Friday, April 19, 2019

Vietnam Rivers Network



Thông cáo báo chí: Quan điểm của mạng lưới sông ngòi Việt Nam về Dự án Khu phức hợp và bến du thuyền Marina Complex ở bờ đông sông Hàn, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, Thành phố Đà Nẵng.

4/18/2019

Kính thưa quý vị,

Trước thông tin về việc Dự án Marina Complex đang tiến hành san ủi lấn sông Hàn, để xây dựng khu biệt thự, Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN) phản đối về việc xây dựng khu phức hợp nhà nghỉ, biệt thự này ở bờ đông sông Hàn vì các lý do sau:

-Việc lấn sông dưới mọi hình thức đã vi phạm pháp luật như Luật Tài nguyên Nước (2012), Luật Bảo vệ môi trường (2014), Luật Phòng chống thiên tai (2013) và Luật Giao thông Đường thủy Nội địa (2014)

-Việc lấn sông sẽ làm thay đổi dòng chảy tự nhiên của con sông, gây sạt lở hai bờ sông, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân sống quanh khu vực phường Nại Hiện Đông

-Việc lấn chiếm sông là đi ngược lại với xu thế phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, đặc biệt trong điều kiện biến đổi khí hậu

Do vậy, Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam một lần nữa khẳng định quan điểm nhất quán là đề nghị dừng hoàn toàn các hành động lấn chiếm dòng sông Hàn đang xảy ra tại thành phố Đà Nẵng, nhằm ngăn chặn các tác động tiêu cực đáng lo ngại sẽ xảy ra trong tương lai.

Mời quý vị xem toàn văn Thông cáo báo chí chia sẻ quan điểm của Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam về sự việc trên tại đây

Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam khuyến khích các cá nhân, tổ chức thành viên chia sẻ quan điểm và tăng cường trao đổi thông tin về vấn đề này với chúng tôi.  

Trân trọng,
Ban thư ký VRN

Ý kiến trái chiều về dự án lấn sông xây biệt thự ở Đà Nẵng
Thứ năm, 18/4/2019

Chuyên gia lo ngại việc Đà Nẵng cho triển khai các dự án bất động sản bằng việc đổ đất đá xuống sông Hàn sẽ gây ách tắc dòng chảy.
Những ngày này người dân Đà Nẵng đi qua cầu Thuận Phước nhìn sang sẽ thấy ở cửa sông khu đất nhô hẳn ra mặt nước, đã được làm bờ kè bê tông kiên cố dài 731 m. Đây là diện tích thuộc dự án bất động sản và bến du thuyền Đà Nẵng. Cạnh đó là một dự án khác cũng nằm ở bờ Đông sông Hàn (quận Sơn Trà). 
Hai dự án này đều đã được thành phố cấp phép cho xây dựng khu biệt thự nghỉ dưỡng, căn hộ cao cấp, toà nhà cao tầng (phía đường Trần Hưng Đạo và Lê Văn Duyệt). 


Khu vực dự án bất động sản và bến du thuyền sau 5 năm. Ảnh: Nguyễn Đông.

Dự án bất động sản và bến du thuyền Đà Nẵng được phê duyệt từ năm 2009 và 10 năm qua đã nhiều lần điều chỉnh quy hoạch. Cụ thể, năm 2017, thành phố điều chỉnh quy hoạch theo hướng giảm diện tích từ hơn 17 ha xuống còn gần 12 ha, trong đó giữ nguyên diện tích đất và giảm diện tích mặt nước từ trên 6 ha xuống một ha.
Ngoài ra, khu vực bờ sông điều chỉnh từ 13 khối tháp cao tầng còn hai khối tháp (từ 16 - 33 tầng) và 57 căn biệt thự; duy trì lối đi công cộng ven sông rộng 8 m.
Từ năm 2016, người dân Đà Nẵng đã gửi phản ánh trên hệ thống chính quyền điện tử thành phố, với lo lắng dự án đổ đất lấn sông ở vị trí cửa sông Hàn sẽ gây ảnh hưởng đến dòng chảy, đặc biệt là mùa mưa lũ. Sở Xây dựng sau đó có văn bản trả lời, khẳng định không ảnh hưởng.
Theo Sở này, trước khi đồng ý cho nhà đầu tư xây dựng bờ kè và làm dự án, thành phố đã khảo sát điều kiện địa chất, nghiên cứu dòng chảy và lấy ý kiến các đơn vị liên quan. Việc làm tuyến đê, kè này nhằm mục đích "đảm bảo an toàn cho khoảng 500.000 người dân tại các khu đô thị Mân Quang, khu dân cư làng cá Nại Hiên Đông, chống sạt lở bờ sông, bảo vệ các công trình kiến trúc...".
Ông Thái Ngọc Trung - Phó Giám đốc Sở Xây dựng cũng nhấn mạnh hai khu đất trên "không phải là dự án lấn sông".
"Bờ kè quy hoạch từ năm 2008, còn các dự án được cấp phép sau. Chủ đầu tư đổ đất trên diện tích quy hoạch bờ kè nên không phải là lấn sông", ông Trung nói.
Chuyên gia thuỷ lợi Huỳnh Vạn Thắng - nguyên Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Đà Nẵng cho biết, ông là người trực tiếp thẩm định dự án bất động sản và bến du thuyền, đưa ra ý kiến tham mưu cho thành phố triển khai.
Lý giải việc dự án không ảnh hưởng đến dòng chảy sông Hàn, ông Thắng nói từ thời Pháp thuộc đã cho xây dựng một bờ kè dẫn dòng từ sông Hàn ra đến cảng Tiên Sa (dưới bán đảo Sơn Trà), nhờ đó dòng sông không bị bồi lấp hay thay đổi dòng chảy trong hơn 100 năm qua.
"Dự án đang triển khai nằm trong tuyến đê kè phía trong giúp chống sạt lở bờ sông, không lấn ra lòng sông vì không vượt qua bờ kè dẫn dòng thời Pháp, nghĩa là không cản trở dòng chảy. Ở đây có chăng vấn đề là mất mỹ quan nơi cửa sông", ông Thắng nói.

KTS Hồ Duy Diệm nêu quan điểm "Đà Nẵng nên dừng dự án ở cửa sông". Ảnh: Nguyễn Đông.

Nhiều chuyên gia đã phản bác lại lập luận của ông Thắng và Sở Xây dựng. "Dự án rõ ràng đã thu hẹp dòng chảy tự nhiên của sông Hàn, gây ra xung đột khi nước từ thượng nguồn thoát ra biển", KTS Hồ Duy Diệm - Chủ tịch Hội bảo vệ lưu vực và dải biển Việt Nam nói.
Theo chuyên gia này, lòng sông Hàn bị nhồi đất và các trụ kè bê tông cứng thì sau này sẽ xảy ra hệ lụy; khi hai bên bờ bê tông hóa dĩ nhiên lòng sông sẽ bị bào sâu lớp cát để nước kịp chảy; nếu nước không thoát kịp thì gây ngập úng. Hơn nữa, theo thời gian, đoạn cửa sông bị thắt lại, nước sẽ khoét sâu đáy hai bên bờ khiến bờ có thể đổ sập.
"Sở và các đơn vị đã tham mưu cho thành phố cấp phép, dĩ nhiên họ khẳng định là đúng. Nhưng ngay khi dự án chưa triển khai, dư luận phản ứng thì thành phố nên cho tạm dừng để tổ chức hội thảo, lấy ý kiến chuyên gia. Tôi đề nghị dừng dự án và hoàn trả lại nguyên trạng cho dòng sông", ông Diệm nói thêm.
PGS, TS Vũ Trọng Hồng - nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Chủ tịch Hội Thuỷ lợi Việt Nam cho rằng, chính quyền Đà Nẵng không nên để doanh nghiệp đổ đất xuống sông Hàn làm dự án bất động sản, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu rõ rệt như hiện nay.
"Trên thế giới không ai đi lấn sông cả, trong khi đó sông Hàn lại rất nhỏ", ông Hồng nói và cho rằng dòng sông hình thành từ tự nhiên, trải qua những trận mưa, lũ từ thượng nguồn đổ về xói dần và tạo thành dòng ổn định. Do đó phải giữ đủ diện tích để tiêu nước mưa và thoát lũ. Nếu lấn sông sẽ gây ra ngập úng, chưa kể còn ảnh hưởng đến tiêu nước ngầm.

Hai dự án ven sông đang đồng loạt triển khai hạ tầng trước khi xây dựng nhà cửa. Ảnh: Nguyễn Đông.

TS Hồng đề xuất Đà Nẵng giao cơ quan chuyên môn tính toán, với lượng nước mưa dự báo trong bao nhiêu năm thì dòng sông có thể dâng nước lên bờ và gây ngập. Nhiều nước ở châu Phi và Nhật Bản đã gặp tình cảnh khi lũ tràn lên thì dân chạy không kịp. Trong khi đó mật độ dân cư ven sông Hàn đang ngày càng đông lên.
Vẫn theo ông Vũ Trọng Hồng, ngành nông nghiệp Đà Nẵng dựa vào những số liệu trước đây để tham mưu cho thành phố cấp phép dự án cũng cần phải xem lại. Vì đang trong thời kỳ biến đổi khí hậu nên tất cả những số liệu cũ không còn phù hợp nữa.
"Các nước đang chung tay chống biến đổi khí hậu. Đà Nẵng lại cho đổ đất đá xuống sông, rồi xây dựng bê tông hóa là không nên. Sông Hàn cần được mở rộng ra nữa mới giúp tiêu nước cho khu đô thị trong tương lai, chứ không nên lấn và không được lấn", ông Hồng nhấn mạnh.

Nguyễn Đông



Tuesday, April 16, 2019

Sau 1975 vựa lúa miền Nam không cứu được cả nước ăn độn



Posted on Tháng Tư 14, 2019
by Phan Ba

Tình hình kinh tế VNCH vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 năm 1975 bị xáo trộn nghiêm trọng vì chiến sự.
Tính đến 8/04, VNCH đã mất toàn bộ Quân khu I, II và một phần Quân khu III, chỉ còn kiểm soát vùng bắc Sài Gòn và Quân khu IV, tức đồng bằng Mekong.

Người tỵ nạn VNCH bỏ chạy khỏi Đà Nẵng – ảnh tư liệu

Chính quyền của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đột nhiên phải đón hàng triệu người tỵ nạn bỏ chạy về phía Nam sau khi Huế, Đà Nẵng và các đô thị Cao nguyên và vùng duyên hải rơi vào tay lực lượng miền Bắc.
Chỉ con số người tỵ nạn đăng ký vào các trại cứu trợ thuộc Quân khu III và IV, ở Bình Dương, Biên Hòa, Bình Tuy, Phước Tuy, Sài Gòn, Tây Ninh, Vũng Tàu, Châu Đốc, Kiên Giang, Kiến Tường, Phú Quốc, Vĩnh Bình và Vĩnh Long, là 356 nghìn.
Bên cạnh đó là hàng trăm nghìn người bị mất nhà cửa trong ngay hai vùng chiến thuật 3 và 4 do các cuộc tấn công của đối phương.
Nhưng kinh tế của phần còn lại mà VNCH kiểm soát vẫn khá vững, ít ra là còn thực phẩm, theo một báo cáo của CIA ‘The Economic Situation in South Vietnam’ – March 1975′ được giải mật tháng 1/2005.
Tất nhiên, có những bất ổn về tiền tệ: giá vàng và đô la Mỹ tăng mạnh vì lo ngại phải di tản, và Sài Gòn đã mất toàn bộ khu vực kinh tế Cao nguyên, nguồn xuất khẩu gỗ, lâm sản và các tỉnh Bắc Trung Bộ, nhưng vụ mùa 1974-75 có thu hoạch tốt, và VNCH dư gạo để nuôi quân, nuôi dân, gồm cả người tỵ nạn.
“Sài Gòn vẫn kiểm soát vựa lúa ở đồng bằng sông Mekong, cung cấp gạo cho số dân còn do VNCH kiểm soát, gồm cả người tỵ nạn. Vụ mùa 1974-75 lại bội thu, và các thuyền chở lúa gạo, rau trái tiếp tục cập vào Sài Gòn, không hề bị phe cộng sản ngăn cản. Ngành đánh cá của Nam Việt Nam cung ứng cho Sài Gòn và để xuất khẩu, cũng còn nguyên vẹn.”
Dù nguồn rau xanh đã mất vì không còn Đà Lạt, thịt và cá từ miền Tây vẫn cung cấp đều cho Sài Gòn và các đô thị khác.
Tuy nhiên, phúc trình này đã cảnh báo rằng “nếu phe cộng sản chặn bắt các chuyến vận tải vào Sài Gòn, hoặc chính phủ phải rút quân để bảo vệ thủ đô, thì tình hình có thể không còn tốt như thế”.

Sau ngày 30/04/1975

Bức tranh kinh tế của nước Việt Nam thống nhất một hai năm sau khi chiến sự kết thúc lại hoàn toàn khác: cả hai miền thiếu lương thực trầm trọng.

Sau ngày 30/04/1975, Tướng Trần Văn Trà (giữa, đeo kiếng) nắm chức Chủ tịch Ủy ban Quân quản Sài Gòn - Gia Định của chính phủ Cách mạng Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Hai miền thống nhất chính thức vào tháng 7/1976.

Một phúc trình khác của CIA vào tháng 10/1978 nói có ba lý do cho việc thiếu gạo này.
1. Viện trợ, gồm cả gạo của Bắc Kinh cho Hà Nội, để bù vào con số thiếu kinh niên là 800 nghìn tới 1 triệu tấn/năm, bị giảm từ 1974 và cắt hẳn năm 1978.
2. Thu hoạch lúa của cả hai miền Nam và Bắc đều giảm, vì lý do khách quan, như thiên tai (lụt to ở đồng bằng sông Cửu Long), và sâu bệnh.
3. Các chính sách sai lầm nghiêm trọng của chính phủ với nông nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Nếu lấy năm 1974, khi hai miền chưa ghép làm một, là điểm quy chiếu, thì các vấn đề lương thực của miền Bắc (VNDCCH cũ) là không đổi, tức là luôn thiếu.
Sản lượng lương thực, trong đó phần lớn là lúa gạo (chừng 5 triệu tấn/năm), cũng đã luôn thấp hơn miền Nam (VNCH cũ), và trong suốt một thập niên chiến tranh, Hà Nội phải nhập, hoặc nhận viện trợ gạo, lúa mì từ các đồng minh XHCN.

Giới trẻ với niềm vui ngày 2/09/1976 trên đường phố 
Sài Gòn đã được đổi tên thành Thành phố Hồ Chí Minh

Vựa lúa VNCH trong khi đó vào năm 1974 đã đem về 7,1 triệu tấn, một con số kỷ lục.
Việc cắt đứt quan hệ với các nước Phương Tây và tư bản châu Á khiến nguồn phân hóa học không còn, và ngay lập tức năng suất lúa gạo bị giảm.
Xáo trộn về thị trường vì quản lý nặng tay cũng khiến chuỗi cung ứng lúa gạo cho đô thị bị ngưng trệ, vì chừng 160 nghìn người Hoa ở Chợ Lớn tìm cách ra đi.
Việc ngăn sông cấm chợ và lời đe dọa tịch thu ruộng đất, trang trại, vườn rau chính quyền mới đưa ra khiến nông dân mất hứng thú sản xuất.
Chính sách ‘Kinh tế mới’ đem chừng 1,5 triệu người vào các vùng xa đô thị để khai phá, nhằm tăng đất canh tác, có đem lại kết quả về con số.
Chừng 400 nghìn hectare đất nông nghiệp được mở ra, nhưng sản xuất không tiến được vì người ta bỏ trốn về thành phố, vì thiếu thiết bị sản xuất, và phân bón.
Tinh thần làm việc cũng không cao, vì khu kinh tế mới, như lời một nhà báo nước ngoài đến thăm, “không khác gì trại tù Siberia”.
Trận lụt năm 1978 cũng khiến nền kinh tế thêm điêu đứng, sâu rầy cũng phá hoại hoa màu, nhưng yếu tố con người vẫn là chính.
Năm 1977, cả nước chỉ thu hoạch có 11,2 triệu tấn lúa, thấp hơn kế hoạch nhà nước đề ra 1,8 triệu tấn, và kém chỉ tiêu năm 1976 chừng 800 nghìn tấn.

Mô hình kinh tế 'XHCN' từ miền Bắc được áp dụng cho cả nước sau 1975. Cảnh nông dân trao nộp lúa và hoa màu cho hợp tác xã - ảnh chụp năm 1977 ở một xã gần Hà Nội.

Đó là chưa kể miền Bắc vẫn tiếp tục cần tới 1 triệu tấn gạo từ viện trợ bên ngoài mà nay không còn.
Vì thế, không lạ là từ sau 1975, nhà nước tung ra phong trào ăn độn, với bo bo, khoai mì (sắn), và khoai tây được trồng đại trà bù vào cơm ăn hàng ngày.
Trong việc này, Việt Nam có thành tích đáng kể, theo báo cáo của CIA.
“Các loại ngũ cốc như củ mì, ngô và khoai tây đã tăng từ 900 nghìn tấn năm 1975, lên 1,2 triệu tấn năm 1976 và 1,8 triệu vào năm 1977.”
Một chỉ số ‘có tăng’ khác là vào hai năm 1976 và 1977, số đầu gia súc, nhất là heo, bị nông dân giết mổ nhiều hơn…vì không muốn bị nhà nước tịch thu.
Hệ quả của việc này là sau đó, đàn gia súc miền Nam không phục hồi được, giống như tình hình chung của nền nông nghiệp.
Căng thẳng với Campuchia khiến chương trình Kinh tế mới và việc khai thác nông nghiệp các vùng xa đô thị bị ngưng trệ, rồi chết hẳn.
“Các đơn vị quân đội chủ lực vốn thường được điều vào làm phần một của công tác xây dựng khu Kinh tế mới như dọn mặt bằng, xây mương máng, nay phải chuyển ra biên giới đối mặt với các hoạt động thù địch. Những vụ chạm súng sau đó đã phá nhiều khu kinh tế mới ở Tây Ninh, Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang, buộc chính quyền phải giảm tốc độ của chương trình đưa người vào các vùng thưa dân giáp biên với Campuchia…”
Chỉ tiêu ‘tự lực về lương thực’ cả nước cho năm 1980 đã hoàn toàn tuột khỏi tầm tay của nhà nước.
Nhưng các vấn đề của nông nghiệp chưa có hướng giải quyết thì bộ máy đã bắt đầu chuyển tầm ngắm vào các khu vực khác của nền kinh tế.
Đó là cải tạo công thương’ ở đô thị từ tháng 3/1978, áp dụng chế độ tem phiếu ngay cả ở TPHCM và thử nghiệm ‘hợp tác hóa’ ở nông thôn.

Công dân VN cao niên từ TPHCM đáp xuống sân bay TAA Mascot, Úc sau chuyến bay từ Darwin vào một ngày tháng 6/1977. Làn sóng người Việt Nam bỏ đi bắt đầu sau 1975, đa số vượt biên bằng thuyền.

Nhưng đó là cả một câu chuyện khác và vào thời điểm này, người miền Nam, không chỉ còn là người Hoa, đã bắt đầu tìm cách di tản.

Source:

Sản xuất lúa ở ĐBSCL “lạc đường” từ lúc nào? Ts. Dương Văn Ni

Thứ Bảy,  13/4/2019

(TBKTSG) - Trong lúc cả xã hội còn đang say “giấc mơ” trở thành cường quốc hàng đầu trong xuất khẩu gạo, thì những nông dân trồng lúa là những người “tỉnh mơ” đầu tiên. Họ thấy rằng năng suất lúa đạt càng cao thì lợi nhuận càng giảm, do chi phí phân bón, thuốc sâu tăng cao.

Chúng ta đã ưu tiên “quá lâu” cho cây lúa. Ảnh: Thành Hoa

Ưu ái quá lâu

Bây giờ nông dân trồng lúa ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) luôn phải sống trong tâm trạng thấp thỏm lo âu. Năm nào có nhiều nước ngọt đổ về thì nông dân các tỉnh đầu nguồn như An Giang, Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang phải thức trắng đêm tuần tra vì sợ bể đê bao.
Còn năm nào mùa mưa dứt sớm và nước ngọt về ít thì nông dân các tỉnh duyên hải như Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang, Kiên Giang lại nơm nớp lo mất mùa vì nước mặn xâm nhập. Ngay cả những năm “mưa thuận gió hòa” như năm nay (2018-2019) thì nông dân cũng không ngủ ngon giấc vì giá lúa liên tục rớt thê thảm.
Có người nói đó là hậu quả của việc ưu tiên “quá nhiều” cho cây lúa trong thời gian qua. Nói như vậy thì không sai, nhưng sẽ đúng hơn nếu nói là vì chúng ta đã ưu tiên “quá lâu” cho cây lúa.
Nói ưu tiên quá nhiều bởi vì cách đây không lâu Nhà nước có chính sách bảo đảm cho người trồng lúa đạt lợi nhuận tối thiểu là 30%. Mỗi khi cây lúa bị hạn mặn, lũ lụt làm thiệt hại, hay trúng mùa rớt giá, tức thì cả xã hội xắn tay vào cuộc, như: Chính phủ chỉ đạo mua lúa tạm trữ, ngân hàng giảm lãi suất cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, hay khoanh nợ, giãn nợ.
Ngay cả các công ty vật tư phân bón, các đại lý, cửa hàng bán lẻ cũng hào phóng cho nông dân gối nợ hay chuyển nợ sang vụ lúa kế tiếp. Điều này đối với những cây trồng vật nuôi khác có “nằm mơ” thì cũng không bao giờ có được!
Sở dĩ cây lúa được ưu ái như vậy là vì sau năm 1975, Việt Nam bị bao vây cấm vận tứ bề, trong nước thì hạ tầng phục vụ sản xuất chưa có, chính sách cải tạo nông nghiệp không có hiệu quả, hạt gạo của ĐBSCL vừa gánh nhiệm vụ cứu đói cho cả nước, vừa phải san sẻ cho các nước anh em.
Do vậy mà kinh phí của Nhà nước dồn hết cho sản xuất lúa, chủ yếu là đào mương xẻ kênh, tiêu úng xổ phèn, ngăn mặn dẫn ngọt. Các tỉnh ở ĐBSCL thì phấn đấu để trở thành thành viên nhóm “một triệu tấn lúa”, bằng những chương trình tái phân bố dân cư, khai hoang phục hóa. Các viện, trường tập trung tuyển chọn giống lúa năng suất cao, ngắn ngày, kỹ thuật canh tác phù hợp trên các vùng sinh thái khác nhau; nông dân tìm mọi cách để tăng vụ, không phải chỉ hai đến ba vụ mỗi năm mà là hai năm bảy vụ...

Vì cây lúa “dính” với nhiều người hơn bất kỳ cây con nào khác. Dính ngay từ quá trình sản xuất cho đến lưu thông, chế biến và tiêu thụ. Nên mỗi khi cây lúa rơi vào tình trạng suy thoái, thì luôn luôn gắn với sự bất ổn tiềm tàng về kinh tế, chính trị của toàn xã hội.
Tất cả nỗ lực của toàn xã hội trong giai đoạn này tạo ra một dấu ấn quan trọng là sản lượng lúa của ĐBSCL tăng vọt. Từ mục tiêu chỉ 17 triệu tấn vượt lên trên 24 triệu tấn mỗi năm. Nhiều tỉnh trước đó phấn đấu trầy trật để trở thành tỉnh sản xuất đạt một triệu tấn lúa mỗi năm, thì bây giờ cái mốc đó đã là dĩ vãng.

Sau giai đoạn này, các vùng đất phèn nặng của khu vực Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên, đất nhiễm mặn của bán đảo Cà Mau đã trở thành những vùng thâm canh lúa, với năng suất không thua kém các vùng đất phù sa nước ngọt.
Vì cây lúa “dính” với nhiều người hơn bất kỳ cây con nào khác. Dính ngay từ quá trình sản xuất cho đến lưu thông, chế biến và tiêu thụ. Nên mỗi khi cây lúa rơi vào tình trạng suy thoái, thì luôn luôn gắn với sự bất ổn tiềm tàng về kinh tế, chính trị của toàn xã hội. Do đó, Nhà nước “giao” cho cây lúa gánh một trọng trách nặng nề là bảo đảm “an ninh lương thực”. Thật ra bản chất của an ninh lương thực ở đây chính là an ninh chính trị và xã hội!
Vì vậy mà khi Việt Nam từ một nước thiếu đói trở thành nước xuất khẩu gạo, thì niềm tự hào của cả xã hội đối với cây lúa lớn lao biết chừng nào! Và trong cái xu thế đó, việc “mơ” trở thành cường quốc hàng đầu trong xuất khẩu gạo là điều đương nhiên và dễ hiểu.

Ngỡ ngàng khi “tỉnh mơ”

Nhưng trong lúc cả xã hội còn đang say “giấc mơ” đó, thì những nông dân trồng lúa là những người “tỉnh mơ” đầu tiên. Họ thấy rằng năng suất lúa đạt càng cao thì lợi nhuận càng giảm, do chi phí phân bón, thuốc sâu tăng cao. Để rồi họ là những người tiên phong thực hiện chuyện “cắt vụ”. Ở những vùng đầu nguồn với đất phù sa nước ngọt thì từ hai năm bảy vụ giảm xuống chỉ còn hai vụ mỗi năm; còn những vùng duyên hải mặn ngọt xập xình thì giảm còn một vụ lúa ăn chắc và một vụ tôm sú.
Nhưng ngặt một nỗi là mọi chuyện lúc này đã đi quá xa rồi. Tại những vùng đầu nguồn thì hệ thống đê bao khép kín tràn lan, nông dân có ruộng bên trong các đê bao này nếu muốn chuyển sang trồng cây con khác thì cũng không dễ dàng gì, ví như việc lấy đâu ra đủ nguồn nước trong mùa khô để trồng sen nuôi cá? Còn ở vùng duyên hải thì đê cống ngăn mặn chi chít, hễ đến cuối mùa mưa là hệ thống cống này đóng lại để ngăn nước mặn xâm nhập, nên lấy đâu ra đủ nước mặn mà chuyển sang nuôi tôm sú?

Quan trọng hơn là vì chúng ta ưu ái cho cây lúa quá lâu, nên từ cơ sở hạ tầng như hệ thống kênh mương, cống đập, đến các dịch vụ như phân bón, thuốc sâu, dịch vụ cơ giới từ làm đất, gieo sạ, thu hoạch... đều phục vụ cho cây lúa. Bây giờ nông dân trồng lúa có thể ngồi nhà mở điện thoại ra “quẹt quẹt” là có người chở phân bón tới ruộng, có người đem máy cắt đến thu hoạch, và họ chỉ cần ra ruộng “đếm tiền” là xong!

Đặc biệt là việc cây lúa chiếm đất của các cây trồng vật nuôi khác trong một thời gian dài, đẩy những cây trồng vật nuôi truyền thống này vào quên lãng. Thế hệ nông dân trẻ hôm nay không còn mặn mà trong việc trồng đậu, trồng mè, vì vừa thiếu kinh nghiệm quản lý đồng ruộng, kiểm soát dịch hại tấn công, lại vừa khó tìm công lao động hay thương lái tiêu thụ...
Tệ hơn là những nông sản truyền thống này đã bị các nông sản ngoại nhập thay thế trong một thời gian dài, làm thay đổi tập quán tiêu dùng của người Việt Nam mà chúng ta không hề hay biết. Ví như trẻ con bây giờ không còn thích ăn ổi sẻ vì chúng nhiều hột và hột cứng, không thích ăn nho ta, quýt đường vì phải nhả hột. Các bà nội trợ thì thích mua chanh không hột cho đỡ tốn công vớt hột khi làm nước chấm, thích xài gừng Trung Quốc vì củ to dễ gọt. Các doanh nghiệp chế biến thức ăn gia súc thì thích mua đậu nành Mỹ vì có ngay số lượng lớn và giá rẻ.
Vì vậy, nếu có nông dân nào muốn đổi cây lúa thành cây/con khác thì cũng không dễ dàng. Bởi họ sẽ không biết tìm giống mới ở đâu, liệu giống đó có phù hợp với chân ruộng của mình không? Rồi kỹ thuật canh tác như thế nào? Gặp sâu bệnh tấn công thì tìm đâu ra thuốc đặc trị khi các cửa hàng bán toàn thuốc xài cho cây lúa? Quan trọng nhất là liệu thị trường có chấp nhận không?
Do đó, dù biết trồng lúa là bấp bênh, là đối diện với rủi ro, là làm suy thoái đất đai môi trường, nhưng ít ra cây lúa cũng còn được Nhà nước quan tâm, lại có sẵn các dịch vụ cần thiết và nhất là có sẵn thị trường, mắc rẻ gì bán cũng được!

Nói ra những điều này để thấy là khi Nghị quyết 120/NQ-CP xếp lại trật tự ba trụ cột chính của ĐBSCL là thủy sản - cây ăn trái - lúa gạo, nhiều người đã không khỏi bỡ ngỡ và lúng túng. Bỡ ngỡ là không biết vì sao mà thủy sản được đưa lên hàng đầu? Còn lúng túng vì không biết phải bắt đầu thay thế cây lúa từ đâu?
Có người diễn giải việc đưa thủy sản lên hàng đầu vì xuất khẩu thủy sản năm 2017 đạt khoảng 9 tỉ đô la Mỹ, cao gấp 3 lần xuất khẩu gạo chỉ khoảng 3 tỉ đô la. Có thể đây cũng là một mục tiêu nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân sau hàng chục năm trồng lúa mà chưa thể khá giả.
Việc bắt đầu xây dựng thương hiệu cho hạt gạo Việt Nam, tập trung vào chất lượng hơn số lượng, không tăng thêm diện tích lúa vụ 3, khuyến khích chuyển đổi nông nghiệp theo hướng có hiệu quả kinh tế cao... là những nỗ lực đáng ghi nhận trong thời gian qua. Việc lần đầu tiên vài loại gạo của Việt Nam có giá bán cao hơn gạo Thái Lan là những tín hiệu lạc quan cho thấy chúng ta đã quay lại “đúng đường” cho nền sản xuất lúa ở ĐBSCL.
Tuy nhiên, cũng cần phải thấy là còn rất nhiều khó khăn phía trước và nỗ lực vượt qua chúng rất cần đến sự đồng thuận của toàn xã hội. Quan trọng hơn là phải nhìn nhận đúng đắn về vai trò của cây lúa trong nền kinh tế - xã hội của ĐBSCL, để không còn nhân danh “an ninh lương thực” mà cố sản xuất lúa bằng mọi giá!

Source:

Friday, April 12, 2019

.NÓI LẠI CHO RÕ VỀ ĐÊ BAO - BỜ BAO (Ts. Tô Văn Trường)

.


Tôi đọc bài viết “Đê bao đồng bằng sông Cửu Long không sai lầm vĩ đại như tác giả đảng xanh đã phán”  của nhà báo Lê Phú Khải.  Ông là nhà báo, nhà văn lăn lộn nhiều năm với thực tế, có nguồn tư liệu rất phong phú để viết những cuốn sách và bài báo về con người và cuộc sống của người dân Nam bộ.
Tôi cũng đã đọc nhiều ý kiến phản biện, tôn trọng lắng nghe ý kiến đa chiều, xin nói rõ thêm, những vấn đề sau đây: Tháng 10 năm 1996, sau gần chục năm làm việc ở nước ngoài, tôi về nước làm việc, được Bộ NN & PTNT giao cho làm chủ nhiệm dự án kiểm soát lũ đồng  bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Việc đầu tiên, tôi tập trung nghiên cứu Quyết định 99/TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 9/2/1996. Đây là chủ trương đúng đắn được sự đồng thuận cao của các cấp, các ngành và nguyện vọng của người dân. Để cập nhật các thông tin tư liệu, đi sâu tiến công vào vùng lũ, cần tiếp tục nghiên cứu bổ sung các tác động từ phía thượng lưu và ảnh hưởng của xâm nhập mặn trong dự án Quy hoạch kiểm soát lũ đồng bằng sông Cửu Long. 
 Trước đó, tỉnh Kiên Giang nhiều đất đai bị bỏ hoang đã cho công ty Kiên Tài (Đài Loan) thuê 40 nghìn ha đất rừng tràm. Khi làm quy hoạch, bị vướng hướng thoát lũ do công ty làm các bờ bao khép kín. Nhùng nhằng rất lâu vì phía Việt Nam muốn thu lại đất nhưng đền bù không thỏa đáng. Tôi nhớ, hồi đó ông Võ Văn Kiệt phone gọi tôi ra Hà Nội thảo luận tại Văn phòng chính phủ. Cuộc họp chỉ có 4 người ông Võ Văn Kiệt, Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Anh Vũ Đức Đam trợ lý của ông Kiệt. Trước khi ra Hà Nội, tôi đã thảo luận với chuyên gia của Phân viện Quy hoạch thiết kế nông nghiệp và Phân viện điều tra quy hoạch rừng để thống nhất phương án hợp lý, hợp tình trình Chính phủ. Sau đó, công ty Kiên Tài đã trao trả lại đất cho tỉnh Kiên Giang.Quy hoạch kiểm sóat lũ đồng bằng sông Cửu Long được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 1999. Trong quy hoạch nói rõ chỉ tập trung phát triển 2 vụ lúa Đông Xuân và Hè Thu, không khuyến khích làm vụ 3 vì nhiều rủi ro do lũ về và đất cũng như người nếu khai thác quanh năm sẽ dễ kiệt quệ, làm đê bao sẽ không lấy được phù sa, vệ sinh đồng ruộng vv…Nói cho công bằng, lúa vụ 3 (còn gọi thu Đông) cũng là phát kiến của người dân từ thập niên 80 nhưng chỉ làm ở những nơi chủ động được công tác thủy nông.

Nhờ Quyết định 99TTg và dự án quy hoạch kiểm soát lũ,  hệ thống thủy lợi, giao thông được hình thành đã làm thay đổi to lớn bộ mặt kinh tế của đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt vùng tứ giác Long Xuyên. ĐBSCL chỉ chiếm 5% diện tích lưu vực sông Mê Công nhưng hàng năm phải hứng chịu toàn bộ lượng nước lũ hơn 400 tỷ m3 từ thượng lưu đổ về để thoát ra biển Đông và một phần ra biển Tây. Lũ ở ĐBSCL ngoài việc mang lại nguồn lợi phù sa, thuỷ sản, vệ sinh đồng ruộng, nhưng gặp những năm lũ lớn như 1996, 2000 đã gây ra tổn thất hàng trăm nhân mạng và phá huỷ các cơ sở hạ tầng. Để kiểm soát lũ ĐBSCL không thể tách rời với các chương trình phòng tránh lũ của các nước ở thượng lưu. Ngoài các biện pháp phi công trình như dự báo lũ, thay đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, ĐBSCL đã có các biện pháp công trình kiểm soát lũ như làm đê bao, bờ bao và hệ thống cống điều tiết lũ. Có thể hiểu đê bao là những đường, đê được xây dựng vững chắc cao hơn mực nước lũ thiết kế nào đó (chẳng hạn mực nước đỉnh lũ năm 2000) để sao cho ở các trận lũ lớn nước không tràn qua.

Đê bao thường sử dụng để bảo vệ các khu dân cư tập trung, các khu thị trấn, thị tứ, các khu công nghiệp tập trung và các vùng chuyên canh trồng cây ăn trái. Còn bờ bao là các đường bờ tạm thời với độ cao không vượt quá mực nước lũ tháng tám để khi thu họach xong lúa hè thu thì cho nước lũ tràn vào để lấy phù sa, thêm nguồn thủy sản, thau chua rửa phèn và vệ sinh đồng ruộng. Cho đến nay người dân Đồng bằng đã quen với mùa nước nổi và trong phương châm qui họach, từ Nhà nước tới nhân dân đều đồng tình phải sống chung với lũ, bảo vệ con người và tài sản, né tránh các mặt hại và tận dụng các mặt lợi do lũ mang lại. Đê bao, bờ bao cũng nằm trong các phương châm đó.Đồng bằng sông Cửu Long vừa chịu các tác động của các họat động phát triển ở thượng lưu làm thay đổi chế độ dòng chảy, vừa phải chịu biến đổi của khí hậu gây nên các biến đổi trên biển như nước dâng, xâm nhập mặn, ô nhiễm nước biển do đất liền và khai thác ngòai biển..

Một số các họat động ở thượng lưu có thể gây ra biến đổi dòng chảy đã được nhắc tới trong các báo cáo của các nhà nghiên thuộc đòan JICA của Nhật Bản như: xây dựng các đập thủy điện Manwan, Dachaosan ở Trung quốc,  mở rộng các nhà máy thủy điện Nam ngum, Huay Ho, Nam Leuk ở Lào,  mở rộng phát triển nông nghiệp ở Nong Khai, Nakong Phanom, Mukdakhan, Ubon ở Tháilan,... Hồ Tonle Sap ở Căm pu chia có vai trò đặc biệt quan trọng trong điều tiết cả dòng chảy mùa lũ và mùa cạn đối với Đồng bằng. Về mùa lũ , Biển hồ như vùng trữ nước tạo nên vùng đệm giữ nước làm giảm ngập lụt, và về mùa cạn xả thêm nước xuống Đồng bằng góp phần giảm xâm nhập mặn. Một ví dụ về vai trò điều tiết của hồ Tonle Sap là trận lũ 2000, do có hai đỉnh lũ và với đỉnh thứ nhất hồ đã đầy, đến khi xẩy ra đỉnh thứ hai hồ không còn chỗ chứa, tòan bộ nước lũ từ thượng lưu chảy hết về Đồng bằng gây ra trận lũ lịch sử như chúng ta đã biết. Từ đó một câu hỏi được đặt ra là điều gì sẽ xẩy ra cho Đồng bằng nếu chế độ dòng chảy ở thượng lưu cũng  như hồ Tonle Sap thay đổi do các họat động phát triển. Trên thực tế đã có một số dự án, chẳng hạn dự án quy họach lũ châu thổ sông Mê kông do Hàn quốc tài trợ qua Ủy hội sông Mê kông, nghiên cứu về sự thay đổi chế độ dòng chảy khi mở các đường thóat lũ ở phía bắc sông Mê kông trên đất Căm pu chia xuất phát từ Kompong Cham tới hồ Tonle Sap, đường thóat lũ (có thể lấy nước phát triển thủy lợi) từ Niek Lương tới đầu sông Vàm Cỏ, đường thóat lũ từ Cămpuchia qua giữa Đồng Tháp Mười tới sông Tiền. Những tính tóan thủy lực cho thấy mực nước lũ tại Cần Thơ có thể cao hơn gần một mét.Từ những phân tích trên, để thích ứng với sự biến đổi do các họat động phát triển ở thượng lưu, sự biến đổi do thay đổi khí hậu tòan cầu, và chủ động phát triển bền vững  cho Đồng bằng cần phải có các chiến lược khôn khéo, mà đê bao và bờ bao là một trong các chiến lược đó. Phải bảo vệ triệt để các khu dân cư tập trung, các khu công nghiệp, đồng thời phải lợi dụng được lũ lấy phù sa, tăng nguồn thủy sản, vệ sinh đồng ruộng. Đê bao nhằm bảo vệ các khu dân cư, công nghiệp, còn bờ bao chỉ bảo vệ lúa hè thu cho tới tháng tám lại cho nước lũ vào đồng lấy phù sa và vệ sinh đồng ruộng. Đó là một chiến lược khôn khéo vừa phù hợp với chiến lược chung của cả lưu vực vừa đáp ứng được yêu cầu bảo vệ dân sinh, phát triển sản xuất đặc biệt là cây lúa trong vùng ngập lũ. Tuy nhiên, từ thực tế của các vùng bao triệt để như Chợ mới, vùng Thọai sơn của An giang cũng vẫn phải có hệ thống cống để điều tiết lũ. Những năm đầu trồng lúa cho sản lượng cao nhưng nhưng giảm dần do đất không có phù sa bồi bổ. Vì thế, tỉnh và huyện đã có chương trình rất khôn ngoan là đa dạng hoá cây trồng vật nuôi, kết hợp mở cống lấy phù sa, lấy hiệu quả kinh tế làm thước đo chứ không phải chỉ riêng cho trồng lúa.

Đối với vùng Đồng Tháp Mười, các nhà nghiên cứu Nhật bản trong đòan Jica khuyên rằng nên có sự luân phiên trong canh tác để có thể cho đất có thời ký “nghỉ” và cho lũ vào lấy phù sa tăng độ phì cho đất. Mỗi họat động do con người tác động vào tự nhiên đều có mặt lợi và mặt hại. Phát huy tối đa các mặt lợi, giảm thiểu các mặt hại là quyết sách của các nhà quản lý.
Trong phương châm đó, với đê bao, bờ  bao rõ ràng là biện pháp rất cần thiết để đạt được lợi ích lớn nhất cho cả cộng đồng.    Năm 2006, có cuộc tranh luận về đê bao, bờ bao trên diễn đàn của báo Lao Động có nhiều nhà khoa học và người dân tham gia. Để kết luận cho diễn đàn,  báo Lao động cử 2 phóng viên do nhà báo Lục Tùng là trưởng đại diện ở ĐBSCL đến tỉnh Vĩnh Long gặp phỏng vấn ông Võ Văn Kiệt. Đọc bản thảo, chưa hài lòng,  ông tự tay viết bằng chữ bút bi màu đỏ hơn 2 trang khổ A4 về quan điểm, và đánh giá thực chất của đê bao, bờ bao và sản xuất lúa ở ĐBSCL rồi chuyển trực tiếp cho tôi để chấp bút thành bài báo hoàn chỉnh. Bài viết này, đã đăng trên báo Lao động (bản gốc File kèm theo) cho đến nay vẫn còn mang nguyên tính thời sự.

Vài năm gần đây, do số nơi “phá rào” đẩy mạnh việc làm lúa vụ 3, lam đê bao tràn lan số nơi không có trong quy hoạch, Đáng nhẽ phải tuyên truyền ngăn chặn vì “lợi bất cập hại” thì chính quyền địa phương, đặc biệt là Bộ NN&PTNT đã sai lầm chạy theo phong trào tự phát, biến lúa vụ 3 thành chính vụ. Đây là sai lầm, cần phải sửa, không có gì phải bàn cãi. Về các câu hỏi của PGS Thang Văn Phúc, ở Đồng Tháp Mười vẫn có cháy rừng vì vào mùa khô, do cỏ và lá tràm ở những nơi khô ráo, nóng nực dễ bắt lửa, gặp sự bất cẩn của người dân gây nên cháy. Cây ăn quả theo quy hoạch là được trồng ở nơi bao đê chống lũ chính vụ. Những nơi bị ngập, khi nước rút làm chết cây ăn quả do mới chỉ đảm bảo làm đê chống lũ đầu vụ. Nước biển xâm nhập nhanh như vậy vì sao khả năng rửa mặn lại kém đi? Nên hiểu nước biển xâm nhập  sâu vào đất liền tức là nguồn nước ngọt từ thượng lưu về bị hạn chế. Trong thành phần nước biển chủ yếu là hàm lượng muối NACl, một phần KCl, muối gốc sunphat vv…Nước ngọt thành phần chủ yếu ion khoáng Na, Ca, Mg vv  có tác dụng pha loãng hàm lượng muối biển. Do yếu tố thời tiết ít mưa,  chưa kể do quy trình vận hành hồ chứa ở thượng lưu,  không đủ lượng nước ngọt để pha loãng nên khả năng rửa mặn kém đi là điều dễ hiểu.

THAM KHẢO
Đê bao Đồng bằng Sông Cửu Long –
Sai lầm “vĩ đại” trong lịch sử cận đại (2)
 Đảng Xanh
01/04/2014
 (mời xem phần 1 đã đăng trên  www.vncold.vn  , trang    /Web/Content.aspx?distid=3523 )

Cũng như phần đầu, phần 2 này tiếp tục cung cấp cho độc giả nhiều bài viết tập trung làm rõ hậu quả to lớn, lâu dài, ảnh hưởng đến nhiều mặt từ hệ thống “bê bao”, làm lúa vụ 3. Đó chính là những thực tế sống động, khách quan trong suốt 10 năm qua.
 Người viết chỉ là kẻ chủ yếu tiếp thu những thông tin, kiến thức đó, tập hợp lại để tiện cho độc giả theo dõi. Ngoài khẳng định mạnh dạn như tựa đề và phần đầu, bài này chỉ đưa thêm vài gợi ý mà các bài báo được dẫn ra có thể chưa nói đến.

Một gợi ý, là với một vấn đề quá lớn liên quan thủy lợi cả một vùng châu thổ mênh mông của đất nước, thiết tưởng nhà nước phải rất cẩn trọng để tiến hành các bước đi đầy đủ xung quanh quyết định của mình. Có thể hình dung nó như sau:
Nghiên cứu/đề xuất => Ra quyết định => Tạo khung pháp lý => Thực hiện => Nghiên cứu tiếp => Tổng kết => Điều chỉnh/Sửa sai

Thế nhưng, nếu như đúng là cần đến quy trình nêu trên, thì đã thấy ngay rất nhiều lỗ hổng khổng lồ. Ví như văn bản quan trọng nhất là Quyết định số 99-TTg của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ngày 9/2/1996, trong đó nêu ngay đầu tiên việc ra quyết định này là “Theo đề nghị của Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính”. Vậy thì tất cả các Ủy ban nhân dân các tỉnh của Vùng đồng bằng Sông Cửu Long có “đề nghị” hay không, hay là họ … không thống nhất? Đó là chưa nói tới ông Bộ Tài nguyên Môi trường, chẳng hiểu là do không lường trước tác động môi trường ghê gớm, ảnh hưởng “tài nguyên nước” nghiêm trọng, hay vì “ông ta” không tán thành, mà cũng không thấy có mặt?

Bên cạnh đó, việc chỉ với bản “Quyết định” như thế thôi, để đi tới thực hiện một dự án khổng lồ trong suốt gần 20 năm qua, cũng là một sự lạ. Đồng thời, cũng liên quan tới tính pháp lý, là sau khi ra quyết định, liệu có được những văn bản pháp quy gì để điều chỉnh mọi hành vi liên quan tới các công trình thủy lợi nêu trong quyết định, đặc biệt là “đê bao”?

 Thử hình dung, trong suốt gần 20 năm đó, không biết bao nhiêu triệu tỉ đồng từ nhà nước và dân phải bỏ ra cho hệ thống này, nay vẫn chưa nghe được tổng kết, thế mà lại chỉ được điều chỉnh bằng vài văn bản vừa yếu, vừa mơ hồ trong vài nội dung liên quan, như Luật Xây dựng, Luật Đê điều, còn Luật Thủy lợi thì vẫn đang dự thảo từ nhiều năm qua. Trong suốt thời gian đó, có kẻ nào bị xử lý, đi tù trong việc thực hiện đại dự án đó với “đê bao”, “đường giao thông nông thôn”, “Chương trình nông thôn mới” … bằng việc căn cứ vào các văn bản vừa dẫn chưa?

 Chính một phần rất quan trọng nêu trên không được nghiêm túc thực hiện, đã và sẽ dẫn tới việc không tính được hiệu quả kinh tế khi phải đầu tư những khoản tiền khổng lồ, xem có thực là “lãi” hay “lỗ”. Riêng về tác động tới môi trường, thiệt hại về thủy sản, đời sống văn hóa biến dạng thì có lẽ chẳng thể tính nổi.
Và, một điều đang canh cánh nhức nhối trong lòng 90 triệu người dân Việt Nam hiện nay, là vấn đề THAM NHŨNG. Với kiểu làm việc nặng về mệnh lệnh chính trị, nhẹ về tính pháp quy và khoa học như vậy, có bao nhiều tỉ đồng đã rơi vào tay những “Nhóm lợi ích”, từ trung ương tới thôn xã, ngay từ những năm còn chưa ai nói tới khái niệm này, và có thể với ngay trong cả những nhà khoa học, nhà báo … tham gia minh họa cho cái quyết định chính trị “vĩ đại” đó.

 Một gợi ý nữa, là với cái hệ thống “vĩ đại” đó, đã kéo theo những hệ thống đê bao khác, vĩ đại không kém, buộc phải thực hiện vì hậu quả của “đê bao” nông thôn, để bảo vệ toàn bộ các đô thị liên quan, đang ngày càng mọc lên như nấm. Lại nữa, là toàn bộ các công trình xây dựng trong các đô thị đó đều phải chạy theo đáp ứng với tình trạng lũ, triều dâng lên cao hơn do “đê bao” nông thôn nay đã không thể kiểm soát nổi rồi. Bởi vì đê bao đô thị đương nhiên không đáng tin cậy, không giải quyết kịp tình trạng úng ngập …

 Thế rồi như một vòng luẩn quẩn bi hài mang tầm … thiên niên kỷ, các đô thị này tiếp tục chạy đua trong tuyệt vọng, phải xây cho cao hơn nữa đế đối phó với tốc độ lún sụt đặc thù của cả một vùng châu thổ lầy trũng, nền móng yếu, để cuối cùng không có cách nào khác là một hệ thống đê khổng lồ như … Hà Lan.
 Tất cả chi phí đó là bao nhiêu, để cho cái mục tiêu hàng đầu, chính yếu là “lúa vụ 3″? (Phải nhấn mạnh lúa vụ 3, bởi vì các mục tiêu khác đều có thể thực hiện theo cách khác, không phải là “đê bao”).

 Những gì nêu trên chắc không thể giúp cho thói quen “đổ tại” dễ dàng tái diễn; như bảo là “đê bao”, “lúa vụ 3″ tràn lan gây hậu quả xấu là do nông dân, do địa phương, do bọn tham nhũng, … còn “quyết định” của trên thì luôn đúng đắn, y như tất tật đường lối chính sách của đảng.
LUẬT
 - Luật Xây dựng (2003). – Luật Đê điều (2006). “c) Quy hoạch đê sông, đê cửa sông, đê bối, đê bao và đê chuyên dùng phải bảo đảm an toàn ứng với mực nước lũ thiết kế và có giải pháp để bảo đảm an toàn đê khi xảy ra lũ lịch sử; phải có sự phối hợp giữa các địa phương trong cùng một lưu vực, không ảnh hưởng đến quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê và cả hệ thống sông.”
 - QUYẾT ĐỊNH VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI XÂY DỰNG DỰ ÁN LUẬT THỦY LỢI - BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN (8/2/2014). – Dự thảo đề cương: Luật Thủy lợi của Tổng cục Thủy lợi [20/12/12]. – PHÁP LỆNH Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi của Ủy ban Thường vụ quốc hội (2001).
 
 SÁCH, BÁO, ĐỀ TÀI

- Bất cập trong sống chung với lũ ở ĐBSCL (Sài Gòn GP, 21/6/2005). “Cách nay gần 30 năm, bà con nông dân An Giang có sáng kiến đắp đê bao để bảo vệ lúa hè-thu khi mùa nước nổi. Đến giờ, ĐBSCL chằng chịt đê bao, đủ loại, đủ kiểu. Lúa có cách của lúa, vườn có cách của vườn, phố có kiểu của phố, mạnh ai nấy làm, với lý do là bảo vệ mình, lợi cũng có mà thiệt cũng nhiều…”
“Trong khi chưa có một quy hoạch nào về đê bao, thì kế hoạch thủy lợi đến năm 2010 do Bộ NN-PTNT xây dựng, sẽ tiến hành bao đê bảo vệ các thị trấn, thị xã và thành phố như Tam Nông, Hồng Ngự (Đồng Tháp), Long Xuyên, Châu Đốc (An Giang)… đồng thời bao đê bảo vệ vườn cây ăn trái ở Đồng Tháp, Tiền Giang và Vĩnh Long. “
“Hầu hết các nhà khoa học đều cho rằng đê bao triệt để là có hại và hoàn toàn không ủng hộ.”
“Theo nghiên cứu của Thạc sĩ Dương Văn Nhã – Trường ĐH An Giang (công trình nghiên cứu duy nhất về đê bao ở ĐBSCL tính đến thời điểm này), ô nhiễm là vấn đề phức tạp trong khu vực có đê bao triệt để.”
“Câu hỏi đặt ra là tại sao không nghiên cứu kỹ lưỡng và xây dựng quy hoạch khoa học đê bao ở ĐBSCL, trên cơ sở kinh nghiệm và thực tiễn đã qua?”

- NGUYỄN VIẾT THỊNH (ĐH Tiền Giang): Cần xem lại những đê bao ở ĐBSCL (Tuổi trẻ, 21/10/2005). “Điều cần bàn hơn hiện nay là điều kiện tự nhiên vốn rất tốt của đồng bằng sông Cửu Long đã và đang bị bàn tay qui hoạch không hợp lý của con người làm cho méo mó. Con sông vốn hiền lành đang dần trở nên hung dữ vì bị đê bao ngăn chặn…”
“Mô hình nhà nổi (ở khu vực sông La Ngà, Đồng Nai chẳng hạn) cần được xem xét, nghiên cứu áp dụng để thay thế mô hình cụm, tuyến dân cư tránh lũ vốn không hiệu quả, không thực tế như hiện nay.”

- Đồng Tháp: đê bao nuôi muỗi (Tuổi trẻ, 24/10/2005).

- Sách của Văn Nhã Dương: Tác động đê bao đến đời sống kinh tế xã hội và môi trường, NXB Nông nghiệp 2006.

 - ThS.NCS.Nguyễn Phú Quỳnh, GS.TSKH. Nguyễn Ân Niên,Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam: Đê Bao đồng bằng sông Cửu Long có tính đến ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (climategis.com).

- ĐBSCL: Khuyến cáo nông dân không làm lúa vụ 3 (Sài Gòn GP, 25/7/2007). “… sản xuất liên tục lúa vụ 3 đã gây những tác động xấu đến môi trường; đất bị bạc màu, mầm dịch bệnh đặc biệt là rầy nâu và bệnh vàng lùn xoắn lá luôn tồn tại trên đồng ruộng.”

- Trần Đăng Hồng-Kỹ-sư Canh Nông tại Sài Gòn, MSc và PhD tại Đại Học Reading, Anh Quốc: Thử tìm giải pháp thủy lợi cho đồng bằng Cửu Long:
Phần 1. Kinh Nghiệm Hoà Lan (The Netherlands) (vietsciences.free.fr, 27/11/2009).
Phần 2. Kinh nghiệm Mississippi.
Phần 3. Bangladesh.
Phần 4. Kinh nghiệm châu thổ Sông Hồng.
Phần 5. Đồng bằng sông Cửu Long: Môi trường và hệ thống sông rạch thiên nhiên.
Phần 6. Kinh đào và các biện pháp thủy lợi.
Phần 7: Thách thức với lũ lụt.
Phần 8: Thách thức với biển cả.
Phần 9: Đề nghị vài biện pháp.

 - VÂN TRƯỜNG: Học kinh nghiệm từ dòng sông Mississippi, Mỹ: Giải cứu lưu vực sông Mekong (Tuổi trẻ, 11/12/2009).

 - Chinh Phục – Hồ Hùng: Mêkông, nhìn từ chuyện Mississippi! (Thời báo KTSG, 17/12/2009). “Còn phía hạ lưu, tại ĐBSCL, những năm qua hàng loạt kênh đào để tháo chua, thoát lũ, tưới tiêu, phục vụ giao thông… đã xóa xổ gần hết các rừng tràm trong đất liền; đê bao khép kín chống lũ, ngăn mặn, khai thác đất nuôi tôm… đã làm cho rừng ngập mặn ven biển còn lại rất mỏng. Tình hình này khiến người ta hình dung ngay những gì đã diễn ra ở sông Mississippi trong bốn thập niên vừa qua!”

 - Trị thủy Sông Mississippi (Bách khoa tri thức).

 - Kỳ tích đê sông Hồng – Kỳ 1: Dời đô và đắp đê (Tuổi trẻ, 26/9/2010). – Kỳ 2: Những trận vỡ đê lịch sử. – Vụ án đê Yên Phụ. – Kỳ 4: Những tranh luận trên đê sông Hồng.

 - GSTS Nguyễn Ngọc Trân: GHI NHẬN VỀ HÀ LAN ĐỐI MẶT VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU VÀ NƯỚC BIỂN DÂNG 1 (17/1/2011).

- Chiều theo con nước? (RFA, 23/5/2011).

- Từ chiếc nhà phao “sống chung với lụt”… (Tuổi trẻ, 5/10/2011).

- Từ giã đê bao khép kín đồng bằng Cửu Long? (RFA, 5/10/2011). “Hệ thống đê bao khép kín ở đồng bằng sông Cửu Long sau hơn một thập niên triển khai đã cho thấy lợi bất cập hại.“

 - Nguyễn Văn Kiền, Giảng viên Đại học An Giang, nghiên cứu sinh về biến đổi khí hậu ở ĐBSCL tại Đại học Quốc gia Úc: Biến đổi khí hậu và phát triển đê bao, bờ bao vùng ĐBSCL (Thời báo KTSG, 15/10/2011). “Thực tế này đặt lại vấn đề nên chăng phát triển đê bao khép kín ồ ạt để sản xuất lúa vụ ba như hiện nay trong viễn cảnh biến đổi khí hậu ở ĐBSCL?”

- NGUYỄN VĂN KIÊN (giảng viên Đại học An Giang, nghiên cứu sinh Đại học Quốc gia Úc): Liệu có nên tăng diện tích đê bao 3 vụ như hiện nay chăng?- Nghĩ về phát triển đê bao đồng bằng sông Cửu Long (Tuổi trẻ, 16/10/2011). “Một trong những động cơ cho việc xây dựng đê bao triệt để là để hình thành những vùng sản xuất lúa vụ 3 nhằm đáp ứng nhu cầu an ninh lương thực và xuất khẩu để cải thiện đời sống nông dân, phục vụ giao thông nông thôn. Hơn 50% sản luợng gạo được xuất khẩu hàng năm là từ ĐBSCL.”

- Mùa nước nổi: xưa và nay (Tuổi trẻ, 18/10/2011). “Làm lúa vụ 3 lời ít hơn hai vụ lúa kia, nếu giá cả bấp bênh có khi còn lỗ vốn. Thêm nữa, khi đắp đê thì trong vùng bao đê sẽ mất đi nguồn cá, đất đai mất nguồn phù sa quý giá. Cỏ dại, sâu bệnh lưu cữu trên đồng làm tăng thêm chi phí cho các vụ lúa sau. Nhưng vì đó là chủ trương của Nhà nước nên dù muốn dù không cũng phải làm theo.”

- Phỏng vấn TS Tô Văn Trường, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, nguyên chủ nhiệm dự án Quy hoạch kiểm soát lũ ĐBSCL: “Xin đừng gọi là đê bao chống lũ triệt để” (Lao động, 8/12/2011). Phóng viên: “Nhưng liệu đê bao có tách ĐBSCL ra khỏi sông Mekong như đồng bằng sông Hồng đã từng tách khỏi sông Hồng như có nhiều ý kiến cảnh báo?”, “Nhưng thực tế không ít nơi cho thấy đê bao đang là “gánh nặng”?”

- Đề nghị xây dựng đê bao khép kín (Cần Thơ, 22/3/2012). “Cử tri huyện Phong Điền phản ánh, vừa qua Chính phủ và thành phố có chủ trương, kế hoạch phân bổ kinh phí củng cố đê bao khép kín…”

- Sống theo cơn nước đầu nguồn (Sài Gòn GP, 10/10/2012).

- Ứng phó biến đổi khí hậu: ĐBSCL phải bảo vệ lúa và thủy sản (6/12/2012). ““ĐBSCL không chỉ là vựa lúa lớn của cả nước, mà còn cung cấp một lượng lớn gạo cho xuất khẩu, tuy nhiên, trong vấn đề quy hoạch sản xuất cần phải tính đến yếu tố cơ cấu lịch thời vụ cho đúng bởi vì nếu chúng ta không tính đến yếu tố này mà đấp đê bao, tăng vụ sẽ rất nguy hiểm”, ông Trân cho biết.”

 - Phỏng vấn thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện – chuyên gia về đất ngập nước thuộc Quỹ Bảo vệ động vật hoang dã quốc tế (WWF): ĐBSCL: Nếu đê bao vỡ, thiệt hại rất lớn (Dân Việt, 18/12/2012). “Nhiều đê bao khép kín ở khu vực ĐBSCL hiện nay đã quá lạm dụng việc “chống lũ triệt để” chứ không còn là “đê bao kiểm soát lũ”. Thế nên, khi tình trạng vỡ đê xảy ra thì hậu quả sẽ khó có thể lường nổi.”

 - Nước lũ dâng do xây đê bao tràn lan (Tuổi trẻ, 22/12/2012). “… tình trạng một số địa phương và người dân trong vùng ĐBSCL tự xây dựng hệ thống đê bao, bờ bao tràn lan không theo quy hoạch đã làm mực nước lũ hằng năm dâng cao, chất lượng môi trường bị biến đổi mạnh gây khó khăn cho quy hoạch phát triển chung toàn vùng.”

 - Cần cân nhắc sản xuất lúa vụ 3 (Thanh niên, 31/12/2012). “… việc mất vai trò điều tiết nước tự nhiên, xâm nhập mặn sẽ ngày càng lấn sâu hơn. Đó là những vấn đền cần phải nhìn nhận trong việc sản xuất lúa vụ 3.”
 “Theo ông Nguyễn Minh Nhị, Nguyên chủ tịch UBND tỉnh An Giang, tính tự phát được phát huy tối đa trong quá trình phát triển ở ĐBSCL những năm qua. Ngay cả các cấp lãnh đạo của tỉnh cũng toàn đi đến đâu nghĩ đến đó mà không có khoa học dẫn đường. Như vậy thì không thể phát triển bền vững được.”

 - Cần đánh giá lại việc sản xuất lúa 3 vụ (Đại học Cần Thơ).

 - Sản xuất lúa vụ 3: Cân nhắc được, mất vùng “túi lũ” (Sài Gòn GP, 3/1/2013).

 - Mai Ngọc: Vựa lúa ĐBSCL đang đánh đổi những gì? (Diễn đàn ĐT, 28/3/2013).

 - GS.TS. Trần Như Hối và KS. Lê Khánh Chiên – Viện khoa học Thủy lợi miền Nam: Một số nhận xét về hệ thống đê bao, bờ bao kiểm soát lũ hiện nay ở vùng ngập lũ ĐBSCL (23/4/2013). “…bên cạnh những tác động tích cực, vẫn tồn tại nhiều mặt tiêu cực, do hệ thống đê bao hiện nay chưa được đồng bộ do hầu hết đều thiếu cống, chất lượng lại thấp và thiếu linh hoạt, thiếu sự quản lý vận hành một cách khoa học nên phát huy hiệu quả chưa cao.”

 - Một hạt lúa cõng bao nhiêu phí? (Tuổi trẻ, 27/5/2013). “Gần đây, để tăng thêm sản lượng lúa, các địa phương đã mở rộng diện tích trồng lúa vụ ba, buộc nông dân đóng góp xây dựng đê bao, làm cống bửng. Thế rồi hệ thống đê bao khép kín để tăng vụ ấy càng làm tăng thêm chi phí trong canh tác, thu hoạch. Gánh nặng cứ thêm chất chồng.”
“Lợi nhuận từ trồng lúa vốn đã không đủ trang trải cuộc sống, làm vụ ba lại phải đóng góp làm đê bao, thủy lợi… càng chất chồng thêm khó khăn cho nông dân.”

- Sản xuất lúa vụ 3: Mất nhiều hơn được (Dân Việt, 8/6/2013).

 - Lê Anh Tuấn (Đại học Cần Thơ): Thấm đòn lúa vụ ba (Tuổi trẻ, 27/8/2013).

- Mike Ives – Yale Environment 360: Tác động môi trường từ hệ thống thủy lợi ĐBSCL (Tia sáng, 30/8/2013).

 - Bộ NN-PTNT: Lúa vụ 3 lợi nhiều hơn hại (TBKTSG, 26/10/2013). – Nông dân lại nói làm lúa vụ 3 hại nhiều hơn lợi (TBKTSG, 10/11/2013).

- Không bỏ lúa vụ ba mà còn tăng diện tích (RFA, 1/11/2013).

 - Nông dân tâm sự trồng lúa vụ 3 (Đại biểu ND, 16/11/2013).

 - Mai Thanh Truyết: NƯỚC LÀ NGUỒN SỐNG VIỆT NAM (9/12/2013). “Xã hội chủ nghĩa của Việt Nam mang chính sách đê bao vào ứng dụng trong việc làm tăng diện tích trồng lúa, trong việc biến “sỏi đá thành cơm”, cho nên người dân ĐBSCL phải gánh chịu hậu quả ngày hôm nay là lũ lụt xảy ra thường xuyên hơn và không có chu kỳ tương đối cố định như trước kia nữa. Nguyên do là khi dòng chảy từ Mékong xuống khi mùa nước bắt đầu lên cao ở Tân Châu và Châu Đốc, nước sông hoàn toàn di chuyển ra biển, đợi đến khi nước lớn hơn nữa mới bắt đầu làm làm đầy hai vùng Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười.”

- Các tổ chức về môi trường cùng hành động chống việc xây đập ở Lào (VOA). – Việt Nam cần nỗ lực chống đập Don Sahong tại Lào (RFI).

 - Nhiều nguyên thủ tham dự Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong (Pháp luật TPHCM, 1/4/2014).

- Đầu tư 11.000 tỷ đồng xây đê bao chống ngập cho TP HCM (VNExpress). – Xây đê bao khép kín quanh TP.HCM (Tuổi trẻ, 3/11/2010). – Chống ngập bằng đê bao khép kín (Tuổi trẻ, 19/11/2010). Các đô thị phải “chạy theo” đê bao nông thôn.