Sunday, October 15, 2023

MRC CÔNG BỐ NGHIÊN CỨU MEKONG: CỘNG TÁC CẦN THIẾT HIỆN NAY

(MRC release Mekong study: Collaboration now essential)

Ry Sochan – Bình Yên Đông lược dịch

The Phnom Penh Post – 9 October 2023

 

Các gia đình đánh cá thu hoạch số cá bắt được trên sông Tonle Sap giữa quận Chroy Changva và Russey Keo ở Phnom Penh. [Ảnh: Hong Menea]

 

Hạn hán do khí hậu gây ra đã ảnh hưởng tai hại đến sông Mekong trong những năm gần đây, từ dòng chảy thấp kỷ lục trong năm 2019-2021 đến “đảo ngược dòng chảy” hiếm hoi đã thu hẹp hồ Tonle Sap quan trọng của Cambodia.  Việc phát triển hạ tầng cơ sở nước cũng là một yếu tố đóng góp, ảnh hưởng dòng chảy tự nhiên với việc gia tăng dòng chảy trong mùa khô và làm giảm dòng chảy trong mùa mưa.

Ủy hội Sông Mekong (MRC) và đối tác ở thượng lưu, Trung tâm Hợp tác Nguồn Nước Lancang-Mekong (LMC Water center) trình bày những điều được tìm thấy của nghiên cứu hỗn hợp giai đoạn 1 cho thủy lộ dài nhất Đông Nam Á ở Diễn đàn các Bên liên hệ Khu vực lần thứ 13th được tổ chưc vào ngày 5 tháng 10 ở tỉnh Luang Prabang, theo một thông báo báo chí ngày 9 tháng 10.

“Mặc dù chúng tôi đã thực hiện nghiên cứu hỗn hợp trước đây, nỗ lực hiện nay nầy thật sự cho thấy một cam kết to lớn đối với việc hợp tác trong tương lai giữa 2 tổ chức của chúng ta,” CEO của MRC Anoulak Kittihoun tuyên bố.

Nghiên cứu Hỗn hợp về Lề lối Thay đổi của Điều kiện Thủy học của Lưu vực sông Lancang-Mekong và Chiến lược Thích ứng, đưa ra nhiều đề nghị then chốt.  Một đề nghị ngắn hạn là các quốc gia láng giềng cộng tác điều tra ảnh hưởng của việc phát triển và thay đổi khí hậu đối với những khúc sông của dòng sông chung.  Phúc trình nhấn mạnh đến giá trị của việc chia sẽ dữ kiện tức thời về mức trữ nước và điều hành thủy học.

Nghiên cứu trích dẫn 2 yếu tố chánh ảnh hưởng đến những thay đổi thủy học ở Hạ lưu vực Mekong (LMB): những yếu tố tự nhiên như lề lối mưa, mức bốc hơi, đặc tính của đất và địa hình; và các hoạt động của con người gồm có việc phát triển hạ tầng cơ sở và thay đổi cách sử dụng đất.  Cả 2 yếu tố kiểm soát số lượng, sự phân phối và thời điểm của nước trong lưu vực.

Sáng kiến nghiên cứu nầy giữa MRC và trung tâm nước LMC bắt đầu vào cuối năm 2019, xây dựng trên những cộng tác trước đây.  Nghiên cứu nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc chia sẻ dữ kiện, vì thay đổi khí hậu, cùng với hạn hán và lũ lụt, càng ngày càng quan trọng trong việc xác định điều kiện thủy học của lưu vực.  Nó nhấn mạnh đến sự cần thiết cấp bách của việc chia sẻ dữ kiện thủy khí tượng, nới rộng đến các phụ lưu và đề nghị một diễn đàn chia sẻ tin tức qua khuôn khổ hợp tác LMC.

MRC nhấn mạnh sự cần thiết của việc trữ nước gia tăng trong Mekong để đương đầu với những thách thức khí hậu trong tương lai và để cải thiện phối hợp của việc điều hành trữ nước hiện nay.

Những đề nghị của phúc trình, dựa trên “khoa học vững chắc và hiểu biết chung,” gồm có quản lý nguồn nước tốt hơn, chiến lược hạn hán và lũ lụt tổng thể, nghiên cứu hỗn hợp thêm và các kế hoạch huấn luyện cho các nhả làm chánh sách và chuyên viên.

Giai đoạn 2 của nghiên cứu sẽ đề cập đến những đề nghị nầy, tiên đoán biến chuyển của thủy học trong tương lai và đề nghị các chiến lược cho các quốc gia dọc theo sông để thích ứng với khí hậu và những thay đổi dân số, trong khi bảo đảm quản lý khả chấp và tăng trưởng của lưu vực.

No comments:

Post a Comment