Monday, September 14, 2020

Chuyên viên Phóng đại "mối đe doạ về đập" của Trung Hoa trên sông Mekong của các tổ chức được Hoa Kỳ hậu thuẫn có nhiều nhập nhằng


(US-backed institutions' hyping China's 'dams threat' in Mekong River riddled with loopholes: expert)

Hu Yuwei and Lin Xiaoyi
Bình Yên Đông lược dịch
Global Times – 11 September 2020


Lời người dịch: Cuộc chiến thông tin về sông Mekong giữa Trung Hoa và Hoa Kỳ tiếp diễn.  Bài viết nầy nhằm đáp lại nhận định của ông David Stilwell, phụ tá ngoại trưởng Hoa Kỳ về Đông Á và Thái Bình Dương, nói rằng Trung Hoa đã kiểm soát dòng chảy của Mekong cho lợi ích của họ với cái giá to lớn cho các quốc gia ở hạ lưu.

Can thiệp của Hoa Kỳ vào các vấn đề nước sông Mekong có dụng ý ngăn chận Trung Hoa trong khu vực bằng cách phóng đại “mối đe dọa về đập” của Trung Hoa, trong khi chỉ trích dẫn bằng chứng và nguồn tin do các tổ chức được Hoa Kỳ hậu thuẫn, cáo buộc Trung Hoa gây tai họa ở hạ lưu, các quan sát viên Trung Hoa cho biết.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Hoa Zhao Lijian, hôm Thứ Ba, đả kích kịch liệt Hoa Kỳ đã phóng đại các vấn đề về nguồn nước Mekong để gieo rắc mối bất hòa giữa các quốc gia Mekong, sau khi David Stilwell, Phụ tá Ngoại trưởng về Đông Á và Thái Bình Dương, mới đây đã bôi bác Trung Hoa là “kiểm soát” nước để làm đầy các hồ chứa của Trung Hoa, mà theo “Eyes on Earth” được Hoa Kỳ tài trợ, có dung tích tổng cộng trên 47 tỉ m3.

Dung tích của hồ chứa lớn nhất của Trung Hoa ở thượng lưu sông chỉ có 42 tỉ m3, Zhao nói.  “Chúng tôi khuyến cáo các nhà ngoại giao Hoa Kỳ nên thận trọng trong việc trích dẫn phúc trình như thế, mà nhiều chuyên viên thủy học toàn cầu nói là sai và không có nhiều giá trị khoa học,” Zhao nói.

Các chuyên viên của Trung Hoa đánh giá kỹ lưỡng một phúc trình của các quan sát viên khí hậu Alan Basist và Claude Williams, và thấy rằng các mô hình nghiên cứu được dùng trong phúc trình có những sai sót và nhập nhằng, đưa đến các kết quả không xác thực và đánh lạc hướng.

Global Times nhận thấy phúc trình, có tựa đề Theo dõi Lượng Nước Chảy Qua Thượng Lưu vực Mekong trong Điều kiện Tự nhiên (Không bị Cản trở) (Monitoring the Quantity of Water Flowing Through the Upper Mekong Basin Under natural (Unimpeded) Conditions), do Basist và Williams soạn thảo, cựu nhân viên và nhân viên của chánh phủ Hoa Kỳ, không tuân theo bất cứ tổ chức học thuật được công nhận nào, và không được công bố chánh thức hay được duyệt nhóm.

Một đánh giá phúc trình chi tiết của các chuyên viên thủy lực Trung Hoa cho thấy những sai sót rõ rệt.  Tian Fuqiang, một học giả và nhà nghiên cứu hàng đầu của Trung Hoa về nguồn nước sông Mekong của Đại học Tsinghua (Thanh Hoa), nói với Global Times trong cuộc phỏng vấn trước đây rằng mực nước ở các trạm thủy điện dọc theo sông Lancang không nhất thiết quan hệ chặt chẽ với độ ẩm trong lưu vực.  Do đó, ước tính dòng chảy của các trạm thủy điện trên sông Lancang bằng chỉ số độ ẩm sẽ đưa đến kết luận không chính xác.

Hơn nữa, mô hình Basist dùng để phát hiện độ ẩm, được gọi là Chỉ số Độ ướt Basist (Basist Wetness Index (BWI)), không thể áp dụng cho vùng rừng núi như lưu vực sông Lancang, như chính Basist đã lưu ý trong các bài viết khoa học trước đây.

Các tác giả của phúc trình dùng tài liệu và nguồn tin từ đầu thập niên 1990s để làm nghiên cứu và mô hình phân tích, hầu như không thực tế với sự thay đổi khí hậu và môi trường trên thế giới hiện nay, Tian nói trong đánh giá của ông.

Hoa Kỳ, một quốc gia ngoài khu vực, đã gia tăng nỗ lực trong việc tấn công cơ chế Hợp tác Lancang-Mekong (Lancang-Mekong Cooperation (LMC)) do Trung Hoa phát động trong năm 2016.  Việc chánh trị hóa các vấn đề của họ tiếp tục leo thang khi một số cơ quan truyền thông phóng đại như là “một tranh chấp Biển Đông thứ hai.”

Một cơ quan nghiên cứu khác ở Washington, Trung tâm Stimson, đã liên tục phê bình về các vấn đề Mekong trong những năm gần đây.  Giám đốc chương trình Đông Nam Á (ĐNA) của Trung tâm, Brian Eyler, chỉ trích Trung Hoa nhiều lần trong các buổi phỏng vấn, kể cả buổi phỏng vấn với Reuters hôm 4 tháng 9 nói rằng: “Vị thế quan trọng của Trung Hoa trong “Kế hoạch Bình điện của ĐNA” khiến Lào nhanh chóng trở thành như một tỉnh của Trung Hoa.”

Hôm 15 tháng 8, Eyler chuyển tiếp một thư của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo vu khống Trung Hoa đã “kiểm soát dòng chảy một cách mờ ám,” mà các chuyên viên nói đã cố tình bỏ quên cự cam kết và nỗ lực lâu dài của Trung Hoa trong việc chia sẻ dữ kiện với các quốc gia ở hạ lưu.

Từ cuối thế kỷ 20th đến năm 2015, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia và một số quốc gia khác ở ngoài khu vực đã can thiệp vào các vấn đề nước của sông Mekong.  Từ khi LMC được phát động trong năm 2016, tuy nhiên, các thế lực bên ngoài khu vực muốn can thiệp nhiều hơn mà ít tốn kém hơn vào khu vực Mekong, Zhang Li, một nhà nghiên cứu về Ngoại giao Nước và khu vực Mekong của Đại học Fudan (Phục Đán), nói với Global Times.

Quảng bá tin đồn được xem là một phương pháp ít tốn kém như thế.  Bên lề Phiên họp Ngoại trưởng ASEAN trong tháng 8 năm 2019, Pompeo cáo buộc Trung Hoa “khóa nước ở thượng lưu” và “để cai quản dòng sông.”

Hoa Kỳ cũng cáo buộc Trung Hoa cho vụ vỡ đập không liên quan gì đến Trung Hoa.  Vào tháng 7 năm 2018, đập do một công ty Nam Triều Tiên xây ở Lào bị vỡ, gây thiệt hại nhân mạng nặng nề.  Trung Hoa lập tức gởi một toán cấp cứu sau tai nạn.

Hoa Kỳ lợi dụng cơ hội để tố cáo Trung Hoa đã xây đập ở thượng lưu, hủy hoại sự cân bằng sinh thái ở địa phương, Zhang cho biết.

Chướng ngại vật lớn nhất cho việc nâng cao mối liên hệ Trung Hoa-ASEAN trong tương lai có thể là sự can thiệp của các thế lực bên ngoài, Peng Nian, một học giả của Viện Nghiên cứu Quốc gia về Biển Đông của Trung Hoa (China’s National Institute for South China Sea Studies), viết trong một bình luận được đăng trước đây trên Global Times.

Các quốc gia Mekong từ lâu đã bị Hoa Kỳ quên lãng trong quá khứ vì kinh tế nhỏ nhoi của họ.  Nhưng nay, sự tấn công của các chánh trị gia Hoa Kỳ báo hiệu rằng Hoa Kỳ sẵn sàng để cạnh tranh cho sức mạnh và tiếng nói, Peng nói.


No comments:

Post a Comment