Sunday, December 5, 2021

ĐỜI SỐNG BỊ TỔN HẠI KHI SÔNG DAO ĐỘNG: PHẢN ÁNH TỪ BỜ SÔNG MEKONG

 

(Lives damaged as river fluctuates: reflections from the banks of the Mekong)

Rattanaporn Khamenkit – Bình Yên Đông lược dịch

The Third Pole – November 29, 2021

 

Khi sông Mekong thay đổi, cuộc sống cũng thay đổi.  Hãy nghe phản ánh của 2 thế hệ “người dân Mekong” ở huyện Pho Sai, tỉnh Ubon Ratchathani, đang đối mặt với cây chết, cá biến mất, thu nhập thấp và du lịch giảm – vì các đập của Trung Hoa ở thượng lưu.

“Tôi mơ ước sông như trước đây.  Nếu nước trở lại, các cộng đồng ở ven sông có thể phục hồi.”

Có những từ ngữ của ‘Son Champhadok’.  Đối với người địa phương ở Ban Samrong, huyện Pho Sai, tỉnh Ubon Ratchathani, bà là ‘Mae Son (Mẹ Son)’, một người săn cá 60 tuổi đã sống với hệ sinh thái sông từ khi sinh ra.  Nó luôn luôn là một phần của đời sống của bà.

Theo Mae Son, hầu hết đã thay đổi từ năm 2013 và cuộc sống của bà nay bị đe dọa.  Bà nhớ lại lúc bà còn nhỏ là sông Mekong luôn luôn thay đổi.  Tuy nhiên, những thay đổi trong 10 năm qua thì nổi bật nhất.  Từ năm 2013, bà lo ngại rằng cuộc sống trước đây của bà đã chấm dứt và không bao giờ trở lại.

“Cá biến mất từ từ.  Cá có rất nhiều trong quá khứ.  Chúng tôi bắt được nhiều cá, đầy xuồng.  Sau khi bắt, chúng tôi trao đổi một số thực phẩm ở Ban Koh và giữ lại một số.  Chúng tôi không bán.  Chúng tôi làm khô hay làm mắm.  Khi chúng tôi bán cá, chúng được 60-70 baht 1 kg; 7 baht 1 kg cá nhỏ.

Son Champhadok

“Một chiếc xe từ huyện Khemrat thường xuống và mua cá ở chợ trong làng để bán ở nơi khác.  Khi sông thay đổi, xe cũng biến mất.  Chúng tôi không còn bắt được nhiều cá nữa.  Nếu họ xuống đây, họ mất tiền,” Mae Son nói.

Tên hiệu của Mae Son – ‘Bà Săn Cá’ – có được một cách khó khăn.  Bà là một chuyên viên săn cá sông Mekong.  Bà lớn lên trong một gia đình đánh cá trong làng Pak La, huyện Khong Chiam, tỉnh Ubon Ratchathani.  Sau khi thành hôn, bà cùng gia đình của chồng đánh cá ở Ban Samrong.  Bà là một ‘người săn cá’ suốt cả đời.

“Khi còn nhỏ, tôi giúp cha mẹ tôi đặt lưới.  Sau khi lớn lên một chút, tôi cũng canh tác cạnh Mekong, cùng lúc với đánh cá.  Cha mẹ tôi chỉ cho tôi luang tốt nhất để đánh cá.”

Trong ngôn ngữ Isaan địa phương, luang ám chỉ vùng đánh cá của gia đình.  Theo truyền thống, sông được chia giữa các gia đình ngư dân.  Nó giống như canh tác một cánh đồng.  Việc tuyên bố quyền sở hữu thì không chánh thức, nhưng người dân tôn trọng và không đi vào vùng đánh cá của người khác.

Mae Son nói rằng trong quá khứ, có rất nhiều loại các khác nhau ở trong sông, và rằng mỗi loại có mùa của chúng.  Cá chép và các nhỏ hơn khác đến trong mùa khô từ tháng 1 đến tháng 3.  Rồi thì, trong tháng 4, cá bông lau, các chạch và cá lớn khác đến để ăn cá nhỏ hơn.

Được hỏi họ thường bắt được bao nhiêu cá, Mae Son trả lời rằng họ chất đầy nhà, rằng trong quá khứ, cá sông có rất nhiều quanh năm.

Những thay đổi mà Mae Son chứng kiến gồm có sự sụt giảm lớn lao trong số cá, những thay đổi trái mùa của mực nước sông và phẩm chất nước suy thoái.  Mực nước thay đổi ảnh hưởng đến việc sinh sản của cá vì cá sông đẻ trứng trong rong nước ngọt mọc nơi nước trong, cạn và đứng im.  Các rong nầy là nguồn thực phẩm và cũng bảo vệ trứng và cá con từ cá lớn hơn.

Phúc trình năm 2021 của Ủy hội Sông Mekong (Mekong River Commission (MRC)), Tình trạng và Chiều hướng của Cá và tính Đa dạng trong Hạ lưu vực Mekong 2007-2018 (Status and Trends of Fish Abundance and Diversity in the Lower Mekong Basin during 2007–2018), cho biết có tổng cộng 617 loại cá trong Hạ Lưu vực Mekong.  Đa dạng cao nhất, 115 loại, được tìm thấy trong Tonle Sap ở Cambodia.  Cao thứ nhì ở trong sông trong Đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam.  Trong các sông ở Lào và Thái Lan, chỉ có khoảng 50 loại còn lại.  Các loại ngoại lai rất ít, dưới 1% của tổng số, nhưng vấn đề có thể tồi tệ trong tương lai.

MRC kết luận rằng thủy sản trong Hạ Lưu vực Mekong bị áp lực của đánh bắt bừa bãi và các yếu tố khác làm xáo trộn đời sống của động vật ở dưới nước: định cư của con người dọc theo sông; phát triển kinh tế và thay đổi trong môi trường chung quanh.  Họ kêu gọi bốn quốc gia thành viên của ủy hội bảo vệ số cá và tính đa dạng để bảo đảm an ninh lương thực cho hàng triệu người sống trong Hạ Lưu vực Mekong.

Phúc trình không thu thập dữ kiện về số cá ở các đập khác nhau trên sông và không nói đến việc xây đập của Trung Hoa.

XIN BẤM "READ MORE" ĐỂ ĐỌC TIẾP

 

Đập thay đổi màu của Mekong

Vào cuối năm 2019, một số cơ quan báo chí và nhóm môi trường báo cáo rằng nước trong sông Mekong đã đổi màu.  Những hình ảnh được công bố cho thấy sông đổi thành màu trong xanh như nước biển, khác với màu đục ngầu của sông mang phù sa.  Green News giải thích rằng đây là “ảnh hưởng nước đói” vì phù sa lắng đọng ở thượng lưu, ở phía sau đập.  Họ cũng ghi nhận rằng khả năng mang phù sa ở hạ lưu của sông có lẽ sẽ làm tăng sạt lở dọc theo bờ sông, một sự mất mất lãnh thổ Thái theo thời gian.


Trong một nghiên cứu năm 2019 về sạt lở bờ sông trong 8 tỉnh ven sông từ năm 1992 đến 2018, Văn phòng Quốc gia Thủy lợi (Office of the National Water Resources (ONWR)) cho thấy rằng khoảng 200 km2 đất đã bị mất dọc theo 980 km bờ sông chạy từ Chiang Rai đến Ubon Ratchathani.  Việc sạt lở gia tăng sau năm 2103, khi đập Jinghong (Cảnh Hồng) bắt đầu hoạt động.  Theo phúc trình, đất bị mất vì sạt lở nhiều hơn đất bồi.

Phúc trình mới nhất của ONWR, một nghiên cứu về Sạt lở Bờ sông trong 8 tỉnh sông Mekong từ năm 2018 đến 2020, cho thấy vấn đề tồi tệ thêm.  Sạt lở bờ sông trong 3 năm qua làm mất thêm 97,23 km2.  Sau khi đập Xayaburi bắt đầu hoạt động trong năm 2019, sạt lở bờ sông tăng gấp đồi năm trước.

Montree Chantawong và Chanang Umparak, đại diện của nhóm môi trường ở địa phương, Mekong Butterfly (Bướm Mekong), thực hiện nghiên cứu tại chỗ với người dân trong 6 làng ở Chiang Rai, Loei, Nakhon Phanom, Amnat Charoen và Ubon Ratchathani để nghiên cứu lượng phù sa trong sông.  Họ dùng một phương pháp đơn giản cho phép dân làng tự thu thập và phân tích dữ kiện.  Dữ kiện cũng được thu thập ở Ban Samrong, nhà của Mae Son.  Giả thiết chánh của họ là phù sa sông đã giảm vì đập Xayaburi ở Lào, 300 km từ huyện Chiang Khan, tỉnh Loei.

Việc đo đạc độ đục từ tháng 2 đến tháng 5 năm 2021 cho thấy phù sa của sông giảm từ điểm đo đạc ở Loei đến Ban Samrong, Ubon Ratchathani, một vùng ở phía dưới Xayaburi.  Độ đục ở huyện Chiang Khong, Chang Rai, ở phía trên đập Xayaburi, có trị số cao hơn.  Độ đục được đo bằng centimeters (cm).  Trị số càng cao, độ đục càng thấp (rất trong).  Nếu trị số thấp, thì độ đục cao (không trong).

 

Thay đổi trong mực nước ảnh hưởng đến đánh cá, nông nghiệp và du lịch

Thanyaphon Bupphatha, một tình nguyên viên nông nghiệp của làng Song Khon và hướng dẫn du khách cộng đồng trong huyện Pho Sai, tỉnh Ubon Ratchathani, nói rằng yếu tố khác làm cá sông sông biến mất là dòng chảy giảm.  Không đủ nước đến các nơi cá đẻ trứng.  Nhiều loại cá sinh sản trong các rạch nhỏ chảy qua các cộng đồng ven sông.

Thanyaphon Bupphatha

 

Sinh trưởng ở Ban Song Khon, Thanyaphon thực sự là đứa con của Mekong.  Gia đình cô đã sống trên sông 3 đến 4 thế hệ.  Thanyaphon làm việc trong thành phố một thời gian trước khi trở về để phát triển thị trấn nhà của cô.  Cô dự trù phát triển Song Khon thành một địa điểm du lịch, mời du khách để trải nghiệm văn hóa và đời sống địa phương.  Hiện cô đang theo đuổi bằng Cao học về du lịch ở Đại học Ubon Ratchathani.

Theo Thanyaphon, trong 5 năm qua, số cá trong sông Mekong đã giảm rõ rệt – chỉ còn đủ để ăn chứ không đủ để bán.  Người dân không còn kiếm sống bằng việc đánh cá.  Là một đại diện của Ban Song Khon, cô đã tích cực tham dự vào việc phát triển Lưu vực sông Mekong với Hiệp hội Hệ thống Hội đồng Cộng đồng Lưu vực Mekong trong 7 Tỉnh Isaan.  Một trong các dự án được dự trù của hiệp hội là một chương trình để bảo tồn cá Mekong.  Hy vọng là làm sống lại lối sống và mang nghề đánh cá trở lại.

Ngoài những vấn đề môi trường do việc xây đập gây ra, Thanyaphon nói rằng người địa phương và người ngoài thỉnh thoảng đánh cá trái phép, bắt các loại cá được bảo vệ hay xâm nhập vào lãnh thổ láng giềng.  Người dân địa phương có thể bị cảnh cáo và ngưng lại, nhưng trong một số trường hợp, thí dụ như khi du khách lặn và bắn cá ở dưới nước, cần có sự trợ giúp của bộ phận thủy sản tỉnh và các cơ quan liên hệ để có thể điều tra và theo dõi.

Theo Thanyaphon, thay đổi trong mực nước không chỉ ảnh hưởng đến cá mà còn đến việc canh tác ven sông.  Canh tác dọc theo bờ sông từ lâu là công việc phụ cho những ai sinh sống cạnh Mekong.  Hoa màu phổ biến gồm có rau và cải.  Những người khác làm ra tiền bằng cách trồng chàm, bông vải, bắp, đậu phọng, khoai lang, củ sắn, tỏi, hành lá và cần tàu.  Khi mực nước ổn định, Mae Son cũng làm việc nầy như công việc phụ, kiếm thêm 10.000 bahth mỗi năm.

 

Thanyaphon đứng trên một vùng canh tác cạnh Mekong, gần Pak Bong,

nơi hẹp nhất giữa Thái Lan và Lào. 

Trong quá khứ, vùng nầy bị ngập trong mùa mưa,

nhưng nay, nước không lên cao nữa.

 

Thanyaphon giải thích rằng mực nước thấp hơn làm giảm độ phì nhiêu của đất.  Nông dân địa phương trước đây không dùng phân bón mà dựa vào khoáng chất từ phù sa do sông lắng đọng khi ngập nước.  Do đó các rau màu không có hóa chất, ngon và không có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.  Nông dân thường trồng sau khi nước rút vào tháng 11.  Nay, tuy nhiên, nước ít khi đến bờ, và thu hoạch kém hơn trong quá khứ.  Tồi tệ hơn, việc xả nước từ đập ở thượng lưu thỉnh thoảng gây lũ lụt trong mùa khô, gây rủi ro để trồng bất cứ thứ gì.

Một cây ở Pak Bong, gần Song Khon.  Trong quá khứ, rễ bị ngập nước. 

Nay, rễ có thể thấy rõ.  Nước không còn ngập bờ sông từ nhiều năm nay

(ảnh chụp vào tháng 9 năm 2021).

 

Mực nước thay đổi không chỉ có ảnh hưởng đến các nghề truyền thống như đánh cá và canh tác.  Các nghề mới dựa vào du lịch cũng bắt đầu biến mất.  Theo Thanyaphon, 2 thập niên trước có nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng ở Udon Ratchathani.  Du khách Thái và ngoại quốc đến để ngắm cảnh, thưỡng thức thiên nhiên và văn hóa ở địa phương.

 

Sam Phan Bok [Ảnh: Tourism Authority of Thailand]

 

Một địa điểm thu hút như thế ở gần Ban Song Khon là Sam Phan Bok.  Sạt lở gây ra trong mùa mưa bởi các thác nước tạo nên một nơi tương tự như Grand Canyon ở Hoa Kỳ.  Ngoài ra, cũng có Hat Salueng, một bãi cát trắng dài 1 km thường xuất hiện mỗi năm trong mùa khô.  Nơi nầy là một địa điểm thu hút du lịch phổ biến trong các ngày lễ Songkran, cung cấp hàng triệu baht thu nhập cho người địa phương.  Nhưng dòng du khách ở Hat Salueng đã khô.  Trong 10 năm sau khi đập Jinghong của Trung Hoa bắt đầu hoạt động, mực nước trở nên bất thường.

 

Hat Salueng [Ảnh: Tourism Authority of Thailand]

 

 

Hat Salueng trong mùa mưa.   

Mực nước trong mùa khô không còn xuống thấp nữa.

 

Như Thanyaphon giải thích, sông nay có lẽ “ngập lụt trong mùa khô và khô cạn trong mùa mưa.”  Dao động cực đoan đến độ Hat Salueng nay bị quên lãng và không còn ai cư ngụ, không có du khách.

Theo Thanyaphon, từ năm 2013 Mekong đã ngập bờ trong tháng 3-4, thường là cao điểm của mùa du lịch.  Không có du khách, các nhà hàng gia đình, khách sạn và khu giải trí phải đóng cửa.  Với sự lan tràn của Covid-19, mọi thứ tồi tệ thêm.  Một số nhà nay không có người ở.

Thanyaphon đưa chúng tôi đến các địa điểm du lịch chung quanh Hat Salueng, nay không có du khách.  Ở một cái chòi địa phương, vé phà thường được bán giá từ 500 đến 1.000 baht mỗi chuyến, tùy theo khoảng cách và nơi đến.  Một số tàu du lịch kéo dài đến 5 ngày.  Dịch vụ hướng dẫn cũng là một nguồn thu nhập cho giới trẻ ở địa phương, có thể kiếm được 1.000 baht một ngày.  Thanyaphon nói rằng khi du lịch phát triển, trẻ con trong làng có hàng ngàn baht tiền tiết kiệm và có thể trả phí học đường mà không cần xin tiền cha mẹ.

 


Một cái lều gần Hat Salueng trước đây bán vé tàu nay im lìm.  Dao động của mực nước sông Mekong chấm dứt mùa du lịch.  Doanh nghiệp đã không có khách hàng gần 2 năm vì các biện pháp đóng cửa của Covid-19.

Ngoài doanh nghiệp lệ thuộc vào du lịch, các nghề khác cũng bị ảnh hưởng.  Không có du khách, các cửa hàng quốc doanh cộng đồng OTOP (One Tambon One Product) không thể bán thứ gì.

 

Một cái lều trên bờ sông Mekong ở gần near Hat Salueng

 

Nhà hàng Song Khon, nằm kế bên sông Mekong gần Hat Salueng,

nay im lìm không có dấu vết của du khách.

 

“Nếu không có ảnh hưởng của đập, mọi thứ sẽ bình thường.  Dân làng chúng tôi sẽ có an ninh lương thực, đủ thực phẩm để ăn và còn một số để bán.  Có công ăn việc làm ngoài canh tác và thu nhập từ hòa màu trồng trên bờ sông.  Canh tác ở bờ sông không đòi hỏi đầu tư lớn… nhưng nay, cần phải đổ thêm vào và thu nhập không đủ để trang trải cho chi phí.  Chúng tôi đang hoạt động âm.

“Người dân phải tìm việc ở nơi khác, đi làm thuê, đi làm ở Bangkok.  Người dân trốn Covid ở Bangkok trở về nhà không có việc làm.  Ngoài việc canh tác lúa, họ chỉ ngồi ở nhà.  Không có gì để làm, họ không thể làm vườn,” Thanyaphon nói.

Theo Thanyaphon, kinh tế ở địa phương đã gặp khủng hoảng vì mực nước trong sông thay đổi.  Khi đại dịch tấn công, mọi thứ tồi tệ thêm.  Người dân địa phương đi làm ở ngoài trị trấn trở lại nhà, một số vì hãng xưởng của họ đóng cửa và những người khác phải cách ly và hồi phục từ virus.  Nhưng người trở về nhà không có việc làm.  Tài nguyên thiên nhiên thường phong phú đủ để sống đã gần hết.  Thay vào đó, người dân sống với tiền tiết kiệm.  Những người không có tiền tiết kiệm phải chờ để nhận trợ cấp của nhà nước, nhưng không giúp được nhiều.  Người dân trong vùng đang chìm vào nợ nần… vay nợ để trả chi phí và chi phí học đường.

Một phúc trình năm 2021 của MRC, Theo dõi Ảnh hưởng Xã hội và Đánh giá tính Tổn thương 2018 (Social Impact Monitoring and Vulnerability Assessment: SIMVA 2018), so sánh thu nhập của 2.800 gia đình trong 200 làng Mekong trong 4 quốc gia – Thái Lan, Lào, Cambodia và Việt Nam – trong năm 2016 và 2018.  Khoảng 35% có thu nhập giảm.  Thu nhập của 32% không thay đổi.  Khoảng 26% có thu nhập tăng một ít.  Chỉ có 6% nói thu nhập của họ được cải thiện đáng kể.

“Nếu Codid chậm lại, có thể có một số du khách, nhưng nó đòi hỏi thuốc chủng ngừa tốt.  Nếu chúng ta có đủ số thuốc chủng ngừa tốt, mọi thứ sẽ trở lại bình thường.  Có lẽ sẽ mất 1 hay 2 năm trước khi du lịch trở lại.  Năm 2022, chúng ta sẽ có thuốc chủng tốt, cho phép tình hình trở lại bình thường vào đầu năm 2023,” Thanyaphon nói.

Và thêm một ghi nhận tích cực, Thanyaphon nói rằng sự sụt giảm của du lịch cho thiên nhiên thời gian để phục hồi.  Cô công nhận rằng kỹ nghệ du lịch cũng có ảnh hưởng tiêu cực đối với sông.  Người dân xả rác trong sông, gây thiệt hại hệ sinh thái dưới nước đã bị ảnh hưởng bởi hâm nóng toàn cầu và thay đổi khí hậu.  Cô nói thêm rằng đe dọa lớn nhất đối với đời sống truyền thống vẫn là mực nước dao động do các đập ở thượng lưu xả nước mà không thông báo.

“Mưa không rơi trong mùa này.  Lũ lụt xảy ra.  Đây là thiên tai.  Cha mẹ của chúng tôi hiểu chuyện nầy… nhưng những ngày nầy, họ không biết tại sao nước lên xuống,” Thanyaphon nói.

 

Trung Hoa nên công bố các kế hoạch quản lý nước ít nhất trước 3 tháng

Mae Son, Thanyaphon và những người khác sống gần sông Mekong biết rằng không có cách nào để trở lại ngày trước, để phục hồi tính phong phú tự nhiên và lối sống của những thế hệ trước có liên kết với sông.  Không có chuyện yêu cầu phá hủy đập.  Nhưng có thể yêu cầu một hệ thống cảnh báo mực nước có hiệu quả.  Cảnh báo có thể được đưa ra trước khi xả nước để người dân có thời giờ chuẩn bị.  Nó sẽ không thay đổi ảnh hưởng đối với vườn tược trên bờ sông hay hệ thống nước của làng nhưng ít nhất nó sẽ giúp người dân sống ở hạ lưu bảo vệ tài sản của họ - thuyền bè, dụng cụ đánh cá, và nhà cửa.

“Nó sẽ tốt nếu có một hệ thống cảnh báo cho nước lên xuống.  Chúng tôi phải sống trong lo sợ, lo âu vì nước đến rất nhanh và rất mạnh,” Thanyaphon nói.

Những yêu cầu đã được đưa ra trước đây để cảnh báo trước khi xả nước từ đập.  Theo Montree của Mekong Buttefly, cảnh báo không đủ.  Một báo động vài tuần trước khi xả nước không cho người dân ở hạ lưu đủ thời giờ để chuẩn bị.  Đầu tư đã được đổ vào những thứ như nuôi cá trong lồng nổi hay trồng hoa màu trên bờ sông.  Nhiều tháng làm việc lâm nguy.  Nếu Trung Hoa cảnh báo người dân và họ chưa thể thu hoạch rau cải của họ, nước sẽ gây thiệt hại cho thu nhập và đời sống của họ.  Montree đề nghị rằng chánh phủ Thái và MRC yêu cầu Trung Hoa công bố các kế hoạch quản lý nước của họ ít nhất trước 3 tháng.  Nếu, vào cuối tháng 10, giới chức Trung Hoa công bố kế hoạch quản lý nước đến tháng 1, những người sống ở hạ lưu có thể chuẩn bị cuộc sống, quyết định loại cây nào để trồng hay cách nuôi cá, với xáo trộn tối thiểu.

 

Các quốc gia Hạ Lưu vực Mekong nên thương lượng với Trung Hoa để biến 2 đập cuối cùng thành ‘đập chuyển nước’

Montree cũng đề nghị một phương pháp khác để giúp giải quyết vấn đề dao động của mực nước trong sông Mekong.  Ông đề nghị rằng các quốc gia ở hạ lưu nắm tay để thương lượng với Trung Hoa để thay đổi mục đích của đập Nuozhadu (Nọa Trát Độ) và Jinghong.  Các đập pháo đài cuối cùng của Trung Hoa, cả hai được xây để sản xuất điện.  Chúng có thể được dùng như các đập chuyển nước để phục hồi mực nước trước năm 1993 trong Mekong.  Điều nầy sẽ duy trì sự ổn định của dòng chảy ở hạ lưu sông Mekong, làm cho nó gần như tự nhiên. [Lời người dịch: Đề nghị nầy không khả thi về mặt thủy học lẫn kinh tế.]

Mae Son và Thanyaphon đồng ý rằng nếu họ có thể chọn, họ muốn Mekong trở lại tình trạng ban đầu, với mực nước thay đổi theo mùa, và nước giàu phù sa.  Với nước quá trong để người ta có thể thấy đáy sông, lối sống đang chết với cá.

“Nếu đập không được xây… mọi thứ sẽ như trước đây, đời sống của chúng tôi không thay đổi.  Chỉ có thay đổi thực sự là du lịch,” Thanyaphon nói.

“Trong tim tôi, tôi muốn sông được phục hồi như trước.  Lương thực của chúng tôi sẽ tốt hơn.  Sức khỏe của chúng tôi sẽ tốt hơn.  Chúng tôi có thể ăn rau cải tự nhiên do chúng tôi trồng mà không có hóa chất.  Nước sẽ mang nhiều chất dinh dưỡng.  Trong tim tôi, tôi muốn tất cả giống như trong quá khứ.  Nếu như thế, đời sống của tất cả người dân trong các cộng đồng ven sông – không chỉ cộng đồng của tôi – sẽ tốt hơn,” Mae Son nói.

No comments:

Post a Comment