Sunday, August 21, 2016

Trích đoạn sách "LỊCH SỬ KHẨN HOANG MIỀN NAM" - Tác giả Sơn Nam

.

 
Đọc sách "LỊCH SỬ KHẨN HOANG MIỀN NAM" 
- Tác giả Sơn Nam

https://drive.google.com/drive/folders/0B7vxHAQlq7jzMUhXM2V6QkV5MUk


.Trích đoạn sách "LỊCH SỬ KHẨN HOANG MIỀN NAM" 


Đồng bằng sông Cửu Long, Ménam và Irraouaddi là ba trung tâm sản xuất lúa gạo, có  dư để xuất cảng, quan trọng nhứt trên thế giới. Việt Nam, Xiêm, Miến Điện gồm đa số dân sống bằng nghề nông. Ba quốc gia này liên ranh, nằm trong khu vực gió mùa với những nét  lớn giống nhau:
— Lãnh thổ phát triển lần hồi từ Bắc xuống Nam.
— Biết làm ruộng cấy ở đồng sâu, nhờ đó mà sản lượng đạt mức cao so với ruộng tỉa ở  đất khô.
— Mức sống thấp kém.
Nam tiến không phải là mãnh lực huyền bí của riêng dân tộc Việt Nam. Những dân  tộc chịu ảnh hưởng ấn độ vẫn đạt được kỹ thuật cày sâu cuốc bẫm không kém nước ta. Việc  tôn thờ rắn thần và rồng để cầu mưa, vài môn giải trí như thả diều, trai gái đối đáp nhau  nào phải chỉ xảy ra ở Việt Nam. 

Dân Việt gặp dân Miên vốn có nền văn hóa cổ kính khá cao. Vào thế kỷ 13, người Miên  đã tìm ra giống lúa và dẫn thủy nhập điền thích ứng giúp họ thâu hoạch 3 hoặc 4 vụ trong  một năm. Cuộc Nam tiến của người Xiêm, người Miến Điện gặp hoàn cảnh khá tốt về địa lý,  hai con sông Ménam và Irraouaddi thuận lợi cho việc thông thương, trong khi Hồng Hà và sông Cửu Long có nhiều thác đá. Từ hạ lưu sông Hồng, dân Việt len lỏi theo mấy cánh đồng nhỏ bé dọc theo bờ biển Đông nhiều giông tố để lần hồi đến hạ lưu sông Đồng Nai, sông Cửu Long. 

Tuy là đặt chân trên đất Cao Miên nhưng đối thủ đáng nể của người Việt đi khẩn hoang lại là người Xiêm đang nuôi tham vọng đô hộ vùng Vạn Tượng, Cao Miên và Mã Lai.  Xiêm quốc lúc bấy giờ đang thời hưng thịnh, với tướng giỏi, quân sĩ có kinh nghiệm về chiến đấu đường bộ và đường thủy.
Người Việt đã giữ được thế chủ động trong hoàn cảnh gay go. 

Khi đặt chân ở đồng bằng sông Cửu Long, nước Việt bị chia cắt từ sông Gianh, công trình khẩn đất và giữ đất lúc đầu chỉ do một số dân từ Quảng Bình trở vào gánh vác. Bấy giờ, ưu thế của người Việt không là kỹ thuật canh tác cao, nhưng là ưu thế về tổ chức chính trị và quân sự. Bộ máy hành chính khá hoàn hảo đã giúp chúa Nguyễn theo dõi được tình hình ở những địa phương xa xôi, quân đội có thể tập trung khá nhanh khi cần thiết. Đơn vị xã hội nhỏ nhất là thôn ấp đủ khả năng tự trị, các tổ chức đồn điền có thể tự quản trị về kinh tế và an ninh. 

Quân đội Xiêm hùng mạnh, nhưng đi xa thì mất hiệu năng. Nước Cao Miên bấy giờ quá suy nhược, vua chúa kém năng lực chỉ biết cầu viện với ngoại bang, dân chúng thì ly tán: người Xiêm thường lùa bắt từng loạt dân Cao Miên đem về xứ họ để làm nông nô phục dịch.
Vua chúa Việt Nam thúc đẩy việc khẩn hoang vì những lý do sau đây:
— Mở rộng địa bàn thống trị, đất rộng, dân giàu thì kinh đô được bảo vệ chu đáo hơn.
— Thuế điền và thuế đinh gia tăng nhanh chóng.
— Nạn đói kém được giảm thiểu, nơi này thất mùa, nơi kia bù lại, ít có nguy cơ nội loạn.
— Dân số gia tăng, thêm lính tráng, thêm dân xâu. 

Bộ Đinh và bộ Điền tiêu biểu cụ thể cho nhân lực, tài lực. Với binh sĩ giữ gìn bờ cõi và trấn áp nội loạn, với tiền bạc và nhân công làm xâu, vua chúa tha hồ phung phí, sống xa hoa, xây đắp cung điện lăng tẩm, ưu đãi người trong giòng họ, mua chuộc quan lại, để ngôi  vị được ổn định, chống các âm mưu ly khai ở địa phương. 

Về phía dân chúng, khẩn hoang là việc tích cực, không phải là hưởng thụ, thụ động, chờ thời vận.
Phải có yếu tố thiên nhiên tương đối thuận lợi, đất quá thấp thì lúa dễ bị ngập, quá cao thì gặp nạn thiếu nước. Từ nơi cư trú đến thửa ruộng, đường đi phải gần để khỏi phí thì giờ lui tới, lúa đem về nhà không mất nhiều công lao và phí tổn chuyên chở.
Đủ nước ngọt để uống, nấu cơm và cho trâu bò uống.
Gia đình đủ vốn liếng, đủ lúa gạo ăn trong khi chờ lúa chín. Lại còn quần áo, tu bổ nhà cửa, thuốc uống, trầu cau, lúa gạo để nuôi heo gà, ghe xuồng, nông cụ. Thêm vào đó, còn yếu tố xã hội vì làm ruộng đòi hỏi sự hợp quần cần thiết:
— Sức một người, một gia đình chỉ có giới hạn. Một khoảnh ruộng ở giữa tư bề đất  hoang thì hoa mầu sẽ bị chim chuột từ các vùng lân cận tập trung lại phá nát. Năm bảy gia đình góp sức canh tác liên ranh nhau thì sự tổn thất vì chim chuột được giảm thiểu.
— Mùa cấy tuy là co giãn, xê xích mươi ngày nhưng nằm trong thời gian quy định. Cấy quá sớm, thiếu nước, cấy quá trễ, cây lúa mọc không kịp nước mưa. Mỗi người chỉ có thể cấy chừng 4 mẫu tây trong một mùa mà thôi, đàn bà lo cấy ở nơi này thì đàn ông lo dọn đất ở nơi kia. Dọn đất cấy quá sớm, cỏ mọc trở lại, trì hoãn thì nước trong ruộng lên cao, không dọn đất được. Lúa chín mà gặt trễ chừng năm bảy ngày là hư hao.
Phát cỏ, cấy lúa, gặt lúa đòi hỏi sự tập trung nhân công, mướn hoặc đổi công, theo lịch trình không được bê trễ. Phải nhờ người lân cận hoặc ở địa phương khác đến. Ngay trong  một khoảnh đất nhỏ, mặt đất chưa bằng phẳng, nơi cao nơi thấp, việc đắp bờ, tát nước vẫn  là công trình của nhiều người. 

Vùng định cư để khẩn hoang cần liên lạc với vùng phụ cận dễ dàng để giải quyết vấn  đề nhân công. Trong một ấp, nhà này không được ở quá xa nhà kia. Gần thôn ấp, phải có  nơi bán tạp hóa, có người cho vay, người tiêu thụ lúa. Việc sanh đẻ, cưới hỏi, may chay đòi hỏi các phương tiện tối thiểu. Nhà cửa, tính mạng người dân phải được bảo vệ, chống trộm  cướp, loạn lạc. Lại còn nhu cầu học vấn, nhu cầu về tâm linh với đình, chùa, miễu, hát xướng.
Đơn vị tối thiểu về xã hội vẫn là một làng.

Khẩn hoang đòi hỏi nhiều yếu tố căn bản. Khẩn hoang ở đồng bằng sông Cửu Long là cuộc vận động lớn, toàn diện về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa.
Vua chúa quy định chính sách điền địa, thuế khóa, quân dịch và thưởng phạt. Tùy nhu  cầu mà có khi quân sĩ, lưu dân và tù nhân phải đóng đồn, lập ấp, cày cấy ở nơi mất an ninh.  Đất kém mầu mỡ, khó canh tác nhưng chính quyền lại cưỡng bách đến định cư. Có những giai đoạn, những khu vực mà chính phủ kiểm soát chặt chẽ việc khẩn hoang, nhưng cũng có lúc người dân được dễ dãi. Nhiều vùng đất tuy người Cao Miên chưa chánh thức nhượng cho ta nhưng dân ta đã đến khẩn hoang, hoặc ngược lại, đã nhượng từ lâu nhưng vẫn còn hoang phế. 

Cuộc vận động phối hợp quân sự, chính trị và kỹ thuật này có thể chia ra từng thời kỳ:
1) Từ các chúa Nguyễn đến những năm cuối đời Gia Long: Khai khẩn vùng đất phù sa tốt, đất giồng ven sông, đất cù lao theo nhu cầu phát triển xứ Đàng Trong, phục quốc và củng cố quốc gia.
Còn lại các vùng nước ngập sâu vào mùa mưa, đất quá phèn, rừng Sác. Vùng người  Miên tập trung, trên nguyên tắc thì để nguyên vẹn (Rạch Giá, Sóc Trăng, Trà Vinh, Châu Đốc).
Thành lập các trấn Biên Hòa, Gia Định, Định Tường và Vĩnh Thanh. 

2) Từ cuối đời Gia Long tới cuối đời Minh Mạng: Khai khẩn phía hữu ngạn Hậu Giang, nối qua vùng đồi núi Thất Sơn, vì nhu cầu xác định biên giới Việt Miên. Khai khẩn vùng đồi núi, vùng đất thấp, canh tác những lõm đất nhỏ mà cao ráo, giữa vùng nước ngập lụt.
Thành lập tỉnh An Giang, tách ra từ trấn Vĩnh Thanh. 

3) Từ đời Thiệu Trị tới đời Tự Đức: Khai khẩn những điểm chiến lược, nhằm đề phòng  nội loạn ở phía Hậu Giang, chánh sách đồn điền được thúc đẩy mạnh.

Thực dân Pháp đến, nhằm mục đích bóc lột nhân công rẻ tiền, và xuất cảng tài nguyên, đã thực hiện được vài việc đáng kể:
1) Cho đào kinh để chuyên chở lúa gạo, giúp giao thông vận tải được dễ dàng, đồng thời  rút bớt nước vào mùa lụt từ Hậu Giang ra Vịnh Xiêm La. Vùng đất phèn, tạm gọi là phù sa mới, không còn bị nước ngập quá cao. Việc chuyên chở sản phảm về Sài Gòn ít tốn kém hơn trước.
Thành lập các tỉnh mới: Rạch Giá, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, vùng này trở thành  nơi dư lúa gạo, nhờ dân ít mà mức sản xuất cao. Khai khẩn rừng tràm và đồng cỏ. 

2) Thúc đẩy việc làm ruộng sạ, nhờ chọn các giống lúa thích hợp hơn, giúp vùng đất thấp ở Long Xuyên, Châu Đốc và Đồng Tháp Mười canh tác được. Còn lại là vùng rừng Sác  Cần Giờ, rừng Đước Cà Mau, vùng than bùn U Minh, vùng đất quá nhiều phèn chung  quanh Hà Tiên và Đồng Tháp Mười. 

3) Lập đồn điền cao su ở miền Đông.
Năm 1658, khi còn bận rộn giao tranh với chúa Trịnh ở phương Bắc, chúa Hiền cho quan Khâm mạng đến Trấn Biên dinh (Phú Yên) đem 2000 quân đến Mỗi Xui (Mô Xoài) để đánh phá, bắt vua Nặc Ông Chân giải về Quảng Bình. Khi ấy ở Mỗi Xui (vùng Bà Rịa ngày nay) và ở Đồng Nai, “đã có lưu dân của nước ta đến sống chung lộn với người Cao Miên khai khẩn ruộng đất. Người Cao Miên khâm phục oai đức của triều đình đem nhượng hết cả đất ấy rồi đi lánh chỗ khác, không dám tranh trở chuyện gì”.

Về phía Vịnh Xiêm La, khoảng năm 1680, Mạc Cửu đã lập ấp rải rác từ Vũng Thơm, Trủng Kè, Cần Vọt, Rạch Giá, Cà Mau. Hà Tiên trở thành thương cảng quan trọng, thôn ấp định cư nằm sát mé biển, thuận tiện cho ghe thuyền tới lui, hoặc ở đất cao theo Giang thành, sông Cái Lớn, sông Gành Hào, Ông Đốc để canh tác.

Trần Thắng Tài (Đồng Nai), Dương Ngạn Địch (Mỹ Tho), Nguyễn Hữu Cảnh (Tiền Giang), Nguyễn Cửu Vân (Vàm Cỏ), Mặc Cửu (Hà Tiên) và quân dân đã đi những bước tiên phong trong thời gian ngắn. Nhóm di thần nhà Minh và dân Việt thật sự làm ruộng và định cư nơi đất lạ.
Chúa Nguyễn nắm nguyên tắc căn bản là phát triển các đơn vị hành chính liền ranh nhau. Thoạt tiên dinh Trấn Biên đóng ở vùng Phú Yên. Năm 1698, chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh đặt ra Gia Định phủ gồm có:
— Xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên.
— Xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn;
Rồi lần hồi, vùng Long Hồ nối vào đất Gia Định, vùng Mỹ Tho nối vào Gia Định, vùng An Giang nối vào Long Hồ (Vĩnh Long). Lúc Hà Tiên quá suy sụp, năm 1805 (đời Gia Long) dinh Vĩnh Trấn (Vĩnh Long) cai quản từ hữu ngạn Tiền Giang đến Rạch Giá, Cà Mau, tức Vịnh Xiêm la để rồi năm 1810 trả lại cho trấn Hà Tiên như cũ.

Vùng Bến Nghé Sài Gòn: nòng cốt của Gia Định
 Đây là vùng đất giồng ở sông Sài Gòn, rạch Thị Nghè lên Hốc Môn, Gò Vấp; vùng Chợ Lớn ngày nay ăn xuống Bình Điền, Bình Chánh; Gò Đen, nối liền đến Cần Đước, Cần Giuộc, những giồng thuận lợi để làm ruộng và làm rẩy. Nếu vùng cù lao Phố được ưu thế là có nước ngọt quanh năm, thì vùng Sài Gòn lại bị ảnh hưởng nước mặn từ biển tràn vào, giồng cao ráo, đào giếng có thể gặp mạch nước ngọt, phần còn lại là đất quá thấp.

Nhưng nơi thuận tiện cho việc canh tác phải kể là vùng Cần Giuộc, Cần Đước. “Gạo Cần Đước nước Đồng Nai” nổi danh là ngon và trong mát. Vùng ven biển Nam kỳ (trừ ra rừng Sác - Cần Giờ và rừng Đước mũi Cà Mau) còn nhiều đất rất tốt. Bên kia Cần Đước là Gò Công với nhiều giồng và đất phù sa ở bờ Cửa Đại, Ba Lai (trở thành vựa lúa quan trọng đời Gia Long).

Vùng Ba Giồng: nòng cốt của Định Tường
Sông Cửu Long khác hơn sông Đồng Nai và sông Vàm Cỏ. Hằng năm, Cửu Long có nơi nước lụt tràn bờ. Đất giồng ven bờ sông, đất cù lao ở Cửu Long khác hơn mấy gò ở gần Đồng Nai. Vùng Cửu Long đất thấp, đào xuống vài lớp xuổng là gặp nước, việc trồng cây ăn trái lại dễ dàng, khỏi tưới. Múc nước giếng, hay gánh nước từ mé rạch lên nhà, lên rẫy lại ít tốn công. Bờ Cửu Long thường có bãi bùn, bồi đắp nhanh chóng, đất cù lao lan ra trong vài năm là thấy cuộc biển dâu.

Vùng Long Hồ: nòng cốt của Vĩnh Long, An Giang
Phía cù lao Bảo có tám giồng, phía cù lao Minh có 11 giồng. Đặc điểm của những giồng
này là chịu ảnh hưởng nước lớn nước ròng do thủy triều, nhưng không bao giờ bị ngập vào mùa lụt của sông Cửu Long.
Kinh nghiệm cho thấy rằng con đường từ Hậu giang lên Cao Miên quá xa, không thuận bằng đường Tiền giang, phía Vĩnh Long. Cù lao Hoằng Trấn ở Hậu giang được khai thác sớm, còn mang tên là cù lao Tân Dinh, gợi lại hình ảnh của dinh Long Hồ ngày trước. Giữa Tiền giang và Hậu giang, có nhiều sông rạch lớn nhỏ liền lạc nhau lại còn nhiều giồng đất tốt, quanh năm nước ngọt, mùa nước lụt không ngập (vùng Sa Đéc). Những cù lao trên sông Tiền, sông Hậu đều đáng giá, nhiều cù lao vừa rộng vừa dài, đất biền chung quanh cù lao rất màu mỡ, năng suất cao: cù lao Dung, cù lao Trâu, cù lao Dài, cù lao Giêng, cù lao Mây, cồn Bình Thủy, cù lao Năng Gù. So với sông Vũng Gù (Vàm Cỏ Tây) luôn cả sông Đồng Nai thì Tiền giang và Hậu giang đất tốt hơn, khí hậu khá lành.

Sơ kết thành quả -Thương cảng Sài Gòn thành hình và phát triển:
Trước 1776, thương cảng lớn nhất của miền Nam là cù lao Phố.
Sài Gòn được ưu thế là gần vùng Mỹ Tho và Long Hồ. Việc chuyên chở lúa gạo và sản
phẩm từ Tiền giang tuy khó khăn nhưng lúc bấy giờ kinh rạch vẫn tương đối thuận lợi cho loại ghe có sức trọng tải nhẹ. Nhìn trên bản đồ, ta thấy sông rạch chằng chịt ; vào mùa mưa nước sông tràn đầy, nhưng mùa nắng thì nhiều khúc không lưu thông được, hoặc lưu thông khó khăn phải sang qua ghe nhỏ, kéo bằng sức người hoặc sức trâu, sông rạch lại quanh co, không đủ nhân công để vét. Công trình đào kinh khởi đầu với sáng kiến của Nguyễn Cửu Vân để cố gắng nối liền sông Vũ Gù (Vàm Cỏ Tây) qua sông Mỹ Tho tức là Vàm Cỏ Tây qua Tiền giang, sau lại đào sâu thêm. Tuy nhiên, vì có giáp nước khiến phù sa hai đầu dồn vào nên bị cạn, thuyền to phải chờ khi nước lớn mới qua lại được.  Đã có tạm đường thông thương từ Mỹ Tho qua Vũng Gù. Vũng Gù thông qua Vàm Cỏ Đông đến Bến Lức, theo đường nước đến Ba Cụm rồi theo sông Bình Điền đến Chợ Lớn. Năm 1772, Nguyễn Cửu Đàm (con của Nguyễn Cửu Vân) đào kinh Ruột Ngựa, nối liền Rạch Cát đến kinh Lò Gốm mà trước kia ghe thuyền không qua lại được, chỉ có “một đường nước đọng móng trâu”. Phía Gò Công, Cần Giuộc cũng có đường thủy lên Rạch Cát. Phía Hậu giang, khi tranh chấp bằng quân sự với Tây Sơn, Nguyễn Ánh vẫn tấn thối theo đường sông từ Sài Gòn Gia Định đến tận Sa Đéc, Cần Thơ, Cà Mau, Rạch Giá.

Ở vàm Hậu giang, từ lâu người Miên sống tập trung tại vùng Ba Thắc (Sóc Trăng) trên đất giồng cao ráo, làm ruộng khéo léo, gạo nổi tiếng là ngon. Một thương cảng thành hình từ xưa, phỏng đoán là ở vùng Bãi Xàu (Mỹ Xuyên ngày nay) nơi sông Ba Xuyên ăn thông ra Hậu giang. Theo nhựt ký của cố đạo Levavasseur vào năm 1768, thì thương cảng này mang tên là Bassac thành lập ở mé sông, nơi đất thấp với nhà lợp lá.

Trong dân gian gọi trấn Biên Hòa là Đồng Nai Bà Rịa, trấn Phiên An là Bến Nghé Sài
Gòn, trấn Định Tường là Vĩnh Gù Mỹ Tho, trấn Vĩnh Thanh là Long Hồ Sa Đéc, trấn Hà Tiên là Cà Mau Rạch Giá.
Sài Gòn là thành phố của người Trung Hoa dựng lên lúc ban đầu, nặng về bán sỉ, trong khi thành phố Bến Nghé do người Việt xây dựng về sau, nặng về bán lẻ và là khu hành chính. Vũng Gù tức là chợ Tân An ngày nay, tuy không có chợ lớn nhưng đáng chú ý nhờ khẩn hoang lâu đời, đất khá tốt. Sa Đéc nằm trong trấn Vĩnh Thanh, là nơi sung túc dân cư trù mật, sống nhờ huê lợi ruộng tốt và vườn cây ăn trái. Trấn Hà Tiên, với lỵ sở nổi danh là đẹp nhưng nghèo, không thể sản xuất đủ lúa gạo, cá mắm, chỉ có vùng chung quanh chợ Cà Mau và chợ Rạch Giá là dễ đánh lưới và làm ruộng dễ trúng mùa, tàu buồm Hải Nam ra vào chở cá khô, gạo.

Huyện Kiến Hòa đất ruộng phì nhiêu, mênh mông bát ngát. Nhiều người lo việc canh
nông làm gốc, trong nhà có chứa vựa lúa gạo đầy dẩy”. Mục Phong Tục Chí của Trịnh Hoài Đức ca ngợi trường hợp huyện Kiến Hòa (trấn Định Tường). Định Tường lúc bấy giờ khá rộng rãi, huyện Kiến Hòa nói trên bao gồm trọn vùng Gò Công, vùng Chợ Gạo, luôn cả vùng đất giữa sông Ba Lai và Cửa Đại (tức là An Hóa ngày nay). Vùng Gò Công nổi danh đất tốt, gạo ngon. Đất ở bờ Cửa Tiểu và Cửa Đại là phù sa cao ráo. Nói riêng về từng trấn, Định Tường (với Gò Công làm nòng cốt) là vựa lúa quan trọng nhất của xứ Gia Định.

Ruộng ở đồng bằng Đồng Nai và Cửu Long chia ra hai loại, đứng về mặt kỹ thuật cày bừa mà xét (sự phân biệt này qua thời Pháp thuộc vẫn còn):
— Đất cày
— Đất phát
Ruộng đất cày thường là tương đối cao, chờ mưa mới cày, thường là khai thác lâu năm,
nếu không cày thì mặt đất quá cằn cỗi thiếu chất màu mỡ, cày để trộn đất lên.
Vùng Phiên An, Biên Hòa gồm loại ruộng cày.
Ruộng đất phát là đất thấp, còn mới, ít khai thác, mặt đất còn nhiều cỏ và phân, nếu cày thì đất phèn phía dưới lại trồi lên làm hư lúa (Trịnh Hoài Đức ghi là “trạch điền” để chỉ loại đất phát này).

Muốn làm ruộng đất phát, khi sa mưa, nước lên cỡ ba tấc tây thì phát cỏ (Trịnh Hoài Đức dùng chữ trảm phạt, nhưng không nói rõ là phát bằng thứ dụng cụ gì). Theo ý kiến chúng tôi, nông dân thời ấy dùng cây phãng mà người Miên đã dùng từ trước. Phãng giống như cây mã tấu, cán phãng uốn lại theo góc thước thợ, lưỡi phãng dài cỡ bảy, tám tấc tây. Người phát cứ đứng nghiêng mình mà chém, dùng cây cù nèo gạt cỏ qua một bên rồi chém tiếp. Phát cỏ xong xuôi, dùng cây bừa cào thứ to mà dọn cho đất trống trải, sau đó là cấy với cây nọc (đất không cày nếu dùng tay mà cấy thì không tài nào khoét lỗ để nhét cây mạ được).

Trong Gia Định thành Thông Chí, không lời lẽ nào đề cập đến lối canh tác một năm hai mùa ruộng (khi người Pháp chiếm nước ta hồi cuối thế kỷ 19, ở Nam kỳ vẫn chưa làm một năm hai mùa). Ruộng hai mùa đòi hỏi đất cao ráo, để có thể đắp bờ mà giữ nước hoặc tát nước vào ruộng cạn. Đắp bờ và tát nước đòi hỏi nhân công, các thửa ruộng phải liền lạc, gần nhau. Người nông phu lúc bấy giờ vì đất còn tốt và rộng nên chưa nghĩ đến cách khai thác thâm canh ấy. Lúc rảnh rỗi, họ trồng đậu, bắp khao dễ sinh lợi và ít tốn công hơn.

Kinh Vĩnh Tế đào chưa xong là Thoại Ngọc Hầu cho phép dân lập làng với quy chế rộng
rãi, từ cù lao Năng Gù đến Bình Thiên theo sông Hậu, và dọc theo bờ kinh Vĩnh Tế, từ Châu Đốc đến Thất Sơn. Người khẩn đất cứ dâng đơn, Thoại Ngọc Hầu lúc bấy giờ được trọn quyền ở biên giới (với chức vụ Khâm sai thống chế, án thủ Châu Đốc đồn, lãnh bảo hộ Cao Miên quốc ấn, kiêm quản Hà Tiên trấn biên vụ), phê vào đơn rồi đóng ấn son “Bảo hộ Cao Miên quốc chi dương” là xong. Tờ đơn được đóng dấu này có giá trị như tờ bằng khoán. Dọc theo kinh Vĩnh Tế, nhiều người thử làm ruộng trên phần đất phía Nam, bờ kinh đắp cao, dễ cất nhà. Kinh rút bớt nước, lại thuận lợi giao thông. Một số lưu dân đến mấy vùng đất cao ở chân đồi, chân núi phía Thất Sơn mà canh tác. Rải rác trên bờ kinh, quân sĩ xây nhiều đồn bão nhỏ, giữ an ninh, lại còn đường lộ đắp từ bờ kinh chạy vòng quanh, liền lạc nhau (gọi là xa lộ). Để tiện việc di chuyển và để khi mùa lụt nước ruộng rút nhanh, người khẩn hoang lúc bấy giờ nghĩ ra sáng kiến đào nhiều con kinh ngắn (gọi là cựa gà) đổ ra kinh Vĩnh Tế, bên phần đất mới khẩn để thăm ruộng hoặc chở lúa từ ruộng về nhà dễ dàng hơn. 

Từ biển Nam Hải trở lên Châu Đốc, tức là hữu ngạn sông Hậu giang có vài khu vực đáng
kể không chịu ảnh hưởng nước lụt. Vùng Ba Thắc, Sóc Trăng đã có người Miên khai khẩn từ lâu rồi. Phía Sóc Trăng từ đời Gia Long thấy ghi làng Tân An (rạch Cần Thơ), làng Thới An (Ô Môn), làng Thới Thuận, Tân Thuận Đông (vùng Thốt Nốt), làng Bình Đức ở rạch Long Xuyên, làng Bình Lâm ở Năng Gù. Làng này cách làng kia hàng chục cây số, nằm trên các vùng đất gò, đất giồng. Các thôn xóm này đều bám sát vào bờ Hậu giang. Cù lao ngoài bờ sông cái thì phì nhiêu hơn: ven cù lao là đất cao ráo, thích hợp để trồng khoai, trồng đậu. 

Năm 1837, Trương Minh Giảng mở rộng thêm ảnh hưởng, lấn sát vùng mà người Xiêm
chiếm đóng ở Biển Hồ. Biển Hồ (Tonlé Sap) được gọi là Hồ Hải (vì hình dáng có eo giống như cái bầu đựng rượu). Đây là khu vực nhiều huê lợi.
Tướng Nguyễn Tri Phương nhận định rằng Tiền giang là con sông quan trọng ăn thông giữa trung tâm An Giang, Vĩnh Long và Định Tường

Mộ dân lập ấp
Dân trong ấp sống theo quy chế dân sự, không bị câu thúc nhiều. Con số tối thiểu để lập
một ấp là 10 người, đủ số ấy mới được chọn đất mà khai khẩn, lập bộ. Nên hiểu đây là 10 người dân cam kết chịu thuế, lần hồi ấp này quy tụ thêm một số lưu dân, bọn này không cần vô bộ, cứ sống theo quy chế dân lậu. Khi ruộng đất thành thuộc, dân đông hơn thì nâng lên thành một làng.
Người Tàu cũng có thể đầu mộ, lập ấp.


Mộ dân lập đồn điền
Dân sống tập trung làm lính đồn điền, đây là hình thức bán quân sự.
Ai mộ được 50 người thì tổ chức thành một đội, người mộ được làm suất đội. Về sau, khi cày cấy có kết quả, đội này cải ra thành một ấp, viên suất đội mặc nhiên trở thành ấp trưởng, theo quy chế dân sự.
Ai mộ được 500 người thời tổ chức thành một cơ (gồm 10 đội), người mộ được bổ nhiệm làm chánh đội thí sai phó quản cơ, khi đất trở nên thành thuộc, cơ này trở thành một tổng, người đứng mộ trở thành cai tổng, theo quy chế dân sự.


Có lệ khen thưởng những người mộ dân lập ấp: được 30 người thì tha xâu thuế trọn đời, 50 người thời thưởng chánh cửu phẩm, 100 người thời thưởng chánh bát phẩm. Nên nhớ là muốn mộ dân thì phải có vốn lớn để nuôi dân, cho vay làm mùa trong mấy năm đầu (vay tiền và vay lúa ăn). Các ông bá hộ, tức là chủ nợ (đồng thời cũng là ân nhân) khi chết thì trở thành tiền hiền, thờ trong đình làng.
Đây là nội dung lời tâu đặc biệt của Nguyễn Tri Phương:
Người Cao Miên ở các sốc thuộc Ba Xuyên và Tịnh Biên mới quy tụ về theo ta (sau các biến loạn đời Thiệu Trị) đáng lý thì phải đem phân tán khắp nơi, nhưng ta lại cho họ trở về quê quán, nếu tiếp tục sống như thế họ sẽ có cơ hội để làm loạn như trước. Bởi vậy dân khắp Nam kỳ lục tỉnh nếu muốn ứng mộ qua Tịnh Biên, Ba Xuyên để lập ấp thì cứ cho, nhưng họ phải sống trong các tổng đã thành lập rồi (nhưng nay thì đã xiêu tán, dân không còn đủ số).
Tù phạm ở Lục tỉnh, ai mộ được một đội hoặc một thôn (50 người) thời cho làng chúng nó bảo kiết, sẽ tha tội rồi đưa đến vùng kinh Vĩnh Tế (thuộc tỉnh An Giang) hoặc vùng rạch Giang Thành (tỉnh Hà Tiên) để cày ruộng, tùy theo công việc kết quả tới đâu, hạnh kiểm ra sao sẽ liệu định mà giải quyết.
Qua lời tâu của Nguyễn Tri Phương, ta thấy có dụng ý cho tù phạm đoái công chuộc tội vì vùng Vĩnh Tế và Giang Thành là nơi khó khai khẩn, lại ở sát biên giới, nguy hiểm hơn các vùng khác.
Trong khi vùng ngoại ô Sài Gòn chưa bình định xong thì thực dân chánh thức cho phép tàu ngoại quốc vào thương cảng Sài Gòn mua bán (22/2/1860).Ba loại gạo mà giới xuất cảng chuộng nhứt là gạo Gò Công, rồi đến gạo Vĩnh Long; gạo sản xuất từ Sóc Trăng, vùng Bãi Xào (gạo Ba Thắt) thì được giá trên thị trường Trung Hoa hơn.


Ảnh hưởng của kinh đào
Trước khi Pháp đến, những vùng thuận lợi có sông rạch đều làm ruộng rồi. Trong thời cai trị của người Pháp, có thêm hai việc lớn:
Đào kinh thêm ở những nơi có thể làm ruộng được, tạo đường giao thông chuyên chở, rút bớt nước lụt, rút bớt phèn.
Vài giống lúa sạ được canh tác có kết quả ở những nơi mực nước lụt quá cao là loại lúa thường (lúa cấy) không sống nổi.
Tính đến năm 1930 thì những tỉnh có đất phù sa tốt như Bến Tre, Chợ Lớn, Gia Định, Gò Công, Mỹ Tho, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ, Sóc Trăng đã khai thác xong, kể luôn những phần đất giồng ở Long Xuyên, Châu Đốc, Tân An, Sa Đéc. Trong các tỉnh này chỉ còn lại chừng 150.000 mẫu đất chưa trồng tỉa ở vùng Đồng Tháp, vùng Láng Linh và phụ cận tỉnh lỵ Hà Tiên là nơi đất quá phèn.

Ngay khi vừa đào xong những con kinh đầu tiên, dân tứ xứ tới cất nhà, làm ruộng mà nhà nước khỏi cần giúp đỡ về vốn liếng, gia súc, hoặc cây lá gì cả. Họ đến cánh đồng bao la giữa Hậu giang và vịnh Xiêm La, mạnh ai nấy chiếm này cắm ranh. Chỉ trong 3 năm (1927—1930)họ tự động chiếm 17.000 mẫu. Việc chiếm hữu này xảy ra:
Do những nông dân nghèo ở các tỉnh miền trên đến lập nghiệp. Họ muốn làm chủ phần đất tương đối đầy đủ để nuôi sống gia đình.
Do những người đem vốn lớn từ các tỉnh khác đến, họ mướn dân địa phương cắm ranh, khẩn hoang đợt đầu tiên cho họ rồi họ gom lại, trở thành đại điền chủ

Trường hợp đặc biệt ở Bạc Liêu, Rạch Giá
Đây là khu vực nhờ đào thêm kinh mà diện tích canh tác gia tăng với những con số hùng biện nhứt. Đời Tự Đức, ít ai chịu tới làm ăn, lý do chánh là đất quá phèn, đường giao  thông chuyên chở khó khăn và quá xa Sài Gòn. Hầu hết mấy con sông lớn vùng này đều đổ ngược qua phía vịnh Xiêm La.
Mãi đến năm 1897 (trường hợp Bạc Liêu) và năm 1916 (trường hợp Rạch Giá) mới có  đường xe nối liền với Sài Gòn, trong khi đường xe lửa Sài Gòn, Mỹ Tho đã có từ năm 1883.  Việc đào kinh xáng giúp các vùng Bạc Liêu và Rạch Giá bán lúa nhanh và có giá hơn trước,  đồng thời đất ráo phèn, nước bớt sâu dễ cày cấy hơn.

Năm 1930:
Theo P. Bernard, mấy tỉnh Rạch Giá, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh là vựa  lúa thật sự của Nam kỳ để xuất cảng. Năm tỉnh nói trên gồm 966.000 mẫu ruộng, những  năm bình thường cung cấp hơn phân nửa tổng số lúa xuất cảng của Đông Dương. Các tỉnh  ấy xuất cảng 986.000 tấn. Dân số trong hiện tại (ở các tỉnh vừa kể, khoảng năm 1930) phỏng chừng 1.130.000 người, tính đổ đồng mỗi mẫu ruộng là 1,15 người và mỗi mẫu ruộng  xuất cảng được một tấn.
Một phần lớn kinh do xáng đào từng chặn, sửa chữa nới rộng và vét tới vét lui nhiều lần; một số kinh thì đào tay, bắt dân làm xâu. Tỉnh Rạch Giá được ảnh hưởng tốt nhờ mấy  con kinh đào từ Cần Thơ và Sóc Trăng ăn qua.

Để nghiên cứu vựa lúa Hậu giang cũng là vựa lúa quan trọng của Nam kỳ và Việt Nam,  chúng tôi chọn ba tỉnh Rạch Giá, Bạc Liêu và Cần Thơ. 

Rạch Giá và Bạc Liêu là hai tỉnh rất mới mà việc khai khẩn vẫn chưa hoàn tất mãi đến khi người Pháp rời xứ Nam kỳ. Nghiên cứu hai tỉnh này, ta thấy rõ việc làm của người  Pháp và những nét đặc biệt của vùng đất rộng người thưa mà vùng Tiền giang không có. 

Tỉnh Cần Thơ điển hình cho sự sung túc của Hậu giang, nơi gọi là thủ đô miền Tây, với  nhiều đồn điền của Pháp. Một phần đất của Cần Thơ đã được khai khẩn từ thời Minh  Mạng, Tự Đức. Cần Thơ là nơi người Việt chiếm đa số, phong tục thuần tục, nước ngọt, đất  tốt, đường giao thông thuận lợi về Sài Gòn, với vùng Ngả Bảy (Phụng Hiệp), một quận  thành hình nhờ việc đào kinh thời Pháp thuộc. 

Vùng Rạch Giá đất rộng người thưa
Rạch Giá là hậu bối khá rộng của bờ biển vịnh Xiêm La. Bờ biển từ Rạch Giá (vàm sông Cái Lớn) ăn về phía Nam là khu rừng sác với cây mắm, cây giá, cây cóc, loại cây tạp  không đem huê lợi gì đáng kể, trừ huê lợi sáp và mật ong, hoặc cua, ba khía sống nhun nhúc  trong bãi bùn (khu vực của cây đước chỉ ở về phía cực Nam tận mũi Cà Mau). Hậu bối tức là sau lưng, giáp vào rừng sác. Có thể nói đất Rạch Giá là rừng tràm minh mông, nhiều phèn và thấp; xa bờ biển hàng đôi chục cây số ngàn vẫn còn là rừng tràm cầm thủy (trầm thủy).  Nổi danh nhứt là U Minh Thượng và U Minh Hạ. U Minh Thượng là rừng chồi, có từng lõm “đất cháy” (than bùn) nằm bên tả ngạn sông Cái Lớn. U Minh Hạ là rừng tràm tốt và mọc dày, dọc ven biển chạy dài tới Cà Mau. Đất Rạch Giá khi người Pháp đến hãy còn nhiều cọp, khỉ, sấu, heo rừng, huê lợi chánh vẫn là mật và sáp (nhờ bông cây tràm, cây giá). Ngoài ra còn cây tràm (làm củi, cột nhà), lá dừa nước (để lợp nhà), cá đồng và cá biển. Đáng chú ý là voi thường tới lui cánh đồng nối liền với Cần Thơ mà ăn lau sậy. 

Hai con sông đáng kể là Cái Bé và Cái Lớn từ đất thấp phía Đông chảy ra vịnh Xiêm La, hiệp lại ở một vàm khá rộng. Hai con sông này chia ra nhiều nhánh nhóc. Ngọn sông Cái Bé ăn qua rạch Cần Thơ, về bờ Hậu giang. Sông Cái Lớn ăn xuống Ba Xuyên, thuộc Sóc  Trăng hoặc xuống phía chợ Cà Mau nhưng là những đường liên lạc nhỏ bé, vào mùa nắng có  nhiều chặng cạn và hẹp, đầy cỏ. Dân ở vùng Rạch Giá, trước khi đào kinh xáng, phần lớn  sống nhờ nước mưa, trừ trường hợp chợ Rạch Giá hứng nước ngọt từ kinh Thoại Hà (đào từ cuối đời Gia Long) nối qua Hậu giang. Giếng có thể đào trên mấy giồng cao ráo, chắc thịt bên bờ sông. Vùng ven biển vịnh Xiêm La định cư được là nhờ nước suối chở từ Hòn Tre.  Bên bờ Cái Lớn, Cái Bé và các phụ lưu, rải rác nhiều giồng, nhiều gò, nơi người Miên đến lập từng sốc: những ốc đảo hoang vắng, chung quanh là rừng che kín chân trời. Muỗi mòng, rắn và vô số chim cò tha hồ nẩy nở. 

Trước khi trở thành ruộng, rừng tràm là nguồn lợi thiên nhiên đáng kể. Vào đời Gia  Long, vùng Rạch Giá được chú ý nhờ sáp ong và cá tôm. Làng Vĩnh Hòa, làng Đông Yên ở hữu ngạn sông Cái Lớn thành hình từ lâu nhờ nguồn lợi sân chim (sử chép là Điểu đình),  những khu rừng mà hằng năm loại chàng bè, lông ô (còn gọi già sói, marabout) tụ họp về  làm ổ, sanh sôi nẩy nở hàng chục vạn con, thợ rừng đến sân (nơi chim tụ họp) bao vây và giết sống để nhổ lông bó lại đem bán cho tàu buôn Hải Nam.

Rừng tràm phát triển ở nơi đất thấp, vào mùa mưa thì nước ngập tràn. Rừng ở Rạch Giá và luôn cả rừng tràm ở Hà Tiên, Châu Đốc, Cà Mau có thể so sánh với vùng Biển Hồ ở  Cao Miên về phương diện sinh hoạt của cá tôm. Nước mưa dâng lên, cá lên rừng mà sanh đẻ, di chuyển. Rừng rậm với con lăng quăng do trứng muỗi nở ra là thức ăn lý tưởng của cá. Khi mùa nắng vừa bắt đầu, gió chướng thổi thì cá biết là nước sắp cạn, từng bầy tìm cách ra sông, xuống rạch để khỏi chết khô. Bởi vậy, rạch ở rừng tràm là nơi tập trung cá; loại cá đồng đắt giá như cá lóc, cá trê chở đem bán nơi xa được, không chết dọc đường. 

Dân địa phương từ lâu đã biết các đào đìa - ở vùng cỏ hoang hoặc giữa rừng tràm, cá rút xuống đìa mà sống. Và khi đã quen thói, hằng năm cá lên rừng vào mùa mưa, trở về  rạch, về đìa khi mùa nắng bắt đầu. Nhiều đìa cá của dân làng đào sẵn trong rừng hoang lại trở thành đìa của điền chủ vì phần đất ấy đã bị trưng khẩn. Đìa đào ở trong rừng thì nhiều cá nhưng khó đem cá về, lắm khi phải gánh cá hàng năm bảy cây số, nếu đìa ít cá thì bỏ luôn chẳng ai thèm tát (đìa ở xa trong rừng gọi là đìa U Minh theo nghĩa là ở nơi u u minh minh, tối tăm như địa ngục, mặc dầu không nằm trong vùng U Minh). 

Đất ất hoang ở tỉnh Bạc Liêu quá thấp, có chân nước mặn, ba bốn năm đầu  khó thâu huê lợi. Mức trưởng thành của Bạc Liêu, Cà Mau khi chuyển mình góp phần lớn vào vựa lúa  miền Nam, có thể đánh dấu vào khoảng 1914, khi nhà nước cho nghiên cứu đào kinh Quan Lộ, nối liền Phụng Hiệp xuống Cà Mau (gọi Quan Lộ vì kinh này khởi đầu từ rạch Quan Lộ). Nhờ đó mà trong tương lai gần, lúa gạo vùng Bạc Liêu, Cà Mau được chở về Sài Gòn  theo đường thủy, ngang qua Rạch Giá, Cần Thơ rồi Trà Ôn, Vĩnh Long (Mân Thít)...
Năm 1927, diện tích canh tác lúa gạo của Bạc Liêu đứng hạng nhì ở Nam kỳ, chỉ sau  Rạch Giá. Nhưng Bạc Liêu còn thêm nguồn lợi than đước, ruộng muối, nhứt là rừng tràm và hải sản. Đến năm 1927, đất ruộng đã chiếm 34 % diện tích của toàn tỉnh Bạc Liêu và chiếm  49 % diện tích của toàn tỉnh Rạch Giá. 

Cần Thơ, đầu cầu và thủ đô miền Hậu giang
Ngọn rạch Cần Thơ ăn thông qua sông Cái Bé rồi ra vịnh Xiêm La nhưng không rõ rệt. Đời Tự Đức, Đại nam Nhất thống chí mô tả khúc đường ấy: Cuối đông qua xuân, nước khô bùn cứng ghe thuyền qua lại không được, từ mùa hạ qua đông, nước mưa tràn bờ thì ghe thuyền cỡi lên trên cỏ và bèo mà  đi, cứ trông theo phía tả hay phía hữu rừng cây mà nhận dấu đường. Nơi đây không có bóng người, có rất nhiều muỗi và đĩa, người qua lại rất khổ sở. Tóm lại, Cần Thơ chỉ đông đúc ở phía sát bờ Hậu giang

Quan cai trị Pháp biết nhìn xa: dời tỉnh lỵ về rạch Cần Thơ thì chợ Cần Thơ trở thành ải địa đầu quan trọng, nắm luôn nẻo thông thương thứ nhì, cũng nối từ Hậu giang qua Tiền giang để lên Sài Gòn, Chợ Lớn. Đó là con đường từ rạch Cái Vồn qua rạch Nha Mân, phía Sa Đéc. Lại còn phía tây Cần Thơ là vùng Rạch Giá, Cà Mau bao la với nhiều triển vọng về lúa gạo, đất hoang chưa khai phá. 

Cần Thơ có khí hậu tốt, đất hoang tuy chưa được khai thác đúng mức nhưng là rừng chồi thưa thớt, không như rừng tràm ở nước mặn phía Rạch Giá, Cà Mau. Giữa Cần Thơ,  Sóc Trăng và ranh tỉnh Rạch Giá còn một cánh đồng bát ngát, nước ngọt, không quá thấp  như Đồng Tháp Mười, không quá sình lầy và nhiều phèn. Đó là cánh đồng sau này trở thành quận Phụng Hiệp, đầy lau sậy, có voi (voi ăn sậy và lau). Thoạt tiên người Pháp gọi đó là “Đồng Sậy” nhưng vì khai phá xong nên địa danh này không còn thông dụng như trường hợp Đồng Tháp Mười hay rừng tràm U Minh. 

Đào kinh xáng Xà No
Kinh xáng Xà No là công trình lớn lao đầu tiên của Nam kỳ về đường thủy, có thể so  sánh với việc thiết lập đường xe lửa Sài Gòn, Mỹ Tho về đường bộ. Kỹ thuật Tây phương đã  biểu diễn với tất cả sức mạnh và hiệu năng. 

Đời Gia Long và Minh Mạng, vua và các quan đã nhận rõ vai trò quan trọng của kinh đào đối với miền Tiền giang và Hậu giang. Kinh Thoại Hà, kinh Vĩnh Tế là những công  trình chiến lược đứng đắn, nối vịnh Xiêm La qua Hậu giang để rồi lên Mỹ Tho, Chợ Lớn, Sài  Gòn. Ai cũng biết đào kinh thì đất ráo phèn, ruộng nương dễ khai phá, dân chúng thích quy tụ ở nơi “sông sâu nước chảy”.
Kinh xáng Xà No nối Hậu giang qua vịnh Xiêm La, xuyên qua vùng đất tốt và to rộng  giữa nhánh sông Cái Lớn và rạch Cần Thơ (nhánh sông Cái Lớn nơi ấy gọi là Rạch Cái Tư).
Từ năm 1866, nhà nước dùng xáng mà vét lại rạch Bến Lức và kinh Bảo Định nhưng kết quả chưa được như ý muốn. Năm 1875, đô đốc Duperré cho đào lại kinh Chợ Gạo và  kinh Trà Ôn, dùng dân xâu.

Sáng kiến đào kinh Xà No trước tiên do hai người Pháp là Duval và Guéry nêu ra vì  quyền lợi ích kỷ. Họ thấy đất tốt và rộng nên xin trưng khẩn. Và khi chưa được giấy phép trưng khẩn chánh thức là họ đã vận động với quan toàn quyền Paul Doumer (17/5/1900).  Chủ tỉnh Cần Thơ cho biết là trước đó, năm 1896, đã đào kinh Ô Môn (nối ngọn sông Cái Bé  từ Rạch Giá qua Ô Môn) dùng dân xâu nhưng tạm ngưng vì ở vùng đào kinh xảy ra nạn  dịch khí. Kinh Xà No nếu đào được thì ích lợi vô cùng, giúp khai thác hàng mấy chục ngàn mẫu đất tốt phía địa phận Cần Thơ.

Kinh Xà No đào từ 1901 đến tháng 7/1903 là xong, bề ngang trên mặt rộng 60 mét, dưới đáy 40 mét tốn phí 3.680.000 quan. Lần này, nhà thầu sử dụng loại xáng lớn chạy bằng hơi nước, với những giàn gàu bằng sắt. Máy của xáng mạnh 350 mã lực, mỗi giàn mút  được 375 lít, thổi bùn ra xa đến 60 mét. Giàn gàu của xáng chạy theo vòng tròn (như xe đạp nước). Từ xa, chiếc xáng giống như chiếc chiến hạm, máy chạy vang rền suốt năm ba cây số, mang theo một số chuyên viên, nhân công hàng trăm người. Dọc theo hai bên bờ phải chở củi đem tới sẵn, vì xáng đốt nồi sốt—de bằng củi.

Vài chuyện khôi hài xảy ra, một số dân chạy theo xáng, dùng thúng mà hứng bùn để tìm vàng, nhưng chỉ gặp xương người xương thú. Nhiều người cho rằng cứ “cắm dùi” là đất  ấy về phần mình, vì mình đến trước nhứt. Culi của hãng xáng tụ tập, bày ra đánh bài,  uống rượu hoặc đi ăn cướp, bọn cặp rằn đo đất thì hăm dọa những chủ nhà ở gần con kinh sắp đào để tống tiền, ai cho tiền thì nhà cửa, vườn tược khỏi bị đào ngang. Bọn chuyên viên người Pháp đứng cao trên xáng, hò hét như các vị chỉ huy chiến hạm. Khung cảnh trầm  hùng này đã in sâu vào giai thoại thời ấy, trở thành ca dao, chiếc xáng của Tây là sức mạnh  cơ khí vô địch.

Lễ khánh thành kinh Xà No là ngày trọng đại, có lẽ đó là lần đầu tiên mà quan Toàn quyền Đông Dương chịu đặt chân đến miền Hậu giang.
Câu hát “Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Phong Điền. Anh thương em cho bạc cho tiền, đừng cho lúa gạo xóm riềng họ hay” phản ảnh tâm trạng lạc quan của người dân thời ấy.
Vàm Xáng (vàm của kinh Xáng) là nơi kinh Xà No khởi đầu bên phía Cần Thơ (Xà No, Srok Snor, xóm có nhiều cây điên điển). Ngã ba này trở nên tấp nập, ghe xuồng đậu để chờ con nước thuận lợi mà qua Rạch Giá hay ra chợ Cần Thơ. 

Nhiều con kinh tiếp tục đào nối liền các rạch nhỏ trong tỉnh, quan trọng nhứt là công  trình mở mang đường giao thông ở cánh đồng Phụng Hiệp mà trước kia người Pháp gọi là Plaine des Roseaux. Đất Cần Thơ phía tả ngạn Hậu giang đã có dân cư từ lâu. Phía hữu  ngạn là đất tốt tuy hoang vu đầy lau sậy nhưng dầu sao đi nữa với địa thế tương đối cao (so  với Châu Đốc hoặc Rạch Giá), với phù sa nước ngọt (dễ trồng hoa màu phụ), nhứt là gần  đường giao thông về Sài Gòn (lúa bán có giá) thì vẫn là nơi lý tưởng mà ai cũng muốn bám  vào, không xong thì mới xuống Rạch Giá, Cà Mau là nơi đất thấp, nhiều muỗi mòng. 

Chuyên viên thủy nông nghiên cứu không chính xác. Lắm vùng đất làm ruộng được,  nhưng bỗng nhiên lại trở thành đất thấp, bị ngập lụt triền miên chỉ vì ảnh hưởng của mấy  con kinh đào lân cận. Trong trường hợp ấy, dân làng và điền chủ phải tự nguyện xin làm  xâu, đào thêm kinh phụ để cứu nguy cho ruộng đất của mình.
Đào kinh Trà ết (1902), đào kinh Bà Thậm qua Tân Lược (1899), vét lại năm 1904.
— Đào kinh từ ngọn Cái Bé qua Thốt Nót từ 1908 đến 1910.
— Vét kinh Nhiêu Sự để nối liền Bò Hút qua Sa Đéc (1909).
— Vét kinh Vàm Bi (1909—1910), điều chỉnh lại kinh Ô Môn qua ngọn sông Cái Bé  (1911—1912).
— Đào kinh Xẻo Vông (1908—1912). 

Cuối năm 1910, nhà thầu đã cẩn xong bờ sông Cần Thơ (chỗ vàm rạch Cái Khế): cẩn  bằng cừ cây, lót vỉ sắt, tráng xi măng bên ngoài cho nước không làm lở và đồng thời cẩn đá  luôn bờ sông tại chợ.
Năm 1911, chỉnh đốn lại mấy “mũi tàu” rạch Cái Vồn Lớn, Cái Vồn Bé và bờ rạch Trà Ôn. Mấy nẻo yết hầu này là đường chở lúa gạo từ Hậu giang qua Tiền giang; dùng kỹ thuật đặc biệt, cẩn từng cục xi—măng cứng (gọi là cuirasse Decauville) để khỏi bị nước xoáy làm lở bờ. Năm 1908, chủ tỉnh Outrey đưa ra kế hoạch biến Phụng Hiệp trở thành một thương cảng.
Xáng đào thêm con kinh nối Phụng Hiệp với Sóc Trăng, năm 1901.
Bấy lâu, lúa từ Cà Mau chở lên Mỹ Tho rồi lên Sài Gòn theo con đường quanh co, không thuận lợi: từ Cà Mau theo kinh lên Bạc Liêu, qua Cổ Cò, Sóc Trăng, ra Đại Ngãi, vượt Hậu giang rồi theo con rạch Tiểu Cần đến Láng Thé, rồi qua Tiền giang đến Mỏ Cày,  qua Bến Tre rồi Mỹ Tho. 

Năm 1914, kế hoạch đào kinh Quan Lộ được nghiên cứu và thi  hành gấp, nối liền Cà Mau thẳng lên Phụng Hiệp để từ đó qua Cái Côn rồi qua Trà Ôn, con đường rút ngắn hơn nhiều. Ngoài ra, hai bờ kinh Quan Lộ sẽ quy tụ dân đến khẩn đất, nhà nước thêm lợi.
Năm 1915, quận lỵ Rạch Gòi dời đến Ngã Bảy, Phụng Hiệp, gọi là quận Phụng Hiệp.  Đây là quận thành hình giữa vùng lau sậy hoang vu, sau 10 năm đào kinh xáng, nằm trên  đường thủy từ Cà Mau ra Hậu giang, đem lúa và sản phẩm lên Sài Gòn.
Trên những nét chánh, việc khẩn hoang được hoàn tất, khi đường thủy nắm ưu thế.  Qua trận thế chiến thứ nhứt, đường bộ bắt đầu phát triển. Cần Thơ vẫn nắm giềng mối của  các tỉnh giàu có như Sóc Trăng, Bạc Liêu (và Cà Mau). Đồng thời phân nửa tỉnh Rạch Giá cũng nhờ Cần Thơ mà đến Sài Gòn theo đường bộ ngắn nhứt.
Việc khai thác đất đai ở Nam kỳ đem lại nguồn lợi đáng kể cho thực dân: bán đất công  thổ, thâu thêm thuế điền, thâu thuế xuất cảng lúa gạo, dân tiêu thụ thêm hàng hóa nhập  cảng.

Con kinh Cái Sắn đã đào xong, lộ xe Rạch Giá Long Xuyên thành hình bắt đầu cho lưu  thông vào năm 1929, giúp cho cánh đồng Cái Sắn dễ khai thác suốt 60 cây số ngàn.
Năm 1853, vua Tự Đức cho phép lập đồn điền, lập ấp ở xứ Nam kỳ theo lời tâu của đình
thần. Tại sao có việc lập đồn điền này ? Từ trước đã có chánh sách đồn điền rồi. Nhưng lần này đưa ra cấp bách nhằm đối phó kịp thời với tình hình điêu tán ở vùng biên giới và Hậu giang. Nguyễn Tri Phương nói thẳng mục đích: .Đất Nam kỳ liền với giặc Miên, dân xiêu tán nhiều. Nay mượn điều chiêu mộ để dụ dân về đốc việc khai khẩn để nuôi dân ăn, thật là một cách quan yếu để giữ giặc và yên dân đó..
Lập đồn điền và lập ấp là hình thức tổ chức nhằm phục vụ chiến lược lớn: giữ giặc và yên
dân.

Lập làng mới
Đời Tự Đức, ở Nam kỳ Lục tỉnh, nhà nước khuyến khích lập làng để thúc đẩy khẩn hoang, thâu thêm thuế đinh và thuế điền. Việc lập làng được hưởng ứng, bất kể dân giàu hay dân nghèo.
Người giàu (thường là bá hộ) được dịp ban ơn bố đức cho dân đi khẩn đất. Trong giai
đoạn đầu, người khẩn đất cần vốn liếng để sắm nhà cửa, ghe xuồng, nông cụ, quần áo, gạo để ăn, tiền để xài. Ông bá hộ cho vay tiền, vay lúa với mức lời rất nặng, trên 50 phần trăm mỗi năm. Ngoài ra, nếu ông bá hộ trực tiếp khẩn đất thì có thể canh tác với nhân công mướn rẻ, đó là những người bạn làm ruộng ăn lương hàng năm, khi rảnh việc cày cấy gặt hái thì chủ bắt chèo ghe, sửa nhà, đắp bờ, đào mương vườn. Bạn làm công luôn luôn mượn tiền trước với tiền lời rất nặng, lắm khi vì đau yếu hay cờ bạc, vợ và con phải làm việc thay thế để trừ nợ.

Người nghèo không gia cư, đã túng thiếu đổ nợ ở các làng cũ nếu có chí thì đi nơi khác
xin lập làng mới, chịu khó làm ăn thì có thể trở thành điền chủ nhỏ, được làm hương chức. Trong nhiều trường hợp, người đi lập làng thường lôi kéo theo nào là bạn thân, nào là bà con xa, bà con gần để trong việc làm ăn hàng ngày họ sống trong bầu không khí thân mật và tin cậy hơn.


Chủ điền, chủ nợ và tá điền
Dân trong làng phải ghi vào bộ để chịu thuế; dân có nghĩa là đàn ông, con trai. Tất cả dân, làm bất cứ nghề gì cũng phải ghi. Trên nguyên tắc thì vậy nhưng ở làng có rất nhiều người không ghi tên vào bộ đinh. Họ là dân lậu.

Dân lậu là ai ? Là tá điền, tức là những người không đủ thế lực, không đủ vốn khẩn đất, họ mướn lại đất của chủ điền.
Là tá điền, khi mướn đất họ phải làm tờ tá điền (gọi tắt là tờ tá) tức là tờ mướn đất để làm
ruộng. Mỗi mùa, họ đong cho điền chủ một số lúa gọi nôm na là lúa ruộng (chữ nho gọi là tá túc), lúa mướn đất.  Nên phân biệt với tô túc. là số lúa mà chủ điền đóng cho nhà nước trong thuế bằng hiện vật, cộng với một số tiền mặt.

Thời phong kiến (luôn cả đến thời Pháp thuộc) giữa chủ điền và tá điền không có quy định nào rõ rệt do nhà nước đưa ra về số lúa ruộng (tá túc) mà tá điền phải đóng cho chủ điền, theo tỷ lệ hoặc giá biểu nào cả. Tá điền chỉ biết trông cậy vào lòng nhân đạo của chủ điền mà thôi. Luân lý Khổng Mạnh thường nhắc đến hai tiếng tích đức, là nhắm vào chủ điền trong việc đối xử với tá điền, giới tá điền dầu có lòng tốt thì cũng chẳng có ai dưới tay để mà ban bố.

Về pháp lý, tờ tá (tờ mướn đất) là văn kiện do chủ điền và tá điền tự ý ký kết. Nếu tá điền
vi phạm điều giao kết thì chủ điền tố cáo, nhờ quan làng xử. Năm nào tá điền trả không nổi thì chủ điền giữ giấy ấy lại, xem như là giấy nợ hợp pháp.
Một số hương chức và thân hào tuy không đứng bộ, không làm chủ sở đất nào trong làng
nhưng  lại có ưu thế đối với đất gọi là công điền, do làng làm chủ (nhưng hương chức làng không được tự ý bán, trong bất cứ trường hợp hoặc vì lý do nào). Họ đứng ra mướn đất công điền với giá rẻ rồi cho dân mướn lại với giá cao hơn, họ đóng vai trung gian mà ăn lời. Trên lý thuyết thì sự thành lập công điền nhằm mục đích giúp cho công quỹ của làng thâu thêm lúa và tiền để dung vào công ích, đồng thời giúp một số tá điền có đất làm ruộng. Nhưng người tá điền chẳng được hưởng ân huệ gì cả.

Người chủ điền thời xưa được quyền hưởng lộc do tá điền đền ơn cho, vì chủ điền đã
giúp tá điền có đất mà cày, có nơi cất nhà, có chỗ vay mượn lúc đau ốm. Khi vay, con nợ phải mang ơn; chủ điền là ông vua nho nhỏ trong đất đai của họ, tá điền đóng vai thần dân của tiểu giang sơn. Chủ điền bắt buộc tá điền làm .công nhựt., tức là làm thí công, mỗi năm vài ba ngày, (tùy theo lòng nhân đức của mỗi chủ điền) lúc có đám giỗ, lúc chủ điền gả con, ăn mừng tuổi thọ ngũ tuần, lục tuần. Đặc biệt là trước ngày Tết, tá điền phải đến làm cỏ vườn, bửa củi, xay lúa, chèo ghe. Ngoài số lúa ruộng ghi trong giấy mướn đất, tá điền còn góp một số hiện vật gọi là công lễ, thì dụ như vài lít rượu nếp thứ ngon, một thúng nếp trắng, một cặp vịt vào dịp đám giỗ trong gia đình chủ điền hoặc ngày Tết, theo kiểu chư hầu cống sứ cho thiên tử. Đáp lại, nhiều chủ điền tỏ ra rộng lượng, bố thí và tích đức cho con cháu mình bằng cách đốt bỏ giấy nợ của tá điền, loại giấy nợ không thanh toán nổi từ mấy năm trước vì mất mùa hoặc đau yếu.

Cách đo lường thời đàng cựu
Đời Tự Đức, đơn vị để đo là một thước, còn gọi là thước quan, lấy tiêu chuẩn là 22 đồng
tiền đời Gia Long sắp liền nhau; phỏng định tương đối chính xác là 526 ly (tức là hơn 5 tấc 2, tính theo mét).
Một thước quan chia ra 10 tấc, 1 tấc 10 phân.
Để đo diện tích ruộng đất, lệ xưa định một mẫu là diện tích của một hình vuông mỗi góc
150 thước quan ; tính ra mẫu tây (hectare) là 62 ares, 2521. Theo cố đạo Tabert thì một mẫu thời đàng cựu to hơn, là 73 ares, 0890.
Một mẫu chia ra 10 sào.
Một sào chia ra 15 thước, còn gọi là cao.
Người thời xưa quan niệm đơn giản rằng mẫu là sở đất hình vuông; sào là sở đất hình chữ
nhật với bề ngang là 15 thước, bề dài là 150 thước.
Người Pháp ra nghị định ngày 3/10/1865 để thống nhứt việc đo đạc, họ quy định đại khái 2 mẫu ta ngày xưa là một mẫu tây (hectare). Như vậy có sự sai biệt, thật ra, hai mẫu ta là 125 ares tức là to hơn một mẫu tây.
Một mẫu tây chia ra 100 sào tây (100 ares).
Về đong lường, trên nguyên tắc thì dùng hộc để đong lúa, dùng vuông để đong gạo.
Một hộc chia ra 26 thăng, một thăng là 10 hiệp, một hiệp là 10 thược. Một hộc tính ra 71
lít, 905, đem cân nặng cỡ một tạ.
Một vuông chia ra 13 thăng (phân nửa của hộc) tính ra nhằm 35 lít, 953.
Một hộc lúa khi xay ra thì được một vuông gạo, tính đổ đồng.
Trong thực tế, khi mua bán đổi chác, người dân thường đong lúa gạo bằng vuông, gọi nôm na là giạ.
Người Pháp quy định một vuông là 40 lít, lúc ban đầu còn thâu thuế điền bằng lúa và một
số tiền mặt theo lệ đằng cựu. Một vuông nâng lên là 40 lít thay vì non 36 lít như thời xưa, có lợi cho nhà nước thực dân hơn, dễ tính toán, với con số tròn trịa là 40 lít.

 *****

1 comment:

  1. Tài liệu thật hay của bác SƠN Nam ,nhưng không có bản đồ cũng khó hình dung

    ReplyDelete