Tuesday, April 16, 2019

Sản xuất lúa ở ĐBSCL “lạc đường” từ lúc nào? Ts. Dương Văn Ni

Thứ Bảy,  13/4/2019

(TBKTSG) - Trong lúc cả xã hội còn đang say “giấc mơ” trở thành cường quốc hàng đầu trong xuất khẩu gạo, thì những nông dân trồng lúa là những người “tỉnh mơ” đầu tiên. Họ thấy rằng năng suất lúa đạt càng cao thì lợi nhuận càng giảm, do chi phí phân bón, thuốc sâu tăng cao.

Chúng ta đã ưu tiên “quá lâu” cho cây lúa. Ảnh: Thành Hoa

Ưu ái quá lâu

Bây giờ nông dân trồng lúa ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) luôn phải sống trong tâm trạng thấp thỏm lo âu. Năm nào có nhiều nước ngọt đổ về thì nông dân các tỉnh đầu nguồn như An Giang, Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang phải thức trắng đêm tuần tra vì sợ bể đê bao.
Còn năm nào mùa mưa dứt sớm và nước ngọt về ít thì nông dân các tỉnh duyên hải như Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang, Kiên Giang lại nơm nớp lo mất mùa vì nước mặn xâm nhập. Ngay cả những năm “mưa thuận gió hòa” như năm nay (2018-2019) thì nông dân cũng không ngủ ngon giấc vì giá lúa liên tục rớt thê thảm.
Có người nói đó là hậu quả của việc ưu tiên “quá nhiều” cho cây lúa trong thời gian qua. Nói như vậy thì không sai, nhưng sẽ đúng hơn nếu nói là vì chúng ta đã ưu tiên “quá lâu” cho cây lúa.
Nói ưu tiên quá nhiều bởi vì cách đây không lâu Nhà nước có chính sách bảo đảm cho người trồng lúa đạt lợi nhuận tối thiểu là 30%. Mỗi khi cây lúa bị hạn mặn, lũ lụt làm thiệt hại, hay trúng mùa rớt giá, tức thì cả xã hội xắn tay vào cuộc, như: Chính phủ chỉ đạo mua lúa tạm trữ, ngân hàng giảm lãi suất cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, hay khoanh nợ, giãn nợ.
Ngay cả các công ty vật tư phân bón, các đại lý, cửa hàng bán lẻ cũng hào phóng cho nông dân gối nợ hay chuyển nợ sang vụ lúa kế tiếp. Điều này đối với những cây trồng vật nuôi khác có “nằm mơ” thì cũng không bao giờ có được!
Sở dĩ cây lúa được ưu ái như vậy là vì sau năm 1975, Việt Nam bị bao vây cấm vận tứ bề, trong nước thì hạ tầng phục vụ sản xuất chưa có, chính sách cải tạo nông nghiệp không có hiệu quả, hạt gạo của ĐBSCL vừa gánh nhiệm vụ cứu đói cho cả nước, vừa phải san sẻ cho các nước anh em.
Do vậy mà kinh phí của Nhà nước dồn hết cho sản xuất lúa, chủ yếu là đào mương xẻ kênh, tiêu úng xổ phèn, ngăn mặn dẫn ngọt. Các tỉnh ở ĐBSCL thì phấn đấu để trở thành thành viên nhóm “một triệu tấn lúa”, bằng những chương trình tái phân bố dân cư, khai hoang phục hóa. Các viện, trường tập trung tuyển chọn giống lúa năng suất cao, ngắn ngày, kỹ thuật canh tác phù hợp trên các vùng sinh thái khác nhau; nông dân tìm mọi cách để tăng vụ, không phải chỉ hai đến ba vụ mỗi năm mà là hai năm bảy vụ...

Vì cây lúa “dính” với nhiều người hơn bất kỳ cây con nào khác. Dính ngay từ quá trình sản xuất cho đến lưu thông, chế biến và tiêu thụ. Nên mỗi khi cây lúa rơi vào tình trạng suy thoái, thì luôn luôn gắn với sự bất ổn tiềm tàng về kinh tế, chính trị của toàn xã hội.
Tất cả nỗ lực của toàn xã hội trong giai đoạn này tạo ra một dấu ấn quan trọng là sản lượng lúa của ĐBSCL tăng vọt. Từ mục tiêu chỉ 17 triệu tấn vượt lên trên 24 triệu tấn mỗi năm. Nhiều tỉnh trước đó phấn đấu trầy trật để trở thành tỉnh sản xuất đạt một triệu tấn lúa mỗi năm, thì bây giờ cái mốc đó đã là dĩ vãng.

Sau giai đoạn này, các vùng đất phèn nặng của khu vực Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên, đất nhiễm mặn của bán đảo Cà Mau đã trở thành những vùng thâm canh lúa, với năng suất không thua kém các vùng đất phù sa nước ngọt.
Vì cây lúa “dính” với nhiều người hơn bất kỳ cây con nào khác. Dính ngay từ quá trình sản xuất cho đến lưu thông, chế biến và tiêu thụ. Nên mỗi khi cây lúa rơi vào tình trạng suy thoái, thì luôn luôn gắn với sự bất ổn tiềm tàng về kinh tế, chính trị của toàn xã hội. Do đó, Nhà nước “giao” cho cây lúa gánh một trọng trách nặng nề là bảo đảm “an ninh lương thực”. Thật ra bản chất của an ninh lương thực ở đây chính là an ninh chính trị và xã hội!
Vì vậy mà khi Việt Nam từ một nước thiếu đói trở thành nước xuất khẩu gạo, thì niềm tự hào của cả xã hội đối với cây lúa lớn lao biết chừng nào! Và trong cái xu thế đó, việc “mơ” trở thành cường quốc hàng đầu trong xuất khẩu gạo là điều đương nhiên và dễ hiểu.

Ngỡ ngàng khi “tỉnh mơ”

Nhưng trong lúc cả xã hội còn đang say “giấc mơ” đó, thì những nông dân trồng lúa là những người “tỉnh mơ” đầu tiên. Họ thấy rằng năng suất lúa đạt càng cao thì lợi nhuận càng giảm, do chi phí phân bón, thuốc sâu tăng cao. Để rồi họ là những người tiên phong thực hiện chuyện “cắt vụ”. Ở những vùng đầu nguồn với đất phù sa nước ngọt thì từ hai năm bảy vụ giảm xuống chỉ còn hai vụ mỗi năm; còn những vùng duyên hải mặn ngọt xập xình thì giảm còn một vụ lúa ăn chắc và một vụ tôm sú.
Nhưng ngặt một nỗi là mọi chuyện lúc này đã đi quá xa rồi. Tại những vùng đầu nguồn thì hệ thống đê bao khép kín tràn lan, nông dân có ruộng bên trong các đê bao này nếu muốn chuyển sang trồng cây con khác thì cũng không dễ dàng gì, ví như việc lấy đâu ra đủ nguồn nước trong mùa khô để trồng sen nuôi cá? Còn ở vùng duyên hải thì đê cống ngăn mặn chi chít, hễ đến cuối mùa mưa là hệ thống cống này đóng lại để ngăn nước mặn xâm nhập, nên lấy đâu ra đủ nước mặn mà chuyển sang nuôi tôm sú?

Quan trọng hơn là vì chúng ta ưu ái cho cây lúa quá lâu, nên từ cơ sở hạ tầng như hệ thống kênh mương, cống đập, đến các dịch vụ như phân bón, thuốc sâu, dịch vụ cơ giới từ làm đất, gieo sạ, thu hoạch... đều phục vụ cho cây lúa. Bây giờ nông dân trồng lúa có thể ngồi nhà mở điện thoại ra “quẹt quẹt” là có người chở phân bón tới ruộng, có người đem máy cắt đến thu hoạch, và họ chỉ cần ra ruộng “đếm tiền” là xong!

Đặc biệt là việc cây lúa chiếm đất của các cây trồng vật nuôi khác trong một thời gian dài, đẩy những cây trồng vật nuôi truyền thống này vào quên lãng. Thế hệ nông dân trẻ hôm nay không còn mặn mà trong việc trồng đậu, trồng mè, vì vừa thiếu kinh nghiệm quản lý đồng ruộng, kiểm soát dịch hại tấn công, lại vừa khó tìm công lao động hay thương lái tiêu thụ...
Tệ hơn là những nông sản truyền thống này đã bị các nông sản ngoại nhập thay thế trong một thời gian dài, làm thay đổi tập quán tiêu dùng của người Việt Nam mà chúng ta không hề hay biết. Ví như trẻ con bây giờ không còn thích ăn ổi sẻ vì chúng nhiều hột và hột cứng, không thích ăn nho ta, quýt đường vì phải nhả hột. Các bà nội trợ thì thích mua chanh không hột cho đỡ tốn công vớt hột khi làm nước chấm, thích xài gừng Trung Quốc vì củ to dễ gọt. Các doanh nghiệp chế biến thức ăn gia súc thì thích mua đậu nành Mỹ vì có ngay số lượng lớn và giá rẻ.
Vì vậy, nếu có nông dân nào muốn đổi cây lúa thành cây/con khác thì cũng không dễ dàng. Bởi họ sẽ không biết tìm giống mới ở đâu, liệu giống đó có phù hợp với chân ruộng của mình không? Rồi kỹ thuật canh tác như thế nào? Gặp sâu bệnh tấn công thì tìm đâu ra thuốc đặc trị khi các cửa hàng bán toàn thuốc xài cho cây lúa? Quan trọng nhất là liệu thị trường có chấp nhận không?
Do đó, dù biết trồng lúa là bấp bênh, là đối diện với rủi ro, là làm suy thoái đất đai môi trường, nhưng ít ra cây lúa cũng còn được Nhà nước quan tâm, lại có sẵn các dịch vụ cần thiết và nhất là có sẵn thị trường, mắc rẻ gì bán cũng được!

Nói ra những điều này để thấy là khi Nghị quyết 120/NQ-CP xếp lại trật tự ba trụ cột chính của ĐBSCL là thủy sản - cây ăn trái - lúa gạo, nhiều người đã không khỏi bỡ ngỡ và lúng túng. Bỡ ngỡ là không biết vì sao mà thủy sản được đưa lên hàng đầu? Còn lúng túng vì không biết phải bắt đầu thay thế cây lúa từ đâu?
Có người diễn giải việc đưa thủy sản lên hàng đầu vì xuất khẩu thủy sản năm 2017 đạt khoảng 9 tỉ đô la Mỹ, cao gấp 3 lần xuất khẩu gạo chỉ khoảng 3 tỉ đô la. Có thể đây cũng là một mục tiêu nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân sau hàng chục năm trồng lúa mà chưa thể khá giả.
Việc bắt đầu xây dựng thương hiệu cho hạt gạo Việt Nam, tập trung vào chất lượng hơn số lượng, không tăng thêm diện tích lúa vụ 3, khuyến khích chuyển đổi nông nghiệp theo hướng có hiệu quả kinh tế cao... là những nỗ lực đáng ghi nhận trong thời gian qua. Việc lần đầu tiên vài loại gạo của Việt Nam có giá bán cao hơn gạo Thái Lan là những tín hiệu lạc quan cho thấy chúng ta đã quay lại “đúng đường” cho nền sản xuất lúa ở ĐBSCL.
Tuy nhiên, cũng cần phải thấy là còn rất nhiều khó khăn phía trước và nỗ lực vượt qua chúng rất cần đến sự đồng thuận của toàn xã hội. Quan trọng hơn là phải nhìn nhận đúng đắn về vai trò của cây lúa trong nền kinh tế - xã hội của ĐBSCL, để không còn nhân danh “an ninh lương thực” mà cố sản xuất lúa bằng mọi giá!

Source:

1 comment: