Sunday, September 27, 2020

PHÓNG ĐẠI VẤN ĐỀ NGUỒN NƯỚC MEKONG LÀ MỘT TRÒ HỀ CHÁNH TRỊ

 (Hyping Mekong water resources issue a political farce)

Xinhua – Bình Yên Đông lược dịch

September 13, 2020

Sông Mekong ở Nong Khai, Thái Lan khô cạn. [Ảnh: AFP]

 

KUNMING – Một vài chánh trị gia Hoa Kỳ đang phóng đại vấn đề nguồn nước Mekong, qua các nhận định vô căn cứ và các phúc trình không đáng tin, nhắm mục đích gây xích mích giữa các quốc gia và phá hoại không khí của Hợp tác Lancang-Mekong (Lancang-Mekong Cooperation (LMC)).  David Stilwell, phụ tá ngoại trưởng Hoa Kỳ về Đông Á và Thái Bình Dương, nói hôm đầu tháng rằng việc “kiểm soát” dòng chảy sông Mekong của Trung Hoa là một thách thức tức thời đối với Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (Association of Southeast Asian nations (ASEAN)).  Ông trích dẫn một phúc trình nói rằng “Trung Hoa đã kiểm soát dòng chảy dọc theo Mekong từ 25 năm nay, làm gián đoạn dòng chảy tự nhiên phù hợp với việc xây cất và đều hành đập lớn.”  Phúc trình, có lẽ là nghiên cứu của Eyes on Earth, cáo buộc Trung Hoa đã giữ lại 280 tỉ m3 nước.  Thật sự, dung tích tối đa của các hồ chứa của Trung Hoa chỉ có 42 tỉ m3.  Một phúc trình với một sự sai biệt rõ rệt như thế thì không có giá trị khoa học và được nhiều chuyên viên thủy học quốc tế xem là sai lạc chết người.

Cơ chế LMC được phát động bởi 6 quốc gia: Trung Hoa, Cambodia, Myanmar, Lào, Thái Lan và Việt Nam.  Nó lấy tên từ dòng sông gọi là Lancang ở Trung Hoa và Mekong ở 5 quốc gia còn lại.  “Việc phát triển thủy điện trong sông Lancang gây hạn hán ở hạ lưu” đã là một chủ đề để giới truyền thông trong một số quốc gia suy đoán, chánh trị hóa vấn đề nguồn nước để lấy cớ can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia Lancang-Mekong.  Các chuyên viên thấy rằng từ khi chuỗi hồ chứa của Trung Hoa được sử dụng, lưu lượng trong mùa khô ở nhiều nơi đã gia tăng 20% so với lưu lượng tự nhiên.  Phúc trình mới nhất của Ủy hội Sông Mekong (Mekong River Commission (MRC)), công bố trong tháng 8, cũng công nhận chức năng của hồ chứa là trữ nước trong mùa mưa để dùng trong mùa khô, giúp duy trì dòng chảy đều đặn của Mekong.  Nói chung, các cơ sở thủy điện ở Trung Hoa mang lợi ích cho các quốc gia Mekong.

Thêm vào đó, Trung Hoa trong 18 năm liên tục đã cung cấp dữ kiện thủy học trong mùa mưa miễn phí cho MRC và các quốc gia ở hạ lưu và đang giúp họ hình thành các kế hoạch phòng ngừa lũ lụt và giảm nhẹ hạn hán.

Từ khi LMC được phát động, Trung Hoa đã gởi cảnh báo khẩn cấp về những thay đổi quan trọng của việc xả nước từ nhà máy thủy điện Jinghong (Cảnh Hồng) trên 10 lần.

Lưu vực Lancang-Mekong đã bị hạn hán nặng nề nhiều lần trong những năm gần đây.  Trung Hoa, cũng bị ảnh hưởng của hạn hán và đối mặt với tình trạng thiếu mưa ở thượng lưu, đã vượt qua những khó khăn và cấp bách gia tăng xả nước sông Lancang để giúp các quốc gia Mekong cứu hạn, là một hiện tượng khí hậu.  Bắt đầu từ năm 2020, Trung Hoa sẽ chia sẻ dữ kiện thủy học của sông Lancang quanh năm với các quốc gia Mekong, theo phiên họp thượng đỉnh LMC lần thứ 3rd được tổ chức hồi cuối tháng 8.

Hơn thế, Trung Hoa sẽ cộng tác với các quốc gia LMC khác để thiết lập Diễn đàn Chia sẻ Tin tức Hợp tác Nguồn Nước Lancang-Mekong (Lancang-Mekong Water Resources Cooperation Information Sharing Platform) để đối phó tốt hơn với thay đổi khí hậu và thiên tai, chẳng hạn như lũ lụt và hạn hán.

Sông Lancang-Mekong liên kết chặt chẽ tương lai của 6 quốc gia duyên hà.  Chừng nào mà 6 quốc gia vẫn tín nhiệm, hiểu biết và hỗ trợ lẫn nhau, vượt qua những quấy rối từ bên ngoài và chú trọng đến hợp tác thực tiễn, họ có thể quản lý đúng đắn nguồn tài nguyên chung và thúc đẩy phát triển khả chấp và toàn bộ cho lợi ích của tất cả người dân của họ.

No comments:

Post a Comment