Wednesday, March 6, 2019

Hành trình thu hẹp khoảng cách năng lượng với Hệ thống tích hợp điện nước bằng năng lượng mặt trời


28/01/2019   |   Viết bởi: Thanh Huyen

Có thể nói, nước sạch về với bản xa ngày hôm nay, chính từ sự chung tay hướng đến Năng lượng xanh, hướng đến cộng đồng của người dân thủ đô của 5 tháng trở về trước, mà ở đó, Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam thật sự tự hào khi được trở thành cầu nối.

Ngày 25/01/2019, sau nhiều ngày thi công tại Trường Tiểu học Cư Pui 1, tỉnh Đắk Lắk, Lễ khánh thành Hệ thống Lọc nước RO sử dụng năng lượng mặt trời đã chính thức được tổ chức bởi Solar BK, dưới sự điều phối của Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID)

Hoạt động ra đời là sự tiếp nối hành trình thu hẹp khoảng cách năng lượng của hơn 500 người dân Hà Nội tham dự giải chạy Chạm tới Năng lượng Xanh, thuộc khuôn khổ chương trình Tuần lễ Năng lượng tái tạo tổ chức vào tháng 8/ 2018; dưới sự hỗ trợ tài chính của Liên Minh Châu Âu, Đại sứ quán Đan Mạch. Theo đó, Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) – thành viên Liên Minh Năng lượng bền vững Việt Nam phối hợp cùng Solar BK và diễn đàn Người Tôi Cưu Mang tiến hành nghiên cứu, khảo sát và lựa chọn Trường tiểu học Cư Pui 1 là điểm đến cuối cùng, mang nguồn nước sạch về với các em nhỏ Tây Nguyên. Hệ thống lọc nước bằng năng lượng mặt trời có ý nghĩa nhân văn và thiết thực biết bao đối với cuộc sống của con em đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Krông Bông, tỉnh Đăk Lăk khi trước đó, các em học sinh luôn phải dùng nguồn nước bị nhiễm khuẩn trực tiếp từ vòi.

Tại Lễ khánh thành và bàn giao, đại diện Trung tâm phát triển sáng tạo xanh (GreenID) đã trao tặng công trình “Hệ thống Pin năng lượng mặt trời” trị giá 70 triệu đồng (bao gồm 66 triệu đồng  - số tiền quyên góp được qua giải chạy Chạm tới Năng lượng Xanh, tháng 8/2018), đại diện Nhóm thiện nguyện Người tôi cưu mang tài trợ “Hệ thống lọc nước tinh khiết (RO)” trị giá 82 triệu đồng, đại diện Công ty truyền thông SolarBK tặng 50 suất quà cho 50 em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vui đón Tết. Tổng trị giá chương trình hoạt động là 162 triệu đồng.

Một số hình ảnh tại lễ khánh thành

Bà Võ Thị Kim Thuỳ, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Cư Pui 1 phát biểu tại buổi lễ: “Nhờ có hệ thống lọc nước, từ nay học sinh sẽ có được nguồn nước uống tinh khiết và hiểu thêm về tầm quan trọng của năng lượng sạch trong cuộc sống hàng ngày. Trường cũng thu được một khoản tiền từ việc bán lại lượng nước sạch được sản xuất dư cho bà con trong xã với giá 6.000 đồng/bình 20 lít và bán lại lượng điện dư cho ngành điện với giá 2.086 đồng/kWh. Với số tiền này, Cư Pui 1 sẽ tái đầu tư vào các khoản cơ sở vật chất cho học sinh, thay các bóng đèn led đã cũ, sửa chữa và mở rộng thư viện”.

Đại diện GreenID – chuyên gia năng lượng Trần Đình Sính chia sẻ về việc lựa chọn địa điểm triển khai hoạt động: “Chúng tôi biết đến Cư Pui 1 là ngôi trường tiểu học thuộc khu vực còn nhiều khó khăn. Đa số các em học sinh tại đây đều có gia cảnh nghèo. Đi học mỗi ngày là một thử thách với các em do điều kiện thiếu thốn, thậm chí đến nguồn nước để uống hàng ngày tại trường cũng bị nhiễm bẩn, chứa đầy nguy cơ bệnh tật. Chính vì lẽ đó, GreenID có nhiều động lực để hoàn thành chương trình này”.


Có thể nói, nước sạch về với bản xa ngày hôm nay, chính từ sự chung tay hướng đến Năng lượng xanh, hướng đến cộng đồng của người dân thủ đô của 5 tháng trở về trước, mà ở đó, Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam thật sự tự hào khi được trở thành cầu nối. Chúng tôi sẽ tiếp tục sứ mệnh và con đường của mình – đảm bảo tính bền vững của hệ thống nước sạch thông qua việc nghiên cứu triển khai với kế hoạch sử dụng lâu dài, đáp ứng cho nhu cầu nước uống của trường Cư Pui đến năm 2028, khi số lượng học sinh và giáo viên tại đây ước tính sẽ tăng lên gấp đôi so với hiện tại. Mô hình được hi vọng sẽ là hình mẫu cho những dự án tương tự trong thời gian tới tại Tây Nguyên nhằm thúc đẩy phát triển năng lượng bền vững, mang lại cuộc sống đầy đủ hơn tại các buôn, xã vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn.

Source:


(Theo Bản tin Mạng Lưới Sông ngòi Việt Nam VRN, số 1 Tháng 2, 2019)



No comments:

Post a Comment