Monday, March 4, 2019

ĐBSCL chỉ còn tồn tại 80 năm?


 Chí Nhân  


Hiện tượng sụt lún mặt đất, mất phù sa, nước biển dâng... sẽ khiến gần như toàn bộ ĐBSCL chìm dưới mặt nước biển vào năm 2100, nghiên cứu của Đại học Utrecht (Hà Lan) mới đây dự báo.

                                   TP.Cần Thơ bị ngập nặng trong đợt triều cường 2018
Ảnh: Đình Tuyển


Biển tiến 1, đất chìm 10
Từ những năm 1985 - 1986, ở các vùng ven biển ĐBSCL phong trào nuôi tôm phát triển mạnh. Người dân khoan giếng lấy cả nước ngọt và nước mặn để nuôi tôm. Thời điểm đó đã có người nêu ý kiến lo ngại về vấn đề này. Năm 2013 - 2014, trong một chuyến công tác ở Mỹ, các chuyên gia của họ cũng nêu cảnh báo về việc sụt lún đồng bằng làm tăng nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu.
GS-TS Bùi Chí Bửu (nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam)

Trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, ngoài những câu thăm hỏi, chúc tụng nhau như lệ thường thì “nước và ngập” gần như là chủ đề chính của nhiều buổi gặp mặt của các cư dân ở TT.Mỹ Xuyên (H.Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) nằm ở phía nam TP.Sóc Trăng, cách Biển Đông khoảng hơn 30 km. Lý do là vào mùa triều cường trước đó, cứ mỗi tháng 2 lần cả thị trấn này “chìm” trong nước.

Đây không phải năm đầu tiên thị trấn này bị ngập vào mùa triều cường, chỉ khác là mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn. Khổ nhất chính là những người dân sống tại đây khi sinh hoạt hằng ngày, việc buôn bán gặp rất nhiều khó khăn. Nhà ông P.Q.Dũng, nằm lệch ra ngoài trung tâm thị trấn một chút cũng bị ngập nặng. Để chống ngập ông phải xây gạch bao quanh. Tuy nhiên nước ngấm xuống nền, ăn vào tường làm căn nhà xuống cấp trông thấy.

Câu chuyện ngập và những lo lắng ở TT.Mỹ Xuyên không phải là điều gì đặc biệt trong bức tranh ngập do triều cường ở ĐBSCL trong những năm gần đây. Khu vực trung tâm TP.Cần Thơ, nhiều tuyến đường cũng ngập hơn nửa bánh xe máy. Cuộc sống của người dân ở “thủ phủ miền Tây” gần như đã bị đảo lộn trong mùa triều cường. Nhiều đoạn trên tuyến quốc lộ 1 ở Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu… cũng bị ngập nặng ảnh hưởng không nhỏ đến giao thông. Không chỉ cục bộ vài ba nơi mà ngập đã phổ biến và ngày càng lan rộng từ TP.HCM chạy dọc các tỉnh ven biển miền Tây xuống tận Cà Mau.

Theo các nhà khoa học, có hai nguyên nhân chính gây nên hiện tượng trên là nước biển dâng và đặc biệt là tình trạng sụt lún mặt đất. Sụt lún đang diễn ra trên khắp đồng bằng. Nghiên cứu của Trường ĐH Utrecht (Hà Lan) cho thấy mức độ gia tăng mực nước biển tuyệt đối khoảng từ 3 - 4 mm/năm, trong khi nhiều phần diện tích ở nông thôn vùng ĐBSCL mức độ sụt lún khoảng 10 - 20 mm/năm, riêng khu vực thành thị và các khu công nghiệp mức độ sụt lún lên đến khoảng 25 mm/năm. Trong 25 năm qua (1991 - 2015), ĐBSCL đã sụt lún trung bình 18 cm, có những nơi sụt lún 2,5 cm/năm, cao hơn gần 10 lần so với tốc độ nước biển dâng. Nguyên nhân chính của hiện tượng sụt lún trên là do khai thác nước ngầm quá mức.
Rút 2,5 triệu lít/ngày, nước ngầm cạn kiệt

Tại TT.Mỹ Xuyên, khoảng 20 năm trước nước máy được khai thác từ nước ngầm chỉ phục vụ ở khu vực trung tâm. Người dân ở khu vực vùng ven sử dụng nước tự nhiên như nước sông, ao hồ, nước mưa… Những năm về sau, các nguồn nước tự nhiên cạn kiệt, ô nhiễm nên được thay toàn bộ nước máy bằng các chương trình đưa nước sạch về nông thôn. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của người dân, khoảng chục năm trước trạm cấp nước của thị trấn được đầu tư khai thác thêm một giếng mới cách vị trí cũ hơn 500 m theo hướng dịch chuyển ra xa trung tâm hơn.



TT.Mỹ Xuyên, Sóc Trăng chìm trong nước. Ảnh chụp mùa triều cường năm 2017
Ảnh: Chí Nhân

Báo cáo của tỉnh Sóc Trăng chỉ rõ, riêng nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt của địa phương dựa vào nguồn khai thác nước ngầm lên đến 94.000 m3/ngày đêm và tình trạng khai thác nước ngầm đã ở mức báo động. Một khuyến cáo của Bộ Tài nguyên - Môi trường thừa nhận: “Vùng tứ giác TP.Sóc Trăng, H.Mỹ Xuyên, TX.Vĩnh Châu và H.Trần Đề, việc khai thác nước ngầm đã vượt ngưỡng an toàn”.

Nhiều người dân ở các tỉnh ven biển miền Tây cho biết, trước đây chỉ cần đào giếng sâu 5 - 7 m là có nước ngọt dùng. Sau này phải khoan giếng và càng về sau phải khoan càng sâu, hiện tại phải khoan tới 130 - 150 m và phải dùng máy bơm công suất lớn mới có nước.
Tại Bạc Liêu, tổng lưu lượng khai thác nước ngầm toàn tỉnh khoảng 400.000 m3/ngày đêm. Báo cáo gần đây của Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Hiện nay tầng chứa nước Pleistocen (giữa - trên) quân bình mỗi năm tụt giảm 0,5 m. Có thể nói đây là một nguy cơ đáng báo động về tình trạng cạn kiệt nguồn nước ngầm”.

“Tốc độ sụt lún nhanh nhất là thời điểm hiện tại”, nghiên cứu của Trường ĐH Utrecht nhận định và cho biết hiện nay mỗi ngày vùng đồng bằng này rút khỏi lòng đất tới 2,5 triệu lít nước. Nước mất đi làm giảm áp lực trong cấu trúc địa chất bên dưới, khiến đồng bằng lún xuống. Với tốc độ sụt lún trung bình 1 cm/năm, vùng ĐBSCL sẽ chứng kiến rất nhiều biến đổi trong vài thập niên tới.

Th.S Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL, lưu ý: Cao trình trung bình của vùng đất này so với mực nước biển chỉ từ 1 - 1,5 m. Với tốc độ lún và nước biển dâng như vậy trong khi chúng ta vẫn phải khai thác nước ngầm như hiện nay thì đây rõ ràng là nguy cơ rất lớn đe dọa đến sự tồn tại của vùng đồng bằng này. Còn TS Lê Xuân Thuyên (ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM), cho rằng đây không phải là vấn đề của riêng ĐBSCL mà hiện tượng sụt lún nước biển dâng ảnh hưởng cả vùng đồng bằng Nam bộ.
Điều này hoàn toàn phù hợp với nghiên cứu của ĐH Utrecht khi họ chỉ ra rằng tốc độ sụt lún trung bình ở hiện tại theo mô hình đối với TP.HCM là 7,3 cm/năm.

Sụt nhanh, bù lún tự nhiên giảm
Trong một vài thập niên gần đây, Trung Quốc xây dựng các đập thủy điện khiến lượng phù sa sụt giảm đã làm giảm đáng kể sự bù lún tự nhiên làm cho quá trình sụt lún diễn ra nhanh hơn. Tình hình đang trở nên trầm trọng hơn khi nhiều con đập trên dòng chính sông Mê Kông trên đất Lào cũng đang được xây dựng và gấp rút hoàn thành. Kết quả nghiên cứu năm 2018 của Ủy hội sông Mê Kông, có đến 97% trầm tích sẽ bị giữ lại nếu tất cả các con đập trên dòng chính và các chi lưu của con sông này được xây dựng. Đây là một nguyên nhân khách quan nhưng không kém phần quan trọng làm cho ĐBSCL “biến mất” nhanh hơn.
Từ năm 2011, TS Lê Xuân Thuyên và cộng sự đã tiến hành đặt một số trạm quan trắc về biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Kết quả ban đầu cho thấy có vấn đề về hiện tượng lún mặt đất.
“Bình thường đã khó có giải pháp kỹ thuật nào có thể giải quyết được vấn đề chìm ngập do lún cộng với nước biển dâng. Nay càng khó gấp bội khi mà nguồn bùn cát từ sông Cửu Long đưa về ngày càng giảm đi và cả đồng bằng của chúng ta không có vật liệu để bồi đắp, bù lại!”, TS Thuyên nói.

Tác động lan tỏa sớm hơn nhiều
Một căn nhà ở xã Vân Khánh (H.An Minh, Kiên Giang) bị sạt lở đe dọa
Ảnh: Anh Phương

Năm 2018, xuất khẩu nông sản của VN trên 40 tỉ USD, con số kỷ lục từ trước đến nay. Vùng ĐBSCL có những đóng góp quan trọng vào thành quả này nhờ những mặt hàng chủ lực như: gạo trên 3 tỉ USD, tôm, 3,6 tỉ USD hơn, cá tra gần 2,3 tỉ USD, rau quả 3,5 tỉ USD… Ước tính vùng này đã đóng góp hàng chục tỉ USD vào nền kinh tế mỗi năm. Thế nên, việc sụt lún, mất phù sa đang khiến vựa lúa, thủy sản của VN nói chung và sinh kế của người dân ĐBSCL nói riêng ảnh hưởng nặng nề.
 
Theo kịch bản mà Trường ĐH Utrecht (Hà Lan) đặt ra, đến năm 2050 các tỉnh ven biển như: Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng hầu hết diện tích sẽ bị chìm dưới mực nước biển. Tất nhiên đây mới là nghiên cứu, chưa phải là chắc chắn. Nhưng hiện tại, dọc bờ Biển Đông và Tây hiện tượng sạt lở xảy ra nghiêm trọng, nhiều đoạn xói lở từ 30 -100 m/năm.
Thế mạnh lớn nhất của các tỉnh này là nuôi tôm, lúa và một số ít vườn cây ăn trái. Để nuôi tôm đạt hiệu quả cần phải có độ mặn phù hợp, nước quá mặn cũng không được. Khi từng phần diện tích đất ở các tỉnh này bị mất đi hoặc chìm trong nước sẽ kéo theo một mũi nhọn kinh tế quan trọng là con tôm bị ảnh hưởng. Nếu sụt lún tiếp tục duy trì như hiện tại kết hợp với nước biển dâng thì tình trạng mất đất ở các vùng bờ biển ngày càng nghiêm trọng.
Tương tự, lúa cũng là một thế mạnh của các tỉnh này. Trước giờ người dân ở đây vẫn tận dụng nước ngọt vào mùa mưa để trồng lúa. Nếu các cánh đồng bị mặn xâm nhập kéo dài sẽ không thể sản xuất được lúa như hiện tại.

GS-TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, lo lắng: Nếu những kết quả nghiên cứu, dự báo là đúng thì tác động đến môi trường, xã hội và kinh tế là rất lớn khi BĐSCL là vựa lúa, cá tôm, rau quả của cả nước, mang lại kim ngạch xuất khẩu hàng chục tỉ USD mỗi năm. Nó đe dọa trực tiếp đến cuộc sống của hàng chục triệu người dân vùng này.

Dẫn chứng tình trạng xâm nhập mặn ngày càng mạnh, GS Bửu cho biết những giống lúa kháng mặn hiện tại chỉ sống được trong điều kiện nước có độ mặn nhất định (4%0), thời gian 20 ngày; những giống tốt nhất hiện nay là 30 ngày. Nhưng vào thời điểm trổ bông vẫn cần nước ngọt. Nếu không có nước ngọt sẽ không thể sản xuất lúa cũng như các loại cây trồng khác. “Tôi cho rằng chúng ta phải kiểm soát được việc khai thác nước ngầm, hạn chế tối đa. Tái tạo các cánh rừng phòng hộ ven biển”, GS Bửu nêu quan điểm.

Như vậy, những trụ cột của nền kinh tế các địa phương này sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Không chỉ thế, các vùng này bị ảnh hưởng còn gây tác động lan tỏa đến các địa phương lân cận ở sâu trong đồng bằng như: Hậu Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long… Điều này có thể thấy rõ vào mùa khô hạn năm 2016, nước mặn đã xâm nhập sâu vào đất liền, trên nhiều con sông nước mặn 4%0 đã vào sâu đến 60 - 70 km. Thời điểm đó có đến 10/13 tỉnh ĐBSCL bị ảnh hưởng bởi hạn mặn. Cũng cần lưu ý, con số 4%0 là giới hạn cuối cùng để các loại thực vật nước ngọt có thể tồn tại. Với kịch bản nhiều tỉnh ven biển ở ĐBSCL sẽ chìm vào thời điểm 2050 thì không chỉ riêng những tỉnh đó bị thiệt hại mà tác động lan tỏa đến sản xuất nông nghiệp sẽ xảy ra trên khắp đồng bằng.

Đây chỉ mới là những ước lượng ban đầu về bức tranh tương lai của đồng bằng khi nó bị chìm. Thực tế sẽ còn phức tạp và còn nhiều thứ quan trọng hơn nhất là cuộc sống và sinh kế của hàng chục triệu dân.

Chí Nhân
Source:

 

No comments:

Post a Comment