Nguyễn Minh Quang
30 tháng 1 năm 2019
PHẦN DẪN NHẬP
Ngày 28 tháng 1 năm 2016, ông Dewayne Johnson 46 tuổi – cư
dân của thành phố Vallejo và nguyên là người làm vườn cho Học khu Benicia (Benicia
Unified School District) ở vùng Vịnh San Francisco, California – đã nhờ văn
phòng luật sư Miller Firm
và Baum,
Hedlund, Aristei & Goldman.đâm đơn đến
Tòa Thượng thẩm California, Quận hạt San Francisco để kiện công ty Mansanto
(sản xuất), công ty Wilbur-Ellis và Wilbur-Ellis Feed (phân phối) và ông Steven
Gould (nhân viên của Monsanto) và yêu cầu được xét xử bởi bồi thẩm đoàn
[1]. Trong đơn kiện, ông Johnson cáo
buộc Monsanto và các công ty khác đã sản xuất và phân phối Roundup, một loại
thuốc diệt cỏ dại, mà không thông báo cho người tiêu dùng biết ảnh hưởng tai
hại của nó; khiến cho ông mắc bệnh ung thư bạch cầu non-Hodgkin (non-Hodgkin lymphoma
(NHL)) vì đã trực tiếp sử dụng Roundup trong thời gian làm việc ở Học khu
Benicia từ năm 2012 đến 2014.
Vào tháng 8 năm 2018, bồi thẩm đoàn, sau 2½ ngày nghị án, đã
đi đến kết luận rằng Monsanto đã không thông báo hay bảo vệ người tiêu dùng,
mặc dù họ biết Roundup có chứa hóa chất glyphosate gây ung thư [2]; và ra lệnh
Monsanto phải trả cho ông Johnson $289 triệu, gồm có $39 triệu tiền bồi thường
(compensotary damages) và $250 triệu tiền phạt vạ (punitive damanges). Monsanto yêu cầu được xử lại; Chánh án
Suzanne Bolanos đồng ý với kết luận của bồi thẩm đoàn nhưng cho rằng tiền phạt
vạ quá cao và cho ông Johnson chọn lựa: chấp nhận tiền phạt vạ $39 triệu bằng
với tiền bồi thường (tổng cộng là $78 triệu) hay yêu cầu một phiên xử mới cho
số tiền phạt vạ. Số tiền bồi thường vẫn
là $39 triệu [3].
Bài viết nầy nhằm mục đích tìm hiểu về thuốc diệt cỏ dại Roundup
và hóa chất glyphosate, ảnh hưởng đối với sức khỏe con người và so sánh với thuốc
khai quang màu da cam, một loại thuốc diệt cỏ thông dụng được dùng để khai
quang rừng rậm trong cuộc chiến Việt Nam vào thập niên 1960s và đầu thập niên
1970s.
ROUNDUP LÀ GÌ?
Roundup là tên thương mại của một loại thuốc diệt cỏ dại, do
công ty Monsanto của Hoa Kỳ sản xuất và đưa ra thị trường vào năm 1973. Thành phần của Roundup gồm có glyphosate (N-(phosphonomethyl)glycine) là nguyên liệu hoạt tính (active
ingredient) và polyethoxylated tallow amine, một loại mỡ
động vật, là chất hòa tan (surfactant).
Roundup giết cỏ dại bằng cách ngăn chận chất đạm cần thiết cho sự tăng
trưởng của cây cỏ.
Roundup được sử dụng rộng rãi ở Hoa Kỳ và trên 160 quốc gia
trên thế giới. Nó được dùng nhiều nhất
cho bắp, đậu nành, và bông vải được lai giống để đề kháng hóa chất; nhưng kể từ
năm 2012, glyphosate được sử dụng ở California cho các hoa màu khác như hạnh
nhân, đào, dưa vàng (cantaloupe), củ hành, anh đào, bắp và cam chanh [4]. Vào năm 2007, glyphosate là thuốc diệt cỏ
được dùng nhiều nhất trong nông nghiệp ở Hoa Kỳ và đứng hàng thứ hai (sau
2,4-D) trong lãnh vực tư nhân, chánh phủ, kỹ nghệ và thương mại. Từ cuối thập niên 1970s đến năm 2016, tần
suất và số lượng thuốc diệt cỏ gốc glyphosate (glyphosate-based herbicides)
được sử dụng trên thế giới đã tăng gấp 100 lần, và có thể tăng thêm trong tương
lai, một phần vì sự lan rộng của loại cỏ dại kháng chất glyphosate [5].
ẢNH HƯỞNG ĐỐI VỚI SỨC
KHỎE CON NGƯỜI
Tính độc hại của glyphosate qua đường miệng thì thấp, nhưng
cũng có thể gây chết người ở liều lượng đậm đặc và cao. Theo Cơ quan Hóa chất Châu Âu (European
Chemicals Agency), không có đủ dữ kiện để kết luận rằng glyphosate ăn mòn hay
gây rát da. Sương phun (spray mist) có
thể gây khó chịu cho mũi và miệng, có vị đắng miệng, và làm nhột hay ngứa cuống
họng [5].
Có rất ít bằng chứng cho thấy nguy cơ bị ung thư sẽ gia tăng do
tiếp xúc với một số lượng lớn glyphosate trong nghề nghiệp, thí dụ như nông
nghiệp; nhưng không có bằng chứng cho thấy có nguy cơ bị ung thư qua việc sử
dụng ở quanh nhà, thí dụ như làm vườn.
Các tổ chức khoa học và cơ quan kiểm soát thuốc trừ sâu quốc gia đều
đồng ý rằng không có bằng chứng cho thấy việc sử dụng glyphosate gây ung thư
cho con người. Các tổ chức như Tổ chức Y
tế Thế giới (World Health Organization (WHO)) và Tổ chức Lương Nông (Food and
Agricultural Organization (FAO)); các cơ quan như Ủy hội Châu Âu (European
Commssion), Cơ quan Quản trị và Kiểm soát Sâu bệnh Canada (Canada Pest
Management Regulatory Agency), và Viện Lượng định Nguy cơ Liên bang Đức (German
Federal Institute for Risk Assessment) đều kết luận rằng không có bằng chứng
cho thấy glyphosate gây ung thư hay biến đổi di truyền cho con người. Trong năm 2017, Cơ quan Thú Y và Thuốc trừ
sâu Úc (Australian Pesticides and Veterinary Medicines) đánh giá rằng
“glyphosate không có nguy cơ gây ung thư cho con người.” Cơ quan Bảo vệ Môi sinh Hoa Kỳ (U.S.
Environmental Prrotection Agency) xếp glyphosate vào Nhóm E, có nghĩa là “có
bằng chứng không gây ung thư cho con người.” [5]
Chỉ có một tổ chức khoa học quốc tế duy nhất, Cơ quan Nghiên
cứu Ung thư Quốc tế (International Agency for Research on Cancer (IARC)) thuộc
WHO, trong năm 2015, đã xếp hạng glyphosate là “có thể gây ung thư cho con
người,” với chú thích rằng chỉ có “bằng chứng giới hạn” để liên kết glyphosate
với NHL. Các nhà nghiên cứu của IARC đã
xếp hạng glyphosate là chất gây ung thư, mặc dù có rất ít bằng chứng, vì 2 lý
do chánh sau đây:
• Các nghiên cứu trên thú vật – đặc biệt là các nghiên cứu trên
chuột nhắt và chuột cống – cho thấy sự liên kết có thể có giữa glyphosate và
bướu ung thư.
• Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm về ảnh hưởng gây tổn thương
của glyphosate đối với DNA cho thấy “bằng chứng cơ học” rằng thuốc diệt cỏ dại,
quả thật, có thể gây tổn thương DNA trong tế bào của con người khi tiếp xúc với
nó.
Những tổ chức khác đặt nghi vấn đối với sự xếp hạng của IARC
vì nó bỏ qua nhiều nghiên cứu khác. Mặc
dù điều nầy đúng (các khoa học gia của IARC không cứu xét các nghiên cứu do
công ty tư nhân tài trợ, cũng như các nghiên cứu không theo đúng tiêu chuẩn của
họ), IARC chưa thu hồi hay sửa đổi sự xếp hạng của mình [6].
Vào tháng 3 năm 2015, dựa trên kết luận của IARC, Văn phòng
Lượng định Nguy cơ Y tế Môi trường California (California Office of
Environmental Health Hazard Assessment (OEHHA)) thông báo ý định xếp hạng
glyphosate như là một chất gây ung thư.
Monsanto khởi kiện OEHHA và quyền giám đốc Lauren Zeise trong năm 2016
nhưng thua kiện trong tháng 3 năm 2017.
Kết quả, glyphosate “được Tiểu bang California công nhận là chất gây ung
thư.” [5]
THUỐC KHAI QUANG MÀU DA
CAM CỦA THẾ KỶ 21
Trường hợp của thuốc diệt cỏ dại Roundup cũng tương tự như
trường hợp của thuốc khai quang màu da cam – một hỗn hợp 50/50 của 2 loại thuốc
diệt cỏ 2,4,5-trichlorophenoxyacetic acid (2,4,5-T) và
2,4-dichlorophenoxyacetic acid (2,4-D) – được dùng trong chiến tranh Việt Nam
từ năm 1961 đến 1971 “… để làm rụng lá cây trong những khu rừng rậm bị tình
nghi là nơi trú ẩn an toàn của quân đội Giải phóng Miền Nam và quân đội Miền
Bắc hoặc những tàng cây che khuất đường mòn Hồ Chí Minh trên lãnh thổ Lào. Thuốc khai quang cũng được rải dọc theo các
trục lộ giao thông và đường xe lửa, mỗi bên rộng chừng vài trăm thước, để chống
phục kích hoặc rải lên các khu trồng trọt để phá hủy hoa màu của địch.” [7]
Thuốc diệt cỏ dại Roundup và thuốc khai quang màu da cam cùng
được công ty Monsanto sản xuất, mỗi loại có chứa hóa chất bị tình nghi là có
ảnh hưởng tai hại đến sức khỏe con người.
Đó là chất glyphosate trong thuốc diệt cỏ dại Roundup và chất
2,3,7,8-tetrachlorodibenzo-para dioxin (2,3,7,8-TCDD), gọi tắt là dioxin, trong
thuốc khai quang màu da cam. Glyphosate
bị cáo buộc gây NHL còn dioxin bị cáo buộc gây dị thai và gia tăng nguy cơ bị
ung thư. Những cáo buộc nầy dựa vào kết
quả thử nghiệm trên loài chuột, chứ không phải dựa trên bằng chứng khoa học
chứng minh các chất nầy gây ra bệnh tật cho con người.
Cả Roundup và thuốc khai quang màu da cam đều gây rắc rối cho
công ty Monsanto. Công ty bị ông Dewayne
Johnson kiện ra tòa dựa trên kết quả nghiên cứu trên loài chuột của IARC. Còn thuốc khai quang màu da cam thì bị chánh
phủ cấm sử dụng ngay lập tức trên toàn lãnh thổ Hoa Kỳ, kể từ ngày 15 tháng 4
năm 1970, khi kết quả của một cuộc nghiên cứu cho thấy dioxin có thể gây dị
thai cho loài chuột ở một liều lượng tương đối cao. Việc sử dụng chất khai hoang màu da cam ở
Việt Nam cũng chấm dứt vào ngày 31 tháng 10 năm 1971 [7]. Đến năm 1980, trung sĩ Charles E. Hart - đại
diện cho các cựu quân nhân tham chiến ở Việt Nam được cho là bị tổn thương vì
tiếp xúc với chất da cam – đã đâm đơn kiện tập thể (class action) đến tòa án ở
Pennsylvania để đòi các công ty Dow Chemical, Monsanto và Diamond Shamrock bồi
thường thiệt hại. Các công ty nầy không
thừa nhận sự liên kết giữa chất da cam và bệnh tật của cựu chiến binh; nhưng
dàn xếp bên ngoài tòa án vào ngày 7 tháng 5 năm 1984, chỉ vài tiếng đồng hồ
trước khi tòa chọn bồi thẩm đoàn. Các
công ty đồng ý bồi thường cho các cựu chiến binh $180 triệu nếu họ bãi
nại. Monsanto phải trả trên 45% số tiền
bồi thường nầy [8].
Nghĩ rằng đây là một cách để Hoa Kỳ “bồi thường chiến tranh”
cho Việt Nam, nhà cầm quyền Hà Nội đã thành lập cái gọi là Hội Nạn nhân chất
độc da cam/dioxin (Vietnam Association for Victims of Agent Orange/Dioxin
(VAVA)) - qua Quyết định số 84/2003/QĐ-BNV ngày 17 tháng 12 năm 2003 của Bộ Nội
vụ, và chánh thức hoạt động vào ngày 10 tháng 1 năm 2004 [9] – để nhờ một số
luật sư Mỹ đâm đơn kiện các công ty Dow Chemical, Monsanto, Hercules, Diamond
Shamrock và một số công ty khác đòi bồi thường thiệt hại cho “nạn nhân chất độc
da cam/dioxin” ở một tòa án ở Brooklyn, New York vào ngày 30 tháng 1 năm
2004. Thụ lý vụ kiện là chánh án Jack
Weinstein, người đã thụ lý vụ kiện của cựu chiến binh trong thập niên
1980s. Ngày 10 tháng 3 năm 2005, chánh
án Weinstein bác đơn kiện của VAVA. Luật
sư của nguyên đơn kháng án lên Tòa Kháng án Khu vực 2 ở Manhattan, New York,
nhưng tòa nầy đồng ý với phán quyết của chánh án Weinstein vào ngày 18 tháng 6
năm 2007. Các luật sư của nguyên đơn lại
kháng án lên Tối cao Pháp viện. Vào ngày
2 tháng 3 năm 2009, Tối cao Pháp viện từ chối không tái xét phán quyết của Tòa
Kháng án [8]. Vụ kiện của VAVA chấm dứt,
nhưng không theo như ý muốn của nhà cầm quyền Việt Nam.
PHẦN KẾT LUẬN
Roundup, tên thương mại của một loại thuốc diệt cỏ dại do
công ty Monsanto của Hoa Kỳ sản xuất, là loại thuốc diệt cỏ dại được sử dụng
rộng rãi ở Hoa Kỳ và trên 160 quốc gia trên thế giới. Nó là một sản phẩm quan trọng của Monsanto,
chiếm 10% lợi tức hàng năm của công ty tính đến năm 2009 mặc dù có sự cạnh
tranh của các nhà sản xuất Trung Hoa và các loại thuốc diệt cỏ gốc glyphosate
khác [4].
Cùng với sự thành công đó, Roundup cũng mang lại cho Monsanto
nhiều rắc rối về luật pháp, giống như thuốc khai quang màu da cam đã từng gây
rắc rối cho công ty trong các thập niên 1970s và 1980s. Nếu chất dioxin trong thuốc khai quang màu da
cam bị cáo buộc là gây dị thai và ung thư cho con người vì nó gây dị thai cho
loài chuột; thì chất glyphosate trong thuốc diệt cỏ Roundup cũng bị cáo buộc là
gây ung thư bạch cầu cho con người vì nó có thể gây ung thư cho loài chuột. Công ty Monsanto và các công ty sản xuất
thuốc khai quang màu da cam khác đã bị các cựu chiến binh tham chiến ở Việt Nam
kiện ra tòa, nhưng vụ kiện được dàn xếp và Monsanto phải gánh chịu trên 45% của
số tiền bồi thường $180 triệu. Năm 2016,
công ty Monsanto bị ông Dewayne Johnson, một người làm vườn cho Học khu Benicia
ở vùng Vịnh San Francisco, kiện ra tòa với cáo buộc là chất glyphosate đã gây
cho ông bệnh ung thư bạch cầu. Bồi thẩm
đoàn quyết định bồi thường cho ông $289 triệu, nhưng chánh án giảm xuống còn
$78 triệu. Có lẽ Monsanto sẽ tiếp tục
kháng án.
Do đó, có thể nói Roundup là thuốc khai quang màu da cam của
thế kỷ 21.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Superior
Court of California/County of San Francisco. January 28, 2016. Dewayne Johnson vs. Monsanto Company Et
Al. Case Number: CGC-16-550128. San
Francisco Superior Court. San Francisco,
California. https://imgquery.sftc.org/Sha1_newApp/ViewPDF.aspx
[2] Laurence
P. Banville. Accessed January 20, 2019. “Latest Roundup Updates.” Product
Lawyers. https://theproductlawyers.com/roundup/
[3] Richard
G. “Bugs” Stevens. October 26, 2018. “Roundup weed killer lawsuit hits a snag,
but Monsanto is not off the hook.” The Conversation. http://theconversation.com/roundup-weed-killer-lawsuit-hits-a-snag-but-monsanto-is-not-off-the-hook-105559
[4] Wikipedia. Accessed January 25, 2019. “Roundup
(herbicide).” https://en.wikipedia.org/wiki/Roundup_%28herbicide%29
[5] Wikipedia. Accessed January 25, 2019. “Glyphosate.” https://en.wikipedia.org/wiki/Glyphosate
[6] Curtis
Weyant. April 12, 2018. “Is Roundup
Dangerous? Can Weed Killer Causes Cancer?”
Consumer Safety. https://www.consumersafety.org/news/roundup-cancer-lawsuits-proceed/
[7] Nguyễn
Minh Quang. Tháng 10 năm 2001. “Việc Sử dụng thuốc khai quang trong cuộc chiến
Việt Nam.” đi tới. Số 50 Bộ mới. Montreal,
Canada.
[8] Wikipedia. Accessed January 28, 2019. “Agent Orange.” https://en.wikipedia.org/wiki/Agent_Orange
[9] Hội
Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.
Truy cập ngày 28 tháng 1 năm 2019. “Về chúng tôi.” http://vava.org.vn/gioi-thieu/ve-chung-toi.html
No comments:
Post a Comment