Sunday, September 27, 2020

HOA KỲ NÓI TRUNG HOA PHẢI “CHỊU TRÁCH NHIỆM” VỀ CÁC ĐẬP MEKONG TẠI PHIÊN HỌP NGOẠI TRƯỞNG CỦA KHU VỰC

 (US says China has to be made ‘accountable’ for Mekong dams at meeting with region’s foreign ministers) 

Kyodo – Bình Yên Đông lược dịch

South China Morning Post – 12 September 2020

 

Người dân đi thuyền trên sông Mekong ở Phnom Penh, Cambodia. [Ảnh: EPA]

 

           Phụ tá Ngoại trưởng Hoa Kỳ Stephen Biegun dùng phiên họp để tố cáo Trung Hoa về hạn hán đang xảy ra ở vùng hạ lưu Mekong

           Tuy nhiên, một viên chức Thái nói phiên họp có mục đích thảo luận các biện pháp để “tăng cường hợp tác qua Sáng kiến Hạ lưu Mekong (Lower Mekong Initiative (LMI))”

Phụ tá Ngoại trưởng Hoa Kỳ Stephen Biegun và các ngoại trưởng của 5 quốc gia Đông Nam Á (ĐNA) dọc theo sông Mekong đã gặp nhau lần đầu tiên hôm Thứ Sáu, thảo luận các biện pháp để tăng cường việc hợp tác trong lúc có sự kình chống với Trung Hoa về dòng sông dài 4.350 km.

Trong phiên họp khai mạc, Biegun tố cáo rằng hạn hán mà các quốc gia hạ lưu Mekong gánh chịu trong 2 năm qua là do các đập của Trung Hoa xây ở thượng lưu gây ra.

“Chúng ta phải quy trách nhiêm cho Trung Hoa vì quyết định của Beijing ảnh hưởng đến tất cả các bạn trong khu vực,”  Biegun nói với các ngoại trưởng của các quốc gia hạ lưu Mekong – Cambodia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam.

Mười một đập của Trung Hoa trên sông đã có “ảnh hưởng tai hại đến an ninh lương thực, môi trường và cuộc sống của người dân Mekong,” viên chức Hoa Kỳ nói.

 

Phụ tá Ngoại trưởng Hoa Kỳ Stephen Biegun. [Ảnh: AFP]

“Không giống như Trung Hoa đang áp đặt người khác, các nỗ lực của Hoa Kỳ là trao quyền cho người dân địa phương, và giúp cho chủ quyền và độc lập của các quốc gia trong vùng.”

Bắt nguồn từ Trung Hoa, sông Mekong chảy dọc theo biên giới đã trở thành một thủy lộ quan trọng nhất ở ĐNA, nuôi sống trên 60 triệu dân ở ven sông.

Trong những năm gần đây, tuy nhiên, mực nước sông xuống thấp đến mức kỷ lục, gây hạn hán và lũ lụt làm ngập nhà cửa, tàn phá mùa màng và làm giảm số lượng cá trong sông.

Một phúc trình trong tháng 4 của Eyes on Earth ở Hoa Kỳ cho thấy các đập của Trung Hoa ở thượng lưu đã giữ lại 47 tỉ m3 nước.


Sông Mekong.

 

Phúc trình được ủy thác bởi Hợp tác Hạ tầng Cơ sở Khả chấp (Sustainable Infrastructure Partnership) được Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn và LMI – một đối tác dài một thập niên giữa Mekong và Hoa Kỳ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khả chấp ở trong vùng.

Đầu tuần nầy, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Hoa Zhao Lijian đả kích Hoa Kỳ đang tìm cách tạo tranh chấp giữa Trung Hoa và các quốc gia Mekong.

Ông đáp lại một tuyên bố của David Stilwell, phụ tá ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách về Đông Á và Thái Bình Dương, trong buổi hội thảo qua mạng gần đây rằng Trung Hoa đã “kiểm soát dòng chảy dọc theo sông Mekong trong vòng 25 năm, gây gián đoạn lớn nhất cho dòng chảy tự nhiên phù hợp với việc xây cất và điều hành các đập lớn.”

Stilwell nói Trung Hoa đã can dự vào hoạt động nầy “vì lợi ích của họ với cái giá lớn lao cho các quốc gia ở hạ lưu.”


Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Hoa Zhao Lijian. [Ảnh: Reuters]

Phiên họp hôm Thứ Sáu, theo một viên chức Thái, có mục đích thảo luận các biện pháp “để tăng cường hợp tác qua LMI liên quan đến năng lượng, sự nối kết, quản lý nước và tài nguyên thiên nhiên và phát triển nhân sự.”

“Ảnh hưởng của Covid-19 rất cao trong nghị trình và các thành viên nhắm thúc đẩy hợp tác để giảm nhẹ ảnh hưởng của Covid-19 và phục hồi kinh tế hậu đại dịch,” viên chức nói.

Ngoại trưởng từ gần 30 quốc gia, gồm có Nhật Bản, Nam Triều Tiên, Hoa Kỳ và 10 thành viên của Hiệp hội các Quốc gia ĐNA (Association of Southeast Asian Nations (ASEAN)), sẽ tham dự Diễn đàn Khu vực ASEAN (ASEAN Regional Forum (ARF)), một phiên họp thường niên được tổ chức qua mạng vào Thứ Bảy.

ARF gồm có 10 thành viên của ASEAN cùng với Australia, Bangladesh, Canada, Trung Hoa, East Timor, Ấn Độ, Nhật Bản, Mongolia, New Zealand, Bắc Triều Tiên, Pakistan, Papua New Guinea, Nga, Nam Triều Tiên, Sri Lanka, Hoa Kỳ cùng Liên hiệp Âu Châu.

Các quốc gia ASEAN gồm có Brunei, Cambodia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

No comments:

Post a Comment