Sunday, July 26, 2020

VÌ SAO SÔNG MEKONG Ở ĐÔNG BẮC THÁI LAN XUỐNG ĐẾN MỨC THẤP KỶ LỤC NGAY TRONG MÙA MƯA 2019



Nguyễn Minh Quang
20 tháng 7 năm 2020


Phần dẫn nhập

Trong mùa mưa 2019, mực nước sông Mekong ở vùng đông bắc Thái Lan tiếp giáp với Lào đã xuống đến mức thấp nhất trong lịch sử đo đạc [1-3].  Có nhiều lý do đã được nêu lên.  Theo Ủy hội Sông Mekong (Mekong River Commission (MRC)), tình trạng nầy xảy ra vì lượng mưa rất ít trên lưu vực Mekong từ đầu năm [1]; nhưng một số khoa học gia cho rằng các đập của Trung Hoa ở thượng nguồn đã kiểm soát dòng chảy [4] hoặc giữ lại nước không cho chảy xuống hạ lưu [5].  Còn ngư dân Thái Lan thì cáo buộc đập Xayaburi vừa hoàn tất của Lào là nghi phạm và lên tiếng chống đối [6-8].  Dĩ nhiên, Trung Hoa, từ lâu, vẫn luôn luôn bác bỏ các cáo buộc đó [9-10] và Lào cùng nhà thầu xây đập Xayaburi cũng phủ nhận trách nhiệm làm cho sông Mekong khô cạn [11].  Bài viết nầy nhằm mục đích tìm hiểu nguyên nhân của sự kiện qua việc phân tích mực nước của sông Mekong đo được tại các trạm thủy học ở Thái Lan và Lào từ tháng 6 đến tháng 12 năm 2019.

Hệ thống trạm thủy học ở hạ lưu sông Mekong

Hình 1: Hệ thống trạm thủy học ở hạ lưu Mekong. [Ảnh: MRC]

Để theo dõi mực nước của sông Mekong trong hạ lưu vực, Ủy ban Mekong, tiền thân của MRC, đã thiết lập một hệ thống trạm thủy học dọc theo sông trong các quốc gia Thái Lan, Lào, Cambodia và Việt Nam.  Hệ thống nầy gồm  có 20 trạm chánh, theo thứ tự từ thượng lưu xuống hạ lưu, gồm có Chiang Saen (Thái Lan); Luang Prabang (Lào); Chiang Khan (Thái Lan); Vientiane (Lào); Paksane (Lào); Nakhon Phanom (Thái Lan); Thakhek (Lào); Mukdahan (Thái Lan); Savannakhet (Lào); Khong Chiam (Thái Lan); Pakse (Lào); Stung Treng, Kratie, Phnom Penh Port, Phnom Penh Bassac, Neak Luong và Koh Khel (Cambodia); và Tân Châu và Châu Đốc (Việt Nam) (Hình 1).

Trạm Chiang Sean là cửa ngỏ của hạ lưu vực sông Mekong.  Trạm Tân Châu và Châu Đốc là cửa ngỏ vào Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).  Đập thủy điện Xayaburi nằm giữa trạm Luang Prabang và Chiang Khan trong Hình 1.

Mực nước sông Mekong trong mùa mưa 2019

Mực nước của sông Mekong được đo đạc hàng ngày và đăng tải trên website của MRC.  Mực nước tại các trạm thủy học từ tháng 6 đến tháng 12 năm 2019 được dùng để phân tích tình trạng thủy học của sông Mekong trong mùa mưa 2019.  Trước hết là mực nước tại 3 trạm đầu tiên ở hạ lưu vực Mekong: Chiang Saen, Luang Prabang và Chiang Khan (Hình 2).


Mực nước hàng ngày của sông Mekong tại Chiang Saen cho thấy mực nước không dâng cao như thường lệ.  Ngược lại, nó giảm xuống rồi giao động ở khoảng 2,5 m (tương đương với lưu lượng khoảng 1.400 m3/sec), vì không có nước lũ từ thượng lưu vực đổ xuống.  Điều nầy có thể do (1) có ít mưa trên thượng lưu vực hay (2) nước bị giữ lại trong các hồ chứa ở Trung Hoa theo lập luận của Eyes on Earth [12].

Mỉa mai thay, lượng mưa ít trên thượng lưu vực đã được kiểm chứng bởi chính các khoa học gia của Trung tâm Stimson.  Theo các khoa học gia nầy, lượng mưa trong mùa lũ 2019 ở thương lưu vực Mekong thay đổi từ “chỉ trên trung bình” đến “rất khô” khi so sánh với lượng mưa trung bình từ năm 2000 đến 2018, như được mô tả trong Hình 3.  [13]  Còn việc giữ nước trong các hồ chứa ở Trung Hoa vẫn chỉ là một giả thuyết chưa được chứng minh.

Hình 3: Lượng mưa trung bình trên lưu vực Mekong từ năm 2000 đến 2018. [13]

Mực nước hàng ngày của sông Mekong tại Luang Prabang cũng giảm xuống như ở Chiang Saen, nhưng đến ngày 27 tháng 7 thì tăng vọt lên rồi giao động ở khoảng 9,5 m (tương đương với lưu lượng khoảng 6.400 m3/sec), và đến ngày 19 tháng 9, mực nước lại tụt giảm nhanh cho đến cuối tháng 10 mới ổn định trở lại ở khoảng 8,5 m (tương đương với lưu lượng 5.250 m3/sec).  Mực nước ở Luang Prabang lên xuống nhanh có lẽ do việc xây cất và vận hành giai đoạn 2 của chuổi đập thủy điện trên Nam Ou, một phụ lưu chánh của Mekong nằm phía trên Luang Prabang [14].

Mực nước hàng ngày của sông Mekong tại Chiang Khan thay đổi giống như mực nước ở Chiang Saen cho đến ngày 30 tháng 8, lên đến khoảng 8 m (tương đương với lưu lượng 4.900 m3/sec), rồi giảm đều đặn từ đầu tháng 9 cho đến giữa tháng 10.  Từ đó, mực nước giao động ở khoảng 4 m (tương đương với lưu lượng 1.400 m3/sec), thấp hơn mực nước vào đầu tháng 9 khoảng 4 m.  


Đây chắc chắn là ảnh hưởng của việc xây cất và điều hành đập Xayaburi (Hình 4) [7], ở thượng lưu của trạm Chiang Khan và hạ lưu của trạm Luang Prabang.  Mặc dù là đập dòng chảy (run-of-the-river), đập Xayaburi cần phải nâng mực nước sông lên đến mực nước điều hành bằng cách giữ lại khoảng 1,3 tỉ m3 nước phía sau đập [15].  Ảnh hưởng của đập Xayaburi đã khỏa lấp hoàn toàn ảnh hưởng của chuỗi đập thủy điện trên Nam Ou.

Từ trạm Chiang Khan, đỉnh lũ bắt đầu xuất hiện.  Mực nước tại các trạm Vientiane, Nong Khai và Paksane, trong Hình 5, rập khuôn mực nước tại trạm Chiang Khan, giảm đều từ đầu tháng 6 đến khoảng 20 tháng 7 rồi tăng đến đỉnh vào cuối tháng 8.  Từ đó, mực nước giảm đều rồi giao động ở mức thấp hơn từ giữa tháng 10.  Mực nước tại Nong Khai tăng đến 6 m (tương đương với lưu lượng 5.300 m3/sec) vào cuối tháng 9 rồi giảm xuống khoảng 1,0 m (tương đương với lưu lượng 1.000 m3/sec) vào cuối tháng 10.


Từ trạm Paksane, đỉnh lũ trở nên rõ nét hơn (Hình 6).  Mực nước của trạm Nakhon Phanom và Mukdhan có đỉnh tương đối phẳng, có lẽ do ảnh hưởng của các đập trên Nam Theun.  Các đỉnh lũ nầy là do mưa lớn ở trung Lào vào cuối tháng 8 và đầu tháng 9.  Ở Khong Chiam, mực nước lên đến 15,72 m vào ngày 5 tháng 9, cao hơn mức nước lụt 14,50 m nhưng thấp hơn mức lụt lịch sử 16,25 m.  Ở Pakse, mực nước lên đến 13,75 m vào ngày 5 tháng 9, cao hơn mức nước lụt 12,00 m và mức lụt lịch sử 13,32 m. [16]

Hình 6: Mực nước sông Mekong tại Paksane, Nakhon Phanom, 
Mukdahan, Khong Chiam, Pakse và Stung Streng.

Phần kết luận

Mực nước sông Mekong ở vùng đông bắc Thái Lan tiếp giáp với Lào đã xuống đến mức thấp nhất trong lịch sử đo đạc ngay trong mùa mưa 2019.  Sự kiện nầy khiến dư luận càng chú ý hơn đến các đập thủy điện, nhất là chuỗi đập thủy điện trên sông Lancang ở Vân Nam, Trung Hoa và đập thủy điện đầu tiên trên dòng chánh Mekong ở Lào, đập Xayaburi.  Một số khoa học gia ở Hoa Kỳ cho rằng Trung Hoa đã kiểm soát dòng chảy và giới hạn số lượng nước chảy xuống hạ lưu.  Ngư dân và các nhà hoạt động môi trường ở Thái Lan thì cáo buộc Xayaburi là nghi phạm và lên tiếng chống đối.  Chánh phủ Trung Hoa luôn luôn bác bỏ các cáo buộc.  Chánh phủ Lào và nhà phát triển đập Xayaburi cũng phủ nhận trách nhiệm.

Qua việc phân tích mực nước tại các trạm thủy học dọc theo sông Mekong được đăng tải trên website của MRC, chúng ta có thể thấy rằng mực nước tại Chiang Saen và Luang Prabang không dâng lên cao như mọi năm mà giảm xuống vì lượng mưa trong mùa lũ 2019 ở thượng lưu vực thấp hơn lượng mưa trung bình từ năm 2000 đến 2018.  Mực nước tại Luang Prabang cũng chịu ảnh hưởng của chuỗi đập thủy điện vừa mới hoàn tất trên Nam Ou.  Mực nước tại các trạm Chiang Khan, Vientiane, Nong Khai và Paksane chịu ảnh hưởng của việc điều hành đập Xayaburi vừa hoàn tất, nhưng ảnh hưởng nầy sẽ biến mất khi đập hoạt động điều hòa.  Mực nước tại các trạm Nakhon Phanom và Mukdahan có lẽ cũng chịu ảnh hưởng của việc điều hành các đập trên Nam Theun.  Từ trạm Khong Chiam trở xuống, ảnh hưởng của đập Xayaburi và các đập trên Nam Theun dường như bị dòng chảy từ các phụ lưu ở trung Lào khỏa lấp.

Sơ lược về tác giả

Tác giả nguyên là Kỹ sư Công chánh Chuyên nghiệp (Professional Civil Engineer) của tiểu bang Florida và California.  Tốt nghiệp Kỹ sư Công chánh tại Trường Cao đẳng Công chánh, Trung tâm Quốc gia Kỹ Thuật Phú Thọ, Sài Gòn năm 1972.  Trưởng ty Kế hoạch, Ủy ban Quốc gia Thủy lợi, Bộ Công chánh và Giao thông, Sài Gòn đến tháng 4 năm 1975.  Tốt nghiệp Kỹ sư Công chánh (1983) và Cao học Thủy lợi (1985) tại Đại học Nebraska, Hoa Kỳ.  Chuyên viên Thủy học (Hydrlogist) của Sở Quản trị Thủy lợi, Broward County, Florida đến năm 1989.  Từ năm 1990 đến 2015, Kỹ sư Giám sát Trưởng (Senior Supervising Engineer) của Stetson Engineers Inc., một công ty cố vấn về thủy lợi và ô nhiễm nguồn nước, thành lập năm 1957 ở Los Angeles.  Về hưu từ năm 2016.

Tài liệu tham khảo

[1]       Mekong River Commission (MRC). 18 July 2019.  “Mekong water levels reach low record.”  MRC.  http://www.mrcmekong.org/news-and-events/news/mekong-water-levels-reach-low-record/
[2]       Pattanapong Sripiachai.  21 July 2019.  “Mekong river in Nakhon Phanom ‘lowest in almost 100 years’.”  The Bangkok Post.  https://www.bangkokpost.com/thailand/general/1716287/mekong-river-in-nakhon-phanom-lowest-in-almost-100-years
[3]       TTO.  21 tháng 7 năm 2019.  “Nước sông Mekong ở Thái Lan xuống mức thấp nhất trong trăm năm qua.”  Tuổi Trẻ.  https://tuoitre.vn/nuoc-song-mekong-o-thai-xuong-muc-thap-nhat-trong-tram-nam-qua-20190721191552076.htm
[4]       Reuters. July 28, 2019.  “Record Low Mekong River Levels Raise Suspicions About China.”  Chiang Rai Times.  https://www.chiangraitimes.com/featured/record-low-mekong-river-levels-raise-suspicions-about-china/
[5]       Harrison White.  April 15, 2020.  “US report: Chinese dams to blame for record-low Mekong water levels.”  The Khmer Times.  https://www.khmertimeskh.com/713207/us-report-chinese-dams-to-blame-for-record-low-mekong-water-levels/
[6]       Apinya Wipatayotin.  20 July 2019.  “Dam tests sparl crisis.”  The Bangkok Post. https://www.bangkokpost.com/thailand/general/1715627/dam-tests-spark-crisis
[7]       Eugene Whong.  “Lao’s Controversial Xayaburi Dam on Mekong River Begins Operations.”  October 29, 2019.  Global Security.  https://www.globalsecurity.org/military/library/news/2019/10/mil-191029-rfa01.htm
[8]       CTN News.  October 30, 2019.  “Xayaburi Dam Opens in Laos Sparking Protests in Thailand.”  Chiang Rai Times.  https://www.chiangraitimes.com/featured/xayaburi-dam-opens-in-laos-sparking-protests-in-thailand/
[9]       Ambika Ahuja.  April 5, 2010.  “China says dams not to blame for low Mekong levels.”  Reuters.  https://www.reuters.com/article/us-mekong-idUSTRE6341A620100405
[10]     AFP.  June 16, 2020.  “China pressed on Makong dams after record low water levels.”  Yahoo!.  https://news.yahoo.com/china-pressed-mekong-dams-record-low-water-levels-102228086.html
[11]     Thai PBS World.  July 22, 2019.  “Laos and Xayaburi dam deny responsibility fro dry Mekong River.”  Thai PBS World.  https://www.thaipbsworld.com/laos-and-xayaburi-dam-deny-responsibility-for-dry-mekong-river/
[12]     Kay Johnson.  April 13, 2020.  “Chinese dams held back Mekong waters during drought, study finds.”  Reuters.  https://www.reuters.com/article/us-mekong-river/chinese-dams-held-back-mekong-waters-during-drought-study-finds-idUSKCN21V0U7
[13]     Brian Eyler and Courtney Weatherby.  April 13, 2020.  “How China Turned Off the Tap on the Mekong River.”  Stimson Center.  https://www.stimson.org/2020/new-evidence-how-china-turned-off-the-mekong-tap/
[14]     Xinhua.  December 26, 2019.  “Nam Ou River hydropower starts 2nd phase operation.”  MSN.  https://www.msn.com/en-xl/news/other/nam-ou-river-hydropower-project-starts-2nd-phase-operation/ar-BBYlUUZ
[15]     MRC Secretariat.  24 March 2011.  Prior Consultation Project Review Report.  MRC.  http://www.mrcmekong.org/assets/Publications/Reports/PC-Proj-Review-Report-Xaiyaburi-24-3-11.pdf
[16]     Regional Flood and Drought Management Centre.  April 2020.  Evaluation Report on Flash Flood Guidance Systems for Flood Season 2019.  Cover from 1st June – 31st December 2019.  Draft Version.  MRC.  http://ffw.mrcmekong.org/weekly_report/2019/Flash%20flood%20Guidance%20evaluation%20Report%20flood%20seasonal%202019.pdf

.

No comments:

Post a Comment