Thursday, February 28, 2019

TẠI SAO MEKONG TRỞ NÊN QUAN TRỌNG (Why the Mekong matters)


Sam Geall – Bình Yên Đông lược dịch
The Third Pole – November 1, 2018


Một nhà hàng nổi và các du thuyền trên sông Lạn Thương (Lancang-Mekong) ở Tây Song Bản Nạp (Xishuangbanna), Vân Nam (Yunnan), Trung Hoa.
[Ảnh: Luc Forsyth/A River’s Tale]

Ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Hoa – qua tổ chức đa phương mới thành lập – đang định hình tương lai kinh tế và môi trường của Đông Nam Á (ĐNA).

Vào tháng 12 năm rồi, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Hoa Vương Nghị (Wang Yi) tuyên bố rằng các quốc gia Mekong nên xây dựng một “cộng đồng chia sẻ tương lai.”  Ông cũng nói rằng Chương trình Hợp tác Lancang-Mekong (Lancang-Mekong Cooperation (LMC)) là “thực tiễn và có hiệu quả cao.”  “Chúng tôi không theo đuổi ‘việc đấu láo’ ở trên trời, mà theo đuổi ‘máy ủi đất’ ở dưới đất”.

Trung Hoa đã xoay sở để củng cố ảnh hưởng của mình đối với dòng sông quốc tế trong những năm gần đây, qua một hành động có những ẩn ý quan trọng đối với môi trường ven sông và người dân trông cậy vào tài nguyên của nó.  Phương tiện chính yếu của nó, hay “máy ủi đất”, LMC, sẽ là động lực của các dự án phát triển và thủy điện, đặc khu kinh tế (special economic zones (SEZs)) và mậu dịch.

Nó cũng cho thấy sự thay đổi đường lối của Trung Hoa đối với ĐNA – là chủ đề chánh được thảo luận gần đây trong một diễn đàn về chánh sách do The Third Pole, chinadialogue, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Xã hội (Center for Social Development Studies (CSDS) và Khoa Khoa học Chánh trị của Đại học Chulalongkorn, Bangkok đồng tổ chức.

Chia sẻ dòng sông

Mekong là con sông dài thứ 12 trên thế giới.  Nó bắt nguồn ở Trung Hoa, trên Cao nguyên Tây Tạng (Tibet Plateau), rồi chảy qua Myanmar, Lào, Thái Lan, Cambodia và Việt Nam.  Theo MRC, nó chỉ đứng sau Amazon về đa dạng sinh học và có sản lượng ngư nghiệp nội địa cao nhất thế giới.

Vào năm 1995, Thỏa ước Mekong (Mekong Agreement) - giữa các quốc gia ở hạ lưu là Thái Lan, Lào, Cambodia và Việt Nam – thiết lập Ủy hội sông Mekong (Mekong River Commission (MRC)) để “khuyến khích và hợp tác trong việc quản lý và phát triển khả chấp nguồn nước và tài nguyên liên hệ cho quyền lợi hỗ tương của các quốc gia và thịnh vượng của người dân.”  Trung Hoa không phải là một thành viên chánh thức, nhưng tham gia với tư cách quan sát viên cùng với Myanmar.

Vào năm 2015, Trung Hoa thiết lập một cơ chế đa phương, LMC, bao gồm tất cả 6 quốc gia duyên hà Mekong (tên Trung Hoa gọi là Lạn Thương (Lancang)).  LMC có bộ chỉ huy ở Bắc Kinh (Beijing), phần lớn được Trung Hoa tài trợ, và theo ngôn từ của Thitinan Pongsudhirak của Viện Nghiên cứu Quốc tế và An ninh (Institute of Security and International Studies (ISIS)) tại Đại học Chulalongkorn, nó “làm lu mờ, vượt qua và né tránh” MRC.

LMC đã kiện toàn đáng kể cơ sở của mình trong một thời gian ngắn, và lãnh vực hoạt động của nó vượt ra khỏi nguồn nước và năng lượng: cái gọi là “cơ chế hợp tác 3+5 (3+5 mechanism of cooperation)” của LMC dựa trên 3 trụ cột - chánh trị và an ninh, kinh tế và phát triển khả chấp, và văn hóa và trao đổi dân-với-dân – và 5 ưu tiên: nối kết, khả năng sản xuất, hợp tác kinh tế xuyên biên giới, tài nguyên nước, và nông nghiệp và xóa đói giảm nghèo.

Trước phiên họp thượng đỉnh mới đây ở thủ đô Phnom Penh của Cambodia, Trung Hoa đã cam kết gần 12 tỉ USD (Mỹ Kim) để tài trợ và viện trợ cho Cambodia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam.  Sau đó, hội nghị thượng đỉnh phê chuẩn Kế hoạch Hành động 5 Năm (Five-Year Plan of Action)  (2018-2022) và một loạt dự án hợp tác mới do Trung Hoa tài trợ.

Ảnh hưởng

Ảnh hưởng tức thời của thế lực ngày càng tăng của LMC hầu như được nhận thấy trong lãnh vực nguồn nước và đập thủy điện.  Kể từ năm 1992, khi đập Mạn Loan (Manwan) với công suất 1,57 GW trên sông Lạn Thương ở Vân Nam (Yunnan) bắt đầu hoạt động, rất nhiều đập khác đã được xây.  Có khoảng 60 đập thủy điện lớn và trung bình đang hoạt động dọc theo sông, với khoảng 30 đập đang được xây cất, và hơn 90 đập được dự trù hay đề nghị.

Hầu hết các đập, phần lớn, được xây với kỹ thuật và tài chánh của Trung Hoa, và một số được dùng để cung cấp điện cho vùng duyên hải phía đông của Trung Hoa.  Các đập ở thượng lưu của Trung Hoa có thể điều tiết lưu lượng sông và đã có ảnh hưởng đáng kể đến lưu lượng, cả tiêu cực lẫn tích cực.  Nhưng nhiều ảnh hưởng có thể đoán trước không liên quan trực tiếp đến việc cung cấp nước.

80% của 60 triệu cư dân ở hạ lưu vực Mekong lệ thuộc trực tiếp vào dòng sông để sinh sống.  Cá là nguồn chất đạm chính trong các bữa ăn của gia đình.  Đập đã có ảnh hưởng tiêu cực đối với ngư nghiệp, sinh thái sông, và rẫy ven sông vốn tùy thuộc vào nhịp lũ giàu phù sa tự nhiên của sông.

Cư dân địa phương và các nhà hoạt động nói rằng số cá đánh được đã giảm sút, ngư dân phải chuyển qua nghề nông; rong kai là thức ăn của cá không còn; và rẫy ven sông cần phân bón hóa học vì không còn phù sa.  Những ảnh hưởng nầy được tiên đoán sẽ trở nên tồi tệ: các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng an toàn lương thực căn bản của hạ lưu vực Mekong có nhiều nguy cơ bị gián đoạn.

Một đánh giá khoa học độc lập của Trung Hoa cho thấy rằng các đập thủy điện và sự phát triển – mặc dù cung cấp điện, hỗ trợ thủy vận, và duy trì phẩm chất nước – đã làm gián đoạn “tính nối kết (connectivity)” của dòng sông một cách nghiêm trọng: đó là khả năng vận chuyển năng lượng, vật liệu, và sinh vật từ nơi nầy đến nơi khác; phù sa; và đáng kể nhất, thủy sản.  Nó cũng cho thấy rằng thủy học và việc cung cấp nước cũng “tệ hơn.”

Phát triển

Với đầu tư của Trung Hoa hầu như là một phần quan trọng trong các kế hoạch phát triển kinh tế khu vực – qua các SEZs và dự án chẳng hạn như Hành lang Kinh tế Phía đông (Eastern Economic Corridor) trị giá 45 tỉ USD của Thái Lan – LMC không chỉ định hình môi trường dọc theo sông mà còn định hình mô hình kinh tế trong khu vực.  Điều nầy hoàn toàn phù hợp với Sáng kiến Vành đai và Con đường (Belt and Road Initiative (BRI)), qua đó Trung Hoa đang tiến đến hội nhập và phát triển khu vực.

Chinadialogue đến thăm một SEZ được đề nghị ở gần Chiang Khong trên bờ sông Mekong, biên giới thiên nhiên giữa Thái Lan và Lào.  Đây là một khu kỹ nghệ, được nhà nước hỗ trợ qua việc giảm thuế, nhằm mục đích thu hút đầu tư ngoại quốc và phát triển xuất cảng.

Nếu được xây, nó sẽ phá hủy một vùng đất ngập nước không chỉ là tài nguyên sinh thái và bồn hút carbon (carbon sink) mà còn là nguồn cá thiết yếu của cư dân địa phương chống lại dự án (họ đã bắt được ít nhất 87 loại cá khác nhau, trong đó có 8 loại có nguy cơ tuyệt chủng), tre, và dược thảo.  Họ nói rằng chánh phủ và các nhà đầu tư chưa tham vấn với cộng đồng hay đánh giá ảnh hưởng môi trường.

Ở Lào và Cambodia, SEZs được xem như lãnh thổ của Trung Hoa, đầy sòng bài và quán rượu.  SEZ gây tranh cãi nhiều nhất là Đặc khu Kinh tế Tam giác Vàng trên bờ sông Mekong ở Lào, nơi có một sòng bài rất to của Trung Hoa.  Tổ chức NGO về Buôn lậu Môi trường (Environmental NGO Traffic) gọi nó là “Căn cứ của việc buôn bán thú hoang bất hợp pháp (Ground Zero in illegal wildlife trade)”, nơi tê giác, chim mỏ sừng, trâu Ấn Độ, báo, rùa, và sơn dương được bày bán công khai.


Bên trong sòng bài Kings Romans ở Đặc khu Kinh tế Tam giác Vàng.

Các nhà đầu tư Trung Hoa cũng rất chú ý đến việc phát triển thủy vận cho mậu dịch.  Các kế hoạch của Trung Hoa, được chánh phủ Thái Lan chấp thuận, gồm có việc phá đá, cù lao nhỏ, và ghềnh thác ở Thái Lan và Lào để các tàu lớn có thể lui tới tỉnh Vân Nam ở tây nam Trung Hoa.

Nhưng phát triển quá nhanh về kỹ nghệ, thủy điện và thủy vận đem lại những nguy cơ rất cao, với tiềm năng hủy hoại xã hội, môi trường và an ninh lương thực.  Nếu không chú ý nhiều hơn đến môi trường và xã hội, thanh danh của LMC và các dự án liên hệ cũng như tương lai của sông Mekong và cư dân trong vùng sẽ lâm nguy.

Đây là bài đầu tiên của loạt bài về ảnh hưởng của Trung Hoa trong khu vực Mekong.

Sam Geall là Giám đốc Điều hành của chinadialogue, Hội viên của Chatham House, và Giáo sư tại Đại học Sussex.  Ông hiệu đính quyển Trung Hoa và Môi trường: Cuộc cách mạng Xanh (China and the Environment: The Green Revolution) (Zed Books, 2013).


No comments:

Post a Comment