Sunday, May 9, 2021

‘HIỆN NAY, KHÔNG CÓ GÌ BÌNH THƯỜNG VỚI MEKONG’: GIẬN DỮ DỌC THEO SÔNG LỚN CỦA ĐÔNG NAM Á KHI MỰC NƯỚC TRỞ NÊN KHÓ ĐOÁN

('Nothing about the Mekong is normal now’: Anger along Southeast Asia’s great river as water levels become unpredictable)

Jack Board – Bình Yên Đông lược dịch

Channel News Asia – 17 April 2021

Sông Mekong đã xuống đến mức thấp nguy hiểm trong năm nay. [Ảnh: Jack Board]

 

NAKHON PHANOM, THÁI LAN – Từ xa, rất khó để nhận thấy những đốm xanh nhỏ nổi lên giữa lòng sông Mekong nứt nẻ bùn.

Chúng không phải là các ốc đảo hay đọt cỏ sông dọc theo lòng lạch đầy bụi nơi thường có nước chảy; chúng là sân golf.

Mới đây, một cuộc thi đấu golf bất thường được tổ chức ở đây, ở thành phố giáp ranh Nakhon Phanom, với đấu thủ nhắm đích dọc theo một sân 9-lổ xây tạm thời khoét vào bờ sông.  Nước là một mối nguy thay đổi và bùn thì cứng ngắc.

Cuộc thi đấu được tổ chức với hy vọng thu hút du khách để khám phá những cảnh tượng “chưa thấy” của Thái Lan và hỗ trợ các cộng đồng ở địa phương.  Nó cũng – vô ý – cho thấy tình trạng nguy kịch của con sông to lớn của Đông Nam Á (ĐNA).

Chỉ vài ngày sau cuộc thi đấu, mực nước dâng lên đã làm ngập chỗ tee-off, trả các fairways lại cho ngư dân địa phương, tiếp tục đánh cá trong nước cạn chảy lờ đờ.

Một sân golf mới được thiết lập trên bờ sông Mekong khô cạn. [Ảnh: Jack Board]

Tình trạng khô hạn là một hiện tượng hàng năm dọc theo sông lớn của ĐNA, nhưng nó đã thay đổi.  Đặc biệt trong 2 năm qua, các mùa trên Mekong trở nên lẫn lộn và không còn tin cậy nữa.  Tình trạng dòng chảy bình thường của sông chỉ còn trong trí nhớ.

“Không đủ nước hay có quá nhiều nước và lũ lụt.  Nay, không có gì bình thường với Mekong,” xã trưởng địa phương và người quan sát sông tình nguyện Attapon Nakhon nói.

“Tôi chưa bao giờ thấy Mekong thay đổi nhanh chóng như thế.  Tôi giận dữ về những thay đổi nhân tạo và đập nhưng tôi không thể làm gì khác?”

Người dân sống dọc theo Mekong luôn luôn chịu ảnh hưởng của nó, nhưng nay họ là con tin của những biến chuyển không ngừng, được cho là do việc điều hành các đập thủy điện lớn ở thượng lưu Trung Hoa và Lào.

Nhiệt độ ở địa phương đang gia tăng vì thay đổi khí hậu. [Ảnh: Jack Board]

Trong những năm qua, 11 đập trên dòng chánh ở Trung Hoa đã giữ lại một lượng nước khổng lồ, trước khi xả vào lúc không thể đoán trước, gây thiệt hại mùa màng, phá vỡ hệ sinh thái, sạt lở bờ và tính không thể đoán trước nói chung trong các quốc gia ở hạ lưu.

Lào cũng điều hành hàng chục đập trên Mekong và các phụ lưu.  Hầu hết các đập được Trung Hoa tài trợ.

Ảnh vệ tinh cho thấy các đập của Trung Hoa giữ lại nước, khi các láng giềng chịu đựng hạn hán nặng nề.  Xả nước giúp cho các đập dòng chảy sản xuất điện trong những lúc dòng chảy tự nhiên suy giảm trong khi giữ nước có thể trì hoãn nhịp lũ nhanh của sông trong mùa mưa và giúp làm đầy các hồ chứa ở thượng lưu.

Ảnh hưởng của các đập, ngoài việc làm cho thay đổi khí hậu trong khu vực thêm tồi tệ, đã gây nguy hiểm cho Mekong, nuôi dưỡng khoảng 60 triệu người.

Dân số ở hạ lưu ở Thái Lan, Cambodia và Việt Nam càng ngày càng dựa vào lòng nhân từ của cái xảy ra ở thượng lưu phía bắc.

Mực nước dao động thường xuyên, gây thiệt hại cho cộng đồng địa phương.

[Ảnh: Jack Board]

Trong vùng phía đông nầy của Thái Lan, đánh cá, canh tác và du lịch tất cả bị ảnh hưởng nghiêm trọng, khiến chánh quyền địa phương lo ngại.

“Tôi đã thấy Mekong vào lúc nó có nhiều nước và đa dạng sinh học trong hệ sinh thái, nhưng nay nó đã thay đổi.  Hầu hết những thay đổi xảy ra trong 2 năm qua,” Apichai Ritthigun, trưởng phòng môi trường Nakhom Phanom của Bộ Tài nguyên Thiên nhiên và Môi trường, nói.

Những thay đổi mà ông nói đến là hoạt động và hình dáng của sông.  Mekong thường được biết với màu nước đục ngầu, phản ánh chất dinh dưỡng phong phú cần thiết cho đời sống dọc theo hành trình của nó.

Lần đầu tiên, cơ quan của Apichai bắt đầu đo đạc độ đục của sông – có bao nhiêu chất dinh dưỡng quan trọng ở trong nước.  Ở 3 vị trí khác nhau trong tỉnh, họ ghi nhận được “không có bao nhiêu” phù sa.

“Mekong bất bình thường đối với mực nước dao động và mất phù sa.  Sông rất trong và trở màu xanh,” ông nói.  “Mực nước nay ở trong tình trạng khủng hoảng.  Sông khô cạn trong tháng nầy mỗi năm nhưng cái khác biệt là nước trong.”

Canh tác trở nên khó khăn hơn dọc theo sông Mekong. [Ảnh: Jack Board]

“Một thảm họa cho Mekong”

Hình dáng bất thường của Mekong trong những lúc gần đây đã thu hút du khách, người dân lũ lượt kéo đến để xem vẻ đẹp biểu kiến của sông.

Kinh tế sông mùa khô từ lâu rất quan trọng đối với các cộng đồng Thái sống dọc theo Mekong.  Đối với một số địa phương, những tháng nầy cho lợi tức có thể giúp họ vượt qua những tháng im lặng.

Cách xa thành phố về phía hạ lưu, một cồn cát được hình thành ở giữa sông trong mùa khô, thu hút du khách lội chung quanh các bãi cát.  Nhạc Thái inh ỏi phát ra từ các loa trên bờ sông, và từng đoàn người phục vụ mang thức ăn và nước uống đến khách hàng trên các sàn gỗ, được xây trên mặt nước.

Nước trong đã chứng minh là một tò mò, nhưng dao động mực nước gần đây lên đến 1 m trong 48 tiếng đồng hồ, những doanh thương nhỏ nầy luôn luôn ở trên bờ vực.  Nước dâng trong mùa khô là một bất thường, nhưng nay nó là cái mà họ cần phải hoạch định.

Du khách bì bõm trong nước cạn trên đảo cát ở giữa sông Mekong. [Ảnh: Jack Borad]

“Quầy bán hàng nầy rất quan trọng đối với chúng tôi vì chúng tôi phần lớn kiếm tiền từ việc bán thức ăn trong lúc nầy,” Kanakwan Chumla, người giúp mẹ điều hành một nhà hàng trong những ngày lễ, nói.

“Tôi lo ngại một ít về sự dao động của mực nước.  Chúng tôi tự học cách thích ứng với những thay đổi.  Nếu nước đến nhanh, chúng tôi cần làm các đê cát để bảo vệ quầy hàng,” cô nói.

Amnart Traijak, một người theo dõi sông và nhà hoạt động của Hệ thống Hội đồng Sông Mekong trong 7 Tỉnh Đông Bắc, rất thận trọng với cái ông đang chứng kiến.

Amnart Traijak giúp theo dõi những thay đổi đối với sông và lo ngại về cái ông đang chứng kiến. [Ảnh: Jack Board]

Hệ thống của ông tìm cách để cảnh báo sớm cho người dân ở dọc theo sông, thông báo các cộng đồng khi mực nước thay đổi lớn lao.  Ông đổ cho việc xây cất các đập – một số vẫn đang tiếp diễn – đã gây ra những vấn đề mà họ đối phó hiện nay.

“Chúng tôi bắt đầu đối mặt với vấn đề khi các đập được xây cất, ở Trung Hoa và xa chúng tôi hàng ngàn km,” ông nói.

“Một số người rất vui khi thấy nước xanh vì họ không phải đi ra biển để thấy nước xanh.  Nhưng đó là một thảm họa cho Mekong.”

Ở Nakhom Phanom, Mekong rút xuống thấp trong mùa khô nầy. [Ảnh: Jack Board]

Nhiệt và bất định

Suphat Kudju đã đánh cá trên Mekong cả đời.  Đối với một người 64 tuổi, nó là tất cả những gì ông biết.  Cái ông thấy hiện nay từ nhà và trang trại nhỏ của ông trên bờ sông khiến ông cảm động.

“Thỉnh thoảng, khi nói chuyện với bạn bè, tôi đã khóc, khi thấy sông khô cạn,” ông nói.  “Buồn.  Rất buồn.  Con và cháu của tôi đến và hỏi cái có thể làm.  Tôi nói chúng ta không thể làm gì.”

Ngư dân như Suphat có lý do để lo ngại về cuộc sống và tương lai của họ trên Mekong.

Cá nhỏ dựa vào phù sa của sông để lớn và nguồn thức ăn đó nay hầu hết không còn.  Với mùa mưa nắng lẫn lộn, cá đẻ trứng không đúng lúc và không đúng chỗ, kết quả là việc sinh sản thất bại khi sông khô cạn.  Nhiệt độ nước gia tăng khi sông cạn, một yếu tố khác mà thay đổi khí hậu làm tồi tệ.

Trong lúc đó, ở những nơi nuôi cá, trong những lúc hạn hán gia tăng vì mưa ít, lượng oxygen xuống thấp trong nước chảy chậm.  Điều nầy khiến cho cá chết.

Đánh cá đã bị ảnh hưởng vì thay đổi dòng chảy dọc theo Mekong. [Ảnh: Jack Board]

“Chúng tôi nghĩ đây là một vấn đề lớn lao.  Tôi nghĩ nó không thể kiểm soát.  Đây là một vấn đề quốc tế,” Tossapol Kaewngam, trưởng phòng quản lý thủy sản của tỉnh Nakhon Phanom, nói.

“Nay, chúng tôi phải tự nhìn mình và xem cái gì có thể làm và thích ứng để chúng tôi có thể sống còn,” ông nói.

Ảnh hưởng đối với số cá đang được cảm nhận dọc theo Mekong.  Ở Tonle Sap, Cambodia – nguồn cá nội địa lớn nhất trên thế giới – số cá đánh được trong năm 2019 được báo cáo đã tụt giảm đến 75%.

Tổng số phù sa nay đang đến chén cơm của Đồng bằng sông Cửu Long ở miền nam Việt Nam được dự đoán chỉ bằng 1/3 của cái cách đây 15 năm.

Trong lúc đó, nông dân ở Nakhon Phanom và các nơi khác đã thấy bờ sông nơi họ trồng rau cải biến chuyển và suy thoái.  Bờ sông đang đói phù sa, và như một hậu quả, nông nghiệp trong đất đai phì nhiêu trở nên chật vật.

Nông dân địa phương dựa vào sông Mekong để sinh sống. [Ảnh: Jack Board]

“Người dân thường trồng rau cải dọc theo bờ sông Mekong, nhưng nay không còn nữa.  Tại sao?  Vì họ không được mùa,” Amnart nói.

“Khi nước đến trong mùa lũ, nước không ngập bờ và mang phù sa.  Vì thế, không phì nhiêu.”

Nhiều hàng cà chua dọc theo bờ sông của Suphat đã héo.  Gia đình ông đã bỏ hoang khi họ nhận thấy rằng không có đủ nước để tiếp tục.

Họ có thể cảm nhận sức nóng, hơn bao giờ.  Mặc dù nông dân địa phương nói họ thường đến bờ sông Mekong để nấn ná trong nhiệt độ mát mẽ của nó, những ngày nầy thời tiết rất khó chịu từ giữa sáng đến xế chiều.

Cà chua nầy bị bỏ hoang vì thiếu nước và đất phì nhiêu. [Ảnh: Jack Board]

“Tôi nghĩ nó đáng sợ.  Tôi nghĩ nếu nó tiếp tục như thế, sẽ rất chật vật để mưu sinh và nuôi sống chúng tôi,” Suphat nói.

“Người dân yêu cầu tôi cùng đi với họ đến nơi khác, nhưng tôi không đi.  Tôi rất quyến luyến với nơi nầy.  Tôi đã nuôi con và cháu ở đây.  Nếu tôi bỏ nơi nầy, tôi có thể làm gì?”

.


No comments:

Post a Comment