Friday, July 3, 2020

Nguyễn Thị Yến Nhi - Liệu có cứu được dòng Mekong?


3/7/2020

Hình minh hoạ. Một đoạn dòng sông Mekong ở tỉnh Nong Khai, Thái Lan
AFP

Tiểu vùng sông Mekong đã trở thành trọng tâm trong những tính toán chiến lược của Bắc Kinh khi Trung Quốc phải đối mặt với sự phản kháng ngày càng tăng từ Mỹ và các nước khác. Đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (COVID-19) dường như đang củng cố một vài xu hướng trong quan hệ của Trung Quốc với các nước thuộc sông Mekong. Trong kịch bản đang nổi lên này, Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục tập trung vào tiểu vùng sông Mekong trong giai đoạn hậu COVID-19.

Sông Mekong là con sông vô cùng quan trọng của khu vực Đông Nam Á lục địa. Sông Mekong với độ dài 4350 km, là con sông dài nhất ở Đông Nam Á, dài thứ 7 ở châu Á và dài thứ 12 trên thế giới. Con sông này góp phần tạo ra sinh kế cho khoảng 66 triệu người đang sinh sống dọc hai bên bờ sông. Vùng bồn trũng của con sông này có diện tích khoảng 795.000 km2, là nơi tạo ra các nguồn nông sản rất lớn, ví dụ khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long - là vựa lúa lớn nhất của Việt Nam.

Sông Mekong khởi nguồn từ các dòng sông băng ở Tây Tạng, chảy qua tỉnh Thanh Hải của Trung Quốc và chảy qua 5 quốc gia khác là Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Do đó, con sông hùng vĩ này còn được biết đến dưới nhiều cái tên như Sông Cửu Long trong tiếng Việt hay Tonle Than trong tiếng Khmer, và tất cả những cái tên này đều chứng tỏ sức mạnh to lớn của nó. Người Trung Quốc gọi tên nó là sông Lan Thương (Lancang).
Mekong đang hấp hối

Tuy nhiên, con sông này đang ở trong những ngày cuối của một “hệ sinh thái khỏe mạnh”. Hè năm 2019, mực nước sông Mekong đã hạ xuống mức thấp nhất trong vòng một thế kỷ qua. Mùa Xuân năm 2020, một số người Campuchia - quốc gia phụ thuộc vào sông Mekong hơn bất kỳ quốc gia nào khác - cho biết sản lượng đánh bắt cá của họ chỉ bằng 10-20% các năm trước. Tuy nhiên, tình trạng suy thoái của sông Mekong không phải là một tai nạn không thể tránh khỏi, việc xây dựng quá mức các con đập ở Trung Quốc, cộng với tác động của biến đổi khí hậu, đã “cướp đi sự giàu có của dòng sông”.

Hình minh hoạ. 
Những người dân làng cầm biểu ngữ hình cá ở Bangkok hôm 24/6/2014 
phản đối xây đập thuỷ điện Xayaburi bên Lào trên sông Mekong Reuters

Các nhà nghiên cứu đang lo ngại rằng những con đập của Trung Quốc sẽ giữ lại nhiều nước trên sông Mekong trong năm nay, tương tự như tình trạng dòng chảy không ổn định sau mùa mưa năm ngoái làm trầm trọng thêm hạn hán ở vùng Đông Bắc Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam.
Theo một nhóm các nhà nghiên cứu ở Mỹ, các con đập của Trung Quốc gần đây đã làm trầm trọng thêm hạn hán ở Đông Bắc Thái Lan và những nước vùng hạ sông Mekong như Lào, Campuchia và Việt Nam.

Trung Quốc đang tích cực kiểm soát khu vực Mekong

Trong những năm qua, Trung Quốc đã tuyên bố sở hữu thực tế đối với dòng sông và kết quả là họ đang kiểm soát một phần đáng kể của nền kinh tế khu vực Đông Nam Á lục địa. Do mức độ kiểm soát của Trung Quốc, Mekong đang dần trở thành một Biển Đông kế tiếp - tuyến đường thủy chiến lược mà Bắc Kinh có các yêu sách bành trướng và ngày càng siết chặt quyền kiểm soát.
Đông Nam Á có vị trí đặc biệt trong tư duy chính sách của Trung Quốc xuất phát từ các mối quan hệ lịch sử và kinh tế. Hiện khoảng 30 triệu người Hoa đang sinh sống rải rác khắp nơi trong khu vực này. Kể từ đầu những năm 2010, Bắc Kinh đã theo đuổi các mối quan hệ gần gũi hơn với các quốc gia này thông qua sáng kiến “Cộng đồng chung vận mệnh”. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc, trong đó có Chủ tịch Tập Cận Bình, cho rằng đây là một sáng kiến phát triển toàn diện và hợp tác cùng có lợi, mang lại “cảm giác tiền định về tính chất tất yếu của định mệnh gắn bó” giữa Trung Quốc và ASEAN, qua đó tiếp tục thúc đẩy hội nhập sâu rộng hơn của Đông Nam Á vào một trật tự trong đó Trung Quốc giữ vai trò trung tâm nhằm cạnh tranh với “Đồng thuận Washington” do Mỹ dẫn dắt.

Hình minh hoạ. 
Xe tải chở đất đá xây đập thuỷ điện trên dòng Mekong ở Trung Quốc AFP

Khẩu hiệu tuyên truyền trên hấp dẫn đối với Đông Nam Á hơn là khái niệm "cai trị thiên hạ", theo đó mọi thứ “dưới vòm trời” đều thuộc về nền văn minh Trung Hoa thượng đẳng từng giúp đế chế Trung Hoa chi phối mối quan hệ với các nước láng giềng trong nhiều thiên niên kỷ qua. Tuy nhiên, cũng giống như "cai trị thiên hạ", “Cộng đồng chung vận mệnh” yêu cầu các nước láng giềng quy phục và cống nạp, dù bằng những lời lẽ dễ chịu hơn. Bắc Kinh đã tìm thấy những "chư hầu" tự nguyện tại Phnom Penh và Viêng Chăn - vốn bắt buộc phải dựa vào Trung Quốc để tìm kiếm sự ủng hộ chính trị và kinh tế, song các nhà lãnh đạo tại Bangkok và Hà Nội lại tỏ ra kín đáo hơn.

Âm mưu cai trị Mekong của Trung Quốc

Các thất bại thể chế của Đông Nam Á khiến khu vực này dễ bị tổn thương trước hành vi lợi dụng của Trung Quốc. Ủy ban sông Mekong (MRC) - bao gồm Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam - có sứ mệnh điều tiết dòng chảy ở hạ lưu và ngăn chặn hành vi gây hấn của Trung Quốc, song hoạt động của cơ quan này hiện chỉ mang tính chất tư vấn và phần lớn không hiệu quả. Dù được mời tham gia, Trung Quốc không phải là thành viên của MRC, đồng nghĩa với việc họ có thể bỏ qua các quy định của Ủy ban này, theo đó buộc các nước thành viên đệ trình các dự án xây dựng đập trên sông Mekong để thảo luận.  Ủy hội sông Mê Kông (MRC) hiện bị lu mờ bởi Cơ chế Hợp tác Lan Thương-Mekong do Trung Quốc khởi xướng. 

Năm 2010, MRC đã kêu gọi một lệnh cấm xây dựng các đập thủy điện lớn trên dòng sông Mekong trong 10 năm, ghi nhớ những lợi ích lớn nhất của khu vực. Tuy nhiên, tổ chức này đã không thể thực thi khuyến nghị riêng của mình. Thay vì tham gia một cơ quan với những quy định hạn chế như vậy, Trung Quốc đã mời các thành viên MRC (và Myanmar) tham gia Diễn đàn Hợp tác Lan Thương-Mekong (LMC) trị giá 22 tỷ USD. LMC cho phép Trung Quốc chơi theo luật riêng của mình giống như ở Biển Đông, qua đó tạo ra “sự đã rồi” nhằm kiểm soát sông Mekong. Mới đây, cựu Bộ trưởng Năng lượng Campuchia Pou Sothirak cho biết MRC không có cơ chế thực thi để buộc các nhà hoạch định chính sách nhất trí về việc nên hay không nên xây đập trên dòng chính của sông Mekong. Ông nhấn mạnh: “LMC là một hình thức ngoại giao mới của Trung Quốc. Bạn sẽ phải chấp nhận hoặc phải đối mặt vì nó sẽ không bao giờ bị trì hoãn”.

Hình minh hoạ. 
Thủ tướng VN Nguyễn Xuân Phúc chụp hình cùng lãnh đạo các nước TQ, Lào, Campuchia, Myanmar tại cuộc họp hợp tác Mekong Lan Thương ở Phnom Penh 
hôm 10/1/2018 Reuters

Với LMC, Trung Quốc cam kết hợp tác với Đông Nam Á lục địa. Tuy vậy, Bắc Kinh thông qua diễn đàn này để áp đặt ý chí của mình lên các quốc gia nhỏ hơn trong khu vực, coi họ như những chư hầu lịch sử - thấp kém hơn và đáng bị cai trị - của đế chế Trung Hoa thượng đẳng.
Trung Quốc gia tăng hành động trong dịch bệnh
Đại dịch toàn cầu đã giúp Campuchia và Trung Quốc củng cố chặt hơn quan hệ đối tác hợp tác của mình. Chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Hun Sen đầu tháng 2/2020, vào thời điểm “tâm lý bài Trung” đang tăng lên được giải thích là để thể hiện “tình đoàn kết” và quan hệ Trung Quốc-Campuchia được mô tả là “một hình mẫu” cho chính sách ngoại giao láng giềng. Tại một trong những cuộc gặp song phương cấp cao đầu tiên giữa Trung Quốc và các nước láng giềng kể từ khi bùng phát dịch COVID-19, Ngoại trưởng Vương Nghị đã đồng chủ trì một cuộc họp trực tuyến của ủy ban điều phối liên chính phủ Trung Quốc-Campuchia lần thứ 5 với Phó Thủ tướng Campuchia Hor Nam Hong hôm 16/6. Trong cuộc họp này, ông Vương Nghị nói rằng hai nước đã củng cố “quan hệ hữu nghị truyền thống” của mình thông qua việc ủng hộ và hỗ trợ lẫn nhau kể từ khi bùng phát dịch bệnh.
Việc thiết lập “ưu tiên” cho sự đi lại của người dân và một “hành lang xanh” cho dòng chảy hàng hóa giữa hai nước để đối phó với dịch COVID-19 và việc Campuchia bày tỏ ủng hộ đối với quyết định của Trung Quốc ban hành “luật an ninh quốc gia dành cho Đặc khu Hành chính Hong Kong” là những dấu hiệu cho thấy mối quan hệ chiến lược ngày càng gia tăng giữa hai nước.

Giống như Campuchia, quan hệ đối tác hợp tác của Trung Quốc với nước láng giềng Lào cũng đã được tăng cường trong thời kỳ dịch bệnh. Chính phủ Lào đã trở thành “công cụ” trong việc tổ chức hội nghị đặc biệt của các bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc-ASEAN về COVID-19 cùng với hội nghị bộ trưởng LMC hồi tháng 2/2020. Khi các trường hợp nhiễm COVID-19 được thông báo ở Lào, Trung Quốc đã gửi các nhóm y tế và vật tư y tế sang Lào và được mô tả như “sự báo đáp” của Trung Quốc. Ngày 3/4, trong một cuộc điện đàm với người đồng cấp Lào Bounnhang Vorachith, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết tiếp tục “hỗ trợ và ủng hộ hết mình” cho quốc gia Đông Nam Á này trong cuộc chiến chống dịch bệnh.

Tương tự, ngày 20/5, Chủ tịch Tập Cận Bình trong cuộc điện đàm với Tổng thống Myanmar U Win Myint đã tái đảm bảo “sự hỗ trợ và ủng hộ vững chắc” cho Myanmar trong cuộc chiến chống đại dịch toàn cầu. Trong khi Myanmar tiếp nhận hỗ trợ vật tư y tế cũng như kỹ thuật từ Trung Quốc trong cuộc chiến chống khủng hoảng COVID-19, nhiều người đã bày tỏ lo ngại về sự hỗ trợ y tế của Trung Quốc.

Sự chống đối Trung Quốc đang hình thành

Việt Nam có lẽ sẽ là quốc gia khó thu phục nhất trong số các quốc gia khu vực Mekong này. Bởi vì thái độ cảnh giác của Hà Nội đối với Trung Quốc là rất lớn và có từ lâu, khởi nguồn từ sự xâm lăng của Trung Quốc đối với vùng đất của người Việt từ hàng ngàn năm trước, dẫn đến cuộc khởi nghĩa của người Việt chống lại ách áp bức Trung Quốc. Dưới thời "cai trị thiên hạ", thái độ bất tuân đó có thể kéo theo hành động can thiệp quân sự của Trung Quốc. Thời nay, Trung Quốc cưỡng ép các chư hầu còn do dự tham gia vào hệ thống chư hầu hiện đại của mình. Mekong đóng vai trò quan trọng trong những nỗ lực này: Năm 2016, Việt Nam đã trải qua một đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 90 năm qua một phần do các con đập của Trung Quốc trên sông Mekong. Hà Nội đã buộc phải đề nghị Bắc Kinh xả nước từ các con đập này. Trong tương lai, Trung Quốc có thể tiếp tục tạo ra các lợi ích chính trị từ hành động "vị tha" tương tự.
Trung Quốc đang điều tiết toàn bộ dòng chảy của sông Mekong. Và bằng cách hạn chế dòng chảy, các kỹ sư của Bắc Kinh đã trực tiếp gây ra tình trạng mực nước Mekong sụt giảm xuống mức thấp kỷ lục trong thời gian gần đây. Trong khi đó, trữ lượng nước của Trung Quốc lại gia tăng nhờ các con đập. Biến đổi khí hậu đang khiến các sông băng ở thượng nguồn sông Mekong nhanh chóng tan chảy. Do vậy, người Trung Quốc đang xây dựng các “hộp tiết kiệm an toàn bởi họ biết rằng tài khoản ngân hàng sẽ bị cạn kiệt”. Dòng sông Mekong hùng mạnh không còn nữa và đang nhanh chóng hướng tới “sự suy giảm dòng chảy không thể đảo ngược”.
Và mặc dù sự thù hận giữa các quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc xung quanh sông Mekong vẫn chưa bùng phát như ở Biển Đông, tuy nhiên phe chống đối đang được hình thành. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên, bởi vì Bắc Kinh đang chiếm giữ một nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng vốn nuôi sống nhiều quốc gia trong nhiều thế kỷ thường được nhìn nhận một cách tồi tệ.
Khác với biển Đông, khi có sự xuất hiện của các cường quốc trên thế giới can dự, khiến Trung Quốc phải e dè. Trong vấn đề Mekong, chỉ 4 quốc gia ASEAN mà trong đó, ít nhất 2 quốc gia đã “tự nguyện” trở thành “chư hầu” của Bắc Kinh là Lào và Campuchia, đã khiến người dân của các quốc gia khu vực Mekong sống dựa vào tài nguyên từ con sông này đã thực sự khốn đốn.
Tuy nhiên, trong bối cảnh tâm lý chống Trung Quốc đang gia tăng tại Đông Nam Á do đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới gây ra (COVID-19) - một đại dịch bắt nguồn từ Trung Quốc - sự phản đối đối với các con đập của Trung Quốc cũng sẽ đồng loạt bùng phát.

Trường hợp cụ thể của Lào

Trong số các quốc gia Đông Nam Á, Lào - một quốc gia nhỏ bé và ít dân - là một trong những nước nhận viện trợ lớn của Bắc Kinh. Trong quá trình cấp các khoản vay và viện trợ cho Lào, Bắc Kinh có 3 yêu cầu cơ bản đối với Lào, đó là: ủng hộ chính sách của Trung Quốc đối với các vấn đề như Đài Loan và Tây Tạng; các công ty Trung Quốc có thể khai thác tài nguyên của Lào; và cho phép đường dây liên lạc của Trung Quốc chạy qua Lào đến Thái Lan. Lào không chỉ chấp nhận những yêu cầu này mà còn tạo điều kiện để Trung Quốc trở thành nhà đầu tư lớn nhất. Bắc Kinh đã đổ hàng tỷ USD vào các ngành như thủy điện, nông nghiệp, khai thác mỏ và xây dựng, tất cả để phục vụ chiến lược hình thành "Con đường tơ lụa mới" có quy mô lớn hơn của Trung Quốc. Việc xây dựng tuyến đường sắt Trung Quốc-Lào phục vụ BRI, bắt đầu vào tháng 12/2016, liên quan đến 6 nhà thầu Trung Quốc với kế hoạch hoàn thành dự án vào tháng 12/2021. Tuyến đường sắt dài 414 km, kéo dài từ huyện cực bắc Boten của Lào, giáp biên giới Trung Quốc, đến thủ đô Viêng Chăn. Tuyến đường này sẽ tiếp tục kết nối với Thái Lan, Malaysia và Singapore như một phần của tuyến đường sắt liên Á sẽ chạy theo hướng Bắc-Nam từ Côn Minh thuộc tỉnh Vân Nam đến Singapore.

Một dự án quan trọng khác mà Chính phủ Lào đã mạo hiểm tham gia là việc xây dựng con đập lớn thứ bảy trên sông Mekong. Đó là đập thủy điện Sanakham có khả năng sản xuất 684 MW điện, với thời gian hoàn thành dự án là năm 2028. Đề xuất xây đập Sanakham đã được Chính phủ Lào ngày 9/9/2019 đệ trình lên Ủy hội sông Mekong (MRC). Theo đề xuất, con đập này sẽ được xây dựng cách Viêng Chăn 155 km về phía Bắc thuộc huyện Sanakham. Tuy nhiên, đề xuất đối mặt với phản ứng dữ dội vì công trình này sẽ tiếp tục chặn dòng sông Mekong, một "động mạch" quan trọng ở Đông Nam Á, vốn đã bị tắc nghẽn. Các con đập hiện tại như Xayaburi và Don Sahong đã ảnh hưởng tiêu cực đến ngư nghiệp, nông nghiệp, sinh kế và khu vực bờ sông ở hạ lưu. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã tiếp tục đẩy mạnh dự án.

Do đó, một số nhà hoạt động bảo vệ môi trường đã kêu gọi Chính phủ Lào không tiến hành xây dựng một con đập "phá hoại môi trường" nữa trên dòng sông này. Pianporn Deetes, người phụ trách các chiến dịch tại Thái Lan và Myanmar của tổ chức chống xây đập trên các dòng sông quốc tế, cho rằng: "Đập Sanakham hoàn toàn không nên được xây dựng. Có một số cách ít tốn kém hơn, ít hủy hoại hơn và đáp ứng nhu cầu năng lượng của các nước có sông Mekong chảy qua nhanh hơn". Mặc dù phải đối mặt với những vấn đề nhân quyền và môi trường, song Chính phủ Lào đã cam kết phục tùng trước ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực và trên thế giới.

Liệu các nước khu vực Mekong có thoát ra khỏi được cái bẫy của Trung Quốc?

Nếu các nhà lãnh đạo khu vực Mekong coi mối đe dọa của Trung Quốc đối với khu vực này một cách nghiêm túc và muốn chống lại hành vi bắt nạt của Bắc Kinh, thì các quốc gia này có thể tìm kiếm sự hỗ trợ ngoại giao từ nước Mỹ xa xôi. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo mới đây đã bày tỏ sự quan tâm đến việc ủng hộ “cách tiếp cận dựa trên các quy tắc và minh bạch đối với sông Mekong”. Thất bại trong việc thách thức hiện trạng này sẽ đẩy khu vực với 66 triệu người sống nhờ vào sông Mekong phải dựa dẫm một cách tuyệt vọng vào ân sủng của Trung Quốc, hoặc gặp hiểm nguy khi bị các nhà các nhà lãnh đạo của họ bỏ rơi. Một người Lào - người từng từ chối nhường đất xây đập dù các quan chức chính phủ và đại diện các công ty tư nhân Trung Quốc nhiều lần thuyết phục - đã nói: “Có một khoảng cách lớn giữa thứ họ đề xuất với tôi và thứ mà tôi cần để có một cuộc sống ngang với mức hiện tại. Nếu chúng ta không có lập trường, điều gì sẽ xảy ra với chúng ta và tương lai của chúng ta?”

Trong trường hợp của Lào, quốc gia này cần xem xét đa dạng hóa các dự án đầu tư của mình với các quốc gia khác như Thái Lan, Ấn Độ, Mỹ và Nhật Bản và không chỉ phụ thuộc vào một quốc gia duy nhất. Sự kết giao duy nhất với Trung Quốc có thể tạo điều kiện cho Bắc Kinh dễ dàng nắm giữ và biến Lào thành công cụ để đạt được các lợi ích chiến lược của riêng Bắc Kinh. Một số nhà phân tích cho rằng "làm ngay đỡ gay hơn sau này" bởi Lào là một trong những quốc gia hàng đầu có nguy cơ rơi vào "bẫy nợ" của Trung Quốc, khiến nước này dễ bị phụ thuộc về tài chính và không thể đa dạng hóa quan hệ đối ngoại. Trong khi tham gia các dự án với các quốc gia khác, Lào nên lưu ý rằng không nên làm phiền các quốc gia láng giềng như Thái Lan và nên tham vấn các tổ chức bảo vệ môi trường và người dân địa phương về các quyết định quan trọng này. Lào đã xúc tiến dự án xây đập Xayaburi với Trung Quốc, bất chấp sự phản đối của người dân Thái Lan. Trong nỗ lực trở thành “Bình ắc quy của Đông Nam Á", Lào không thể và không nên hành động mà không tham khảo ý kiến của người dân địa phương.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

SOURCE: https://www.rfa.org/

.

No comments:

Post a Comment