Monday, December 27, 2021

LẮNG NGHE XÃ HỘI DÂN SỰ ĐỂ CỨU MEKONG

(Listen to civil society to save the Mekong)

Teerapong Pomun – Bình Yên Đông lược dịch

The Third Pole – December 6, 2021

 

Người dân phản đối đập Xayaburi bên ngoài Tòa án Hành chánh Thái Lan ở Bangkok trong tháng 6 năm 2014.  Xã hội dân sự Thái thành công hơn các nhà vận động trong các quốc gia Hạ Lưu vực Mekong khác trong việc thay đổi việc quản lý nguồn nước. [Ảnh: Chaiwat Subprasom/Alamy]

 

Các chánh phủ của các quốc gia trong lưu vực Mekong, nhất là Trung Hoa, cần bao gồm và làm việc với các nhóm xã hội dân sự để bảo đảm cho sông được sống còn

Các chánh phủ của các quốc gia trong lưu vực Mekong, kể cả Trung Hoa, phủ nhận rằng các hệ sinh thái Mekong đã thay đổi quá điểm tới hạn và rằng việc xây đập trên dòng chánh và các phụ lưu là nguyên nhân chánh.  Họ có vẻ không biết hay không quan tâm đến những ảnh hưởng phức tạp và nghiêm trọng của các đập thủy điện, có thể kéo dài hàng thế kỷ.

Một trong những thay đổi nhân tạo đáng lo ngại và đáng chú ý nhất mà chúng ta thấy là việc sông đổi màu từ đục ngầu sang trong xanh ở dọc theo biên giới Thái-Lào vì mất phù sa.  Điều nầy có ảnh hưởng nguy hại cho thủy sản của Mekong – lớn nhất trên thế giới – mà khoảng 60 triệu người dựa vào.

Để gia tăng hiệu quả của việc cai quản nước Mekong và để cải thiện mối liên hệ giữa các quốc gia về điện khả chấp, các chánh phủ phải lắng nghe người dân của Mekong.

Vấn đề của thủy điện

Mekong, có 2 mùa mưa nắng, thường mất khoảng 4 tháng để dao động giữa mức cao và thấp nhất.  Nhưng ngày nay dòng chảy của sông dao động hàng ngày ở Hạ Lưu vực Mekong (Lower Mekong Basin (LMB)) do việc điều hành các đập thủy điện ở thượng lưu.

Đập đầu tiên hoạt động trên dòng chánh Mekong là đập Manwan (Mạn Loan), theo sau bởi 10 đập ở Trung Hoa.  Rồi có thêm 11 đập khác ở Lào và Cambodia trong các giai đoạn khác nhau từ quy hoạch đến hoàn tất, hầu hết với một số đầu tư của Trung Hoa trong việc phát triển hay xây cất.

International Rivers (Sông ngòi Quốc tế), một nhóm vận động toàn cầu, ước tính rằng trên 30 công ty Trung Hoa tham gia vào khoảng 100 dự án đập trong LMB.

Xây đập trên sông xuyên biên giới luôn luôn là một vấn đề phức tạp.  Đập Pak Mun trên sông Mun, một phụ lưu của Mekong ở đông bắc Thái Lan, được 32 năm.  Mặc dù hàng triệu đã được bồi thường, những vấn đề do đập gây ra vẫn chưa được giải quyết, gồm có những thay đổi lớn lao cho thủy sản ở gần đó.  Các hệ thống của dân làng đã đấu tranh những ảnh hưởng của đập từ lúc nó được đề nghị trong năm 1989.

Ảnh hưởng trên khắp các quốc gia khác nhau, tất cả với các mục tiêu kinh tế và địa chánh trị khác nhau, lại càng phức tạp hơn, và không có một cơ quan để các chánh phủ Thái Lan, Lào, Cambodia và Việt Nam trong LMB có thể ngăn chận hay giảm nhẹ các dự án thủy điện.  Chỉ có một tổ chức cai quản xuyên quốc gia cho các quốc gia LMB là Ủy hội Sông Mekong (Mekong River Commission (MRC)), một cơ quan hoàn toàn tham vấn gồm có Thái Lan, lào, Cambodia và Việt Nam.  MRC bị chỉ trích là thiếu sự tham gia địa phương và chỉ đóng dấu cho việc xây đập.

Các nhà vận động Mekong có thể học hỏi từ xã hội dân sự Thái

Chống đối từ các nhóm xã hội dân sự ở hạ lưu Mekong chống lại các dự án đập của Trung Hoa có thể phá hủy đáng kể sức mạnh mềm của Trung Hoa trong khu vực.  Xã hội dân sự Thái có vẻ có ảnh hưởng đối với việc quản lý nguồn nước nhiều hơn các quốc gia LMB khác, chẳng hạn như Lào và Cambodia.

Một nhà máy thủy điện đại quy mô cuối cùng ở Thái Lan được xây trong năm 1990.  Các nhóm môi trường và NGOs Thái đã phát triển các cách để liên lạc với những người lấy quyết định ở trong nước, chẳng hạn như biểu tình, nộp đơn kiện các cơ quan của chánh phủ, vận động cho năng lượng thay thế, và làm mới Kế hoạch Phát triển Điện của Vương quốc Thái Lan (Power Development Plan (PDP)), một lộ đồ rộng rãi cho các kế hoạch điện trong tương lai.

Trong năm 2007, Đầu tư Hải ngoại Datang của Trung Hoa, một công ty quốc doanh (state-owned enterprise (SOE)) của Trung Hoa, ký một biên bản ghi nhớ với chánh phủ Lào để phát triển đập Pak Beng ở thượng Lào.  Khi tin tức được tiết lộ, các cộng đồng địa phương và NGOs môi trường Thái bắt đầu vận động để chống lại dự án, gồm có nộp đơn kiện các cơ quan Thái.  Vào tháng 1 năm 2018, Datang Trung Hoa lo ngại về vụ kiện nên bắt đầu đối thoại với NGOs địa phương và dân làng Thái.  Dự án hiện đang ngưng lại vì Thái Lan không có kế hoạch mua điện từ đập.

Một cách khác mà xã hội dân sự Thái đã cố gắng để liên lạc với những người lấy quyết định ở thượng lưu là nghiên cứu ở địa phương.  Năm 2003, dân làng và NGOs trong tỉnh Chiang Rai ở phía bắc Thái Lan bắt đầu thực hiện nghiên cứu Taibaan (do các cộng đồng làng thực hiện) về các hệ sinh thái Mekong sẽ bị ảnh hưởng bởi Dự án Cải thiện Luồng Thủy vận Lancang-Mekong.  Dự án dự trù dọn dẹp các đảo và ghềnh thác giữa Trung Hoa và biên giới Thái-Lào ở phía bắc Thái Lan, một nguồn bất hòa xuyên biên giới lớn giữa Trung Hoa và các nhóm xã hội dân sự ở Thái Lan.

Trong năm 2021, loại nghiên cứu nầy vẫn đang được thực hiện về ảnh hưởng của các dự án của Trung Hoa đối với hệ sinh thái và sinh kế trong tỉnh Chaing Rai.  Mục đích là để chuyển thông điệp từ dân làng đến chánh phủ Trung Hoa và các nhà đầu tư để họ chịu trách nhiệm cho những hậu quả ở hạ lưu.  Năm vừa qua, trong một chiến thắng lớn cho những nhà môi trường, chánh phủ Thái chánh thức hủy bỏ Dự án Cải thiện Luồng Thủy vận Lancang-Mekong.

Trung Hoa cần lắng nghe xã hội dân sự

Đầu tư hải ngoại của Trung Hoa trong thủy điện và thủy vận ở Đông Nam Á là một công cụ quan trọng mà họ dùng để thực hiện sức mạnh mềm.  Tuy nhiên, những dự án đầu tư nầy thường được thực hiện mà không có kiến thức đầy đủ về những nguy cơ chánh trị xã hội tiềm tàng.  Điều nầy đưa đến những ảnh hưởng xã hội và môi trường tiêu cực cho các cộng đồng ở địa phương và chống đối từ các quốc gia chủ nhà.  Việc đình chỉ đập Myitsone năm 2011 ở phía bắc Maynmar chỉ là một thí dụ về sự thất bại của SOE Trung Hoa trong việc đánh giá đầy đủ nguy cơ xã hội.

Cơ quan chánh của Trung Hoa để tiếp xúc với các quốc gia ở hạ lưu về Mekong là Hợp tác Lancang-Mekong (Lancang-Mekong Cooperation (LMC)).  Tuy nhiên, LMC dựa theo một đường lối tập trung nhà nước với cơ hội hạn chế để quần chúng tham gia vào tiến trình.

Những khái niệm toàn bộ và bảo vệ sinh thái lẫn nhau nên được đưa vào các nguyên tắc của LMC để bảo đảm rằng sông Mekong sẽ được quản lý một cách khả chấp và chia sẻ công bằng trong tương lai.

Thiếu sự hiểu biết về tiếng nói trên sông đang biến sự thúc đẩy thủy điện của Trung Hoa vào rắc rối xã hội và chánh trị với các láng giềng.  Trung Hoa nên tham gia nhiều hơn với các cộng đồng ở hạ lưu và chấp nhận khái niệm qua lại trong thực hành qua việc đối thoại và chia sẻ tin tức.

No comments:

Post a Comment