Thursday, February 28, 2019

Lâm Văn Bé: Việt Nam không hề đánh chiếm Thủy Chân Lạp.



Việt Nam và Cao Miên là hai lân bang luôn thù nghịch nhau. Từ 10 thế kỷ qua, ngay khi Cao Miên còn suy yếu phải thần phục Việt Nam, Cao Miên vẫn tìm cách gây hấn với Việt Nam. Thí dụ như trong 183 năm trị vì dưới triều đại nhà Lý (1012-1195), Chân Lạp đã cử các sứ bộ đến kinh đô Thăng Long của Đại Việt để triều cống đến 24 lần, nhưng giữa các lần triều cống ấy, Chân Lạp lại đem quân, hoặc đơn phương, hoặc liên kết với Chiêm Thành đánh phá đến 9 lần châu Nghệ An, vùng biên viễn của Đại Việt. (Nguyễn Tiến Dũng. Về quan hệ của Đại Việt và Chân Lạp – Nghiên cứu lịch sử số 11 (2010), tr.39).
Trong thời chiến tranh giữa Miền Nam với Cộng Sản Miền Bắc (1960-1975), Cao Miên đã cho Cộng sản thiết lập căn cứ trên đất Miên, sử dụng hải cảng Sihanoukville và các phi trường để chuyển vận người và tiếp tế hậu cần cho đoàn quân xâm lược (với điều kiện «tặng» cho Miên 1 lô hàng trong số 10 lô ).



Sở dĩ Cao Miên khiêu khích và hiếu chiến với Việt Nam như vậy vì Cao Miên mang nặng tâm thức là Việt Nam đã chiếm đất Thủy Chân Lạp để thành lập đất Nam Kỳ. Giới lãnh đạo Cao Miên, từ hoàng tộc đến giới trí thức theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan luôn dùng mọi mưu chước để khích động lòng căm thù của người dân Miên dùng bạo lực để đánh phá Việt Nam, giết hại kiều dân Việt Nam trên đất Miên và gần đây nhóm Khmer Krom đòi Việt Nam phải trả lại lãnh thổ Nam Kỳ, vu cáo Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế. 
Bài viết  căn cứ vào các sử liệu và luận cứ về công pháp quốc tế cũng như các thỏa ước biên giới đã ký kết để chứng minh là người Việt không hề đánh chiếm Cao Miên, và sự hình thành đất Nam Kỳ là do sự cộng cư của những thổ dân bản địa, những người dân Việt miền Thuận Quảng xuôi Nam, và những người Minh Hương, tất cả đã cùng đồng lao cộng khổ đến khai phá một vùng đất hoang vu vô chủ.

Phù Nam: tiền đề của  Thủy Chân Lạp
Tưởng cũng cần nhắc lại, theo truyền thuyết và cổ sử Trung Quốc và được chép lại trong sử Việt, vùng đất hoang vu nầy, từ đầu công nguyên đến thế kỷ thứ 7 thuộc về Vương Quốc Phù Nam, bao gồm một vùng đất bao la trải dài từ trung Lào qua Nam Thái Lan đến bán đảo Mã Lai về phía Tây, và về phía Đông chạy dọc theo theo bờ biển từ phía Nam Champa đến Hà Tiên. (Wikipedia)
Vương quốc nầy gồm những dân cư hải đảo như Mélanésien, Indonésien, Môn, theo văn minh Ấn Độ. Di tích còn tìm thấy được của nền văn minh Phù Nam, thường gọi là văn hóa Óc Eo đã được Louis Malleret, thuộc Trường Viễn Đông Bác Cổ (École française d’Extrême-Orient, viết tắt là EFEO) khám phá ra năm 1944 ở Óc Eo gần  núi Ba Thê nay thuộc tỉnh An Giang.

                                                                 Nguồn: Internet                                                                                    
Vì nhiều lý do phức tạp và không xác định rõ rệt (không là đề tài của bài viết vì giới hạn trang giấy) có một cuộc nổi dậy của một sắc tộc tên là Kambuja ( nghĩa là những đứa con của Kambu, tên của thủ lãnh, sau nầy được người Pháp đổi lại là Cambodge, Chenla) từ miền Korat (Bắc Cao Miên và Hạ Lào bây giờ) tràn xuống vùng Biển Hồ, đánh đuổi người Môn và lập nên vương quốc Chân Lạp vào thế kỷ thứ 7. 

Vương quốc Phù Nam bị tan rã sau năm 627, những tiểu quốc trong Phù Nam cũ lần lượt thành lập những quốc gia mới, những người Môn chạy sang sinh sống ở vùng sông Ménam (Thái Lan), Miến Điện, một số ít chạy sang vùng  Đồng Nai và cao nguyên Trung Phần (người Stieng, người Mạ bây giờ).

Vương quốc Chân Lạp mới nầy đóng đô ở Anglor và phát triển quyền lực ở vùng Biển Hồ mà cao điểm là xây dựng các đền đài Anglor (vùng Siemreap) vào thế kỷ 12-13. Anglor Wat là đền đài lớn nhứt được xây từ 1112 đến 1152. Đến thế kỷ 13, Anglor bao gồm một diện tích độ 100 km2 và là một trong những thành phố lớn nhứt thế giới thời ấy.

Năm 1431, Xiêm tàn phá Anglor, vương triều phải dời đô về Phnom Penh (1439). Đến thế kỷ 16 kinh đô lại dời về Oudong (hiện nay là một huyện của tỉnh Kompong Speu, cách Phnom Penh 30 km) rồi mới trở lại Phnom Penh từ 1866 dưới thời Norodom đệ nhứt.
Anglor từ đó đã bị bao phủ trong rừng sâu cho đến năm 1851 mới được Henri Mouhot, một nhà côn trùng học người Pháp vô tình tìm thấy nhân khi đi nghiên cứu côn trùng và chỉ bắt đầu  được trùng tu lại từ 1880. (Encyclopédie Encarta 2001. Paris: Microsoft, 2001, article sur le Cambodge). 

Nhưng nội bộ các vương tộc Chân Lạp, từ lúc thành lập, luôn luôn tranh chấp nhau, chia cắt đất nước thành nhiều lãnh địa (như vào thế kỷ thứ 8 có đến 5 lãnh địa). Họ rất hiếu sát và hay trả thù, trong 3 lần dời kinh đô từ Anglor, qua Oudong rồi Phnom Penh hay mỗi lần thay đổi triều đại, dân Miên tàn phá hết di tích và tàn sát phe đối nghịch. Nội chiến đã làm quốc gia suy yếu, Chân Lạp thường bị Xiêm (đến 1939 mới đổi là Thái Lan) nhiều lần đánh chiếm đất đai hay phải cắt đất dâng cho Xiêm mỗi khi có một ông hoàng Miên sang Xiêm cầu cứu.

Cuộc Nam Tiến dưới thời chúa Nguyễn:

Cuộc Nam Tiến của dân Việt Nam đã bắt đầu trong bối cảnh nội chiến nầy của xứ Chân Lạp và cuộc nội chiến Trịnh Nguyễn của Việt Nam.
- Năm 1620, vua Chey Chetta II đến Thuận Hóa xin cầu hôn với công chúa Ngọc Vạn (khi trở thành hoàng hậu có tên là Ang Cuv hay Sam Đát), con của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên. Cuộc hôn nhân nầy chẳng qua là một dịp đi tìm đồng minh của vua Chân Lạp, cầu viện chúa Nguyễn để đánh lại Xiêm lúc nào cũng đe dọa Chân Lạp. Chúa Nguyễn cũng lợi dụng việc gả con gái để đưa quan quân lên Chân Lạp và mang về những tiếp liệu cần thiết (lúa gạo, trâu bò, voi) để đánh chúa Trịnh và đưa người Việt đi vào lập nghiệp ở vùng đất Phù Nam cũ ở hạ lưu sông Mekong.

Tuy trên danh nghĩa là đất Chân Lạp, nhưng trong thực tế là đất vô chủ bởi lẽ từ 10 thế kỷ, vì sự suy yếu nội bộ, vì chiến tranh liên tiếp với Xiêm, vùng đất nầy hoàn toàn hoang vu không có guồng máy cai trị của Chân Lạp.

- Năm 1623, niên kỷ đầu tiên đánh dấu cuộc Nam Tiến, chúa Sãi cho đặt hai trạm thu thuế ở Prei Nokor (Saigon, nay ở khoảng Quận 5) và Kas Krobei (Bến Nghé, nay ở khoảng quận 1)  (theo Địa chí văn hóa TPHCM, tr. 475). Sự kiện chúa Nguyễn cho đặt hai trạm thu thuế cho phép ta suy luận rằng trước đó, lưu dân người Việt đã đến khẩn hoang lập làng ở vùng đất vô chủ nầy rồi, và trạm thuế của chúa Nguyễn chỉ là chánh sách  « dân làng đi trước nhà nước theo sau ». Trịnh hoài Đức cũng xác nhận trong Gia Định Thành Thống Chí : «Dân Nam vô Mô Xoài từ các Tiên hoàng đế tức Nguyễn Hoàng (1558-1613), Nguyễn Phước Nguyên (1613-1625)».
Như vậy, Mô Xoài (tức Bà Rịa bây giờ) là địa điểm đầu tiên có người Việt đến quần cư.
Từ đó, chúa Nguyễn khuyến khích dân Thuận Quảng và đưa tù binh bắt được trong cuộc chiến tranh với chúa Trịnh vào Nam khẩn hoang lập ấp ở vùng đất mới.
- Sau những đợt di dân tự nguyện và cưỡng bách của người Việt, vào giữa thế kỷ 17, có hai đợt di dân của người Trung hoa đến.

Năm 1679, khoảng 3000 binh sĩ trung thành với nhà Minh đi trên 50 chiến thuyền đến xin chúa Nguyễn cho lập nghiệp. Chúa Nguyễn Phúc Tần chia ra hai nhóm, một nhóm do Trần Thượng Xuyên chỉ huy đến khai phá vùng Cù Lao Phố (Biên Hòa), một nhóm do Dương Ngạn Địch chỉ huy xuống Mỹ Tho và Cao Lãnh.

Trong cuộc cộng cư nầy, những cuộc hôn nhân giữa người Minh với người Việt đã tạo thành cộng đồng người Minh hương. Năm 1710, theo giáo sĩ Labbé, số người Việt và Minh Hương lên đến 20 000 người, phần lớn tập trung trong vùng Đồng Nai và Tiền Giang.

Năm 1671, một nhóm di dân khác cũng người Minh do Mạc Cửu chỉ huy đổ bộ lên đảo Koh Tral (Pháp âm từ tiếng Miên là Koh Sral = tiếng Việt là Phú Quốc) rồi dùng đường bộ lên Kampot, đến Oudong xin thần phục vua Miên. Mạc Cữu được vua Miên cho phép khai thác một vùng đất rộng lớn trong vịnh Xiêm La, gọi là Căn Khẩu, mở sòng bạc, buôn bán với các ghe tàu qua lại, thu hút lưu dân Trung Hoa từ khắp nơi tới, có một thế lực rất lớn trong vùng. Bị vua Xiêm đánh phá, Mạc Cữu được chúa Nguyễn cứu trợ, nên sau khi dẹp được quân Xiêm, Mạc Cửu xin sát nhập tất cả đất đai đã khai khẩn về chúa Nguyễn năm 1724. Chúa Nguyễn đổi tên Căn Khẩu thành dinh Long Hồ, sau nầy là Hà Tiên.

Vua Miên  vẫn tiếp tục cầu cứu với chúa Nguyễn mỗi khi có cuộc xâm lăng của Lào hay Xiêm, hay giải quyết những tranh chấp trong hoàng tộc, và để trả ơn, một vùng đất rộng lớn từ Hà Tiên, Châu Đốc qua đến lãnh thổ Cao Miên hiện nay như Kompong Som, Kampot... lần lượt  được các vua Miên dâng tặng cho chúa Nguyễn
- Năm 1732, vua Preh Satha II dâng đất Meso (Mỹ Tho) và Longhor (Long Hồ) 
- Năm 1757, vua Pheh Bat Ria dâng đất Phsar Dec (Sa Đéc) và 2 huyện Tầm Bôn, Lôi Lạp thuộc tỉnh Long Hồ (Vĩnh Long) cùng tỉnh Moat Chruc (Châu Đốc)
- Năm 1758, vua Ông Tôn, dâng đất Prac-Pra-Bang (Tràvinh), Kleng (Sốc Trăng)…

Như vậy, đến năm 1758, cuộc Nam Tiến xem như chấm dứt. 
Lãnh thổ Việt Nam đã mở rộng từ vùng Đồng Nai đến Hà Tiên.


Việt Nam không hề đánh chiếm Thủy Chân Lạp:

Trong việc mở mang đất Nam Kỳ, một vấn đề cần được minh xác.

Vì thiên kiến của một số người Miên quá khích phần lớn thuộc thuộc hoàng tộc, vì quyền lợi của thực dân Pháp chia rẻ Việt Miên Lào trong chánh sách chia để trị, và vì óc tự hào quá đáng của một số người Việt, một thiên kiến thường được lưu truyền theo đó  đất Nam Kỳ là đất Thủy Chân Lạp khi xưa đã bị Việt Nam  thôn tính.


Lập luận nầy sai vì những lý do sau đây:

- Lúc ban đầu, cuộc Nam Tiến là một cuộc cộng cư giữa người Việt, người Tàu và người bản địa (Miên, Môn, Chàm) để khẩn hoang một vùng đất vô chủ.

- Sau đó, đến thế kỷ 18, những đất đai vùng châu thổ Cửu Long và vùng ven vịnh Xiêm La mà vua chúa Chân Lạp lần lượt dâng tặng, hoặc trực tiếp cho chúa Nguyễn, hoặc gián tiếp qua tay dòng họ Mạc là những  cống vật để tạ ơn sự giúp đỡ quân sự cho Chân Lạp để bảo vệ đất Chân Lạp, chống đỡ lại sự uy hiếp thường xuyên của Xiêm La. Đối với triều đình Việt Nam, đó là những cử chỉ thần phục của Miên, bởi lẽ những đất đai mà vua Miên dâng tặng cho chúa Nguyễn không hẳn thuộc vua Miên, vì từ sau khi Phù Nam tan rã, vùng đất nầy chẳng bao giờ được Miên kiểm soát hay đặt bộ máy cầm quyền.


Nếu dựa vào các nguyên tắc về công pháp quốc tế ngày nay cũng như theo quan niệm vương quyền thời quân chủ ngày xưa, vùng đất hoang vu thường được gọi là Thủy Chân Lạp trước khi chúa Nguyễn đưa dân Thuận Quảng vào lập nghiệp không thể xem là đất của Chân Lạp. 


Ngày nay, để được gọi là quốc gia, cần có ba yếu tố: lãnh thổ, dân tộc, và chánh quyền, cũng như ngày xưa, khi uy quyền của vua lan rộng đến đâu thì lãnh thổ nới rộng đến đó. Thần dân tùy thuộc một triều đại chớ không tùy thuộc một lãnh thổ. Nơi nào dân không nộp thuế khóa, không triều cống phẩm vật, nơi đó xem như đất vô chủ.

Chân Lạp không phải là Phù Nam:

Tất cả luận cứ như trên dựa vào tiền đề Chân Lạp là thừa kế toàn bộ lãnh thổ  của Phù Nam nếu căn cứ vào truyền thuyết thần thoại và cổ sử Trung Quốc mà Việt Nam sao chép lại (xem Lưong Ninh. Vương Quốc Phù Nam : lịch sử và văn hóa.- Hà Nội : Nhà XB Văn hóa, 2005)
Tuy nhiên, từ sau khi khám phá di tích Óc Eo năm 1944 bởi Louis Malleret cũng như nhiều khai quật cổ vật sau năm 1975 thực hiện bởi chánh phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, các nhà nghiên cứu Pháp tại trường Viễn Đông Bác Cổ cũng như các chuyên viên khảo cổ, văn minh học Việt Nam và thế giới đã hoài nghi hay bác bỏ luận thuyết cho là nước Chân Lạp là thừa kế nước Phù Nam cũ vì những lý do sau đây:

1.     Về địa vực
Nước Chân Lạp trải dài từ cao nguyên Korat, dọc lưu vực sông Chi, sông Mun, theo dãy Dangrek về phía đông đến vùng cao nguyên Champassak của Lào. Như vậy, lãnh thổ của Chân Lạp chỉ ở vùng trung lưu sông Mê Kông, khu vực gần Biển Hồ trong khi nước Phù Nam cũ còn kéo dài xuống Nam Bộ đến Vịnh Thái Lan.

2.     Về văn hoá Phù Nam
Những cuộc khai quật  ở Óc Eo, Núi Sam, Lò Mo (An Giang); Nền Chùa, Cạnh Đền, Mốp Văn (Kiên Giang); Gò Tháp (Đồng Tháp) vvv…  đã tìm thấy khoảng 20 000 di vật gồm đủ các loại : rìu đá, đồ gốm, các tượng bằng gỗ, đá hay đồng; những hột lúa cổ; di cốt người, động vật; ngoải ra còn tìm thấy những dấu vết kiến trúc cổ, mộ táng cổ, đặc biệt các đồng tiền La Mã có hình hoàng đế Antonious Pious và hoàng đế Marcus Aurelus, các đồng tiền hình vua Ba Tư, đồ trang sức bằng thủy tinh, đá quý…Tất cả các cổ vật nầy chứng tỏ văn hóa Óc Eo có một nền kinh tế rất phát triển, có quan hệ thương mại và văn hóa với vùng Đông Nam Á, Trung Quốc, Ấn Độ, Ba Tư và vùng Địa Trung Hải. 

Điều nầy chứng minh Phù Nam là một quốc gia có truyền thống hàng hải và thương nghiệp trong khi Chân Lạp chỉ phát triển ở vùng Biển Hồ lấy nông nghiệp làm chính yếu. Ngoài ra, về nhân chủng và tôn giáo, người Phù Nam là người  gốc Nam đảo (Austronesian) và theo Ấn giáo (Hindu) trong khi người Chân Lạp là người gốc Nam Á (Austroasiatic) và theo Phật giáo.

3.     Về sinh hoạt và quần cư của người Miên ở vùng Thủy Chân Lạp sau thời kỳ Phù Nam tan rã (sau thế kỷ thứ 7) 
Các sách sử Việt Nam, ngay cho sử Miên trong Chroniques royales du Cambodge không hề nhắc đến. Chỉ có sứ thần nhà Nguyên tên Chu Đạt Quan đến viếng Vương quốc Angkor - Khmer  trong 3 năm (1295-1297), và trong hồi ký « Chân Lạp phong thổ ký » đoạn mô tả vùng hạ lưu sông Mékong, ông viết như sau : « Sau khi qua khỏi biên giới ở Chân Bồ (Chen Pu, tức Vũng Tàu hay Bà Rịa) ta thấy mọi nơi um tùm các cây đan chen nhau trong khu rừng thấp, những cửa sông rộng lớn của con sông (tức Mékong) chạy dài hàng trăm lí (1 lí = 77 m), bóng mát um tùm của những gốc cổ thụ và cây mây leo quanh dài tạo thành nhiều chỗ trú ẩn xum xê. Tiếng chim hót và tiếng thú vật kêu vang liên tục khắp nơi. Ở khoảng nửa đường trong chuyến đi vào từ cửa sông, thình lình  ta mới thấy vùng đất mở ra với những  cánh đồng hoang, không thấy có một gốc cây nào... Hàng trăm, hàng ngàn trâu rừng tụ họp đầy bầy ăn cỏ trong vùng nầy…

Có hai loại người thổ dân ở rải rác: loại đầu là những người hiểu ngôn ngữ của xứ Chân Lạp, loại hai là những người sống hoang dã từ chối nền văn minh và không hiểu ngôn ngữ xứ sở Chân Lạp. Họ không có nhà cửa, dẫn gia đình đi lang thang đội các bình thực phẩm bằng đất sét trên đầu…» (Lê Hương. Chân Lạp phong thổ ký- Saigon, 1973 tr. 60, 80; dịch từ Chou Ta-Quan. Notes on  The Customs of Cambodia).

Những thổ dân mà Chu Đạt Quan mô tả là những người Chân Lạp trốn chạy các cuộc ruồng bắt  nô lệ trong thời kỳ xây đền Anglor, còn người sống hoang dã là người Phù Nam cổ còn sống sót ở lại. Sau khi người Việt, người Minh Hương đến khai khẩn lập làng xóm vào đầu thế kỷ 17, một số người Miên chạy trốn những cuộc nôi chiến ở vương triều và sát hại của quân Xiêm, họ theo sông Mékong và sông Vàm Cỏ đến vùng hạ lưu Mékong để sinh sống. Người Miên sinh hoạt theo lối da beo, tập trung trên các giồng đất cao để trồng lúa rẫy, tránh xa người Việt và người Minh Hương ở vùng đồng bằng trồng lúa nước. Đó là lý do giải thích sự có mặt của người Miên tại những vùng đất kém phì nhiêu, xa trục giao thông tại Nam Kỳ như Trà Vinh, Sốc Trăng, Bạc Liêu hay vùng biên giới như Châu Đốc, Tây Ninh.

Tranh chấp ranh giới

Sau khi Pháp chiếm Cao Miên biến thành xứ bảo hộ (1863) và Nam Kỳ thành xứ thuộc địa (1867), Pháp xúc tiến việc ấn định đường ranh giới Miên Việt nhằm bảo vệ quyền lợi của Pháp tại 3 quốc gia trong Liên Bang Đông Dương (Việt, Miên, Lào) để ngăn chận sự xâm nhập của Xiêm do nước Anh chỉ huy từ xa.

Việc thành lập đường biên giới Việt-Miên bắt đầu bởi một Thỏa ước sơ khởi (1870) và Thỏa ước thực thụ ký ngày 15-7-1873 giữa vua Miên Norodom I (trị vì 1860-1904) và Thống đốc Nam Kỳ Dupré.
« …Biên giới giữa xứ Nam kỳ thuộc Pháp và Vương quốc Cao Miên sẽ được đánh dấu bằng các cột mốc, có đánh số ghi chú công dụng của cột. Tổng số cột mốc là 124. Cột số 1 sẽ được đặt ở điểm cực Đông của đường biên giới và các cột kế tiếp sẽ tiến dần về hướng Tây theo thứ tự  của các con số đến 124. Điểm bắt đầu là cột số 1 đặt trên bờ con sông nhỏ Tonle-Tru, hướng chung của đường biên giới là đi về hướng Tây-Nam và đi ngang qua các làng Sroc-Tun….»
« Arrangement conclu entre Sa Majesté le roi du Cambodge et le Contre-Amiral Gouverneur et Commandant en Chef en Cochinchine déterminant définitivement la frontière entre le royaume du Cambodge et la Cochinchine française…
…La frontière entre la Cochinchine française et le royaume du Cambodge sera marquée par des poteaux numérotés et portant une inscription indiquant leur objet. Le numéro 1 sera placé à l’extrémité Est de la frontière et la gradation sera continuée vers l’Ouest dans l’ordre naturel des chiffres jusqu’au poteau 124. Le point de départ est la le poteau no.1  planté sur le bord de la petite rivière de Tonle-Tru, la direction générale de la frontière est ensuite le Sud-Ouest et passée par les villages de Sroc-Tun…»
(Source : Bibliothèque nationale de France. Bulletin officiel de l’Annam et du Tonkin, 1873.-  p.435 (https://gallica.bnf.fr/ark:/12148/bpt6k1261881t/f3. item).

Thỏa ước năm 1873 nầy sau đó được sửa đổi, điều chỉnh bởi nhiều nghị định của Toàn Quyền Đông Dương năm 1898, 1899,1914, 1935, 1936.
Đường biên giới nầy, từ khi hình thành đến nay đã gặp nhiều tranh cãi, tranh chấp của Cao Miên về vấn đề chủ quyền của Việt Nam trên vùng đất Nam Kỳ. Trước hết phải khẳng định rằng luật pháp quốc gia (Việt, Miên) và quốc tế đã thừa nhận đất Nam Kỳ đã là lãnh thổ của Việt Nam, nhưng thỉnh thoảng chính quyền Cao Miên vẫn đặt lại vấn đề đòi lãnh thổ và phủ nhận cơ sở pháp lý các thỏa ước biên giới ký kết trong thời thuộc địa. 

Năm 1959, đại diện Cao Miên tại Liên Hiệp Quốc đã cho lưu hành một tài liệu tựa là : «Nam Kỳ, lãnh thổ của người Khmer » trong đó Cao Miên  nêu lên « không có  bất cứ một vùng lãnh thổ  Nam Kỳ nào là phần thưởng được trao cho người Annam bởi một quyết định mang tính quốc gia tối cao, cũng như không có cộng đồng quốc gia, hội quốc liên, hoặc một tổ chức pháp lý quốc tế nào thực hiện hành động như vậy». (Nguyễn Sĩ Tuấn. Các hiệp định biên giới VN-Campuchia).

Rõ ràng là Cao Miên ăn ngược nói ngạo, nhưng chính phủ Pháp, quốc gia đại diện cho Triều đình Huế đã phản bác luận điệu gian trá nầy với những dẫn chứng như sau (tóm tắt)
  • Cao Miên đã mặc nhiên công nhận chủ quyền của VN trên đất Nam Kỳ khi ký kết các hiệp ước song phương và đa phương
  • Hiệp ước Việt – Xiêm - Cao Miên (1845)
Tháng 12-1845, ba quốc gia Việt, Xiêm và Cao Miên  ký một hiệp ước thừa nhận  về mặt pháp lý Nam Kỳ thuộc về Việt Nam.  Sau đó, hiệp ước 1846 giữa Việt và Xiêm, với sự có mặt của Miên tái xác nhận vấn đề nầy. Raoul Marc Jennar, trong luận văn tiến sĩ Les frontières du Cambodge contemporain đã xác định hai văn kiện nầy có giá trị pháp lý quốc tế về chủ quyền của Việt Nam trên đất Nam Kỳ trước khi người Pháp đến xâm chiếm.
  • Hiệp ước Việt – Xiêm (1847)
Năm 1847, hai nước Việt và Xiêm đã ký một hiệp ước với sự chứng kiến của vua Cao Miên là Ang Dương. Đây cũng là một văn bản mang tính pháp lý quốc tế khẳng định vùng đất Nam Kỳ thuộc chủ quyền Việt Nam trước khi Pháp sang xâm chiếm và đô hộ. Nội dung hiệp ước, theo các sử gia thì hiệp ước đã công nhận Ang Dương là vua Cao Miên, nhưng Cao Miên nhận là chư hầu của hai nước Việt và Xiêm; triều đình Huế phong vua Ang Dương làm Cao Miên Quốc vương, trả lại cho Cao Miên các quận chúa và hoàng tộc hay đại thần đã bị đem sang giữ ở Việt Nam và ngược lại, Cao Miên xác nhận các đất Nam Kỳ thuộc về Việt Nam.

·        Hiệp ước Pháp – Tây Ban Nha – Việt Nam
Hiệp ước Pháp -Tây Ban Nha-Việt Nam (ký tại Sài Gòn ngày 5-6-1862 tức là Hòa ước Nhâm Tuất) đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên lãnh thổ Nam Kỳ. Điều 3 của bản hiệp ước quy định “chủ quyền đối với ba tỉnh Biên Hòa, Gia Định và Định Tường cũng như Côn Đảo được chuyển nhượng hoàn toàn cho nước Pháp ».  Điều nầy mặc nhiên thừa nhận vùng đất này vốn là của Việt trước khi bị “chuyển nhượng » vì theo nguyên tắc, chỉ có chủ nhân mới có quyền “chuyển nhượng” cho một đối tượng khác.

  • Luật 49-733 trả Nam Kỳ cho Việt Nam
Ngày 4 tháng 6 năm 1949, tại Toulon (Pháp), Tổng Thống Pháp Vincent Auriol, Thủ tướng Henri Queuille và Bộ Trưởng Lãnh thổ hải ngoại Paul Coste-Floret đã ký luật 49-733 trao trả đất Nam Kỳ lại cho Việt Nam  
Trước khi Pháp chuẩn bị trao trả Nam Kỳ cho Việt Nam, Sihanouk gởi cho Chủ tịch Liên Hiệp Pháp ngày 2 tháng 4, 1969 bức thơ phản đối ranh giới Cao Miên với Nam Kỳ cho là do Pháp qui định dựa theo quyền lợi của Pháp tại Nam Kỳ.
Trước khi Pháp chuẩn bị trao trả Nam Kỳ cho Việt Nam, Sihanouk gởi cho Chủ tịch Liên Hiệp Pháp ngày 2 tháng 4, 1969 bức thơ phản đối ranh giới Cao Miên với Nam Kỳ cho là do Pháp qui định dựa theo quyền lợi của Pháp tại Nam Kỳ.



Ngày 8/6/1949, Chánh phủ Pháp đã bác bỏ yêu cầu nầy của Sihanouk: "Về pháp lý và lịch sử không cho phép Chính phủ Pháp trù tính các cuộc đàm phán song phương với Cao Miên để sửa lại các đường biên giới của Nam Kỳ vì Nam Kỳ đã được An Nam nhượng cho Pháp theo các Hiệp ước năm 1862 và 1874… Chính phủ Pháp cũng khẳng định rằng chính từ triều đình Huế mà Pháp nhận được toàn bộ miền Nam Việt Nam… Về pháp lý, Pháp có đủ cơ sở để thỏa thuận với Hoàng đế Bảo Đại việc sửa đổi quy chế chính trị của Nam Kỳ"

Ngoài ra, chính phủ Pháp còn lưu ý Cao Miên "nên thận trọng về luận thuyết cho rằng miền Tây Nam Kỳ vẫn còn phụ thuộc triều đình Khmer lúc Pháp đến và Hà Tiên đã được đặt dưới quyền của Hoàng đế An Nam từ năm 1715 cũng như kinh nối Hà Tiên với Châu Đốc được đào theo lịnh của các quan An Nam từ nửa thế kỷ trước khi chúng tôi đến…"

(Raoul Marc Jennar. Les frontières du Cambodge contemporain.- Paris : INALCO, 1998. p. 97 (Thèse de doctorat, catalogue Sudoc).

  • Cuộc phản kháng vẫn tiếp tục dai dẳng
Sarin Chhrak, đồng chí quá khích của Sihanouk, trong luận án tiến sĩ Les frontières du Cambodge đã nêu lên một luận thuyết ngang ngược là hai thỏa ước biên giới năm 1870 và 1873 không có giá trị pháp lý vì  vua Cao Miên đã bị chánh quyền bảo hộ Pháp ép ký, và Cao Miên hôm nay đã độc lập có quyền xét lại các thỏa ước nầy. Luận thuyết nầy là một yêu sách mà người Miên thường viện dẫn để đòi đất, đánh phá VN, nhưng các luật gia quốc tế đều bác bỏ chiếu theo nguyên tắc giữ nguyên trạng (Uti posideis). Nếu các quốc gia sau khi độc lập đòi thay đổi biên giới theo ước muốn của mình thì thế giới sẽ hổn loạn.
Cũng dựa vào tài liệu nầy của Chhak, dưới thời VNCH năm 1967, Sihanouk đã vẽ lại bản đồ của Miên, tuyên bố là vùng đất dọc theo biên giới từ tỉnh Darlac xuống đến khu tả ngạn sông Bé, đến Thủ Dầu Một, toàn bộ tỉnh Tây Ninh chạy dọc đến tỉnh Tân An và phía Tây của Hà Tiên là thuộc về đất Miên.

Sau chiên tranh Việt-Miên năm 1979, phong trào Khmer Khom đựợc phe Sam Rainsy (đối lập với  phe thân Việt Cộng Hun Sen) hỗ trợ phát động chiến dịch đòi toàn bộ đất Nam Kỳ và dùng các cơ quan truyền thông để chống Việt Nam trên diễn đàn quốc tế bằng các vu khống. Họ nhắc lại âm mưu của Pháp trao trả Nam Kỳ cho Việt Nam bằng đạo luật ngày 4 tháng 6 năm 1949 và cứ mỗi năm vào ngày 4 tháng 6, họ tổ chức biểu tình khắp nơi trong nước và ngoài  nước để đòi Việt nam trả đất. Để tạo hận thù, họ vu cáo những tội ác ghê rợn của VN như thiêu sống 10 000 người Miên năm 1945, giết hàng ngàn người Miên ở Trà Vinh, Vĩnh Long rồi thả xác trôi sông từ 1976 đến 1979, cấm sư sải Miên hành đạo ...

Cuối cùng, cũng cần nói thêm là không phải chỉ riêng VN được Miên tặng đất mà Xiêm cũng được tặng đất và còn được tặng nhiều hơn. Những tỉnh Chantaburi, Prachinburi, Xurin, Xixaket... ngày nay của Thái Lan trước kia là đất của Chân Lạp. Vì khiếp sợ Thái Lan hay vì cùng chủng tộc và tôn giáo, Sarin Chhrak và dân Miên  ngậm câm mà chỉ chỉa mũi dùi vào Việt Nam.

Kết luận
Trên con đường Nam Tiến, dân tộc Việt Nam đã xóa mất nước Chiêm Thành. Đó là một hành động thôn tính lãnh thổ và diệt chủng tàn bạo, là một tội ác mà khi nhắc đến, người Việt không có gì vinh quang để tự hào, mà trái lại phải cúi đầu nhận tội. Nhưng đối với Cao Miên, người Việt không hề đánh chiếm đất Cao Miên, bởi lẽ cuộc khai quật các cổ vật của nền văn hóa Óc Eo do Louis Malleret thực hiện năm 1944 tại vùng núi Ba Thê (An Giang) và của chánh phủ VN tại các địa điểm khác trên Nam Bộ sau nầy đã chứng minh miền Châu thổ sông Cửu Long và vùng Đồng Nai là lãnh thổ của vương quốc Phù Nam cũ, đã hoang phế từ sau khi Phù Nam tan rả, và người Việt, người Minh Hương cùng với người bản địa trong đó có người Miên đến khai khẩn trên vùng đất vô chủ đó.

Lẽ ra, sau năm 1944 là năm khai quật Óc Eo, Cao Miên đã phải hiểu lịch sử của đất nước mình để từ bỏ cái mặc cảm (tự tôn và tự ti) là Việt Nam đã cướp đất Thủy Chân Lạp, và như vậy không nên tổ chức cướp bóc, giết hại người Việt (cáp duồn), đeo đuồi chính sách thù nghịch với Việt Nam Cộng Hòa bằng cách tấn công quấy phá miền biên giới, trợ giúp Cộng Sản đánh chiếm Miền Nam. Càng trầm trọng hơn, Cao Miên  còn tàn sát, kỳ thị Việt kiều  đã là công dân  sinh sống trên đất nước họ từ nhiều thế hệ và đến nay đã trở thành máu thịt của họ cũng chỉ vì cái tâm thức thù hận truyền kiếp đối với người Việt.

Tưởng cũng cần biết là chiến dịch «bài Việt» đã bắt đầu từ năm 1945 với chủ nghĩa dân tộc cực đoan của vua Norodom Sihanouk, người lãnh tụ tối cao của dân tộc Cao Miên.
Là người quỹ quyệt và cao ngạo, trong 67 năm trên chính trường (1945-2012), Sihanouk đã đảm nhiệm không biết bao nhiêu chức vụ đến đổi Guinness đã liệt kê tên ông vào danh sách các chánh khách có nhiều chức vụ nhứt, kể cả  chức vụ cố vấn cho Khmer Rouge tàn sát dân Khmer. Sihanouk còn là một nhà chánh trị thời cơ đã theo Pháp rồi chống Pháp, Mỹ, Việt Cộng, nhưng lại tuyệt đối trung thành với Trung Cộng và Hàn Cộng, và đặc biệt thù nghịch  VNCH.

Để  phát triển  chủ nghĩa dân tộc cực đoan, từ năm 1945, Sihanouk đã cấp 250 học bổng cho học sinh, sinh viên, đa số tốt nghiệp từ Lycée Sisowath sang Pháp du học tại Montpellier, Lyon… đặc biệt tập trung tại Paris. Đa số các sinh viên nầy ngưỡng mộ Robespierre, nhà cách mạng Pháp và được tiếp cận, học tập chủ nghĩa Marx Lénine, để khi trở về nước trở thành những lãnh tụ các đảng phái, lãnh đạo guồng máy chính trị của Cao Miên trong nửa thế kỷ qua. Những tên khát máu trong Đảng Khmer Rouge đã tàn sát hơn 1.5 triệu người Cao Miên đều xuất thân từ cái «vườn ương cây Paris» nầy như Saloth Sar (Pol Pot, anh cả), Nuon Chea (anh Hai), Ieng Sary (anh Ba), Khieu Samphan (anh Tư), Ta Mok (anh Năm)... là những tội đồ diệt chủng của thế giới cận đại. (Paris, pépinière des Khmers Rouges. –  Le Parisien, 18 avril 2015).

Truyền thuyết và huyền thoại sai lầm của cổ sử, chánh sách chia để trị các thuộc địa Đông Dương của Pháp, và bản chất gian tham, thù hận của Cao Miên đã khiến Cao Miên chìm đắm trong nhiều tai biến mà Việt Nam đôi khi cũng bị vạ lây.

Đã đến lúc, tuy muộn màng, sự thật của lịch sử phải được phơi bày. Sự thật là nước Chân Lạp không phải là nước Phù Nam cũ mà chỉ là một tiểu quốc trong Vương Quốc Phù Nam. Cho dù Cao Miên mạo nhận  vùng đất còn lại của Phù Nam để đặt tên là Thủy Chân Lạp, nhưng trong suốt hơn 10 thế kỷ, vương triều Cao Miên không hề đặt chân đến vùng đất hoang vu nầy. Sự kiện Cao Miên dâng tặng phần  đất  mạo nhận nầy cho chúa Nguyễn là một cử chỉ thần phục hay tạ ơn chúa Nguyễn đã giúp  Cao Miên bảo vệ lãnh thổ của họ thường xuyên bị Xiêm La đánh chiếm. Ngay đến hai ông tiến sĩ trong  cái «lò» của Sihanouk, trong hai luận án cũng không nói đến chuyện Việt Nam đánh chiếm đất mà nói là  lường gạt chiếm đất  (Mak Phoen. Chroniques royales du Cambodge. - Paris: EFEO, 1981 và Khin Sok. Le Cambodge entre le Siam et le VN de 1775 à 1860 - Paris: EFEO, 1991).

Hiểu như vậy, người Việt Nam phải chấm dứt luận điệu tự tôn sai lệch cũng như người Cao Miên phải từ bỏ sự lạm nhận gian trá vùng đất vô chủ để chấm dứt vu cáo Việt Nam cướp đất Thủy Chân Lạp. Lịch sử  trung thực là như vậy và phải nói rõ như vậy cho người Việt Nam và người Cao Miên biết để hai nước lân bang tập sống chung trong hòa bình. Vả chăng, cả hai nước hiện nay cũng đều là là chư hầu của đàn anh Trung Cộng.

Lâm Văn Bé
Tháng 12-2018

Source:


No comments:

Post a Comment