Sunday, December 12, 2021

CÁC ĐẬP MỚI GÂY NGUY HIỂM CHO SỰ SỐNG CÒN CỦA MEKONG


(New dams endanger survival of the Mekong)

Gerald Flynn and Phoung Vantha – Bình Yên Đông lược dịch

The Third Pole – November 29, 2021

Chỉ còn nóc chùa Kbal Romeas trồi lên từ hồ chứa của dự án thủy điện Hạ Sesan 2 ở Cambodia sau khi làng bị ngập.  Sesan là một trong những phụ lưu của Mekong với nhiều đập đang được dự trù, gây rủi ro cho sự sống còn của Mekong.

[Ảnh: Gerald Flynn]

 

Các kế hoạch để ngăn thêm đập trên Sesan, Srepok và Sekong, phụ lưu chảy tự do vào Mekong cuối cùng, đe dọa nguồn thực phẩm và tạo rủi ro cho đời sống hoang dã sắp tuyệt chủng

“Rất hiếm thấy chim chóc những ngày nầy, chúng đã đi mất.  Chúng sống nhờ cá, nhưng hầu hết cá cũng đi mất,” Vuth Khat nói khi anh đi thăm nơi là làng của anh trong tỉnh Stung Treng ở đông bắc Cambodia và nói về sự sống còn của Mekong.

Năm 2017, làng Kbal Romeas bị ngập để làm hồ chứa nước cho đập thủy điện Hạ Sesan 2 đầy tranh cãi, có công suất 400 MW với trị giá 816 triệu USD, là một hợp doanh giữa Hydrolancang International Energy (Năng lượng Quốc tế Hydrolancang) của Trung Hoa, Nhóm Hoàng gia của Cambodia và công ty quốc doanh Điện lực Việt Nam.  Gia đình của Khat là 1 trong số 52 của khoảng 500 gia đình đã từ chối dọn đi khi chánh quyền bồi thường.  Phản đối của họ trong năm 2017 không được lưu ý, và làng của họ bị ngập.  Nay, giữa khung cảnh hoang vắng của cây và cá chết, một vài thừ còn lại cuối cùng của đời sống ngày xưa của Khat có thể thấy trồi lên khỏi chiều sâu của hồ chứa nước.  Ở dưới nước, anh nói, anh mất 2 hectares trồng điều và 1hectare trồng lúa.

Vuth Khat đi thăm làng của anh bị ngập bởi Hạ Sesan 2. [Ảnh: Gerald Flynn]

 

Sơn trên thuyền của anh ở Kbal Romeas đang tróc ra trong sức nóng và ánh mặt trời đã tẩy trắng phần còn lại của cây thành những gốc cây màu xám tro.  Hạ Sesan 2 đã trở thành một điểm nhức nhối của các nhà môi trường và ủng hộ nhân quyền, cắt đứt hợp lưu giữa Sesan và Srepok là sông xuyên biên giới và bảo đảm sự sống còn của Mekong.  Nhưng mặc dù số phận của Kbal Romeas – và của Khat – đã được định đoạt bởi việc theo đuổi điện của Cambodia, các nhà bảo tồn cảnh báo vẫn còn thời giờ để tránh thêm bất ổn cho hệ sinh thái phức tạp của sông 3S: Sesan, Srepok và Sekong.

Sự sống còn bấp bênh của Mekong

Mặc dù có một nỗ lực để nâng cao hình ảnh của Hạ Sesan 2, phúc trình trong tháng 8 năm 2021 của Human Rights Watch (Theo dõi Nhân Quyền) đã lột trần sự thất bại của dự án hồi đầu năm nay.  Chỉ ở Cambodia, có thêm 3 đập được dự trù dọc theo Sesan, với thêm 3 đập nữa trên Srepok và 1 đập trên Sekong.  Hoạt động trên những dự án nầy đã tạm ngưng trong nhiều năm, nhưng các phân tích gia nói rằng có đến 21 đập được đề nghị, gây rủi ro cho sự sống còn của Mekong.

 

Chỉ có một mảng nhỏ cây sống sót trong hồ chứa của Hạ Sesan 2.

[Ảnh: Yeng Chheangly]

 

“Tôi không nói rằng những dự án nầy bị bỏ hoang, vì không có loan báo rõ ràng rằng chánh phủ đã quyết định không tiến hành chúng, nhưng tôi nghĩ rằng chúng bị giảm ưu tiên vì một vài lý do then chốt và thực dụng,” Courtney Weatherby, phó giám đốc Chương trình Đông Nam Á (ĐNA) ở Trung tâm Stimson, một tổ chức nghiên cứu bất vụ lợi ở Hoa Kỳ, nói.

Khoảng 450 km từ thủ đô Phnom Penh, sự xa xôi của Stung Treng có thể là một ơn huệ cứu vớt của nó, Weatherby lập luận, vì điều nầy gia tăng chi phí nối kết các dự án thủy điện tiềm tàng với lưới điện qua dây cáp.  Do đó, Weatherby cảnh báo, tất cả đều dồn về Sekong, dòng sông chưa ngăn đập cuối cùng trên Mekong.

Cứu Sekong, cứu Mekong

Ước tính có đến 500.000 tấn cá được sản xuất hàng năm bởi hồ Tonle Sap tùy thuộc vào sông 3S đóng góp 25% lưu lượng của Mekong, thúc đẩy việc đảo ngược dòng chảy hàng năm là chìa khóa cho việc sinh sản của 150 loại di ngư và cho sự sống còn của hệ sinh thái Mekong.

“Việc xây thêm đập trên Sekong sẽ gây thêm bất ổn sâu đậm đối với sự di chuyển tự do của cá và phù sa là trụ cột của an ninh lương thực ở hạ lưu,” Weartherby nói, thêm rằng vai trò chủ chốt của Sekong vượt qua khỏi biên giới của Cambodia.

Không như Mekong, lệ thuộc phần nào vào việc hợp tác và giám sát quốc tế qua Ủy hội Sông Mekong (Mekong River Commission (MRC)), phát triển dọc theo sông 3S được thực hiện đơn phương.  Vào tháng 9 năm 2021,  Liên hiệp Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (International Union for the Conservation of Nature (IUCN)) ra một tuyên bố thúc giục công ty quốc doanh Sông Đà 6 của Việt Nam không nên tiến hành đập thủy điện Sekong A.  ICUN cảnh báo rằng đập trên sông Sekong sẽ cắt đứt hoàn toàn sông ra khỏi Mekong và ngăn chận cá di chuyển về thượng lưu để sinh đẻ.

Một tấm bảng van nài chánh quyền đừng làm ngập làng vẫn còn từ năm 2017.

[Ảnh: Gerald Flynn]

 

Sekong A sẽ sản xuất 86 MW, nhưng có thể làm giảm số cá tổng cộng của Lưu vực Mekong khoảng 20%, theo các nhà bảo tồn Gregory Thomas và Jake Brunner, ước tính rằng ½ loại di ngư đường dài ở Mekong cần chiều dài của Mekong và các phụ lưu để lớn hoàn toàn.  Tương tự, Hạ Sesan 2 đã làm giảm 2/3 phù sa của sông 3S – xuống từ 25 triệu tấn trong năm 1997 – và đập Sekong A có thể làm giảm thêm độ phì nhiêu của đất dọc theo lưu vực Mekong, đe dọa nông dân trên khắp Cambodia và Việt Nam.  Nói chung, sự sống còn của lưu vực Mekong đang lâm nguy.  Vào cuối năm 2016, Nhóm Hoàng gia ký một MoU với chánh phủ để xây đập thủy điện Hạ Sekong ở Cambodia. Nhưng có ít tin tức về dự án từ đó và Nhóm Hoàng gia không trả lời yêu cầu được phỏng vấn.

Sự sống còn của hệ sinh thái Mekong bấp bênh

Cả ngư dân và nông dân đều mất mát nếu hệ sinh thái của sông 3S bất ổn thêm, theo Milou Groenenberg, quản đốc theo dõi và nghiên cứu đa dạng sinh học của Chương trình Khung cảnh Đồng phía Đông (Easter Plains Landscape Programme của World Wide Fund for Nature (Quỹ Thiên nhiên Toàn Thế giới) (WWF), nhưng có nhiều thứ khác cũng lâm nguy.

Vào cuối tháng 9 năm 2021, WWF cùng với Bộ Môi trường ghi nhận lần đầu tiên hình ảnh nở trứng của cá sấu Siamese ở Nơi Cư trú Đời sống Hoang dã Srepok trong tỉnh Mondulkiri.  Tám cá sấu con của loài sắp tuyệt chủng được ghi nhận, cho các nhà bảo tồn hy vọng rằng loại cá sấu hiếm thấy trong thiên nhiên, nhưng được nuôi rông rãi trên khắp ĐNA để lấy da và thịt.  Viễn cảnh có thêm dự án thủy điện có thể gây đe dọa chưa được nhận thấy đối với cá sấu sắp tuyệt chủng.

Đời sống Hoang dã lâm nguy cùng với sự sống còn của Mekong

Horn Chanvoitey – một nhà nghiên cứu hiện đang theo học Cao học chuyên về quản lý nguồn nước – nói rằng việc phát triển thêm đập sẽ có ảnh hưởng rõ ràng đối với đời sống hoang dã của lưu vực 3S.  “Về hậu quả đối với đa dạng sinh học, các đập cũng đe dọa các loại thủy cầm và các loại lệ thuộc vào sông khác,” cô nói, thêm rằng phạm vi thì không rõ vì thiếu dữ kiện có sẵn và thách thức để thu thập.

Một con chim bay bên trên cây chết trong hồ chứa Hạ Sesan 2.

[Ảnh: Gerald Flynn]

 

Cambodia là nơi cư trú của một vài loại chim dễ tổn thương gồm có chim làm tổ trên cát và nhạn sông.  Tonle Sap, nay bị ngập lụt không thể đoán trước, là nơi cư trú của 30% bồ nông chân xám trên thế giới.  Chanvoitey nói rằng việc xây cất thêm các đập thủy điện có thể đưa đến việc dời cư thêm của các cộng đồng ở địa phương bên trong lưu vực 3S.

Thủy điện là kinh doanh lớn

Đối với Cambodia, không thể làm nhiều để kiểm soát đập được dựng lên ở thượng lưu Lào, nhưng độc quyền của nhà nước quyết định số phận của 3S ở Cambodia.

“Nhiều, nhiều dự án được ghi trên giấy tờ nhưng không đươc xây.  Nằm trên giấy tờ không có nghĩa như thế, nhưng thứ nhì, nhiều dự án chết đi và rồi ngoái đầu xấu xí trở lại… và rồi chúng được xây,” Ian Baird của Đại học Wisconsin-Madison nói.  Baird đã tham gia vào việc nghiên cứu sông 3S và Mekong trên 1 thập niên, nói thêm rằng Việt Nam có lẽ không làm sống lại các đập được dự trù ở Cambodia tiếp theo sau việc lưỡng lự để tham gia vào Hạ Sesan 2.

Trung Hoa, Baird đề nghị, có thể là một nguồn tài trợ quan trọng, nhưng ông lưu ý rằng tiến trình chuyển nhượng không luôn luôn thành công và trong trường hợp các đập của Cambodia được dự trù dọc theo sông 3S, có thể không có ý chí chánh trị.

“Hạ Sesan 2 không hề là một dự án có thể tồn tại để bắt đầu.  Trong nhiều cách, Hạ Sesan 2 được phát triển vì lý do chánh trị hơn bất cứ lý do khác,” Baird nói.  Dự án gần đổ vỡ sau khi Điện lực Việt Nam rút lui, chỉ giữ lại 10% cổ phần cho các nghiên cứu đã được thực hiện.  Kith Meng của Nhóm Hoàng gia không thể tự mình tài trợ cho dự án, vì thế Trung Hoa đồng ý nhận 50% của Hạ Sesan 2, “một thiện ý chánh trị lớn cho [thủ tướng Cambodia] Hun Sen,” Baird nói.

“Vấn đề là nếu [Hạ Sesan 2] thất bại, và có bằng chứng đáng kể để nói thế, thì họ không bao giờ thừa nhận, ít nhất, không công khai,” Biard nói, thêm rằng không phải sản xuất điện thấp mà cũng không phải số cá đánh được thấp sẽ thúc đẩy sự thừa nhận như vậy.  Cả hai Bộ Môi trường và Bộ Thủy lợi và Khí tượng đều không trả lời câu hỏi về việc ngăn thêm đập dọc theo sông 3S, nhưng không có đập nào trong 7 đập được cho là ở trong giai đoạn quy hoạch được liệt kê trong phúc trình hàng năm 2020 của Cơ quan Điện lực Cambodia, chi tiết các dự án điện sắp tới.

Tương lai của năng lượng

Cambodia không có hứa hẹn khí hậu mới trong thượng đỉnh khí hậu gần đây ở Glasgow, với Bộ trưởng Môi Trường chỉ yêu cầu thêm tài trợ khí hậu.

“Khoảng 55% công suất thiết trí của Cambodia là thủy điện, và khi hạn hán trong năm 2019 xảy ra, quá phụ thuộc vào thủy điện có thể đưa đến mất điện, Weatherby nói.

Số phận của Kbal Romeas đã được định đoạt, nhưng sông 3S có thể được cứu vớt.

[Ảnh: Gerald Flynn]

 

Phut Yorn nói đập thủy điện Hạ Sesan 2 không mang bất cứ lợi ích nào cho cộng đồng của bà. [Ảnh: Yeng Chheangly]

 

Hạn hán 2019 khiến cho chánh phủ theo đuổi tích cực các dự án bành trướng điện mặt trời và than.  Điều nầy, Weatherby giải thích, là vì sao tham vọng thủy điện của Cambodia trên 3S đã tạm ngưng, và nếu có tiến hành, ảnh hưởng con người và sinh thái thì không thể tránh được, như trường họp của Hạ Sesan 2.  Và tất cả ảnh hưởng sự sống còn của Mekong.

Lợi ích của Hạ Sesan 2 không đâu được thấy như ở làng Srekor của Stung Treng nơi Phut Yorn chơi đùa với cháu của bá ở gần bờ của hồ chứa nước.  Bà mất nhà, 4 hectares ruộng lúa và cộng đồng.  “Bồi thường không xứng đáng, vì thế chúng tôi ở lại và nay không còn đất để canh tác, nước lấy hết, vì thế tôi trồng một ít lúa và một ít điều trong mảnh đất nhỏ ở gần nhà.  Tôi có thể trồng đủ để sống,” bà nói thêm.  “Chánh quyền không quấy rầy tôi nữa, nhưng nó không đáng giá.  Chúng tôi không thấy lợi ích từ đập nầy, nó chỉ làm cho đời sống của chúng tôi khó khăn thêm” và gây nguy hiểm cho sự sống còn của Mekong.

 .

No comments:

Post a Comment