa 6 quốc gia duyên hà từ năm 1990 đến 2021. Dữ kiện của chúng tôi cho thấy (i) có một khác biệt hoàn toàn trong các cốt chuyện tích cực và tiêu cực đối với việc phát triển thủy điện nhanh chóng, (ii) ảnh hưởng của các đập trên dòng chánh thường được thảo luận hơn các đập trên các phụ lưu, (iii) các hệ quả của các đập thủy điện thường được diễn dịch trên các dữ kiện nghiên cứu không truyền thống thay vì các nghiên cứu được công nhận rộng rãi, và (iv) phát triển tranh luận mâu thuẫn qua truyền thông đại chúng và xã hội góp phần chánh trị hóa nhiều hơn các quan điểm của nhiều bên liên hệ trong đối thoại nghiên cứu có trách nhiệm.
1. Phần giới thiệu
Việc phát triển thủy điện trong Lưu vực Lancang-Mekong đã thu hút sự chú ý đáng kể của truyền thông trong nhiều thập niên. Từ thập niên 1950s, khi việc cộng tác chặt chẽ hơn giữa 4 quốc gia duyên hà (Cambodia, Lào, Thái Lan và Việt Nam) được thiết lập, Lưu vực Lancang-Mekong được xem là một con sông quốc tế chưa được sử dụng và không có chánh trị cao [1,2]. Trong việc đối đầu chánh trị giữa Hoa Kỳ và Liên bang Sô Viết [3,4], có những cách hạn chế để khuyến khích hòa bình giữa các quốc gia đưa các quốc gia Đông Nam Á (ĐNA) ra khỏi nghèo khó. Ngoài việc cung cấp viện trợ phát triển và trợ giúp khác [5-7], việc phát triển thủy điện dần dần trở thành một giải pháp được chấp nhận chánh trị và đứng vững kinh tế để bảo đảm một số loại hợp tác thực tế và lâu dài có thể tồn tại ngay với những khủng khiếp của thời Chiến tranh Lạnh. Để tái lập sự thành công của việc phát triển thủy điện, nhiều cơ chế hợp tác nước (Ủy hội Sông Mekong (Mekong River Commission (MRC)), Đại Phân vùng Mekong (Greater Mekong Sub-region (GMS)), Hợp tác Phát triển Lưu vực Mekong của ASEAN (ASEAN Mekong Basin Development Cooperation (AMBDC)), vân vân) đã được phát động kể từ khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt để đi theo di sản của hợp tác nước hiếm có. Tuy nhiên, việc hỗ trợ công khai như thế để tiến hành phát triển lưu vực không được kèm theo bởi các nguyên tắc cai quản nước tốt [8-10] và cứu xét sâu rộng những thay đổi thủy khí tượng phức tạp.
Mặc dù nhiều nghiên cứu thủy học [11-13] và các nhà khoa học quốc tế [14-16] liên tục cảnh báo các hậu quả tiêu cực khác nhau liên quan đến việc phát triển thủy điện nhanh chóng, hầu hết sự chú ý nhắm vào các đập trên dòng chánh của Trung Hoa [17-19] và một vài dự án nước gây tranh cãi trong các quốc gia ở hạ lưu, nhất là đập Hạ Sesan II, Xayaburi, Xepian-Xenamnoy và Thác Yali [20-23]. Việc chánh trị hóa lớn nhất của các đập thủy điện có lẽ trỗi dậy sau tháng 4 năm 2020, khi một nhóm 2 nhà nghiên cứu công bố một nghiên cứu về ảnh hưởng tiêu cực của các hồ chứa trên dòng chánh ở thượng lưu đối với dòng chảy tự nhiên [24]. Cái gọi là Nghiên cứu của Eyes on Earth (Nghiên cứu EoE) nhận được sự chú ý khác thường vì hợp pháp hóa những cốt chuyện chống đập [25,26] và được chấp nhận rộng rãi bởi quá nhiều bên liên hệ đa phương mặc dù bị chỉ trích mạnh mẽ vì đơn giản hóa và diễn dịch sai lạc những điều được tìm thấy của nghiên cứu [27-30]. Mặt khác, bằng cách leo thang áp lực về chia sẻ dữ kiện nước, 2 sáng kiến theo dõi thủy học đề cập đến những thay đổi thủy học của Lancang-Mekong đã được giới thiệu [31,32]. Ngược với nhận xét truyền thống nơi cả Diễn đàn Tin tức và Hợp tác Nước Lancang-Mekong (Lancang-Mekong Water Cooperation and Information Platform (LMWCIP)) và Theo dõi Đập Mekong (Mekong Dam Monitor (MDM)) được thúc đẩy bởi việc chánh trị hóa của Nghiên cứu EoE, chúng tôi tin rằng thay đổi thái độ trong việc hợp tác nước xuyên biên giới hiện nay chưa được thi hành vì thiếu nhập kiện nghiên cứu có phẩm chất cao và sự tham gia nông cạn của các bên liên hệ đa phương ở hạ lưu trong tiến trình thương thảo.
Như nhận xét tài liệu của chúng tôi cho thấy, nhận thức về các đập thủy điện thay đổi theo thời gian. Trong lịch sử, các đập thủy điện được xem là biểu hiệu của niềm hãnh diện quốc gia và một kiểu mẫu của tiến bộ kỹ thuật tối đa hóa lợi ích từ môi trường địa phương [33-35]. Với kỹ thuật mới và khả năng có thể có của kỹ thuật, thành phần thủy điện trải qua một biến chuyển từ từ đến các đập đa dụng lớn lao đối phó với tất cả những thách thức nước có thể thấy. Hơn nữa, ngoài đầu tư khổng lồ từ người cho ngoại quốc và các tổ chức tài chánh khác, việc phát triển thủy điện nhanh chóng được hậu thuẫn bởi “Tinh thần Mekong” và một dụng cụ ý thức hệ để làm dễ dàng việc hợp tác nước khu vực bằng mọi giá [36,37]. Việc phổ biến hóa phát triển thủy điện tiếp tục cho đến đầu thập niên 1990s. Kể từ đó, nhận thức lạc quan đối với thành phần thủy điện đạt đến cao điểm và được xem một cách rộng rãi như một nguồn năng lượng rẻ, sạch và tái tạo khuyến khích phát triển tổng thể lưu vực [38,39]. Tuy nhiên, việc chánh trị hóa các đập thủy điện như thế được bù lại bởi việc bình định chỉ trích không mong muốn [40,41] và che dấu hầu hết dữ kiện thủy học đối với các dự án nước [39,42]. Mặc dù ý tưởng ban đầu là khuyến khích hợp tác nước xuyên biên giới bằng mọi cách và gạt ra ngoài lề tất cả phong trào dân sự không mong muốn ngăn cản con đường tiến đến thịnh vượng chung, tính hợp pháp lâu dài của các đập thủy điện trong một môi trường không minh bạch tạo nên một không gian rất dễ cho tham những và góp phần cho bất định nghiên cứu lớn hơn cho những dự án nầy. Nhiều đập được xây dựa trên các nghiên cứu thủy học nông cạn và các đánh giá ảnh hưởng gây tranh cãi để biện minh cho việc phát triển thủy điện [43-45], kể cả những dự án không khả thi về kinh tế, không nhạy cảm xã hội hay rắc rối môi trường [46,47].
Bằng cách sử dụng phân tích đàm luận xây dựng và đường lối sinh thái chánh trị phê phán, bài viết trình bày (1) phác họa những đàm luận môi trường hiện tại đối với việc phát triển thủy điện Lancang-Mekong và (2) thăm dò việc chánh trị hóa các đập trên dòng chánh của Trung Hoa. Bài viết được chia thành nhiều phần. Sự nối kết giữa sinh thái chánh trị phê phán và chánh trị hóa các đập thủy điện được giải thích trong Phần 2. Nguồn dữ kiện và phương pháp nghiên cứu được trình bày trong Phần 3. Kết quả nghiên cứu từ việc duyệt xét các tài liệu được trình bày trong Phần 4. Trong Phần 5, chúng tôi thảo luận những điều đươc tìm thấy của nghiên cứu và đưa ra một số kết luận về các lề lối đàm luận hiện nay.
2. Sinh thái chánh trị phê phán và chánh trị hóa các đập thủy điện
Sinh thái chánh trị được phát triển vào cuối thập niên 1960s như một đường lối lý thuyết liên ngành phân tích tác động phức tạp giữa con người và thiên nhiên [48,49]. Không giống như các lý thuyết môi trường truyền thống xem xét mức độ sử sụng tài nguyên thiên nhiên làm dễ dàng việc phát triển khả chấp con người, sinh thái chánh trị điều tra làm thế nào để xây dựng các bên liên hệ đa phương, gieo rắc và biện minh những lập luận khác nhau trong tiến trình thương thảo [21,50-52]. Mặc dù hầu hết sự chú ý nhắm vào các diễn văn chánh thức trong đó các nhà làm chánh sách đối đầu, diễn dịch và hợp pháp hóa các lối thực hành mong muốn [53-55], việc kiểm soát tài nguyên thiên nhiên phần lớn được thúc đẩy bởi các yếu tố có thể thấy thay vì các khía cạnh sinh thái sinh lý [56]. Trái ngược với kinh tế chánh trị và địa chánh trị, sinh thái chánh trị cứu xét bất cứ thách thức nào như một cửa cơ hội để tái xét mẫu nghiên cứu rập khuôn bằng cách tiến hành đối thoại nghiên cứu đối với các vấn đề môi trường ngoại lệ [57-59]. Để xem xét sự bất cân xứng giữa các phiên bản khác nhau của sự thật và làm sáng tỏ khuynh hướng để bác bỏ những diễn dịch trái ngược [60,61], chúng tôi nghiên cứu những quan điểm khoa học và phi khoa học trái ngược liên quan đế việc phát triển thủy điện Lancang-Mekong. So với các sông quốc tế ở Trung Đông và Trung Á, nơi việc phát triển thủy điện thường liên quan đến xung đột khan hiếm nước [2,62], các tranh chấp Lancang-Mekong thường được châm ngòi bằng cách nới rộng cái bánh lợi ích từ việc chia sẻ nước và không phù hợp quyền lợi quốc gia giữa các hệ thống chánh trị khác nhau [63,64].
2.1. Các chiến lược chánh trị hóa
Bằng cách rút ra từ các lý thuyết đóng khuôn không mạch lạc và thủy chánh trị phê phán [65-69], một vài cơ chế có thể được xác định mô phỏng kết quả thực sự trong tác động nước xuyên biên giới. Như được trình bày trong Hình 1, các nhà khoa học và phi khoa học có một số chọn lựa về cách để ảnh hưởng việc phát triển thủy điện. Thứ nhất, có những cơ chế cưỡng bức, có thể được mô tả như một bộ phận phụ của các hành động đòi hỏi sức mạnh và các dạng khác của đe dọa. Không giống như chiến tranh nước địa phương hay những hành động khác nhau của khủng bố nước [62,70], sức mạnh cưỡng bức được thi hành theo tiêu chuẩn qua việc áp đặt cấm vận kinh tế, áp dụng cấm vận mậu dịch khác nhau hay dùng sức mạnh quân sự để ngăn chận các điểm địa chiến lược. Nhưng, trong Lưu vực Lancang-Mekong, loại cơ chế nầy phần lớn được cho thấy bởi những hành động không tham gia đa phương hay đe dọa đối thủ bằng cách áp dụng các hành động trả đủa [37,71,72]. Thứ hai, các cơ chế thúc đẩy đại diện nhóm hoạt động giới hạn ảnh hưởng của các bên liên hệ đa phương khác. Trong khi các chánh phủ ở hạ lưu dùng cơ chế nầy để nhân rộng lợi ích có thể thấy từ người cho ngoại quốc, các sức mạnh địa phương huy động ngân quỹ của họ và tái phân phối việc tài trợ phát triển để hình thành các đồng minh mạnh hơn và bảo đảm cân bằng sức mạnh trong khu vực [39,65]. Thứ ba, có những cơ chế biến đổi để tái khuôn khổ kiến thức nước hiện tại và tái diễn dịch các vấn đề nước tranh cãi. Thay đổi thái độ như thế bị ảnh hưởng truyền thống bằng cách nâng cao sự hiểu biết của quần chúng về các dự án nước gây tranh cãi, đồng thời tạo nên kiến thức nước với xã hội dân sự và cải thiện việc tiếp xúc và phạm vi của việc chia sẻ dữ kiện thủy học qua viễn thám [25,68,73]. Tuy nhiên, vì khả năng không bằng nhau của các chánh phủ duyên hà để tạo nên khiến thức nước, một sự lệ thuộc nặng nề vào bộ dữ kiện của thành phần thứ ba và hài hòa quyền lợi quốc gia theo Tinh thần Mekong của hợp tác nước [39,74], tranh luận thực sự đối với việc phát triển thủy điện khả chấp chỉ nới rộng con số bên liên hệ đa phương và tổ chức hóa nhãn hiệu chánh trị thay vì khuyến khích các diễn viên phát động cải cách cơ cầu. Vì thế, bất chấp đụng chạm của quan điểm nghiên cứu giữa các nhà nghiên cứu để làm cho khoa học tốt hơn (tranh luận) và con số gia tăng của các diễn đàn thông tin để giải quyết quyền lợi của bên liên hệ đa phương (tuân thủ), cái bánh lớn ra của bất định nghiên cứu lập lại cốt chuyện nước hiện tại và làm vững chắc hiện trạng giữa các nhà khoa học và phi khoa học.
Hình 1.
Sức mạnh của đàm luận về các đập thủy điện – các cơ chế then chốt và nhập kiện
2.2. Chánh trị hóa khoa học
Trong kỷ nguyên hậu sự thật, đường ranh giữa khoa học và chánh trị thỉnh thoảng có thể rất mờ. Mặc dù đặt nềm tin vào các giải pháp chuyên môn là một trong những chiến lược có thể đứng vững để làm thế nào phi chánh trị hóa đàm luận nghiên cứu và đề cập đến những đáp ứng chánh trị không vừa ý [75-77], cả khoa học hóa chánh trị và chánh trị hóa khoa học không tốt cũng không xấu [78-80]. Cái thay đổi là cách mà các bên liên hệ đa phương diễn dịch tầm nhìn của họ và thương thảo với các diễn viên khác. Đối với các nhà khoa học, nó là “khoa học không có chánh trị” [81] bảo đảm tính độc quyền của cộng đồng học thuật và lót đường cho những triển vọng nghiên cứu không giới hạn [82]. Đối với những người phi khoa học, nó đòi hỏi thời gian, chi phí được dự đoán, và tính đơn giản của các kết luận khoa học thì quan trọng hơn để quyết định liệu nên tiếp tục với một số lề lối quản trị nước hay không [25,83]. Đây cũng là trường hợp của các đập thủy điện Lancang-Mekong. Như được trình bày trong Hình 2, hầu hết các đập thủy điện ở thượng lưu nằm trong Thượng Lưu vực Lancang-Mekong gây lo ngại về tính khả chấp của sông. Những lời đồn đoán như thế có thể được nhận thấy khi có hạn hán nghiêm trọng khác thường (2004,2015,2016) và lũ lụt thình lình (2008,2014) đánh phá các quốc gia ở hạ lưu [26,83,85]. Mặc dù sự kiện là nhiều học giả tin rằng những bất an nước nầy phần lớn do lý do thủy khí tượng hơn là các dự án nhân tạo [86-88], gọi các đập thủy điện của Trung Hoa là thủ phạm chánh đã khuếch đại các rủi ro môi trường là một thành kiến rất phổ biến trong những năm gần đây. Bất cứ lúc nào cả nhà khoa học và những người phi khoa học áp dụng cốt chuyện nầy để làm nổi bật tính vị lợi của Trung Hoa [89,90] và những ý định địa chiến lược khác ở ĐNA [71,91], cốt chuyện nầy thường được sử dụng thường hơn để chuyển một số trách nhiệm khác nhau cho quản lý sông hỗn hợp và nhân rộng lo sợ các quốc gia ở thượng lưu [16,17,21].
Cho đến năm 2016, nhiều quan sát viên ngoại quốc cho rằng chánh phủ Trung Hoa hầu như không muốn tham gia vào bất cứ sáng kiến nào đòi hỏi thêm các quy định cho việc phát triển thủy điện ở thượng lưu [15,37,39]. Sự thay đổi thái độ từ từ của chánh phủ Trung Hoa trong việc can dự vào việc cai quản nước xuyên biên giới có vẻ xảy ra sau khi thiết lập Hợp tác Lancang-Mekong (Lancang-Mekong Cooperation (LMC)) vào đầu năm 2016. Chánh phủ Trung Hoa không những cam kết khuyến khích phát triển lưu vực hỗn hợp và chia sẻ thêm tin tức về việc điều hành nước mà còn xả thêm nước từ các đập ở thượng lưu để giảm nhẹ hạn hán theo mùa [93,94]. Tiến bộ khác liên quan đến việc chánh trị hóa gia tăng của các đập thủy điện của Trung Hoa cũng có thể được thấy trong việc làm dễ dàng việc cộng tác nghiên cứu chặt chẽ hơn với MRC từ cuối năm 2019 [95,96] và tăng cường đối thoại chánh sách-nghiên cứu đề cập đến những bất an nước hiện tại [97,98]. Dù sao, mặc dù có những khuyết điểm liên lạc kéo dài, thành kiến lịch sử, và các khía cạnh khác đục khoét sự tin cậy giữa các bên liên hệ đa phương, thay đổi phẩm và lượng của nguồn nước chung thì đi ngoài khả năng của các đập trên dòng chánh của Trung Hoa [30,87,99].
Hình 2. Các đập thủy điện hiện hữu vả dự trù trong Lưu vực Lancang-Mekong [11,12,92]
XIN BẤM "READ MORE" ĐỂ ĐỌC TIẾP
Tuesday, March 22, 2022
NGHIÊN CỨU HỖN HỢP ẢNH HƯỞNG THỦY HỌC CỦA CHUỖI THỦY ĐIỆN LANCANG ĐỐI VỚI CÁC SỰ KIỆN CỰC ĐOAN Ở HẠ LƯU
(Joint Research – Hydrological Impacts of the Lancang Hydropower Cascade on Downstream Extreme Events)
Mekong River Commission, Lancang-Mekong Water Resources Cooperation Center, China Institute of Water Resources and Hydropower Research and International Water Management
Institute – Bình Yên Đông lược dịch
October 2019
TÓM TẮT CHO CẤP ĐIỀU HÀNH
Lưu vực Lancang-Mekong chịu nhiều thiên tai chẳng hạn như lũ lụt và hạn hán. Khu vực Mekong có trên 300 trận lũ và giông tố từ năm 1970 đến 2012. Trong tỉnh Yunnan (Vân Nam) ở Trung Hoa, tần suất của hạn hán đã gia tăng gần đây, với những năm 2009-2011 xảy ra hạn hán liên tục ở mức độ chưa từng thấy. Lũ lụt và hạn hán thường xuyên đe dọa quan trọng đến sinh kế, tài sản và sinh mạng của người dân trong các quốc gia duyên hà.
Để đánh giá vai trò của các hồ chứa trong chuỗi đập Lancang đối với lũ lụt và hạn hán ở hạ lưu và để thăm dò tiềm năng cộng tác có lợi hỗ tương thượng-hạ lưu, sáu quốc gia duyên hà đã đồng ý, trong Phiên họp Đối thoại MRC thứ 20th (với Trung Hoa và Myanmar), để thực hiện một đánh giá hỗn hợp để xem xét những gạch nối giữa lũ lụt và hạn hán với các hồ chứa trong chuỗi đập Lancang. Hoạt động nghiên cứu nầy là một nỗ lực chung của Văn phòng Ủy hội Sông Mekong (Mekong River Commission Secretariat (MRCS)), Viện Nghiên cứu Thủy điện và Thủy lợi Trung Hoa (China Institute of Water Resources and Hydropower Research (IHWR) thuộc Bộ Thủy lợi (Ministry of Water Resources (MWR)) Trung Hoa, Viện Quản lý Nước Quốc tế (International Water Management Institute (IWMI)), Trung tâm Hợp tác Thủy lợi Lancang-Mekong (Lancang-Mekong Water Resources Cooperation Center (LMWRCC), và các Ủy ban Mekong Quốc gia.
Nghiên cứu gồm có 3 lãnh vực sau đây với các nhóm nghiên cứu chịu trách nhiệm:
1) Nghiên cứu so sánh các trận hạn hán 2009-2010 và 2012-2013
IWHR và LMWRCC thực hiện một phân tích chỉ số hạn hán SPI (Standardized Precipitation Index (Chỉ số Mưa Tiêu chuẩn)) dựa trên dữ kiện mưa GLDAS và lượng định lưu lượng đóng góp của Jinghong (Cảnh Hồng) cho các trạm ở hạ lưu trong các mùa khô 2009-2010 và 2012-2013.
2) Phân tích hạn hán 2015-2016
MRCS lượng định ảnh hưởng của việc bổ sung nước khẩn cấp từ Trung Hoa cho hạn hán 2015-2016 bằng cách phân tích mực nước và lưu lượng hàng ngày, và lưu lượng mùa khô trung bình dài hạn của 1960-2009 và 2010-2015. Việc lượng định chú trọng đến các yếu tố thủy học của lưu lượng và khối lượng của Mekong.
3) Phân tích các ảnh hưởng thủy học tương ứng của thay đổi khí hậu và điều hành thủy điện
IWMI phát triển một mô hình khái niệm mưa-chảy tràn bao gồm toàn thể lưu vực Lancang-Mekong để mô phỏng lúc xảy ra và cường độ của những thay đổi thủy học với ma trận mô phỏng chéo trong mùa khô 2009-2010, 2012-2013, 2015-2016, kể cả trận lũ quét trong tháng 12 năm 2013.
Những phần sau đây tóm tắt phương pháp và những điều được tìm thấy then chốt từ các nghiên cứu trong 3 chủ đề chánh trên đây.
Phân tích so sánh hạn hán năm 2009-2010 và 2012-2013
Lưu vực Lancang-Mekong đã trải qua một trận hạn hán nghiêm trọng từ tháng 10 năm 2012 đến tháng 4 năm 2013, với thời kỳ trở lại được ước tính từ 50 đến 100 năm. Hạn hán gây thiệt hại nặng nề cho nguồn cung cấp nước, sản xuất nông nghiệp và sinh kế của người dân. Một phân tích sơ khởi về thời tiết của IHWR cho thấy rằng sự phân phối không gian và cường độ của trận hạn hán nầy giống với trận hạn hán xảy ra từ tháng 10 năm 2009 đến tháng 4 năm 2010. Khác biệt thủy học chánh giữa 2 trận hạn hán nầy có lẽ do đập Xiaowan (Tiểu Loan) chưa hoàn tất và không thể trữ nước trong 2009-2010, nhưng hoạt động trong tháng 9 năm 2012 và đã đạt mục tiêu trữ nước điều hành, xả thêm 7,2 km3 từ tháng 11 năm 2012 đến tháng 4 năm 2013. Lưu lượng tối thiểu trong mùa khô được nâng cao khiến cho mực nước cao hơn 0,5 m được quan sát trong mùa khô 2009 ở trạm Chiang Saen và Luang Prabang. [Lời người dịch: Điều nầy không hợp lý vì hồ Xiaowan chưa hoàn tất trong năm 2009 nên không thể xả nước.]
Trạm thủy học trên dòng chánh Lancang-Mekong.
Nghiên cứu so sánh nầy so sánh 2 sự kiện hạn hán từ phối cảnh khí tượng và thủy học, và phân tích ảnh hưởng của việc bổ sung nước từ chuỗi đập thủy điện Lancang đối với tiến trình thủy học của sông Mekong trong mùa khô 2009-2010 và 2012-2013. Việc phân tích được dựa trên SPI, SRI [standardized runoff index (chỉ số chảy tràn tiêu chuẩn)] và phân tích tần suất thủy học, nhằm mục đích để hiểu rõ ảnh hưởng tương ứng của khí hậu và việc điều hành các hồ chứa trong chuỗi đập thủy điện Lancang đối với lưu lượng thấp ở hạ lưu. Kinh nghiệm của việc điều hành đập thành công vào lúc hạn hán cũng được tổng hợp để cải thiện việc cộng tác giữa Trung Hoa và các quốc gia duyên hà ở hạ lưu trong tương lai. Những điều được tìm thấy từ phân tích như sau:
· Biến đổi từ năm nầy sang năm khác của hạn hán khí tượng không đáng kể. Các kết quả từ phân tích SPI cho thấy lượng mưa trong phụ lưu vực Chiang Saen thay đổi cao thấp, và không có chiều hướng rõ rệt. Lượng mưa trong phụ lưu vực Stung Treng có chiều hướng giảm nhẹ.
· Hạn hán trong mùa khô 2009-2010 và 2012-2013 có thể so sánh được ở thượng lưu vực Lancang-Mekong. Hạn hán ở hạ lưu vực Lancang-Mekong trong năm 2012-2013 nghiêm trọng hơn năm 2009-2010. Hạn hán trong 2009-2010 phần lớn xảy ra từ tháng 12 đấn tháng 2, và hạn hán năm 2012-2013 phần lớn xảy ra từ tháng 11 đến tháng 1. Hai trận hạn hán đạt mức vừa phải hay nghiêm trọng. Các kết quả SPI6 trong phụ lưu vực Stung Treng cho thấy mùa khô 2012-2013 phần lớn thuộc về hạn hán vừa phải, và rằng 2009-2010 phần lớn thuộc về hạn hán nhẹ.
· Biến đổi từ năm nầy sang năm khác của lưu lượng trong mùa khô dọc theo dòng chánh Mekong có chiều hướng gia tăng đáng kể. Các kết quả SPI6 từ 1985 đến 2016 cho thấy lưu lượng của các trạm thủy học (Chiang Saen, Mukdahan và Stung Treng) dọc theo dòng chánh Mekong cho thấy chiều hướng gia tăng đáng kể. Thời kỳ nghiêm trọng nhất của hạn hán thủy học ở thượng lưu sông Mekong là cuối thập niên 1990s, và rằng ở trung và hạ lưu vào cuối thập niên 1980s và đầu thập niên 1990s.
· Trong mùa khô 2012-2013, không có hạn hán thủy học dọc theo dòng chánh Mekong. Lưu lượng dọc theo dòng chánh Mekong thì cao hơn một ít hay đáng kể so với trung bình nhiều năm, và hạn hán thủy học không xảy ra. Phân tích tần suất thủy học trong mùa khô cho thấy thời kỳ trở lại của lưu lượng hàng tháng và tối thiểu hàng ngày của trạm Chiang Saen trong năm 2009-2010 là trên 12 năm, trong khi lưu lượng trong mùa khô 2012-2013 đạt đến mức trung bình nhiều năm.
· Chuỗi đập thủy điện Lancang có ảnh hưởng tích cực đối với lưu lượng và mực nước của dòng chánh Mekong trong mùa khô. Do việc điều hành chuỗi đập thủy điện Lancang, lưu lượng và mực nước hàng tháng của trạm Chiang Saen trong mùa khô 2012-2013 cao hơn trung bình nhiều năm. Lưu lượng và mực nước hàng tháng ở các trạm thủy học dọc theo dòng chánh Mekong sau tháng 1 năm 2013 cao hơn trung bình nhiều năm. Mực nước dâng lên cũng có thể một phần do lượng mưa ở phần hạ lưu của sông Lancang.
· Việc bổ sung nước của chuỗi đập thủy điện Lancang đã làm tăng lượng nước của dòng chánh Mekong trong mùa khô. Trong mùa khô 2012-2013, lượng nước ở trạm Jinghong là 5,08 tỉ m3 cao hơn trung bình nhiều năm, và 6,7 tỉ m3 nhiều hơn năm 2009-2010. Đối với lượng nước trong mùa khô ở trạm Chiang Saen trong năm 2012-2013, nó cao hơn mức trung bình nhiều năm từ 17,79 tỉ m3 đến 23,15 tỉ m3, với gia tăng 5,36 tỉ m3, và nó cũng cao hơn năm 2009-2010 5,89 tỉ m3.
Phân tích hạn hán cực đoan 2015-2016
Tình trạng hạn hán khí tượng và nông nghiệp trong năm 2015-2016 trong lưu vực Mekong đã châm ngòi cho Trung Hoa để thực hiện việc bổ sung nước khẩn cấp từ chuỗi đập của mình trên sông Lancang vào sông Mekong để giúp giảm nhẹ hạn hán trong các quốc gia ở hạ lưu bằng cách gia tăng lưu lượng từ hồ chứa Jinghong ở Yunnan. Trung Hoa thực hiện việc bổ sung nước khẩn cấp trong một ‘kế hoạch 3 giai đoạn’: (1) từ 9 tháng 3 đến 10 tháng 4 năm 2016, với một lưu lượng trung bình hàng ngày không dưới 2.000 m3/sec; (2) từ 11 tháng 4 đến 20 tháng 4 năm 2016 với lưu lượng không dưới 1.200 m3/sec; và (3) từ 21 tháng 4 đến 31 tháng 5 năm 2016 với lưu lượng không dưới 1.500 m3/sec. MRC công nhận hành động nầy của Trung Hoa, trong đó Trung Hoa tuyên bố rằng họ thực hiện việc bổ sung nước vào lúc thách thức, nhất là trong bối cảnh chính Trung Hoa cũng bị tổn thương vì hạn hán, ảnh hưởng đến cấp nước gia dụng và sản xuất nông nghiệp.
MWR và MRCS đồng tổ chức các chuyên viên của 2 phía để thực hiện một Quan sát và Lượng định Hỗn hợp (Joint Obsevation and Evaluation (JOE)) của việc Bổ sung Nước Khẩn cấp từ Trung Hoa và ảnh hưởng của nó trong việc giảm nhẹ tình trạng hạn hán trong lưu vực Mekong.
Mục đích của JOE gồm có: (1) Mục đích Thời gian – mùa khô 2016, với các lần chạy từ 1 tháng 12 năm 2015 đến 31 tháng 5 năm 2016 và nhất là trong thời kỳ bổ sung nước khẩn cấp từ 15 tháng 3 đến 15 tháng 5 năm 2016; và (2) Mục đích Không gian – từ trạm thủy học Jinghong trên sông Lancang đến Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
JOE thấy rằng việc bổ sung nước khẩn cấp từ Trung Hoa nâng cao mực nước và lưu lượng dọc theo dòng chánh Mekong và đóng góp vào việc làm giảm nước mặn xâm nhập ở ĐBSCL. Những điều được tìm thấy là bằng chứng giả thích ảnh hưởng thủy học tích cực của các hồ chứa trong chuỗi thủy điện Lancang đối với hạn hán ở hạ lưu được tóm tắt dưới đây.
· Lượng mưa giảm và lưu lượng của lưu vực Lancang được quan sát trong mùa khô 2016. Tương tự, lưu vực Mekong đã trải qua tình trạng khô bất thường với nhiệt độ cao và ít mưa. Những trận hạn hán khí tượng và nông nghiệp nầy được tin tưởng một cách mạnh mẽ là do ảnh hưởng của siêu El Niño 2015-2016. Theo dõi tình trạng dòng chảy trên dòng chánh cho thấy mực nước và lưu lượng trong mùa khô năm 2016 ở Vientiane/Nong Khai và Stung Treng trong tháng 12 năm 2015 thì vài ngày dưới mức tối thiểu dài hạn của 1960-2009. Tuy nhiên, nhờ việc bổ sung nước khẩn cấp từ Trung Hoa, mực nước và lưu lượng ở hầu hết các trạm trên dòng chánh Mekong hầu hết thời gian đều trên trung bình nhiều năm và cao hơn mức tối đa nhiều năm trong tháng 3 và 4 năm 2016.
· Tổng số khối nước xả từ Jinghong là 2,65 tỉ m3: 6,10 tỉ m3 từ 9 tháng 3 đến 10 tháng 4 năm 2016, 1,07 tỉ m3 từ 11 tháng 4 đến 20 tháng 4 năm 2016, và 5,48 tỉ m3 từ 21 tháng 4 đến 31 tháng 5 năm 2016.
· Trong thời kỳ bổ sung nước khẩn cấp trong tháng 3 và 4 năm 2016, lưu lượng hàng tháng ở Jinghong là 1.280 m3/sec và 985 m3/sec theo thứ tự, lớn hơn mức trung bình của 1960-2009, và 704 m3/sec và 442 m3/sec theo thứ tự, cao hơn trung bình của 2010-2015.
· Việc bổ sung nước khẩn cấp của Trung Hoa đến Chiang Saen ngày 11 tháng 3 và gia tăng cho đến 14 tháng 3 năm 2016. Việc gia tăng nầy đến Luang Prabang ngày 14 tháng 3, Chiang Khan ngày 17 tháng 3, Nong Khai ngày 19 tháng 3, Nakhom Phanom ngày 22 tháng 3, Mukdahan ngày 23 tháng 3, Pakse ngày 25 tháng 3, Stung Treng ngày 27 tháng 3, Kratie ngày 28 tháng 3 và Tân Châu ngày 1 tháng 4 năm 2016. Tương tự, việc bổ sung nước khẩn cấp gia tăng mực nước và lưu lượng dọc theo dòng chánh Mekong đến một phạm vi nói chung 0,18-1,53 m hay 602-1.010 m3/sec. Tương tự, độ mặn tối đa ở ĐBSCL giảm 15% và 74%, và độ mặn tối thiểu giảm 9% và 78% theo các trạm quan sát.
· Theo dõi ở Chiang Khan cho thấy rằng thêm 300 m3/sec mỗi ngày bên trên việc bổ sung nước khẩn cấp từ Trung Hoa được khám phá trong ngày 27 tháng 3 năm 2016. Nước thêm nầy đến Nong Khai ngày 28 tháng 3, Nakhom Phanom ngày 31 tháng 3, Mukdahan ngày 1 tháng 4, Pakse và Stung treng ngày 4 tháng 4. Ngay sau khi nước thêm đạt đỉnh, một mức sụt giảm 300 m3/sec được ghi nhận vào ngày 31 tháng 3 năm 2016.
· Tổng số khối lượng trong mùa khô 2016 (tháng 12 2015 đến tháng 5 năm 2016) ở Jinghong là một phần lớn lao (40%-89%) lượng nước tổng cộng ở các trạm khác nhau dọc theo dòng chánh Mekong. Ngoài ra, khối lượng từ 10 tháng 3 đến 10 tháng 4 năm 2016, là thời kỳ đầu tiên của việc bổ sung nước khẩn cấp, chiếm một phần đáng kể, đặc biệt 99% ở Chiang Saen, 92% ở Nong Khai và 58% ở Stung Treng. Tương tự, đóng góp ròng của việc bổ sung nước về lưu lượng đối với lưu lượng tổng cộng là 47% ở Jinghong, 44% ở Chiang Saen, 38% ở Nong Khai và 22% ở Stung Treng. Đóng góp nầy cũng giảm nhẹ nước mặn xâm nhập ở ĐBSCL.
Mực nước tại các trạm thủy học trên dóng chánh Mekong từ 1 tháng 3 đến 17 tháng 5 năm 2016.
Phân tích ảnh hưởng thủy học tương ứng của thay đổi khí hậu và điều hành thủy điện
Nghiên cứu nầy nhằm mục đích tìm cách phân biệt các ảnh hưởng của việc điều hành thủy điện thực sự và thay đổi khí hậu đối với dòng chảy của 2 phụ lưu vực của lưu vực Lancang-Mekong, được gọi là Chiang Saen và Luang Prabang. Dữ kiện lưu lượng được mô phỏng và quan sát được so sánh dưới các điều kiện và thời kỳ khác nhau, đó là, trước khi phát triển đập (trước 2009) và sau khi phát triển đập (sau 2009). Mô hình GR4J được áp dụng để mô phỏng dòng chảy ở 2 trạm. Mô hình được hiệu chỉnh với dữ kiện mực nước được đo đạc cho thời kỳ 1998-2008 khi có việc điều hành thủy điện tối thiểu trong lưu vực.
Ngoài ra, các mùa khô 2009-2010, 2012-2013 và 2015-2016 được lượng định để đánh giá cường độ và sự xảy ra của những thay đổi thủy học trong những thời kỳ nầy. Những quan sát sau đây có thể được thấy từ nghiên cứu:
· Cả 2 trạm Chiang Saen và Luang Prabang đều trải qua những thay đổi thủy học đáng kể từ năm 2009 đến 2016 so với 1998-2008.
· Dòng chảy gia tăng trong mùa khô 2012-2013 và 2015-2016 có thể được quy phần lớn cho ảnh hưởng của thủy điện.
· Lũ quét trong tháng 12 năm 2013 được quy cho lượng mưa ở phần dưới của sông Lancang, không phải do việc điều tiết của chuỗi đập thủy điện Lancang.