Saturday, March 16, 2019

Chuyện đê bao, lúa ba vụ và giải cứu lúa

Lê Anh Tuấn
Thứ Bảy,  16/3/2019

(TBKTSG) - Chỉ trong hai tháng đầu năm 2019, nông dân nhiều vùng trồng lúa ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) như các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Tiền  Giang, Long An... như ngồi trên đống lửa. Không lo sao được khi hạt lúa rớt giá liên tục và đang rơi vào ngưỡng lỗ, đặc biệt những nông dân nghèo phải vay tiền làm ruộng hay mướn đất canh tác trong khi giá phân bón và các loại vật tư nông nghiệp khác, kể cả dịch vụ nông nghiệp, đều tăng.

Trúng mùa, mất giá
Những cánh đồng thâm canh lúa mênh mông này ngày càng làm suy kiệt về tài nguyên và môi trường.Ảnh: Lê Anh Tuấn

Vài tháng trước đó, ngành nông nghiệp vẫn còn hồ hởi cho rằng 2018 là một năm thắng lợi khi ước tính tổng sản lượng lúa cả năm 2018 vùng ĐBSCL sẽ là 24,67 triệu tấn và chỉ riêng vụ đông xuân 2018-2019, được xem là vụ canh tác lúa chủ lực, toàn vùng đồng bằng sẽ thu hoạch chừng 10,9 triệu tấn lúa. 

Nếu năm 2018 là năm có thời tiết tương đối thuận lợi giúp trúng mùa lúa của Việt Nam thì các quốc gia sản xuất lúa trong khu vực như Indonesia, Philippines, Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ, Myanmar và cả Campuchia cũng đang trúng mùa như vậy. Thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam phụ thuộc lớn vào Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Malaysia và các nước Trung Đông. Từ tháng 7-2018, chính quyền Trung Quốc đã tăng thuế nhập khẩu gạo nếp tới 10 lần, từ mức 5% lên 50%. Diễn biến bất lợi của thị trường khiến thương lái ngán ngại thu gom lúa, trong khi chính quyền và các công ty quốc doanh liên quan đến xuất khẩu gạo, kể cả Hội Nông dân Việt Nam, gần như bị động, lúng túng và chưa có những động tác ứng phó hay “trả đũa” tương xứng.

Một lần nữa, điệp khúc “trúng mùa - mất giá” và kêu gọi “giải cứu” vang lên từ tỉnh đến trung ương. Thủ tướng Chính phủ phải chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ mua 200.000 tấn gạo và 80.000 tấn lúa để dự trữ quốc gia. Số lượng mua dự trữ này, nếu so với tổng sản lượng lúa thu hoạch ở ĐBSCL, chỉ là một lượng quá nhỏ. Sau chỉ đạo này, giá lúa có nhích lên chút đỉnh, chừng 50-150 đồng/ki lô gam, nhưng vẫn ở trong mức xem như lỗ đến huề vốn của nông dân, công lao động xem như bỏ.

Tác hại từ thâm canh ba vụ
Sản lượng lúa ở vùng ĐBSCL gần như tăng đều trong hơn hai thập niên gần đây, dù có năm trồi sụt, nhưng xu thế vẫn tăng. Có hai yếu tố làm sản lượng lúa tăng. Thứ nhất, tiến bộ khoa học nông nghiệp như cơ giới hóa và cải tiến chất lượng giống đã làm năng suất lúa tăng lên, tuy nhiên mức tăng này không cao lắm. Yếu tố thứ hai quan trọng và đáng kể hơn là tăng vụ, từ hai vụ/năm lên phổ biến ba vụ/năm dựa vào việc mở rộng nhanh chóng các vùng đê bao triệt để, kèm các công trình bơm thủy lợi ở các vùng đất trũng thấp để ngăn lũ tràn đồng và hệ thống công trình thủy lợi ngăn mặn để thêm vụ lúa vào mùa khô.
Không thể để nông dân tự xoay xở trong con đường sản xuất hẹp, để sau vài vụ canh tác lại phải có một chiến dịch “giải cứu nông sản”, trong khi điều “cần giải cứu” quan trọng và cần thiết nhất chính là giải cứu môi trường và nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Do việc thâm canh lúa liên tục, đất không có cơ hội nghỉ ngơi, dinh dưỡng đất tụt giảm và sâu bệnh gia tăng, nông dân phải sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu bệnh nhiều hơn. Nông dân cũng ít chọn lựa các giống lúa dài ngày và chất lượng cao hơn mà tập trung nhiều cho các loại giống lúa có phẩm chất trung bình - thấp như IR50404, vốn có ưu thế như ngắn ngày (thời gian sinh trưởng 90-95 ngày sau khi gieo sạ), ít sâu bệnh và năng suất thu hoạch cao hơn, rất phù hợp cho các cánh đồng có đê bao canh tác ba vụ/năm.
Việc tăng nhanh sản lượng lúa chất lượng trung bình và thấp khiến thị trường rất dễ mất cân đối cung - cầu và vô cùng rủi ro về thị trường. Bên cạnh đó, chất lượng đất và nước trong các vùng đê bao và vùng ngăn mặn ngày càng xuống cấp một cách đáng lo ngại: đất đai trở nên bạc màu, vi sinh vật có lợi ít đi, nguồn nước tù đọng ô nhiễm vì phú dưỡng hóa từ phân bón hóa học và nhiễm độc vì các loại nông dược. Nhiều chủng loại nông dược độc hại không rõ nguồn gốc từ Trung Quốc đang được nông dân xài bừa bãi.
Người dân ở nhiều nơi, kể cả ở các khu vực trũng trữ lũ ngày xưa, như vùng tứ giác Long Xuyên - Hà Tiên và vùng Đồng Tháp Mười, đã phải khoan nước ngầm để có nước sinh hoạt. Các vùng ven biển, công trình ngăn mặn giữ ngọt cũng không đảm bảo nguồn nước sạch. Việc phải tăng lượng nước ngầm khiến đất đai ngày càng sụt lún. Ngành nông nghiệp biết tình trạng này nhưng không thể hạn chế được vì chính ngành nông nghiệp đã cho thực hiện những công trình đê bao và thoát lũ ở quy mô lớn.

Canh tác thuần cây lúa có kéo người nông dân thoát nghèo và bất ổn?
Ảnh: Lê Anh Tuấn
2018 là năm có lũ cao hơn trung bình, nhưng nhiều vùng trũng ở An Giang rất ít nước ngay ở giai đoạn cao trào mùa lũ vào các tháng 8 và 9, trong khi các đô thị lớn như Cần Thơ, Vĩnh Long đã đối mặt với các ngày ngập úng lịch sử. Song, chỉ cần một tháng dứt mùa mưa, khô hạn và xâm nhập mặn đã nhanh chóng xuất hiện. Ở các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, mặn đã nhanh chóng xâm nhập sâu hơn vào đất liền so với cùng thời kỳ ở các năm trước. Nếu các tỉnh đầu nguồn tiếp tục xuống giống hè thu sớm, các trạm bơm tăng cường hút nước ngoài sông Cửu Long cho giai đoạn sạ - cấy, sẽ khiến nước mặn ngoài biển đi sâu hơn nội đồng, kể cả nguồn nước ngầm cũng bị nhiễm mặn.

Các nhà khoa học ở vùng đồng bằng đã nhiều năm khuyến cáo vấn đề này, kể cả kêu gọi chính sách trữ nước. Nhưng điều này không dễ thực hiện vì tất cả các quy hoạch phát triển hiện nay ở cấp tỉnh, cấp vùng không xác định rõ nơi nào được chọn lựa một cách rõ ràng là khu vực trữ nước hay điều tiết nước mùa mưa để hạn chế xâm nhập mặn mùa khô, trong khi điều “hối tiếc” vẫn hiện hữu là các vùng trũng chứa nước ngày một thu hẹp và ô nhiễm do đê bao ba vụ.

Tài nguyên thiên nhiên và môi trường mới thực sự cần giải cứu
Ngày 17-11-2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về “Phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu”. Điểm cốt lõi được các nhà khoa học và quản lý lưu ý nhiều trong nghị quyết này là tinh thần “thuận thiên”, nghĩa là phát triển trên cơ sở tôn trọng quy luật tự nhiên. Tuy nhiên, sau hơn một năm nghị quyết ban hành, việc hiểu và triển khai nghị quyết này vào thực tiễn vẫn còn nhiều lúng túng.

Tư duy ưu tiên chọn giải pháp công trình ở các cấp vẫn nặng hơn các chọn lựa phi công trình. Nghị quyết 120 đã xác định ba trụ cột ưu tiên trong sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL là thủy sản - cây ăn trái - lúa gạo, nhưng nguồn lực xã hội và tài chính vẫn đổ nhiều cho các công trình và hệ thống để tập trung sản xuất lúa gạo với suy nghĩ “bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu” theo nghĩa hẹp và ngắn hạn. Thiệt hại do quán tính tư duy này vô cùng lớn và nông dân trong vùng đê bao triệt để đang bị “bao cột” trong vòng nghèo khó và bất ổn.

Không thể để nông dân tự xoay xở trong con đường sản xuất hẹp, để sau vài vụ canh tác lại phải có một chiến dịch “giải cứu nông sản”, trong khi điều “cần giải cứu” quan trọng và cần thiết nhất chính là giải cứu môi trường và nguồn tài nguyên thiên nhiên (đất, nước, sinh vật và sinh thái) trước ba thảm họa là biến đổi khí hậu, sai lầm trong đầu tư thủy lợi và việc hình thành các đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mêkông.
Hiện nay, điều “cần giải cứu” này lại bị xem nhẹ, không được coi là vấn đề khẩn thiết đang đe dọa sự phát triển bền vững cho tương lai vùng châu thổ.



No comments:

Post a Comment