Posted on Tháng Tư 14, 2019
by Phan Ba
Tình hình kinh tế VNCH vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 năm 1975
bị xáo trộn nghiêm trọng vì chiến sự.
Tính đến 8/04, VNCH đã mất toàn bộ Quân khu I, II và một phần
Quân khu III, chỉ còn kiểm soát vùng bắc Sài Gòn và Quân khu IV, tức đồng bằng
Mekong.
Người tỵ nạn VNCH bỏ chạy khỏi Đà Nẵng – ảnh tư liệu
Chính quyền của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đột nhiên phải
đón hàng triệu người tỵ nạn bỏ chạy về phía Nam sau khi Huế, Đà Nẵng và các đô
thị Cao nguyên và vùng duyên hải rơi vào tay lực lượng miền Bắc.
Chỉ con số người tỵ nạn đăng ký vào các trại cứu trợ thuộc
Quân khu III và IV, ở Bình Dương, Biên Hòa, Bình Tuy, Phước Tuy, Sài Gòn, Tây
Ninh, Vũng Tàu, Châu Đốc, Kiên Giang, Kiến Tường, Phú Quốc, Vĩnh Bình và Vĩnh
Long, là 356 nghìn.
Bên cạnh đó là hàng trăm nghìn người bị mất nhà cửa trong
ngay hai vùng chiến thuật 3 và 4 do các cuộc tấn công của đối phương.
Nhưng kinh tế của phần còn lại mà VNCH kiểm soát vẫn khá vững,
ít ra là còn thực phẩm, theo một báo cáo của CIA ‘The Economic Situation in
South Vietnam’ – March 1975′ được giải mật tháng 1/2005.
Tất nhiên, có những bất ổn về tiền tệ: giá vàng và đô la Mỹ
tăng mạnh vì lo ngại phải di tản, và Sài Gòn đã mất toàn bộ khu vực kinh tế
Cao nguyên, nguồn xuất khẩu gỗ, lâm sản và các tỉnh Bắc Trung Bộ, nhưng vụ mùa
1974-75 có thu hoạch tốt, và VNCH dư gạo để nuôi quân, nuôi dân, gồm cả người tỵ
nạn.
“Sài Gòn vẫn kiểm soát vựa lúa ở đồng bằng sông Mekong, cung
cấp gạo cho số dân còn do VNCH kiểm soát, gồm cả người tỵ nạn. Vụ mùa 1974-75 lại
bội thu, và các thuyền chở lúa gạo, rau trái tiếp tục cập vào Sài Gòn, không
hề bị phe cộng sản ngăn cản. Ngành đánh cá của Nam Việt Nam cung ứng cho Sài
Gòn và để xuất khẩu, cũng còn nguyên vẹn.”
Dù nguồn rau xanh đã mất vì không còn Đà Lạt, thịt và cá từ
miền Tây vẫn cung cấp đều cho Sài Gòn và các đô thị khác.
Tuy nhiên, phúc trình này đã cảnh báo rằng “nếu phe cộng sản
chặn bắt các chuyến vận tải vào Sài Gòn, hoặc chính phủ phải rút quân để bảo
vệ thủ đô, thì tình hình có thể không còn tốt như thế”.
Sau ngày 30/04/1975
Bức tranh kinh tế của nước Việt Nam thống nhất một hai năm
sau khi chiến sự kết thúc lại hoàn toàn khác: cả hai miền thiếu lương thực trầm
trọng.
Một phúc trình khác của CIA vào tháng 10/1978 nói có ba lý
do cho việc thiếu gạo này.
1. Viện trợ, gồm cả gạo của Bắc Kinh cho Hà Nội, để bù vào
con số thiếu kinh niên là 800 nghìn tới 1 triệu tấn/năm, bị giảm từ 1974 và cắt
hẳn năm 1978.
2. Thu hoạch lúa của cả hai miền Nam và Bắc đều giảm, vì lý
do khách quan, như thiên tai (lụt to ở đồng bằng sông Cửu Long), và sâu bệnh.
3. Các chính sách sai lầm nghiêm trọng của chính phủ với nông
nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Nếu lấy năm 1974, khi hai miền chưa ghép làm một, là điểm
quy chiếu, thì các vấn đề lương thực của miền Bắc (VNDCCH cũ) là không đổi, tức
là luôn thiếu.
Sản lượng lương thực, trong đó phần lớn là lúa gạo (chừng 5
triệu tấn/năm), cũng đã luôn thấp hơn miền Nam (VNCH cũ), và trong suốt một
thập niên chiến tranh, Hà Nội phải nhập, hoặc nhận viện trợ gạo, lúa mì từ
các đồng minh XHCN.
Vựa lúa VNCH trong khi đó vào năm 1974 đã đem về 7,1 triệu tấn,
một con số kỷ lục.
Việc cắt đứt quan hệ với các nước Phương Tây và tư bản châu
Á khiến nguồn phân hóa học không còn, và ngay lập tức năng suất lúa gạo bị giảm.
Xáo trộn về thị trường vì quản lý nặng tay cũng khiến chuỗi
cung ứng lúa gạo cho đô thị bị ngưng trệ, vì chừng 160 nghìn người Hoa ở Chợ Lớn
tìm cách ra đi.
Việc ngăn sông cấm chợ và lời đe dọa tịch thu ruộng đất,
trang trại, vườn rau chính quyền mới đưa ra khiến nông dân mất hứng thú sản xuất.
Chính sách ‘Kinh tế mới’ đem chừng 1,5 triệu người vào các
vùng xa đô thị để khai phá, nhằm tăng đất canh tác, có đem lại kết quả về con số.
Chừng 400 nghìn hectare đất nông nghiệp được mở ra, nhưng sản
xuất không tiến được vì người ta bỏ trốn về thành phố, vì thiếu thiết bị sản xuất,
và phân bón.
Tinh thần làm việc cũng không cao, vì khu kinh tế mới, như lời
một nhà báo nước ngoài đến thăm, “không khác gì trại tù Siberia”.
Trận lụt năm 1978 cũng khiến nền kinh tế thêm điêu đứng, sâu
rầy cũng phá hoại hoa màu, nhưng yếu tố con người vẫn là chính.
Năm 1977, cả nước chỉ thu hoạch có 11,2 triệu tấn lúa, thấp
hơn kế hoạch nhà nước đề ra 1,8 triệu tấn, và kém chỉ tiêu năm 1976 chừng 800
nghìn tấn.
Đó là chưa kể miền Bắc vẫn tiếp tục cần tới 1 triệu tấn gạo
từ viện trợ bên ngoài mà nay không còn.
Vì thế, không lạ là từ sau 1975, nhà nước tung ra phong trào
ăn độn, với bo bo, khoai mì (sắn), và khoai tây được trồng đại trà bù vào cơm
ăn hàng ngày.
Trong việc này, Việt Nam có thành tích đáng kể, theo báo
cáo của CIA.
“Các loại ngũ cốc như củ mì, ngô và khoai tây đã tăng từ 900
nghìn tấn năm 1975, lên 1,2 triệu tấn năm 1976 và 1,8 triệu vào năm 1977.”
Một chỉ số ‘có tăng’ khác là vào hai năm 1976 và 1977, số đầu
gia súc, nhất là heo, bị nông dân giết mổ nhiều hơn…vì không muốn bị nhà nước tịch
thu.
Hệ quả của việc này là sau đó, đàn gia súc miền Nam không
phục hồi được, giống như tình hình chung của nền nông nghiệp.
Căng thẳng với Campuchia khiến chương trình Kinh tế mới và
việc khai thác nông nghiệp các vùng xa đô thị bị ngưng trệ, rồi chết hẳn.
“Các đơn vị quân đội chủ lực vốn thường được điều vào làm phần
một của công tác xây dựng khu Kinh tế mới như dọn mặt bằng, xây mương máng,
nay phải chuyển ra biên giới đối mặt với các hoạt động thù địch. Những vụ chạm
súng sau đó đã phá nhiều khu kinh tế mới ở Tây Ninh, Đồng Tháp, An Giang và
Kiên Giang, buộc chính quyền phải giảm tốc độ của chương trình đưa người vào
các vùng thưa dân giáp biên với Campuchia…”
Chỉ tiêu ‘tự lực về lương thực’ cả nước cho năm 1980 đã hoàn
toàn tuột khỏi tầm tay của nhà nước.
Nhưng các vấn đề của nông nghiệp chưa có hướng giải quyết
thì bộ máy đã bắt đầu chuyển tầm ngắm vào các khu vực khác của nền kinh tế.
Đó là cải tạo công thương’ ở đô thị từ tháng 3/1978, áp dụng
chế độ tem phiếu ngay cả ở TPHCM và thử nghiệm ‘hợp tác hóa’ ở nông thôn.
Nhưng đó là cả một câu chuyện khác và vào thời điểm này,
người miền Nam, không chỉ còn là người Hoa, đã bắt đầu tìm cách di tản.
Source:
No comments:
Post a Comment