(Mekong Takes on Bluish Tinge as Water Levels Again Fall)
Sebastian Strangio – Bình Yên Đông lược dịch
The Diplomat – February 16, 2021
Mực nước lại tụt xuống gây nghi vấn về các hoạt động của các kỹ sư đập Trung Hoa
ở thượng lưu.
Mực nước trong sông Mekong đã xuống đến mức “đáng lo ngại” từ đầu năm, Ủy hội Sông Mekong (Mekong River Commission (MRC)) cho biết trong tuần rồi, khi khu vực đi vào năm thứ 3rd liên tiếp với lượng mưa thấp hơn trung bình.
Trong một tuyên bố ngày 12 tháng 2, MRC nói rằng tình trạng hạn hán, dòng chảy thay đổi ở thượng lưu, việc điều hành thủy điện trên các phụ lưu và việc xả nước hạn chế từ đập Jinghong (Cảnh Hồng) ở Trung Hoa chịu trách nhiệm về mực nước thấp.
“Mực nước ngay phía dưới Jinghong đến Vientiane lên xuống thình lình, gây thách thức cho giới chức và cộng đồng để chuẩn bị và đối phó với ảnh hưởng có thể có,” Tiến sĩ Winai Wangpimool, giám đốc Bộ phận Hỗ trợ Kỹ thuật của Văn phòng MRC, cho biết trong một tuyên bố.
Việc loan báo theo sau các phúc trình trong tuần trước về Mekong dọc theo biên giới giữa Thái Lan và Lào, thường có màu đục ngầu, đã trở thành màu xanh nhạt. Theo MRC, hình ảnh bất thường nầy là do dòng chảy thấp, phù sa thấp, và sự hiện diện của rêu ở đáy sông. Hiện tượng được quan sát hồi cuối năm 2019.
Mặc dù tuyên bố của MRC rất cẩn thận để tránh cho Trung Hoa tức giận quá nhiều, ảnh hưởng của 11 đập ở thượng lưu mà Trung Hoa xây trên sông trong tỉnh Yunnan (Vân Nam) đã trở thành chủ đề cho sự chú ý ngày càng tăng của quốc tế.
Hồi tháng 4 năm ngoái, công ty cố vấn và nghiên cứu Eyes on Earth của Hoa kỳ đã phổ biến một nghiên cứu nói rằng các hồ chứa của Trung Hoa đã giữ lại nước mưa thừa thải trong 6 tháng giữa năm 2019, làm cho tình hình hạn hán ở 5 quốc gia hạ lưu, nơi có trên 60 triệu người sống dựa vào sông, thêm trầm trọng.
Kể từ đó, kết quả của phúc trình đã được chánh phủ Hoa Kỳ sử dụng với ý định chuyển dư luận trong khu vực chống lại Trung Hoa. Về phần mình, Beijing (Bắc Kinh) đã bác bỏ các kết quả của phúc trình, trích dẫn nghiên cứu của mình nói rằng nước trữ trong các hồ chứa trong mùa mưa thật sự giúp hạ lưu ngừa lũ lụt và hạn hán.
Để trả lời cho phúc trình, Trung Hoa cũng hứa chia sẻ dữ kiện của các đập với 4 quốc gia thành viên MRC: Lào, Thái Lan, Cambodia và Việt Nam.
Hồi đầu tháng 1, ngay sau khi mực nước thình lình tụt xuống, Beijing thông báo với các láng giềng hạ lưu rằng đập của họ đang làm đầy hồ chứa và dòng chảy sẽ trở lại “tình trạng hoạt động bình thường” vào ngày 25 tháng 1. Nhưng theo MRC, mực nước tiếp tục dao động không thể đoán trước kể từ đó. Ủy hội kêu gọi Trung Hoa cung cấp thêm thông báo sớm hơn.
“Để giúp cho các quốc gia hạ lưu Mekong quản lý nguy cơ có hiệu quả hơn, chúng tôi kêu gọi Trung Hoa và các quốc gia hạ lưu Mekong chia sẻ các kế hoạch xả nươc với chúng tôi,” Winai nói trong một tuyên bố. Tuyên bố thêm rằng tình hình có thể được phục hồi nếu có một số lớn nước được xả từ các hồ chứa của Trung Hoa.
Trong cuộc khảo sát về các tinh hoa và các nhà hoạch định chánh sách của các quốc gia Đông Nam Á, Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore nhận thấy rằng 72,2% người được thăm dò tin rằng ASEAN nên đối phó với các thách thức của sông Mekong.
Con số đặc biệt cao trong các quốc gia hạ lưu Mekong, với 73% người Cambodia tin rằng ASEAN nên tích cực hơn về vấn đề Mekong, 87,7% ở Thái Lan, và 92,6% ở Việt Nam. Tỉ lệ ở Lào thấp hơn một chút (65%), có lẽ phản ánh sự kiện là chánh phủ Lào có nhiều tham vọng thủy điện gây tranh cãi của chính họ.
.
No comments:
Post a Comment