Monday, June 15, 2020

MEKONG LÀ THUỐC THỬ CHO SỰ LÃNH ĐẠO CỦA TRUNG HOA


(The Mekong is the test of China’s leadership)

Brad Glosserman – Bình Yên Đông lược dịch
The Japan Times – April 15, 2020

Sông Mekong ở Sangkhorn, Thái Lan khô cạn. [Ảnh: Adam Dean]

Sông Mekong bắt nguồn từ Trung Hoa và uốn khúc về phía nam, chảy qua 5 quốc gia khác – Lào, Myanmar, Thái Lan, Cambodia và Việt Nam – trước khi  đổ ra Biển Đông.  Mekong là nhịp tim của khu vực, và dù là một sáo ngữ, nó diển tả chính xác một cách đau lòng.  Mekong hỗ trợ và nuôi dưỡng 60 triệu người, cho họ thực phẩm và sinh kế.  Những quốc gia và cộng đồng đó không chỉ dựa vào dòng sông; sự hiện hữu của họ quyện chặt vào nó.

Trong những năm gần đây, Mekong đập nhanh hơn và các chuyên viên lo ngại rằng nó đang bị đẩy tới cực đoan, hủy hoại hệ sinh thái và tất cả đời sống dựa vào nó để sinh tồn.  Nhiều cơ chế đã được thiết lập để giúp quản lý dòng sông, nhưng sự thất bại càng ngày càng rõ – một trong các vấn đề to lớn nhất có thể là có vô số sáng kiến.  Hiện nay, hơn bao giờ hết, việc hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia ven sông Mekong, các cơ chế đó, và các chánh phủ khác để khuyến khích phát triển khu vực là cần thiết.  Không quốc gia nào đóng một vai trò lớn hơn Trung Hoa trong tiến trình nầy.  Tương lai của sông Mekong có thể là một thuốc thử tiêu biểu và quan trọng nhất cho những mục đích của Trung Hoa ở Á Châu.

Hạn hán, cùng với việc phát triển dòng sông và các kế hoạch sử dụng nước bổ sung, trong năm rồi, đã làm cho sông Mekong ở hạ lưu – phần lưu vực ở bên dưới Trung Hoa – xuống đến mức thấp nhất trong hơn 50 năm.  Một nghiên cứu được công bố hồi đầu tháng cho thấy thủ phạm chánh của trận hạn hán kỷ lục là Trung Hoa.  Các đập xây trên lãnh thổ Trung Hoa đã cố tình giới hạn dòng chảy, dù Trung Hoa có mực nước [?] trên trung bình ở thượng lưu.

Phân tích của Eyes on Earth Inc, một công ty cố vấn và nghiên cứu chuyên về nước, được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tài trợ, đã dùng dữ kiện vệ tinh để so sánh mực nước sông Mekong trong lãnh thổ Trung Hoa với mực nước đo đạc tại trạm thủy học Chiang Saen, Thái Lan – là trạm gần nhất với Trung Hoa – từ năm 1992 đến cuối năm 2019.  Dữ kiện cho phép họ dự đoán mực nước “tự nhiên” của sông.  Trong 20 năm đầu, từ 1992 đến 2012, 2 bộ dữ kiện đi sát với nhau, nhưng từ năm 2012, dữ kiện cách xa nhau, với mực nước đo đạc ở hạ lưu thấp hơn mực nước dự đoán gần 3 m.

Năm rồi, tình trạng thiếu nước đặc biệt nghiêm trọng, khi mực nước xuống thấp đến mức kỷ lục.  Các bơm thủy nông ở Thái Lan không thể hoạt động và quân đội được huy động để cung cấp nước cho các cộng đồng bị ảnh hưởng.  Nông dân trồng lúa ở Việt Nam không thể làm mùa, châm ngòi cho những lo sợ thiếu lương thực trong quốc gia xuất cảng lúa gạo đứng hàng thứ ba trên thế giới.  Sản lượng cá ở hồ Tonle Sap, Cambodia, hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á (ĐNA), nơi cư trú của trên 1.000 chủng loại cá và cung cấp trên 500.000 tấn cá mỗi năm, tụt giảm đến 90% và nhiều cá đánh được quá nhỏ chỉ có thể làm thức ăn cho cá khác.  Các nhà khoa học đổ cho mực nước thấp, khiến cho hồ không được làm đầy hay quá cạn nên nước thiếu oxygen.

Eyes on Earth đổ tình trạng thiếu nước cho Trung Hoa.  Ở Trung Hoa, Mekong chảy qua vùng núi non chỉ cho phép sử dụng để sản xuất điện (thay vì canh tác).  Kết quả là, Trung Hoa đã ôm chặt một chương trình xây dựng năng nổ hình thành 11 đập trên thượng lưu Mekong, với sức chứa tổng cộng lên đến 47 tỉ m3.  Nghiên cứu mới lưu ý rằng việc tách rời mực nước trong 2 phần của sông bắt đầu khi các đập thủy điện lớn nhất của Trung Hoa trên sông Mekong bắt đầu hoạt động.  Một trong các tác giả kết luận rằng “một số nước khổng lồ… đang được Trung Hoa giữ lại,” và việc từ chối không cho xả nước “có ảnh hưởng nghiêm trọng đến hạn hán ở hạ lưu.”

Các giới chức Trung Hoa giận dữ phủ nhận cáo buộc, đổ lỗi cho lượng mưa thấp.  Một tuyên bố của Bộ Ngoại giao bác bỏ nghiên cứu cho rằng nó buộc tội “vô lý” các đập của Trung Hoa gây hạn hán ở hạ lưu, và trả lời rằng “Trung Hoa tiếp tục làm tối đa để bảo đảm lưu lượng hợp lý” cho các quốc gia khác.  Trung Hoa không công bố chi tiết về việc xả nước từ các đập của họ và các tác giả Eyes on Earth nói rằng dữ kiện vệ tinh cho thấy có nhiều nước dư thừa ở thương lưu vực trong khi các quốc gia ở phía nam khô hạn.

Không có một hiệp ước nào bao gồm tất cả các quốc gia duyên hà Mekong.  Ủy hội Sông Mekong (Mekong River Commission (MRC)) được thành lập vào năm 1995, nhưng chỉ bao gồm Cambodia, Lào, Thái Lan và Việt Nam, không có Trung Hoa, mặc dù Bắc Kinh trở thành một đối tác đối thoại trong năm sau và hợp tác với MRC một thời gian.  Thay vì gia nhập, Bắc Kinh đề nghị trong năm 2014 và rồi giúp hình thành Sáng kiến Hợp tác Lancang-Mekong (Lancang-Mekong Cooperation (LMC)), bao gồm tất cả 6 quốc gia.  Quan điểm hiện hành của LMC là nó có ý định khai thác những điểm yếu của MRC và thiết lập một vị trí an toàn và vững chắc của Trung Hoa trong khu vực khi Bắc Kinh tung viện trợ và ảnh hưởng các dự án phát triển dọc theo sông.  Nhật Bản cũng tham gia sâu rộng vào các hoạt động ở Mekong, với tư cách một đối tác phát triển của MRC.  Từ năm 2001, nước nầy đã cung cấp trên 18 triệu USD vào một số dự án để đối phó với lũ lụt và hạn hán, thủy nông, thay đổi khí hậu và quản lý môi trường.  Trong năm 2004, Nhật Bản tài trợ Trung tâm Quản lý và Giảm nhẹ Lũ lụt Vùng (Regional Flood Management and Mitigation Centre), theo dõi mực nước và tiên đoán lụt hàng ngày.  Năm 2009, hội nghị thượng đỉnh Nhật Bản-Mekong đầu tiên được tổ chức, và một phiên họp được triệu tập hàng năm kể từ đó.  Năm 2018, Thủ tướng Shinzo Abe và lãnh đạo 5 quốc gia duyên hà Mekong ở ĐNA chấp thuận “Chiến lược Tokyo 2018,” khuyến khích 150 dự án trong 3 lãnh vực chánh: nối kết, xã hội nhân dân, và quản lý môi trường và thiên tai.  Tháng 9 vừa qua, Nhật Bản và các đối tác Mekong thiết lập “Viễn kiến Phát triển Kỹ nghệ Mekong 2.0 (Mekong Industrial Development Vision 2.0 (MIDV 2.0))” và 2 tháng sau, tại Thượng đỉnh Nhật Bản-Mekong lần thứ 11th, họ chấp thuận “Sáng kiến Mekong-Nhật Bản cho các Mục tiêu Phát triển Khả chấp (Mekong-Japan Initiative for Sustainable Development Goals) đến năm 2030, nhằm giúp các quốc gia đó hoàn thành các điểm mốc của Liên Hiệp Quốc.

Tại hội nghị thượng đỉnh trong tháng 11 năm 2019, các lãnh đạo ĐNA cũng lên tiếng ủng hộ các nguyên tắc – không phải chánh sách – phỏng theo Tự do và Mở rộng Ấn Độ-Thái Bình Dương, một viễn kiến của Nhật Bản cho khu vực dựa trên bình đẳng, chia sẻ quyền lợi và tôn trọng luật pháp.  Trong sông Mekong, các nguyên tắc đó giữ vai trò vững chắc trong hạ tầng cơ sở đang được xây dọc theo thủy lộ.  Đầu tư vào hạ tầng cơ sở có phẩm chất cao không chỉ bảo đảm cho các dự án được bền bỉ, khả thi và vừa túi tiền, mà còn bảo đảm rằng lợi ích được chia sẻ với mọi người dựa vào sông để sinh tồn.

Trong nỗ lực nầy, Trung Hoa đóng một vai trò quan trọng nhất.  Hầu hết nước mà các cộng đồng ở hạ lưu dựa vào phát xuất từ đây.  Trung Hoa có thể dễ dàng đặt nhu cầu của họ lên trên nhu cầu của các quốc gia khác; và ngay khi Bắc Kinh lập luận rằng họ đang rộng lượng, nó ám chỉ rằng họ đang ích kỷ.  Tại các diễn đàn khu vực, giới chức Trung Hoa nhấn mạnh rằng nước họ cũng chịu khổ sở vì hạn hán và việc xả nước là một sự hy sinh để giúp các quốc gia ở hạ lưu.  Vào tháng 2, Bộ trưởng Ngoại giao Wang Yi (Vương Nghị) của Trung Hoa nói với các đối tác trong khu vực rằng Trung Hoa cũng bị hạn hán nhưng “đã vượt qua nhiều khó khăn để gia tăng việc xả nước.”  Cái không được nói là viễn cảnh không vượt qua những khó khăn đó.

Nhưng các đập của Trung Hoa đang làm đầy các hồ chứa địa phương.  Các tác giả của nghiên cứu Eyes on Earth lập luận rằng “Trung Hoa đang xây những két an toàn trên thượng lưu Mekong vì họ biết trương mục ngân hàng sẽ cạn và họ muốn để dành.”  Để cho thấy sự lãnh đạo thật sự, Trung Hoa phải thừa nhận nhu cầu của các quốc gia ở hạ lưu và công nhận rằng nhu cầu của các cộng đồng đó cũng chánh đáng và bình đẳng với nhu cầu của chính họ.  Các quốc gia ở hạ lưu Mekong đang đợi.

Brad Glosserman là phó giám đốc và giáo sư thỉnh giảng của Trung tâm về Chiến lược Làm luật ở Đại học Tama và là cố vấn trưởng của Diễn đàn Thái Bình Dương.  Ông là tác giả quyển “Peak Japan: The End of Great Ambitions.”

.

No comments:

Post a Comment