Friday, August 19, 2016

IALY: Con người - Sự kiện - Sông Sê San - “Dòng sông năng lượng”

Source:

 Sông Sê san là chi lưu miền hạ du của sông Mê Kông, tại Việt Nam sông có lưu vực khoảng 11.450 km² và dài trên 237 km. Sông là hợp lưu của 2 nhánh sông: Krôngpôkô (phía hữu ngạn) và Đăk Bla (bên tả ngạn) rồi chảy theo hướng từ Đông Bắc - Tây Nam phía tây dãy núi Trường Sơn; từ tỉnh Kon Tum qua tỉnh Gia Lai (Việt Nam) đổ vào tỉnh Ratanakiri để hoà vào dòng Mê Kông tại tỉnh STung Treng (Vương quốc Cam Pu Chia). 
Nhờ lợi thế tự nhiên về thủy năng như dòng chảy mạnh, độ dốc lớn. Sông Sê San được đánh giá là “Dòng sông năng lượng” và được Chính phủ Việt Nam quy hoạch xây dựng 06 công trình nhà máy thủy điện lớn với tổng công suất lắp đặt gần 1.800MW, tính theo bậc thang từ cao đến thấp gồm:
- Thủy điện Thượng Kon Tum: công suất 220MW đang thi công
- Thủy điện Pleikrông: công suất 100MW đã đưa vào vận hành năm 2010
- Thủy điện IaLy: công suất 720MW đã đưa vào vận hành năm 2000
- Thủy điện Sê San 3 công suất 260MW đã đưa vào vận hành năm 2006
- Thủy điện Sê San 3A công suất 108MW đã đưa vào vận hành năm 2007
- Thủy điện Sê San 4 công suất 360MW đã đưa vào vận hành năm 2010 
Có tiềm năng thủy điện lớn thứ 3 ở Việt Nam (sau hệ thống sông Đà và sông Đồng Nai), các bậc thang thuỷ điện sông Sê San đã tăng cường tính ổn định, hiệu quả cho lưới điện quốc gia; tạo động lực phát triển mạnh mẽ về đời sống kinh tế - xã hội cho miền Trung - Tây nguyên. 
Bên cạnh nguồn lợi từ Thủy điện, sông Sê San còn được thiên nhiên ban tặng những lợi thế tài nguyên thiên nhiên như: phong cảnh thiên nhiên thơ mộng mà hùng vĩ, thủy sản phong phú về chủng loại (trong đó có những loài đặc sản nổi tiếng như cá anh vũ, sọc dưa, lăng, chình và thác lác...), nhiều con nặng cả ngoài chục kg. Nếu được quản lý, bảo vệ, nuôi trồng và khai thác hợp lý, chắc chắn thuỷ sản sông Sê San sẽ phần nào đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của nhân dân và của ngành du lịch địa phương. 
Sông Sê san gắn với huyền thoại về thác Ialy. Chuyện kể rằng:
 
Nàng Hơ - Ly là con gái yêu của chủ làng. Tuổi “bắt chồng” đến rồi và đã khiến nàng rất khó xử: Chàng Y Rốc khoẻ, đẹp, can trường ở làng bên nhưng nhà thì rất nghèo; chàng Y Rít con nhà giàu có trong làng nhưng lại khiến nàng không“ưng” cái bụng. Kết quả thi tài phát rẫy, đơm cá, bẫy thú… của 2 chàng cho nàng Ly chọn chồng đều “Kẻ 8 lạng, người nửa cân”. Chủ làng đành truyền xuống: Ai dám vượt sông, qua núi Bêuchoong (thuộc dãy PleiTum – Sa Thầy – Kon Tum ngày nay) mang về cho ta con cọp dữ, người đó sẽ được con ta chọn để “bắt chồng”…
Đứng trước dòng Sê San sủi bọt đang gào thét, chàng Y Rít xanh mặt lẳng lặng quay về. Chào nàng Ly, chàng Y Rốc hăm hở hất tên nỏ ra sau lưng lao người xuống sông, bơi sang bên kia dòng nước dữ.
Thế rồi nhiều ngày rồi nhiều tuần trăng đi qua mà chàng Rốc vẫn không về. Nàng Ly thì cứ héo mòn, tuyệt vọng trong chờ đợi. Nước mắt của nàng đã chảy và chảy mãi, làm mòn cả mỏm đá mà ngày trước 2 người vẫn ngồi và mơ ước. Và đến một ngày, nàng kiệt sức gục xuống bên 2 dòng nước chảy, nơi 2 chàng trai Y Rốc, Y Rít từng thi đơm cá. Và bỗng kỳ lạ thay: mặt sông nơi đó bỗng sụt xuống thành 3 tầng thác; giữa 2 dòng nước lại có thêm dòng chảy hiền hoà uốn lượn. Từ đó, lũ làng vẫn đầy thương cảm mỗi khi gọi tên con thác có 3 tầng – 3 dòng chảy là Thác Ia-Ly (Ia - nước, nước mắt nàng Ly).
Đắp đập dâng nước làm hồ thuỷ điện, Thác IaLy giờ chỉ còn lại dấu tích hố xói bên dưới chân đập. Song, hiện diện cùng với công trình thế kỷ - Niềm tự hào của người dân Tây nguyên là huyền thoại về một mối tình thuỷ chung, son sắt giữa nàng Hơ - Ly và chàng Y Rốc. Làm say đắm con tim mỗi người Thợ điện, với mỗi du khách đến với IaLy. 

TỔNG QUAN VỀ CÔNG TRÌNH THỦY ĐIỆN IALY

CẢ NƯỚC HƯỚNG VỀ CÔNG TRƯỜNG THUỶ ĐIỆN IALY 


.... NGƯNG TRÍCH....

Ngày 24/9/1992, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) đã chính thức phê duyệt Luận chứng kinh tế - kỹ thuật số 346/CT quyết định đầu tư xây dựng Nhà máy thủy điện IaLy; gồm 04 tổ máy với tổng công suất lắp đặt 720 MW, điện lượng bình quân năm là 3,68 tỉ KWh, tổng mức đầu tư hơn 8.000 tỉ đồng. 
Thủy điện Ialy là dự án lớn nhất và hiệu quả nhất nên được khai thác đầu tiên trong quy hoạch bậc thang năng lượng sông Sê San. Đây là công trình Thuỷ điện lớn lần đầu tiên do Việt Nam tự tổ chức quản lý, thi công xây lắp và vận hành với sự trợ giúp kỹ thuật (chủ yếu là phần thiết bị) của số lượng hạn chế chuyên gia Nga và Ucraina. 


CÔNG TÁC ĐỀN BÙ, XÂY DỰNG TÁI ĐỊNH CƯ 

- Số hộ dân di dời khỏi lòng hồ: 1.658 hộ; 8.475 nhân khẩu.
- Số làng tái định cư được xây dựng mới: 24 làng.
Trong đó:
- Tỉnh Kon Tum: 1.510 hộ 7.850 khẩu là đồng bào các dân tộc Banar, Giẻ Triêng, Jrai;
- Tỉnh Gia Lai: 148 hộ; 670 khẩu là đồng bào các dân tộc Jrai, Ê đê. 
Sau nhiều tháng khảo sát, thiết kế và chuẩn bị, đến cuối năm 1993, Công trình thủy điện Ialy đã được khởi công xây dựng. Sáng ngày 04/11/1993 bên dòng Sê San hùng vĩ, trước sự chứng kiến của hàng ngàn bà con Tây nguyên và các lực lượng công trường, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt đã nhấn nút nổ quả mìn khởi công chính thức xây dựng Nhà máy. 

...NGƯNG TRÍCH...

CÁC ĐƠN VỊ THAM GIA THIẾT KẾ, CUNG CẤP THIẾT BỊ, XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH 

-          Công ty tư vấn thiết kế xây dựng điện 1 (Tổng công ty Điện Lực VN);
-          Viện Thiết kế thủy công Matxcơva (Cộng hòa LB Nga);
-          Viện thiết kế thủy công Ucraina;
-          Technoprom Export (Cộng hòa LB Nga);
-          Ucrinterenergo (Cộng hòa Ucraina);
-          Tổng công ty xây dựng Sông Đà (Bộ xây dựng);
-          Tổng công ty lắp máy Việt Nam (Bộ xây dựng);
-          Tổng Công ty xây dựng Công trình giao thông 1 (Bộ giao thông vận tải);
-          Tổng công ty xây dựng công nghiệp (Bộ công nghiệp);
-          Quân Đoàn 3, Binh đoàn 15 (Bộ quốc phòng);
-          Trung tâm thí nghiệm điện 3 (Công ty điện lực 3, Tổng công ty điện lực Việt Nam).
Chủ đầu tư: Tổng công ty Điện lực Việt Nam (nay là Tập đoàn Điện Lực Việt Nam - EVN).
Là công trình thủy điện có quy mô lớn thứ 2 Việt Nam sau Thủy điện Hòa Bình. Công trình Nhà máy thủy điện Ialy có yêu cầu kỹ thuật rất phức tạp; được xây dựng trong giai đoạn mà cơ chế quản lý, chế độ chính sách của Nhà nước có nhiều thay đổi; có nhiều đối tác nước ngoài cung cấp thiết kế và thiết bị, nhiều đơn vị cùng thi công trên mặt bằng công trường; địa bàn Tây nguyên xa các cấp quản lý của Trung ương và đang còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng, đời sống kinh tế - xã hội... Những trở ngại đầy cam go sẽ chứng minh Bản lĩnh và Sức mạnh Việt đầu thời kỳ đổi mới. 

NHỮNG THÔNG SỐ CHÍNH 

- Tổng công suất lắp máy: 720 MW;
- Số tổ máy: 04;
- Điện lượng trung bình năm: 3,68 tỷ kWh/năm
- Khối lượng đào - đắp đất đá (ngầm và hở): 18.198.000 m3;
- Đổ bê tông (ngầm và hở): 730.000 m3;
- Lắp đặt thiết bị: 18.500 tấn. 


... NGƯNG TRÍCH ...


CÁC MỐC TIẾN ĐỘ 

- Khởi công đường vào công trình: Ngày 08/5/1989;
- Khởi công công trình: Ngày 04/11/1993;
- Ngăn sông đợt 1 (đê quai phía trên đập nước hiện nay): Ngày 12/12/1995;
- Lấp kênh dẫn dòng thi công: Tháng 12/1997;
- Ngăn sông đợt 2 (bít hầm dẫn dòng thi công dưới thân đập, tích nước hồ chứa): Tháng 5/1998. 

... NGƯNG TRÍCH...
 Cao điểm vào những năm 1996 -1998, công trường đã có đến gần 2 vạn kỹ sư, công nhân thuộc các ngành nghề trong cả nước về làm việc; sự có mặt của hàng trăm chuyên gia người nước ngoài làm tư vấn: thiết kế, xây lắp, thí nghiệm... Với khẩu hiệu: “Tất cả vì dòng điện của Tổ quốc”, công trường đã luôn sôi nổi tổ chức nhiều đợt thi đua lao động đẩy nhanh tiến độ thi công, như: Ngăn sông Sê San đợt 1; Thông hầm dẫn dòng thi công; Đắp đập vượt mùa lũ; Chiến dịch 340 ngày đêm phát điện tổ máy số 1
... NGƯNG TRÍCH...

 Đầu năm 2000 tổ máy số 1 đã chính thức đi vào hoạt động, sau đó cứ 6 tháng lại thêm 1 tổ máy đi vào vận hành, cuối năm 2001, tổ máy số 4 - tổ máy cuối cùng của Thuỷ điện IaLy đã hoà lưới điện quốc gia. Ngày 26/7/2002, Hội đồng nghiệm thu nhà nước đã nghiệm thu công trình và đánh giá: Công trình đảm bảo chất lượng tốt và có hiệu quả; ngày 27/4/2002 trong không khí nô nức tràn ngập công trường, Phó thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã long trọng cắt băng khánh thành Nhà máy thuỷ điện IaLy.

... NGƯNG TRÍCH...

SỐ LIỆU CHÍNH CÁC HẠNG MỤC 

Đập dâng nước (vị trí trước đây là 3 dòng chảy của Thác IaLy):
Có kết cấu bằng đá đổ; có lõi đất sét và các tầng lọc cát - sỏi - đá dăm chống thấm; nền đập được đổ bê - tông sau khi đã khoan phụt xi măng lấp đầy các lỗ rỗng trong đá ở bên dưới.
- Cao trình đỉnh đập: 522 m;
- Chiều dài đỉnh đập: 1.190 m;
- Chiều rộng đỉnh đập: 10 m;
- Chiều rộng đáy đập: 340 m;
- Chiều cao thân đạp lớn nhất 69m; 
Hồ chứa nước
Là hồ thuỷ điện lớn và đẹp ở Tây nguyên, hồ có chiều dài (tính từ đập dâng nước đến cầu Đăkbla – TP Kon Tum) 45 km; nơi sâu nhất gần 60m; nơi rộng nhất khi hồ đầy nước khoảng 20 km.
- Mực nước dâng bình thường: Cao trình 515 m;
- Mực nước chết: Cao trình 490 m;
- Mực nước gia cường: 518 m;
- Diện tích mặt hồ ứng với cao trình 515m: 6.450 ha;
- Dung tích toàn bộ ứng với cao trình 515m: 1.037 triệu m3;
- Dung tích hữu ích: 779 triệu m3. 
Tràn xả lũ
Có chức năng điều tiết và cắt các đỉnh lũ hàng năm về hồ chứa.
- Chiều dài đập tràn: 770 m;
- Chiều rộng đập tràn: 118 m;
- Số khoang xả: 06;
- Kích thước khoang xả: 15 x 16,3 m;
- Cao trình ngưỡng tràn: 499,12 m;
- Lưu lượng xả lớn nhất theo theo thiết kế ( tần suất 0,1%): 13.733 m3/s. 
Hệ thống thiết bị cơ khí thủy công (van cung, tời nâng, cầu trục, van phẳng xử lý sự cố…) do Cộng hòa Ucraina sản xuất. 
Đài tưởng niệm - điểm dừng cho khách du lịch tưởng nhớ những người hy sinh vì dòng điện Ialy
Được xây dựng mang hình dáng đoá hoa 4 cánh (mang ước nguyện đón linh khí Trời - Đất từ 4 phương), Đài tưởng niệm thuỷ điện Ialy đã thực sự là điểm dừng tâm linh để du khách thành tâm hướng về những người đã khuất. Theo thống kê chưa đầy đủ từ Bệnh viện công trường, từ năm 1989 (bắt đầu khảo sát) đến năm 2000 (tổ máy số 1 vận hành phát điện), trên công trường đã có 27 người thuộc các đơn vị: khảo sát, rà phá bom mìn, xây dựng - cầu đường… vĩnh viễn nằm lại IaLy do tai nạn khi đang làm việc; đầu năm 2007, Thuỷ điện Ialy cũng đã thành kính di linh 07 công nhân hy sinh vì tai nạn lao động tại công trường xây dựng 

... NGƯNG TRÍCH...
Tuyến  năng lượng
Tổng chiều dài các đường hầm (hầm thi công, hầm dẫn nước, hầm thông gió, hầm cáp…): 20,5 km. Trong đó: 
1. Hầm dẫn nước chính (đường kính trong d=7m):
- Chiều dài hầm số 1: 3.795,5 m;
- Chiều dài hầm số 2: 3.784,5 m.
2. Cửa lấy nước:
- Kết cấu bê - tông cốt thép; có 04 cửa;
- Lắp đặt 935 tấn thiết bị, gồm: Hệ thống van xử lý sự cố, cầu trục, lưới chắn rác, gầu vớt rác… do Cộng hòa Ucraina sản xuất. 
3. Cửa nước ra
- Kết cấu bê - tông cốt thép; có 02 cửa cao 10 m.
4. Gian máy ngầm (Kích thước 21 x 118 m; chiều cao lớn nhất: 56 m):
Đào đá ngầm 211.080 m3; đổ bê tông ngầm 90.690 m3; lắp đặt trên 10.000 tấn thiết bị.
-          Số tổ máy: 04 (Tua bin Francis trục đứng dạng treo, do CHLB Nga sản xuất);
-          Công suất 1 tổ máy: 180 MW;
-          Số giờ sử dụng công suất lắp máy: 5.070 giờ/năm;
-          Điện lượng bình quân năm: 3.68 tỷ kWh;
-          Cột nước tính toán: 190 m;
-          Lưu lượng nước qua tuabin ứng với công suất định mức: 104,4 m3/s. 
5. Gian biến áp ngầm (Kích thước 14 x 164,25 m; chiều cao lớn nhất: 26 m):
- Máy biến áp: Số lượng 12 chiếc loại 01 pha. Công suất 72MVA, điện áp 500 kV.
- Điện năng được chuyển tải từ gian biến áp ngầm bằng đường cáp dầu 500kV xuyên qua hầm cáp dài 300m trước khi nối với đường dây 500kV tại trạm chuyển tiếp.
- Từ trạm chuyển tiếp, điện năng được chuyển đến trạm OPY trên 02 đường dây 500kV dài 2,5km
- Tại trạm OPY điện tiếp tục được truyền tải về trạm 500kV trên 02 đường dây dài 23km.
Sau 08 năm kể từ ngày khởi công công trình (11/1993) đến 12/2001, 04 tổ máy đã hoàn thành phát điện lên lưới quốc gia. 
Xuôi dòng Sê san đến Thủy điện Sê san 3
Từ cửa ra của Thủy điện Ialy, du khách có thể đi đến thăm nhà máy thủy điện Sê san 3 bằng đường sông trên phương tiện ca nô.
Xe ôtô đưa khách đến tận bến ca nô và từ đây du khách sẽ chính thức bắt đầu cho hành trình xuôi dòng sông Sê san. Ngồi trên canô xuôi dòng sông, thật sự là cuộc khám phá và chiêm ngưỡng thiên nhiên, tận hưởng tận hưởng cảm giác thanh bình giữa sông nước với cái ngút ngàn của rừng già nguyên sinh.
Qua khúc cua thứ nhất, lòng sông càng lúc càng mở rộng ra, dòng nước chảy êm đềm hơn và du khách sẽ được nghe âm vang, được nhìn tháp nước trắng xóa của dòng thác đổ từ đỉnh cao của rừng già. Hai bên dòng sông thấp thoáng những mái chòi của những ngư dân đánh cá ven sông. Cập thuyền vào lán của họ để chứng kiến phong cách sống rất đổi “nguyên thủy” của những con người này. Một chút may mắn du khách có thể mua những loại cá đặc sản như: Anh vũ, Lăng… tại những lán nhỏ này và đặc biệt tất cả chúng còn tung tăng bơi lội trong làn nước.
Nhẹ nhàng, thư thái ca nô đưa du khách tiến về hạ lưu và đâu đó thấp thoáng bóng dáng của nhà máy thủy điện Sê san 3 hiện ra trong tầm mắt. Cập bến du khách tản bộ tham quan thủy điện Sê san 3. Tuy không đồ sộ, hoành tráng như thủy điện Ialy nhưng cũng đủ để mọi người trầm trồ thán phục trước những hạng mục công trình nơi đây.
Xuôi dòng Sê san đến thủy điện Sê san 3 chính là hành trình khám phá thiên nhiên và khám phá chính mình. 

IALY: NGÀY ẤY - BÂY GIỜ 

Kể từ khi tiếp nhận, chính thức đưa tổ máy số 1 vào vận hành (12/5/2000), Công ty thủy điện IaLy (tiền thân là Nhà máy TĐ IaLy được thành lập ngày 28/2/2000) đã không ngừng phát triển trên mọi lĩnh vực hoạt động, luôn khẳng định rõ vai trò, vị trí là nhà máy trung tâm trong sản xuất điện và điều tiết, cân đối thuỷ văn lưu vực sông Sê San.
Sự phát triển của doanh nghiệp được nâng lên một tầm mới, khi Thuỷ điện IaLy được chuyển đổi thành Công ty ngày 22/6/2007, có chức năng quản lý, vận hành 03 nhà máy TĐ lớn trên sông Sê san (với tổng công suất 1080MW; sản lượng điện bình quân năm là 5 tỷ 310 triệu kWh), gồm:
1. Nhà máy thủy điện Ialy: Công suất 720MW. Sản lượng điện bình quân theo thiết kế: 3 tỷ 680 triệu kWh/năm.
2. Nhà máy thủy điện Sê San 3: Công suất 260MW. Sản lượng điện bình quân theo thiết kế: 1 tỷ 221 triệu kWh/năm.
3. Nhà máy thủy điện Pleikrông: Công suất 100MW. Sản lượng bình quân theo thiết kế: 417 triệu kWh/năm. 
... NGƯNG TRÍCH...

No comments:

Post a Comment