Saturday, July 11, 2020

TRUNG HOA VẬN DỤNG NGUỒN NƯỚC PHONG PHÚ CỦA CAO NGUYÊN TÂY TẠNG


China Leverages Tibetan Plateau’s Water Wealth

Brahma Chellany – Bình Yên Đông lược dịch
India Blooms – 2 July 2020



Trong lúc quốc tế vẫn lưu ý đến các hoạt động phi pháp của Trung Hoa trong vùng tranh chấp ở Biển Đông, nơi nước nầy tiếp tục bành trướng vết chân chiến lược của mình, Bắc Kinh cũng âm thầm chú trọng đến các sông bắt nguồn từ vùng giàu tài nguyên trong lãnh thổ Tây Tạng do Trung Hoa kiểm soát.

Trung Hoa, từ lâu, đã theo đuổi một chiến lược lớn lao để thu vét tài nguyên thiên nhiên.  Điều nầy đã thúc đẩy sự hiện diện ngày càng tăng ở những nơi xa xôi, bao gồm Phi Châu và Mỹ La tinh.  Đam mê mới nhất của Trung Hoa là nước ngọt, một tài nguyên tạo nên và hỗ trợ cho đời sống, mà tình trạng khan hiếm ngày càng tăng đang làm mất tin tưởng vào tương lai kinh tế của Á Châu.

Hầu hết các sông lớn ở Á Châu bắt nguồn từ Cao nguyên Tây Tạng.  Từ đó, chúng chảy qua hàng chục quốc gia, kể cả lục địa Trung Hoa.  Với địa hình cao ngất, nổi bật qua các đỉnh núi cao nhất thế giới và nơi tập trung nhiều nhất các băng hà và đầu nguồn, Cao nguyên Tây Tạng ảnh hưởng đến sự vận chuyển của khí quyển – và, do đó, khí hậu và thời tiết – trên khắp Bắc Bán cầu.
Cao nguyên Tây Tạng. [Ảnh: Inam Water World]

Ngày nay, Trung Hoa biến cái cao nguyên mong manh về sinh thái, mà họ xâm lấn và chiếm đóng từ 1950 đến 1951, thành trung tâm của các hoạt động khai mỏ và xây đập.  Với mức hâm nóng nhanh gấp 3 lần mức trung bình toàn cầu, theo dữ kiện của Trung Hoa, sự thối lui của băng hà, nhất là ở miền đông Himalayas, và sự tan chảy của lớp đất đóng băng ở Tây Tạng đã gia tăng tốc độ.

Hậu quả nhiều hơn cho các quốc gia ở hạ lưu là việc Trung Hoa, bằng cách xây các đập khổng lồ và các công trình chuyển nước trên các sông quốc tế bắt nguồn từ Tây Tạng, đang trở thành người kiểm soát nước thượng nguồn ở Á Châu.  Hành động nầy trang bị cho Bắc Kinh một lực đòn bẫy ngày càng tăng đối với các quốc gia tùy thuộc vào dòng chảy của sông từ Cao nguyên Tây Tạng.

Thí dụ như sông Mekong, mạch sống của lục địa Đông Nam Á (ĐNA).  Một nghiên cứu mới của Hoa Kỳ xác nhận cái mà nhiều người ở trong vùng đã biết – rằng Trung Hoa đang ngăn dòng Mekong đến địa ngục môi trường.  Theo nghiên cứu nầy, chuổi đập khổng lồ của Trung Hoa, bằng cách hạn chế dòng chảy xuống hạ lưu, đang gây hạn hán định kỳ ở Thái Lan, Lào, Cambodia và Việt Nam vì dòng chảy ở hạ lưu bị hạn chế.  Sử dụng mô hình dữ kiện dòng chảy tự nhiên, nghiên cứu cho thấy 11 đập khổng lồ của Trung Hoa đang hoạt động trên sông Mekong đang gây hạn hán nghiêm trọng và tàn phá ở hạ lưu.  Nhưng một Trung Hoa không nao núng đang xây thêm các đập khổng lồ trên sông Mekong ngay trước khi nó chảy qua biên giới để vào ĐNA.  Nghiên cứu nầy được thực hiện bởi công ty cố vấn và nghiên cứu Eyes on Earth với sự tài trợ của Sáng kiến Hạ lưu Mekong (Lower Mekong Initiative (LMI)) của Bộ Ngoại giao.

Tây Tạng – cao nguyên cao nhất và rộng nhất thế giới – cũng là một kho tàng đáng giá của các tài nguyên khoáng sản, khiến cho Trung Hoa có dự trữ lớn nhất của 10 kim loại khác nhau và là nước sản xuất lithium lớn nhất thế giới.  Ngày nay, Tây Tạng là tiêu điểm của các hoạt động khai mỏ và xây đập của Trung Hoa, đe dọa hệ sinh thái mong manh của cao nguyên và các chủng loại địa phương.  Tây Tạng vẫn là trọng tâm của sự chia rẽ Trung Hoa-Ấn Độ, châm ngòi cho các tranh chấp lãnh thổ, căng thẳng ngoại giao, và thù hận về dòng chảy của sông.  Trong số các sông được các nhà xây đập Trung Hoa chiếu cố là Brahmaputra, mạch máu của Bangladesh và đông bắc Ấn Độ.  Một loạt đập đang được xây trên Brahmaputra, được gọi là Yarlung Tsangpo ở Tây Tạng.

Hành động đơn phương của Bắc Kinh vượt quá việc xây đập.  Năm 2017, Trung Hoa từ chối cung cấp dữ kiện thủy học cho Ấn Độ, vi phạm các điều khoản trong các thỏa ước song phương, đục khoét tính sẳn sàng để vũ khí hóa việc chia sẻ dữ kiện thủy học về dòng chảy của sông ở thượng lưu.  Sự từ chối nầy được cho là để trừng phạt Ấn Độ đã tẩy chay hội nghị thượng đỉnh khai mạc Vành đai và Con đường và đối đầu quân sự giữa 2 quốc gia trong năm ở Doklam, một vùng rất nhỏ nhưng quan trọng về chiến lược trên cao nguyên Himalayas.  Việc từ chối dữ kiện cản trở hệ thống báo lũ sớm của Ấn Độ.  Điều đó, lần lượt, gây chết người không thể tránh được khi Brahmaputra tràn bờ trong mùa mưa, để lại những tàn phá quan trọng, nhất là ở bang Assam của Ấn Độ.

Siang, một nhánh quan trọng của hệ thống sông Brahmaputra, là một thí dụ điển hình khác của các hành động đơn phương của Trung Hoa trên các sông quốc tế.  Năm 2017, nước sông Siang trở nên đục và xám đen khi dòng nước chảy vào Ấn Độ từ Tây Tạng.  Điều nầy gây lo ngại rằng các hoạt động ở thượng nguồn của Trung Hoa có thể đe dọa sông Siang tương tự như Bắc Kinh đã làm ô nhiễm các sông nội địa của họ, kể cả Hoàng Hà, cái nôi của nền văn minh Trung Hoa.  Gần 3 năm sau, nước trong sông Siang một thời ban sơ vẫn chưa trong hẵn.

Theo Aquastat, kho dữ liệu của Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc, mỗi năm có 718 tỉ m3 nước mặt chảy ra khỏi Cao nguyên Tây Tạng và các vùng do Trung Hoa cai quản ở Xinjiang (Tân Cương) và Inner Mongolia (Nội Mông) đến các nước láng giềng.  Trong số đó, 48,33% chảy trực tiếp vào Ấn Độ.  Thêm vào đó, các sông ở Nepal bắt nguồn từ Tây Tạng cũng đổ vào lưu vực Ganges (Hằng) của Ấn Độ.  Điều nầy có thể cho thấy rằng không có quốc gia nào dễ bị tổn thương hơn Ấn Độ đối với trọng tâm xây chuỗi đập khổng lồ trên các sông quốc tế của Trung Hoa.  Trên thực tế, như việc xậy đập điên cuồng trên Mekong của Trung Hoa cho thấy, các lân bang nhỏ và dễ tổn thương về kinh tế là những nước nhạy cảm nhất với các hoạt động thủy điện ở thượng lưu.  Ảnh hưởng lớn nhất của việc xây đập trên Brahmaputra, chẳng hạn, không chỉ đổ xuống Ấn Độ mà còn xuống Bangladesh, nằm xa hơn về phía hạ lưu.

Từ lâu, Trung Hoa đứng đầu trên toàn cầu trong việc xây đập.  Họ đã nâng số đập lên trên ½ tổng số khoảng 58.000 đập lớn trên thế giới.  Nhưng việc “đổ xô vào đập” vẫn không ngừng.  Thêm nhiều đập được xây trên các sông quốc tế, các đập lớn hơn có khả năng để dùng nước xuyên biên giới như một công cụ ngoại giao cưỡng bức đối với các lân bang.  Mỗi đập mới gia tăng tiềm năng dùng các dòng sông chung như một vũ khí chánh trị của Trung Hoa, vì nó gia tăng khả năng điều tiết dòng chảy xuyên biên giới.  Lo ngại nầy được củng cố với sự từ chối của Trung Hoa để tham gia vào hiệp ước chia sẻ nước với bất cứ lân bang nào.  Ngay cả Ấn Độ và Pakistan cũng có một hiệp ước chia sẻ nước.

Vào lúc áp lực nước gia tăng ở Á Châu, sự lớn mạnh của chủ nghĩa quốc gia nước, động lực của các chánh sách của Trung Hoa, làm nổi bật sự liên kết giữa nước và hòa bình.  Các tổ chức hợp tác và sử dụng khả chấp tài nguyên là nền tảng của hòa bình nước.

Nếu Trung Hoa không từ bỏ đường lối hiện nay để hợp tác qua các tổ chức với các quốc gia trong cùng lưu vực, triễn vọng của một trật tự dựa trên luật lệ ở Á Châu có thể tàn lụi vĩnh viễn, trong khi các quốc gia hạ lưu có lẽ phải đối mặt với tương lai khô hạn nhiều hơn.  Á Châu chỉ có thể hình thành nước cho hòa bình nếu Trung Hoa nhập cuộc bằng đường lối minh bạch và cộng tác, đặt trọng tâm vào việc chia sẻ nước, dữ kiện thủy học liên tục, và các cơ chế giải quyết tranh chấp.

Brahma Chellaney là giáo sư nghiên cứu chiến lược của Nghiên cứu Chánh sách (Policy Research) có trụ sở ở New Delhi, một chuyên viên nghiên cứu độc lập, và tác giả của 9 quyển sách, gồm có Nước: Chiến trường Mới ở Á Châu (Water: Asia’s New Battleground) [Geortown University Press], đoạt Giải Bernard Schwartz.

 .

No comments:

Post a Comment