Nguyễn Minh Quang
17 tháng 12 năm 2020
Đập Xiaowan trên sông Lancang (Mekong) ở Trung Hoa.
Phần giới thiệu
Vào ngày 13 tháng 12 năm 2020, hãng thông tấn Reuters gởi một bản tin từ Bangkok, Thái Lan loan báo rằng Hoa Kỳ tài trợ cho một dự án sử dụng vệ tinh để theo dõi mực nước hàng tuần của các đập thủy điện trên sông Mekong ở Trung Hoa và phổ biến trên một trang mạng [1]. Lập tức, bản tin đã được giới truyền thông trên thế giới loan tải [2-7]. Riêng ở Việt Nam, mãi đến ngày 16 tháng 12 mới được một tờ báo loan tin [8]. Phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao Trung Hoa cũng lên tiếng rằng “Trung Hoa hoan nghênh đề nghị xây dựng của các quốc gia ngoài khu vực về việc phát triển và sử dụng nguồn nước sông Lancang-Mekong, nhưng chúng tôi cực lực phản đối những hành động hiểm độc để chia rẽ chúng tôi… Cộng đồng khoa học quốc tế và Ủy hội sông Mekong tin rằng chuỗi đập thủy điện Lancang sẽ giúp duy trì sự ổn định của dòng chảy Mekong và có ích lợi trong nỗ lực ngừa lụt và cứu trợ hạn hán của các quốc gia Mekong.” [9]
Bài viết nầy có mục đích tìm hiểu thêm về dự án đó.
Theo dõi Đập Mekong
Theo dõi Đập Mekong (Mekong Dam Monitor) là một dự án hợp tác của Trung tâm Stimson (Stimson Center) và Eyes on Earth, Inc (EoE) được tài trợ bởi chương trình Hợp tác Mekong-Hoa Kỳ (Mekong-US Partnership) của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Hiệp hội Chino Cienega (Chino Cienega Foundation) và các mạnh thường quân [4]. Dự án được điều hành bởi một toán chuyên viên gồm có Brian Eyler (Stimson) và Alan Basist (EoE) là đồng trưởng toán;
Allison Carr (Stimson) và Claude Williams (Global Environmental Satellite Observations, Inc), nghiên cứu; và Courtney Weatherby (Stimson), liên lạc và hỗ trợ [10].
Phân tích chuỗi đập Lancang từ ngày 20 đến 26 tháng 7 năm 2020. [10]
Dự án sẽ sử dụng kỹ thuật viễn thám, ảnh vệ tinh và phân tích GIS để cung cấp dữ kiện gần nhất (near-real time) cho nhiều chỉ số chưa từng được phổ biến trước đây trong lưu vực Mekong [10]. Dự án nhằm các mục đích:
· Theo dõi việc điều hành đập trên dòng chánh và các phụ lưu lớn của sông Mekong cùng ảnh hưởng thủy học ở hạ lưu (thay đổi đối với dòng chảy).
· Tăng cường khả năng của các bên liên hệ để đo đạc một cách độc lập dòng chảy tự nhiên trong thượng lưu vực.
· Nâng cao khả năng thương thảo, cai quản sông xuyên biên giới và tự mình lấy quyết định.
· Nâng cao khả năng dự đoán ảnh hưởng môi trường và xã hội của việc điều hành đập.
· Nâng cao kiến thức về lợi ích của dòng chảy tự nhiên, cải thiện cơ hội cho việc bảo tồn rộng rãi tài nguyên thiên nhiên của Mekong và làm giảm nguy cơ sụp đổ sinh thái Mekong.
· Cung cấp bằng chứng để chống lại các tuyên bố không chính xác về tình trạng dòng chảy và việc điều hành các đập và hồ chứa trong lưu vực Mekong.
Dữ kiện của dự án – được phổ biến trên mạng của Sáng kiến Dữ kiện Nước Mekong (Mekong Water Data Initiative (MWDI)) [11] – gồm có:
Lưu lượng hàng tháng tại trạm Chiang Saen, Thái Lan. (Đen: MRC; Đỏ: EoE; Xanh: MRC-EoE) [10]
Lưu lượng hàng tháng tại trạm Vientiane, Lào. (Đen: MRC; Đỏ: EoE; Xanh: MRC-EoE) [10]
· Ảnh vệ tinh hàng tuần (độ phân giải 10 m) của 13 đập và hồ chứa đã hoàn tất trên dòng chánh Mekong cùng với 15 đập trên phụ lưu với công suất trên 200 MW.
· Mực nước hàng tuần của hồ chứa (bằng m trên mặt biển) và đường điều hành (operation curve) của đập.
· Quan sát và phân tích hàng tuần của chuỗi 11 đập của Trung Hoa trên thượng lưu Mekong.
· Các ảnh có độ phân giải cao và phân tích thủy học của 4 vùng ảnh hưởng then chốt ở hạ lưu.
· So sánh dữ kiện dòng chảy của mô hình với dữ kiện đo đạc của Ủy hội Sông Mekong tại 2 trạm Chiang Saen, Thái Lan và Vientiane, Lào.
· Bản đồ và dữ kiện về sự thay đổi của độ ướt mặt đất (surface wetness), nhiệt độ, lớp tuyết và lượng mưa trên toàn lưu vực Mekong.
· Dữ kiện của tất cả các đập và hồ chứa được dự trù, đang được xây cất, và hoàn tất trong lưu vực Mekong (trên 500).
Vài nhận xét
Trước hết, dự án “Theo dõi Đập Mekong” đã tập trung dữ kiện của các đập và hồ chứa nước trong lưu vực Mekong, giúp cho việc theo dõi hay nghiên cứu tài nguyên nước trong lưu vực Mekong được dễ dàng hơn.
Dự án dựa trên nghiên cứu trong năm 2020 của Eyes on Earth, Inc. và Global Environmental Satellite Observations, Inc để ước tính “lượng nước chảy tràn của thượng lưu vực Mekong bằng một mô hình đơn giản và tin cậy,” rồi dùng ước tính nầy để “xác định xem chuỗi đập thủy điện của Trung Hoa trên thượng lưu Mekong đã thay đổi dòng chảy tự nhiên của sông như thế nào.” [12] Vì thế, dự án cũng vấp phải một số khuyết điểm mà Ủy hội Sông Mekong (Mekong River Commission (MRC)) [13] và Hợp tác Tài nguyên Môi trường và Hệ thống Năng lượng Australia-Mekong (Australia-Mekong Partnership for Environmental Resources & Energy systems (AMPERES)) [14] đã nhận xét trước đây. Trung Hoa cũng lên tiếng bác bỏ nghiên cứu và nói rằng “Hoa Kỳ không thể cung cấp bằng chứng từ đầu đến cuối.” [1]
Dự án sẽ cung cấp mực nước hàng tuần của hồ chứa (bằng m trên mặt biển). Dữ kiện nầy không đủ để theo dõi việc điều hành hồ chứa. Hơn nữa, độ chính xác cao nhất của việc ước tính cao độ của mực nước trong hồ chứa là 2 m, một sai số rất cao nếu hồ chứa có diện tích lớn [15].
Trong một bài xã luận, tờ báo China Daily của nhà nước Trung Hoa đã chỉ trích mạnh mẽ dự án nầy: “Tuy phải còn chờ xem mức độ chính xác của dự án có thể giúp theo dõi mực nước và đóng góp cho hệ sinh thái và phúc lợi của nông dân và ngư dân sống ven sông, nhiệm vụ được người điều hành dự án tiết lộ không đúng với tính khách quan và trung lập chánh trị của nghiên cứu khoa học. ‘Việc theo dõi cung cấp bằng chứng rằng 11 đập của Trung Hoa được dàn dựng và điều hành theo cung cách phức tạp để tối đa hóa việc sản xuất thủy điện để bán cho các tỉnh ở phía đông Trung Hoa mà không cứu xét đến các ảnh hưởng ở hạ lưu,’ Brian Eyler của Trung tâm Stimson ở Washington, một cơ quan nghiên cứu toàn cầu điều hành các thước nước ảo, cho biết.
Một phán quyết trước phiên tòa.
Làm sao người ta có thể tin vào các kết quả mới của dự án – dựa trên ‘độ ướt mặt đất’ hay ‘dòng chảy tự nhiên’ – được cho là đã xảy ra. Cách tiếp cận lộ liễu của nó cho thấy dự án chỉ là một phần của việc vận động gây ảnh hưởng của Washington để bôi nhọ Trung Hoa và xúi giục các nước láng giềng. Đó chẳng khác gì gọi con chó bằng một tên xấu rồi treo cổ nó.” [16]
Phần kết luận
Vào trung tuần tháng 12 năm 2020, Hoa Kỳ - qua chương trình MWDI – đã phát động dự án Theo dõi Đập Mekong để cung cấp dữ kiện gần nhất của các đập và hồ chứa trong lưu vực sông Mekong, bao gồm ảnh vệ tinh hàng tuần của các đập và hồ chứa và mực nước hàng tuần của các hồ chứa, nhằm mục đích theo dõi việc điều hành đập trên dòng chánh và các phụ lưu lớn của sông Mekong và ảnh hưởng thủy học ở hạ lưu (thay đổi đối với dòng chảy).
Dự án tập trung dữ kiện của các đập và hồ chứa, giúp cho việc theo dõi hay nghiên cứu tài nguyên nước trong lưu vực Mekong được dễ dàng hơn. Vì dự án dựa trên một nghiên cứu trước đây, nó cũng vấp phải các khuyết điểm của nghiên cứu nầy. Dữ kiện mực nước trong hồ chứa, được ước tính hàng tuần với độ chính xác 2 m, không đủ để theo dõi việc điều hành của hồ chứa. Dữ kiện mực nước hàng ngày với độ chính xác cao hơn có lẽ thích hợp hơn.
Như thường lệ, Trung Hoa đã lên tiếng chỉ trích dự án Theo dõi Đập Mekong của Hoa Kỳ. Họ nói dự án không có tính khách quan và trung lập chánh trị của nghiên cứu khoa học và được Hoa Kỳ sử dụng để bôi nhọ Trung Hoa và xúi giục hiềm khích của các nước láng giềng Mekong.
Sơ lược về tác giả
Tác giả nguyên là Kỹ sư Công chánh Chuyên nghiệp (Professional Civil Engineer) của tiểu bang Florida và California. Tốt nghiệp Kỹ sư Công chánh tại Trường Cao đẳng Công chánh, Trung tâm Quốc gia Kỹ Thuật Phú Thọ, Sài Gòn năm 1972. Trưởng ty Kế hoạch, Ủy ban Quốc gia Thủy lợi, Bộ Công chánh và Giao thông, Sài Gòn đến tháng 4 năm 1975. Tốt nghiệp Kỹ sư Công chánh (1983) và Cao học Thủy lợi (1985) tại Đại học Nebraska, Hoa Kỳ. Chuyên viên Thủy học (Hydrlogist) của Sở Quản trị Thủy lợi, Broward County, Florida đến năm 1989. Từ năm 1990 đến 2015, Kỹ sư Giám sát Trưởng (Senior Supervising Engineer) của Stetson Engineers Inc., một công ty cố vấn về thủy lợi và ô nhiễm nguồn nước, thành lập năm 1957 ở Los Angeles. Về hưu từ năm 2016.
Tài liệu tham khảo
[1] Kay Johnson and Matthew Tostevin. December 13, 2020. “Chinese dams under scrutiny in Mekong rivalry.” Reuters. https://www.reuters.com/article/uk-mekong-river-idAFKBN28N0MW
[2] Kay Johnson and Matthew Tostevin. December 13, 2020. “Chinese dams under scrutiny in Mekong rivalry.” Yahoo!finance. https://finance.yahoo.com/news/chinese-dams-under-u-scrutiny-170100921.html
[3] Kay Johnson and Matthew Tostevin. December 13, 2020. “Chinese dams under scrutiny in Mekong rivalry.” Financial Post. https://financialpost.com/pmn/business-pmn/chinese-dams-under-u-s-scrutiny-in-mekong-rivalry
[4] Maria Siow. December 14, 2020. “US-backed Mekong monitoring project set to test China’s patience.” Souht China Morning Post. https://www.scmp.com/week-asia/politics/article/3113785/us-backed-mekong-monitoring-project-set-test-chinas-patience
[5] Sebastian Strangio. December 14, 2020. “New Monitoring Platform to Scrutinize China’s Mekong Dams.” The Diplomat. https://thediplomat.com/2020/12/new-monitoring-platform-to-scrutinize-chinas-mekong-dams/
[6] Đài Á Châu Tự do. December 14, 2020. “Hoa Kỳ giám sát các đập thủy điện của Trung Quốc ở sông Mekong.” RFA. https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/chinese-dams-under-us-scrutiny-in-mekong-rivalry-12142020074235.html
[7] Mai Vân. December 14, 2020. “Sông Mêkông: Mỹ loan báo dùng vệ tinh giám sát đập thủy điện của Trung Quốc.” RFI. https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201214-s%C3%B4ng-m%C3%AAk%C3%B4ng-m%E1%BB%B9-loan-b%C3%A1o-d%C3%B9ng-v%E1%BB%87-tinh-gi%C3%A1m-s%C3%A1t-%C4%91%E1%BA%ADp-th%E1%BB%A7y-%C4%91i%E1%BB%87n-c%E1%BB%A7a-trung-qu%E1%BB%91c
[8] Thụy Miên. 16 tháng 12 năm 2020. “Vén màn bí mật hoạt động của các đập Trung Quốc trên sông Mê Kông. Thanh Niên. https://thanhnien.vn/the-gioi/ven-man-bi-mat-hoat-dong-cua-cac-dap-trung-quoc-tren-song-me-kong-1317751.html
[9] Xinhua. December 14, 2020. “China, Mekong countries make progress in water resources cooperation: FM spokeperson.” Xinhua. http://www.xinhuanet.com/english/2020-12/14/c_139589306.htm
[10] Stimson Center. Accessed December 10, 2020. “Mekong Dam Monitor.” Stimson Center. https://www.stimson.org/project/mekong-dam-monitor/
[11] MWDI, Stimson, Eyes on Earth, and Chino Cienega Foundation. Acessed December 15, 2020. Mekong Dam Monitor. https://monitor.mekongwater.org/virtual-gauges/
[12] Alan Basist and Claude Williams. April 10, 2020. Monitoring the Quantity of Water Flowing Through the Mekong Basin Under Natural (Unimpeded) Conditions. Sustainable Infrastructure Partnership, Bangkok.
[13] Mekong River Commission. April 2020. Understanding the Mekong River’s hydrological conditions: A brief commentary note on the “Monitoring the Quantity of Water Flowing Through the Upper Mekong Basin Under Natural (Unimpeded) Conditions” study by Alan Basist and Claude Williams (2020). Mekong River Commission. http://www.mrcmekong.org/assets/Publications/Understanding-Mekong-River-hydrological-conditions_2020.pdf
[14] Tarek Ketelsen, John Sawdon and Timo Rasaenen. 19 April 2020. “Monitoring the Quantity of water flowing through the Upper Mekong Basin under natural (unimpeded) conditions. RAPID REVIEW.” AMPERES. https://onedrive.live.com/?authkey=%21AGOd8Qb3xSyPaFw&cid=692043E535D0F3B2&id=692043E535D0F3B2%21572&parId=692043E535D0F3B2%21573&o=OneUp
[15] Stimson. Accessed December 15, 2020. “Mekong Dam Monitor: methods and Process.” Stimson. https://www.stimson.org/2020/mekong-dam-monitor-methods-and-processes/
[16] Editorial. December 16, 2020. “Washington’s ploy to drive wedge between China and Mekong neighbors: China Daily editorial.” http://www.chinadaily.com.cn/a/202012/16/WS5fda02dca31024ad0ba9c3b5.html
No comments:
Post a Comment