Sunday, May 16, 2021

LỘI NGƯỢC DÒNG

 (Against the currents)

Vasana Chinvarakorn and Piyanan Jitjang – Bình Yên Đông lược dịch

Bangkok Post – 21 April 2021

Đối với người dân sống dọc theo Mekong, sông là “mẹ” của họ.

 [Ảnh: Piyanan Jitjang/Mekong Butterfly]

 

Đây là bài cuối của loạt 2 bài khám phá người dân bị ảnh hưởng của các đập dọc theo Mekong đã cùng nhau thúc đẩy thay đổi.

Tình bằng hữu đã nẫy nở qua các thảm họa.  Ormboon Thipsuna nhớ rõ ngày, 12 tháng 8 năm 2008, khi hồng thủy của Mekong quét qua thị trấn Nong Khai của bà và 7 tỉnh ven sông ở đông bắc.  Vì lượng mưa ít và mức dao động theo mùa chầm chập của Mekong, nhiều người địa phương tin rằng lũ lụt lớn bất thình lình, có lúc mực nước lên cao đến 13 m, là do các đập ở thượng lưu của Trung Hoa gây ra.  Quan trọng hơn, Ormboon được biết Niwat Roykaew, tức “Kru Tee”, người sáng lập nhóm Rak Chiang Khong ở tỉnh Chiang Rai.

“Kru Tee cho chúng tôi biết ảnh hưởng của các đập.  Từ đó, chúng tôi đã có nhiều cuộc vận động chung.  Tôi biết kinh nghiệm của ông trong các phong trào bảo tồn.  Chúng tôi thành lập Hệ thống Người dân Thái Mekong trong 8 Tỉnh (Thai Mekong People’s Network From Eight Privinces), và cùng nộp đơn để thách thức dự án đập Xayaburi,” Ormboon nói.

Mười hai năm sau, Niwat cầm đầu việc phát động Diễn đàn Người dân Mekong Thái Lan (Mekong People’s Forum for Thailand (MPF)), gồm có người địa phương ở Chiang Rai và 7 tỉnh đông bắc dọc theo sông.  Tai họa xảy đến với Mekong đã đoàn kết họ.  Nay là chủ tịch của Hiệp hội Cộng đồng Tổ chức Hội đồng Hệ thống của 7 Tỉnh Đông bắc trong Lưu vực sông Mekong (Community Organization Council Network of 7 Northeastern Provinces in Mekong River bassin Association (ComNet Mekong), Ormboon tham dự diễn đàn lịch sử trong tháng 12, gồm có đại diện từ Hoa Kỳ, Australia, Nhật Bản và Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (United Nations Environmental Prohramme (UNEP)).  Trung Hoa được mời nhưng không tham dự.

Trong buổi khai mạc, Niwat nói thẳng thừng: “Đe dọa lớn nhất của Mekong là các đập.  Thay đổi khí hậu chỉ là một yếu tố góp phần vào khủng hoảng.  Nếu chúng ta để việc xây đập điên cuồng tiếp tục, Mekong chắc sẽ chết.”

Cỏ sông, gọi là kai, chết nhiều, phản ánh bệnh tình nguy kịch của Mekong.

 

Khác hẳn với quan điểm chung về nguồn gốc của căn bệnh Mekong, Niwat nhấn mạnh.  Đối với người dân mà cuộc sống của họ dựa vào sông, Mekong là nguồn sống và tinh thần, cái nôi của văn hóa và văn minh, người mẹ luôn luôn cho.  Ngược lại, giới quan lại và kỹ sư thủy lợi xem Mekong như “một công cụ để phục vụ cho lòng mong muốn của họ, một khối nước khổng lồ để vắt ra càng nhiều điện càng tốt”.

Sau nhiều năm vận động môi trường ở Chiang Rai, hệ thống của Niwat đã lớn mạnh để bao trùm các lưu vực khác của phụ lưu Mekong với một số thành viên tham gia vào việc quản lý thủy lợi ở cấp tỉnh.  Một thành tích đáng chú ý là Hội đồng Nhân dân Ing, hỗ trợ cộng đồng Boon Rueang trong việc bảo vệ rừng đất ngập nước chống lại chương trình kỹ nghệ hóa của quốc gia (xem Phần 1).  Niwat hy vọng điều tương tự sẽ xảy đến với Diễn đàn Nhân dân Mekong.  Từ lâu, Niwat ghi nhận, tiến trình lấy quyết định trên con sông dài 4.900 km nằm trong tay của các nhóm lợi ích.

“Trong những năm nầy, 60 triệu người dân dọc theo Mekong đã không được lên tiếng.  Các tổ chức hiện hữu đại diện cho các chánh phủ và công ty, mỗi tổ chức được thúc đẩy bởi các nghị trình chánh trị và kinh tế khác nhau.  Họ không phải là những bên liên hệ thật sự thống khổ vì cái đang xảy ra cho Mekong,” Nwat nói.

Diễn đàn Nhân dân Mekong (MPF) là gì?  Làm thế nào một nhóm của người dân được công nhận bởi chánh quyền địa phương, đừng nói đến cấp quốc gia và quốc tế?

Somkiat Prajamwong, tổng thư ký của Văn phòng Quốc gia Thủy lợi (Office of the National Water Resources (ONWR)), đã nêu lên vấn đề trong một cuộc phỏng vấn riêng.

 

Nuôi dưỡng tình yêu thiên nhiên là một bước vũng chắc trong phong trào bảo tồn. 

[Ảnh: Kitti Treeraj]

 

“Chánh phủ không chậm trễ để đối phó với khủng hoảng.  Tôi đã nghe nhiều nhóm khác nhau.  Nhưng trong đấu trường quốc tế, đối thoại phải giữa các quốc gia.  Để tôi hỏi: Lào có thành phần của người dân để tham gia vào đối thoại?”

“Khi thương thảo với các quốc gia ngoại quốc, nhất là với các quốc gia tiên tiến hơn và kiểm soát nước, chúng ta không thể buộc họ.  Chúng ta phải có đủ bằng chứng để trình bày.  Người nói phải có uy tín và dựa vào khoa học.  Đây là nhiệm vụ của chánh phủ, để tìm ra bằng chứng,” Somkiat nói.

Niwat chấp nhận cảnh cáo của Somkiat.  Nhưng đối với ông, MPF không phải là cấu trúc của quyền hạn mà là một phương tiện chuyên chở tiếng nói của người dân.  Đây là một phong trào, của và vì dân, để tìm các đường lối phát triển toàn bộ và khả chấp.

“Cái chúng tôi nói là sự thật, dựa trên bằng chứng, với cách nhìn tổng thể.  Người dân đưa ta tầm nhìn của họ.  Vì thế ONWR và Ủy hội Sông Mekong (Mekong River Commission (MRC)) phải lắng nghe,” Niwat nói.

Giống như mối liên hệ kết hợp và cộng sinh giữa Mekong và các phụ lưu của nó, MPF xây dựng trên các hệ thống của người dân liên quan đến vô số các vấn đề liên hệ đến nước – từ các cộng đồng đánh cá và nông dân đến các học viện đã nghiên cứu Mekong và các phụ lưu từ lâu, thành phần xã hội dân sự, và sau hết nhưng không kém phần quan trọng, truyền thông.  Niwat nhấn mạnh rằng MPF không phải là một cơ cấu cứng nhắc mà là một không gian hữu cơ mở, cho phép các thành viên hoạt động dựa trên nhu cầu cá nhân, khung cảnh và tính cấp bách của vấn đề họ đang đối mặt.

Bản chất năng động của phong trào rất cần vì tính phức tạp và dòng chảy xuyên biên giới của sinh thái sông.  Vì thế, vào đầu tháng 3, trong lúc Niwat chuẩn bị công tác với một nhóm học giả liên ngành ở Chiang Mai và sau đó khảo sát số di cầm ở Chiang Khong, ComNet Mekong của Ormbonn đã tổ chức một cuộc biểu tình trước văn phòng chánh phủ ở Bangkok, thúc giục họ trợ giúp cho cộng đồng đánh cá thống khổ vì các đập ở Lào.

Nhưng tất cả mọi người đều chia sẻ tầm nhìn chung.  “Chúng tôi có thể dùng nhiều phương pháp khác nhau, nhưng mục tiêu của chúng tôi là ngưng các đập trên Mekong,” Ormboon nói.


Ngư dân từ đông bắc vừa biểu tình ở Bangkok.

 

Niwat tin rằng kiến thức là trụ cột để có sức mạnh thương thảo.  Tiến trình nghiên cứu của người dân, trong đó người địa phương tự thu thập và phân tích tin tức, sẽ biến đổi quan điểm và thái độ của họ.  Sự đóng góp của các học giả từ nhiều lãnh vực và đại học khác nhau sẽ củng cố và tăng thêm uy tín cho kiến thức độc đáo nầy.

Theo Niwat, các kế hoạch của MPF sẽ nghiên cứu từng lưu vực sông nối với Mekong, từ Ing và Kok ở phía bắc đến Loei, Songkram và Chi-Mun ở đông bắc.  Phân tích và tổng hợp của các vấn đề sẽ được thu thập và gởi đến các tổ chức liên hệ, như là “Sách của cái mà người dân Mekong mong muốn thật sự”.

“Sẽ có nhiều sức mạnh để nói chung hơn từng người nói riêng rẽ,” Niwat nói.

Trong số những vấn đề quan trọng được các học giả hợp tác với Niwat trong nghiên cứu của người dân nêu lên là sự xáo trộn của dòng chảy và lũ lụt giữa Mekong và các phụ lưu do chuỗi đập gây ra.  Chainarong Setthachua của Đại học Mahasarakham nói chu kỳ tự nhiên của lũ lụt theo mùa của Mekong vào các rừng đất ngập nước ở bắc và đông bắc Thái Lan rất cần thiết cho phúc lợi và tính đa dạng của động thực vật.  Tiếp tục xây đập sẽ thúc đẩy sự sụp đổ của toàn thể hệ sinh thái, Chainarong nói.

Hiện tượng báo động như thế đã được nhận thấy ở rừng đất ngập nước trong lưu vực Ing ở Chiang Rai.  Cộng đồng Muang Chum, cách hợp lưu của Ing và Mekong khoảng 23 km, báo cáo rằng một vài loại cây hiếm quí bắt đầu héo và chết vì sự tấn công của côn trùng, mà trước đây được kiểm soát bởi nước lũ theo mùa từ Mekong.  Pimpun Wongchaiya, một người dân của cộng đồng Boon Ruenag, quan sát một số loại cá rất dễ bắt trước đây nay rất khó kiếm.  Mỉa mai thay, người dân địa phương ở gần Mekong và các sông nhánh phải dựa vào cá nuôi.

Amnat Trichak ở Nakhon Phanmom nói khu vực đang đối mặt với sự suy thoái nghiêm trọng của số cá tự nhiên, khi người dân đông bắc chật vật để nuôi cá trong các kh bảo tồn.

“Tôi rất buồn.  Trong quá khứ, Nha Thủy sản yêu cầu chúng tôi cung cấp các loại cá Mekong để họ nghiên cứu hay để gây giống.  Nay, chúng tôi phải yêu cầu cá từ họ mỗi năm.”

Vậy mà chánh quyền Thái có vẻ tiếp tục xây các dự án khổng lồ như một ưu tiên.  Có nhiều kế hoạch cho 7 đập nữa ở hợp lưu của phụ lưu Mekong và chuyển nước đến các đập hiện có trên khắp nước.  Chainarong nói một số cơ quan nhà nước Thái đã đi đầu, khuyến khích mạnh mẽ những kế hoạch như thế.

“Những kỹ thuật viên đó chỉ chú ý đến khối lượng và sản lượng kinh tế từ nước, mà không chú ý đến ảnh hưởng đối với môi trường và cuộc sống của người dân,” ông than thở.

Liệu phong trào MPF của Niwat có thể ngưng chiều hướng suy thoái kịp lúc?  Thật vậy, ông tiên đoán sự cần thiết để chuẩn bị cho các thế hệ trẻ hơn để cầm đuốc.  Người sáng lập Trường Mekong dự trù phát động một loạt hội nghị công tác và chương trình huấn luyện giới trẻ từ cấp tiểu học đến đại học.

Các thế hệ biết kỹ thuật có tiềm năng để thúc đẩy lời than phiền của cha mẹ cũng như vươn tới các thế hệ ngang hàng trong các nước láng giềng.  Sau rốt, người dân ở Lào, Cambodia và Việt Nam thống khổ như người Thái, Niwat nói một cách buồn bã.

Không khí chánh trị dễ bốc hơi ở ĐNA, với căng thẳng gia tăng giữa Trung Hoa và Hoa Kỳ, có thể góp phần cho sự cần thiết để đối thoại và khả năng để tiếng nói của người dân nhỏ bé có thể được các cường quốc chú ý, Niwat nói.  Thành công lớn của ông trong việc ngăn chận Trung Hoa phá nổ các ghềnh thác và chỗ cạn ở gần thị trấn Chiang Khong của ông có thể tạo nên cảm hứng.  Không ngừng nghỉ, ngay cả các cuộc vận động cảm tử và nghiên cứu có giá trị về ảnh hưởng tiêu cực của việc phá nổ đối với sinh thái và an ninh quốc gia, vào đầu năm 2020, chánh phủ Thái hủy bỏ “Dự án Cải thiện Thủy Lộ Lancang-Mekong” được Trung Hoa thúc đẩy từ lâu.

“Thế giới đã thay đổi.  Từ nhiều năm nay, tôi đã nộp vô số thỉnh nguyện đến các tòa đại sứ và cơ quan chánh phủ khác nhau.  Lúc đầu tôi không được trả lời.  Nhưng trong 2 năm qua, Trung Hoa đã cố gắng để liên lạc với nhóm của chúng tôi.  Có lẽ họ thấy rằng giữ im lặng chỉ làm cho họ kém ưu thế chiến lược.  Để thúc đẩy việc phát triển trong Mekong, anh phải nói chuyện với thành phần dân chúng.  Nếu không, người khác sẽ nói.”

Đối với Niwat, MPF không chỉ chọn phe, mà còn nâng cao sự hiểu biết về khủng hoảng môi trường vượt qua biên giới quốc gia.  Mekong của mọi người và phải được bảo vệ.

“Sông cũng có quyền của nó, giống như con người,” Niwat nhấn mạnh.

Pimpun đồng ý.  Người của Chiang Rai hiểu rõ giá trị của rừng đất ngập nước, sông Ing và Mekong, và nhất là sự giúp đỡ đúng lúc của Niwat để cứu cộng đồng.  “Nếu và khi Kru Tee cần chúng tôi trong phong trào của ông, chúng tôi sẽ có mặt.”

.

No comments:

Post a Comment