Monday, June 29, 2020

ĐI TÌM NGUỒN CỦA SÔNG MEKONG


 Nguyễn Minh Quang
28 tháng 6 năm 2020

Sơ đồ các nguồn được tìm thấy trong thập niên 1990s. [Nguồn: Tamotsu Kakamura]

Phần giới thiệu

Sông Mekong, dài thứ 12th trên thế giới, là con sông dài nhất ở Đông Nam Á, với chiều dài 4.763 km [1].  Nó chảy qua 6 quốc gia Trung Hoa (gọi là Lancang Jiang); Myanmar (gọi là Meguang Myit); Lào và Thái Lan (gọi là Mae Nam Khong); Cambodia (gọi là Tonlé Thum); và Việt Nam (gọi là Cửu Long).  Từ lâu, sông được biết là bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng ở Trung Hoa, nhưng vị trí chính xác thì vẫn còn mơ hồ cho đến ngày hôm nay, mặc dù có nhiều đoàn thám hiểm đã thực hiện việc tìm kiếm từ cuối thế kỷ thứ 19th.

Bài viết nầy tóm lược các cuộc thám hiểm đó để xác định nguồn đích thực của sông Mekong, mà theo định nghĩa của Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (U.S. Geological Survey), là nơi xa nhất đo theo dòng chảy từ cửa sông, ở đó, nước bắt đầu chảy.

Thám hiểm của de Rhins năm 1890

Đây là  cuộc tháhiểm đầu tiên để tìm kiếm nguồn của sông Mekong do người Pháp thực hiện, dưới sự hướng dẫn của 2 ông Dutriel de Rhins và Fernand Grenard [2].  Ngày 19 tháng 2 năm 1891, đoàn thám hiểm âm thầm rời Paris để bắt đầu cuộc thám hiểm qua Caucasus, Turkestan, sa mạc Taklimankan, Kunlun và cao nguyên Changtang.  Đầu tháng 3 năm 1894, họ đi qua thượng lưu sông Salween và Dam Chu, một nhánh sông dài nhất của sông Yangtze; ở đó, ông Dutreil de Rhins bị người Khambas ám sát dã man.

Ngày 8 tháng 4 năm 1895, đoàn thám hiểm tiến vào lưu vực sông Mekong từ đèo Zana Lungmug La ở cao độ 16.760 feet (5.108 m).  Họ đi theo Lungmug Chu để xuống Zanag (tên gọi sông Zanaqu hiện nay), một trong những đầu nguồn của nhánh phía tây của sông Mekong.

Các nguồn của Mekong được khám phá. [Ảnh: Pieter Neele]

Thám hiểm của Peissel năm 1994

Cuộc thám hiểm được thực hiện bởi một đoàn thám hiểm hỗn hợp Pháp- Anh gồm có các ông Michel Peissel của Pháp và Jaques Falck và Sebastian Guinness của Anh [2].  Họ đi đến một đầu nguồn khác của Zanaqu, nhánh phía tây của sông Mekong ở khu vực đèo Rup-sa nối liền 2 dãy núi Drug-di và Sag-ri, vào ngày 17 tháng 9 năm 1994, ở tọa độ 93o 52’ E và 33o 16’ N có cao độ 4.975 m.

Thám hiểm của Nakanichi năm 1994

Cuộc thám hiểm được thực hiện bởi một đoàn thám hiếm hỗn hợp Nhật-Hoa, gồm có 6 người Nhật ở Đại học Nông nghiệp Tokyo, dưới sự hướng dẫn của ông Junich Nakanishi và Masayuki Kitamura, và 4 người Trung Hoa của Viện hàn lâm Khoa học Trung Hoa, dưới sự hướng dẫn của ông Jin Chang-xing và Zhou Chang-Jin [2].  Ngày 20 tháng 8 năm 1994 họ bắt đầu đi và đến Zadoi ở cao độ 4.100 m (ngày 25 tháng 8) và Moyun ở cao độ 4.539 m (ngày 25 tháng 8).  Ngày 2 tháng 4, họ đến Ganasongdu, nơi 2 nhánh Zayaqu (nhánh phía bắc) và Zanaqu (nhánh phía tây) gặp nhau.  Họ đo lưu lưu lượng của 2 nhánh và thẩm định Zayaqu là nhánh chánh, vì có lưu lượng cao gấp 5 lần lưu lượng của Zanaqu.  Họ đi từ Ganasongdou đến Lasagongma và đến nguồn của sông Mekong phát xuất từ chân của băng hà ở tọa độ 94o 41’ 37” E và 33o 42’ 41” có cao độ 5.160 m.

Thám hiểm của Liu năm 1999

Đây là một trong hai cuộc thám hiểm do người Trung Hoa thực hiện trong tháng 6 và 7 năm 1999 [2].  Đoàn cầm đầu bởi Tiến sĩ (TS) Liu-Shaochang của Văn phòng Viễn thám, Viện hàn lâm Khoa học Trung Hoa.  TS Liu khảo sát 2 nhánh thượng lưu của Zayaqu ở phía trên Yeyongsongdu: một là Gaodepu đi đến Jifu Shan và một là Gaoshanxigu đi đến Lasagongma.  Dựa theo chiều dài và chiều dòng chảy của 2 nhánh nầy, ông kết luận đầu nguồn của Gaodepu ở Jifu Shan là nguồn của Mekong ở tọa độ 94o 41’ 12” E và 33o 45’ 35” N có cao độ 5.552 m.

Thám hiểm của Dexiang năm 1999

Nguồn của sông Mekong. [Ảnh: Panoramio]

Đoàn thám hiểm thứ hai nầy gồm các thành viên từ Ủy ban Khảo sát Tổng hợp Tài nguyên, Viện hàn lâm Khoa học Trung Hoa được Nhóm Doanh nghiệp Dexiang ở Tianjin bảo trợ [2].  Họ sử dụng các dụng cụ tối tân nhất để đo đạc, thí dụ như GPS, GIS, SRS và ảnh vệ tinh TM.  Họ đo lưu lượng và chiều dài của 2 nhánh Zayaqu và Zanaqu: 119.0 m3/sec và 97.83 km so với 35.1 m3/sec và 92.96 km.  Từ chiều dài và lưu lượng, họ xác định Zayaqu là phụ lưu chánh.  Khi đến Yeyongsongdou, họ lại đo lưu lượng và chiều dài của 2 nhánh Gaodepu đến Jifu Shan và Gaoshanxigu đến Guozongmucha Shan: 9.55 m3/sec và 22.59 km so với 7.94 m3/sec và 21.5 km.  Từ chiều dài và lưu lượng, họ xác định Gaoshanxigu là nhánh chánh đi đến nguồn của Mekong (ngược với kết luận của TS Liu).  Họ xác định nguồn của Mekong trên Lasagongma phát xuất từ chân của băng hà ở tọa độ 94o 41’ 44” E và 33o 42’ 31” N có cao độ 5.224 m.

Thám hiểm của Wong năm 2007

Đoàn thám hiểm nầy gồm có các ông Wong How Man của Hiệp hội Nghiên cứu và Thám hiểm Trung Hoa (China Exploration and Research Society (CERS)); TS Bill Bleisch, Giám đốc Khoa học của CERS, ông Martin Ruzek cựu nhân viên của NASA là Khoa học gia Hệ thống Địa cầu của CERS, và các nhà làm phim Chris Dickerson của Anh và Wang Chih Hung của Đài Loan [3].  Họ đi từ Zadoi bằng xe rồi bằng ngựa đến nguồn của Mekong vào ngày 13 tháng 5 năm 2007, bên trên chân của băng hà khoảng 20 m.  Nơi nầy có tọa độ 94o 41’ 45.4 E và 33o 42’ 38.8 N ở cao độ 5.175 m.  Họ đào một hố nhỏ xuyên qua lớp băng đến dòng nước chảy ở phía dưới.  Họ lấy mẫu nước để phân tích và uống tại chỗ để nhớ đến câu ngụ ngôn: “Uống nước nhớ nguồn.”

Ông Wong How Man đang uống nước ở nguồn Mekong. [Ảnh: Wong How Man]

Thám hiểm của Neele năm 2013

Đoàn thám hiểm nầy gồm có ông Pieter Neele, người Holland, và ông Luciano Lepre, người Switzerland [4].  Ngày 12 tháng 7 năm 2013, họ khởi hành từ trạm dừng ở giữa Gaodepu để đi đến nguồn ở Jifu Shan, theo kết quả của TS Liu.  Nhưng khi đến nơi, họ nhận ra rằng Gaodepu có 2 nhánh đều bắt nguồn từ sườn núi kế cận Jifu Shan về phía tây, và nằm bên trong lưu vực Mekong.  TS Liu xác định đầu nguồn của nhánh thấp hơn là nguồn của Mekong; nhưng họ khám phá ra rằng, mặc dù nhỏ hơn, nhưng nhánh trên cao dài hơn.  Nguồn của nhánh cao hơn nầy, nằm dưới chân băng hà ở gần đỉnh núi ở tọa độ 94o 40.562’ E và 33o 45.677’ N có cao độ 5.374 m.  Họ cho rằng đây là nguồn xa nhất và cao nhất.  Điều nầy không đúng, vì nguồn do TS Liu khám phá có cao độ 5.552 m.

Nguồn do đoàn thám hiểm Neele xác định (E), 
nằm trên sườn núi không tên ở phía tây của Jifu Shan (phía trái trong hình). 
[Ảnh: Pieter Neele]

Phần kết luận

Từ cuối thế kỷ thứ 19th cho đến nay, có nhiều đoàn thám hiểm của ngoại quốc và Trung Hoa đã đi đến nhiều nơi ở cao nguyên Tây Tạng để tìm kiếm nơi bắt nguồn của sông Mekong, con sông dài nhất ở Đông Nam Á.  Các đoàn thám hiểm nầy đã đến Ganasongdu, nơi sông Mekong chia làm 2 nhánh: một nhánh là Zanaqu đi về phía tây, và nhánh kia là Zayaqu đi về phía bắc.  Chỉ có 2 đoàn thám hiểm của de Rhins và Peissel đến các đầu nguồn trên nhánh Zanaqu.  Các đoàn thám hiểm còn lại đến các đầu nguồn trên nhánh Zayaqu, là nhánh chánh của sông Mekong.  Khi đến Yeyongsongdu, Zayaqu lại chia làm 2 nhánh: một là Gaodepu đi đến Jifu Shan và một là Gaoshanxigu đi đến Lasagongma.  Ở đây, các đoàn thám hiểm thẩm định Gaoshanxigu là nhánh chánh đi đến nguồn của sông Mekong ở Lasagongma:



Vì Lasagongma đi lên dốc núi về hướng nam-đông nam, điểm xa nhất là điểm có cao độ cao nhất và vĩ độ nhỏ nhất.  Do đó, nguồn do đoàn thám hiểm Dexiang khám phá được xem là nguồn đích thực của sông Mekong.

Tài liệu tham khảo

[1]       Mekong River Commission.  18 December 2018.  “MRC Secretariat affirms Mekong basin size, length.”  MRC. http://www.mrcmekong.org/news-and-events/events/mrc-secretariat-affirms-mekong-basin-size-length/
[2]       Tamotsu Nakamura.  August 2001.  “Quest for the Source of the Mekong River – Notes on a Controversial Issue on the True Source-).  The Japanese Alpine Club. http://www.jac.or.jp/english/kiroku/MEKONG.pdf
[3]       Wong How Man.  13 May 2007.  “At the Source of the Mekong.”  China Exploration and Research Society (CERS).  http://www.cers.org.hk/index.php/en/expeditions/mekong-river-source/27-at-the-source-of-the-mekong
[4]       Pieter Neele.  2014.  “A New Source of the Mekong – The discoverers believe they have found the true one at last.”  Japanese Alpine News.  http://www.veraluc.com/pdf/presse/New_Mekong_Source_Lepre_Neele.pdf

.


No comments:

Post a Comment