Trung Khang, RFA
2019-03-20
2019-03-20
“Nước cho tất cả - Không để ai bị bỏ
lại phía sau” là chủ đề của Ngày Nước Thế Giới 2019. Thực tế tại Việt Nam như
thế nào?
Chủ đề của Ngày Nước Thế Giới năm
nay nhằm hướng đến tuyên truyền, vận động về khả năng tiếp cận với nước sạch
của cộng đồng nhằm thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững số 6 về Nước sạch và
vệ sinh, theo đó đảm bảo sự sẵn có, quản lý bền vững nước và vệ sinh cho tất cả
mọi người.
Việt Nam là một thành viên của Tổ
chức UN – Water thuộc Liên Hiệp Quốc và hàng năm Việt Nam đều có hưởng ứng Ngày
Nước Thế Giới.
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 20
tháng 3 năm 2019, Thạc sỹ Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm quản lý nước và biến
đổi khí hậu WACC – Đại học Quốc gia TP HCM cho biết thêm thông tin về Ngày Nước
Thế Giới 2019 tại Việt Nam:
“Hưởng ứng ngày nước thế giới thì có
một hội thảo lớn ở Hà Nội và sau đó có một số triển lãm… Một số trường đại học
liên quan đến nhà nước thì cũng những hoạt động này nọ. Còn những công tác cải
tạo nguồn nước là những hoạt động thường ngày, không nhắc đến trong những dịp
lễ hội như thế này. Nhưng những cái này chỉ mang tính chất hội thảo chương
trình là chính, còn những công tác thường xuyên về hạ tầng thì nằm trong những
chương trình khác trong năm.”
Theo thống kê của UN-Water hiện nay,
khoảng 1,9 tỷ người sống trong các khu vực khan hiếm nước; 2,1 tỷ người không
được tiếp cận các dịch vụ về nước uống bảo đảm an toàn. Dự kiến, đến năm 2050,
dân số thế giới sẽ tăng khoảng 2 tỷ người và nhu cầu về nước toàn cầu có thể sẽ
tăng 30% so với hiện nay. Và hiện cũng đang có 663 triệu người chưa được tiếp
cận với các nguồn nước uống hợp vệ sinh.
Hiện nay nguồn nước sinh hoạt chủ
yếu từ nước sông, một phần là từ nước ngầm.Cả hai nguồn nước đó thì mức độ ô
nhiễm càng ngày càng tăng lên, đó là điều đáng quan ngại.
-Thạc sỹ Hồ Long Phi
Thạc sỹ Hồ Long Phi cho biết về tình
hình thực tế tại Việt Nam hiện nay:
“Hiện nay nguồn nước sinh hoạt chủ
yếu từ nước sông, một phần là từ nước ngầm.Cả hai nguồn nước đó thì mức độ ô
nhiễm càng ngày càng tăng lên, đó là điều đáng quan ngại. Tuy rằng so với nhiều
năm trước đây thì chất lượng nước mặt có cải thiện phần nào, do những hệ thống
vệ sinh môi trường xây dựng bắt đầu đưa vào hoạt động. Nhưng nước ngầm thì vẫn
còn ô nhiễm, vì chưa được khắc phục một cách thỏa đáng.”
Theo Thạc sỹ Hồ Long Phi, thật ra
thì chất lượng nước sinh hoạt ở thành thị tốt hơn nếu so sánh với nông thôn.
Theo ông, ở nông thôn thứ nhất do hạ tầng cấp nước chưa đầy đủ, thứ nhì là do ý
thức của người dân không cao, họ sử dụng trực tiếp nước từ sông rạch, trong khi
sông rạch cũng là nơi nhận nước thải trực tiếp. Theo ông, mức độ nhiễm nước cao
thì nằm ở thành phố, nhưng nguy hiểm thì lại nằm ở nông thôn.
Vào ngày 20/3, chúng tôi hỏi chuyện
một người sinh sống lâu năm qua nhiều khu vực tại Hà Nội và được anh nhật xét
về chất lượng nước sử dụng tại các nơi anh đã sinh sống:
“Tôi sinh sống cùng gia đình ở Hà
Nội, nguồn nước nhà tôi khá tốt. Tôi đã chuyển nhà nhiều lần, và thấy chất
lượng nước cũng na ná nhau, có điều là gần đây ít bị cúp nước hơn trước. Tuy
nhiên, ở những khu vực khác bị ô nhiễm thì sẽ ảnh hưởng chất lượng nước của người
dân thông qua các mạch nước ngầm ở bên dưới. Còn khi nguồn nước ô nhiễm bốc hơi
lên thì sẽ ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân. Để giảm thiểu ô
nhiễm thì việc đầu tiên nên làm là đừng xả rác bừa bãi, cái đó là mình nhìn
thấy rõ nhất. Còn trong tương lai, nếu can thiệp thì có lẽ cần đi sâu xa hơn.”
Một cư dân khác đang ở trọ tại Hà
Nội cho biết:
“Hiện giờ tôi đang ở trọ, và chất
lượng nguồn nước cũng khá. Nhưng cũng có người sử dụng máy lọc nước vì họ không
hài lòng với chất lượng nước đó. Theo tôi nghĩ so với trước kia thì chất lượng
nước có tốt lên, tuy nhiên cũng không dễ nhận biết rõ được. Tôi nghĩ việc nâng
chất lượng nước là việc của chính quyền, họ phải thay đổi để làm sao chất lượng
nước cung cấp cho người dân tốt lên.”
Ai cũng biết là phải giữ nước, tại
sao cứ để chặt cây. Lúc ông Nguyễn Xuân Phúc mới lên chức, lệnh cấm chặt rừng,
nhưng bây giờ nó chặt phá bao nhiêu rừng cây, cây không có, đồi trọc không thì
làm sao mà giữ nước.
-Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải
Không may mắn như người dân Hà Nội,
hàng nghìn hộ dân ở phường Bãi Cháy, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh hiện
đang thiếu nước sinh hoạt trầm trọng vì các hồ chứa cung cấp nguồn nước thô cho
các nhà máy sản xuất nước sạch tại tỉnh Quảng Ninh đang cạn nước. Không chỉ
riêng khu vực này, nhiều nơi khác tại Quảng Ninh cũng thiếu nước.
Vì sao nhiều mưa lũ mà Việt Nam lại
thiếu nước như vậy? Để trả lời câu hỏi này, chúng tôi hỏi chuyện Tiến sĩ Khoa
học Nguyễn Văn Khải vào ngày 20/3 và được ông cho biết:
“Nó dễ như ăn xôi gấc, tại không làm
thôi, tại sao lại lấp hồ, tại sao lại lấp sông? Hồ ở Hà Nội trước đây là bao
nhiêu cái? Bây giờ còn bao nhiệu cái? Nước trên trời rơi xuống nếu không hứng
thì nó trôi đi. Ngày xưa bao nhiêu ruộng, bây giờ thành khu công nghiệp, bao
nhiêu vỉa hè đất bây giờ bê tông hóa, thì nước nó phải trôi đi thôi. Ví dụ như
nhà tôi, tôi hứng nước mưa mỗi mùa vài chục mét khối, nên đâu thiếu nước. Được
cái này mất cái kia thôi. Tại sao cái gì cũng đổ xuống cống? Thí dụ Hà Nội
chẳng hạn, cứ đổ xuống sông Tô Lịch, đổ xuống sông Kim Ngưu, thối hoắc ra, tại
sao không lọc, tại sao không chặn? Rác nổi lều phều, muốn vớt phải xin phép,
nhưng không biết xin phép ai.”
Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải, những
báo cáo có hơn 80% người dân có nước sạch là không đúng sự thật. Ông cho biết
chỉ cần ra Đan Phượng, ở ngoại thành Hà Nội, thì phải khoan giếng. Ông nói
tiếp:
“Ai cũng biết là phải giữ nước, tại
sao cứ để chặt cây. Lúc ông Nguyễn Xuân Phúc mới lên chức, lệnh cấm chặt rừng,
nhưng bây giờ nó chặt phá bao nhiêu rừng cây, cây không có, đồi trọc không thì
làm sao mà giữ nước. Chẳng cần nhà khoa học nào cả, chỉ cần người dân hiểu sống
theo pháp luật, các nhà quản lý xã hội theo pháp luật và có tí kiến thức, chả
cần kiến thức cao siêu, chỉ cần lớp hai lớp ba cũng được.”
Hội thảo về Ngày Nước Thế Giới 2019
tại Geneva, Thụy Sĩ hôm 19/3/2019.
Photo courtesy of unwater.org
Cũng theo thống kê của UN-Water, ước
tính trên 80% lượng nước thải trên toàn cầu, xả ra môi trường tự nhiên mà không
qua xử lý hoặc không được tái sử dụng.
Còn theo Thạc sỹ Hồ Long Phi, một
trong những nguyên nhân thiếu nước tại Việt Nam là do việc khai thác nước ngầm
đã xảy ra vài chục năm rồi, vì khi đó khan hiếm nguồn nước mặt, hệ thống cấp
nước không đủ, nguồn cung không đủ. Ông cho biết thêm, hiện nay thì dần dần hệ
thống nước mặt, hệ thống lấy nước từ sông rồi xử lý và cung cấp vào hệ thống
cấp nước thì ngày càng tốt và thay thế dần hệ thống nước ngầm, vì vậy chính phủ
cũng chủ trương hạn chế khai thác nước ngầm và tiến đến ngưng khai thác. Tuy
nhiên ông nói tiếp:
“Nhưng điều đó tôi nghĩ cũng không
phải thời gian ngắn mà làm được, vì ở nhiều nơi xa xôi nhưng Đồng bằng sông Cửu
Long chẳng hạn, nguồn nước ngầm ở gần ven biển là nguồn nước duy nhất họ có
được. Họ dùng nước đó không chỉ để sinh hoạt mà còn dùng để sản xuất nữa. Tức
là một lượng nước rất lớn được bơm lên từ tầng nước ngầm sâu hàng trăm mét,
điều đó sẽ dẫn đến hệ lụy lâu dài rất là lớn. Trước mắt thì chưa có cách nào để
giải quyết được.”
Tiếp cận nguồn nước an toàn là nền
tảng cho sức khỏe cộng đồng, điều này rất quan trọng đối với sự phát triển bền
vững, vì một thế giới ổn định và thịnh vượng. UN – Water cho rằng, chúng ta
không thể tiến lên toàn cầu hóa trong khi rất nhiều người đang sống mà không có
nguồn nước sử dụng an toàn.
Vào tháng 6 năm 1992, tại Hội nghị
thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc về Môi trường và Phát triển được tổ chức ở Rio de
Janeiro, Brazil, Liên Hợp Quốc đã ra chọn ngày 22 tháng 3 hàng năm là Ngày Nước
thế giới và bắt đầu được tổ chức thường niên từ năm 1993.
Source:
No comments:
Post a Comment