(Making Hydropower ‘Greener’)
The ASEAN Post Team – Bình Yên Đông lược dịch
The Asean Post - 6 December 2020
Một công nhân Cambodia nhặt các vỏ bao xi măng ở phía trước đập Kamchay trong tỉnh Kampot. [Ảnh: AFP]
Kỹ thuật thủy điện được xem là một nguồn năng lượng tái tạo sạch. Nó được sản xuất bằng cách biến động năng và thế năng của nước chảy xuống từ trên cao thành lực quay để chạy máy phát điện.
Tuy nhiên, một vài nghiên cứu kể cả nghiên cứu trong Tạp chí Quản trị Thủy sản và Sinh Thái (Journal of Fisheries managements and Ecology) đã ghi nhận nguy hại gây ra cho cá khi di chuyển qua công trình thủy điện để xuống hạ lưu.
Các nguy hại gồm có bị thương, mất vảy, rách vây, xuất huyết, bầm, trầy da, mất các bộ phận hay bị nội thương và những thứ khác.
Nghiên cứu giải thích rằng các nhà máy điện cổ điển thường được trang bị các máy turbines kiểu Pelton, Kaplan hay Francis, có số tử vong của cá rất cao vì vận tốc quay, thay đổi áp suất và lực cắt lớn.
Năm 2018, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (International Energy Agency (IEA)) báo cáo rằng 18% năng lượng của Đông Nam Á (ĐNA) là thủy điện, được dự trù sẽ gia tăng trong thập niên tới. Tuy nhiên, các tiên đoán về việc sử dụng năng lượng ở ĐNA cho thấy rằng khu vực sẽ dựa nhiều hơn vào dầu và khí đốt.
Vào năm 2040, khu vực được ước tính sẽ có một thâm thủng ròng trong mậu dịch năng lượng trên 300 tỉ USD mỗi năm, hầu hết là do việc nhập cảng dầu. Sự gia tăng lớn trong nhập cảng cũng gây lo ngại cho an toàn năng lượng. Trong trường hợp của dầu, sự lệ thuộc chung của khu vực vào nhập cảng sẽ vượt quá 80% vào năm 2040, tăng từ 65% trong năm 2018.
Với nhu cầu điện đang gia tăng và sự tiếp tục cam kết của các chánh phủ trong ASEAN để thực hiện việc có điện phổ thông vào năm 2030, thủy điện có thể trở thành một nguồn năng lượng sạch hấp dẫn. Ngoài ra, các lo ngại môi trường cũng cần có một giải pháp thay thế cấp bách cho các nguồn năng lượng tin cậy và khả chấp.
Nguồn: International Energy Agency
Một giải pháp mới
Trong năm 2017, các nỗ lực để phát triển nhà máy thủy điện thân thiện với cá bắt đầu và giải pháp cuối cùng có thể đã đến. Thành lập vào năm 2015, công ty kỹ thuật xanh ở Belgium, Turbulent đã phát triển một turbine thủy điện để sản xuất 100% điện xanh 24 tiếng đồng hồ trong một ngày.
“Các turbines của chúng tôi lấy điện từ sông và kinh đào với sự khác biệt cao độ giới hạn: từ 1,5 đến 5 m,” người đồng sáng lập Jasper Verreydt nói. “Trong quá khứ, các thủy lộ như thế không thể làm thủy điện. Nhưng nay, ngay những nơi xa xôi cũng có thể có nguồn năng lượng đáng tin cậy. Cũng có thể nối một loạt turbines để cung cấp cho các vùng rộng lớn hơn. Cái mà trước đây phải cần đập, chẳng hạn, nay có thể được thực hiện với một loạt turbines nước. Năng lượng sản xuất như nhau, nhưng chúng nhanh và rẻ hơn để thiết trí và có ít ảnh hưởng đến môi trường.”
Nhà máy thủy điện cực nhỏ của Turbulent được thiết trí ở Bali để cung cấp điện cho Trường Xanh (Green School). Các turbines được thiết kế cho năng lượng liên tục - được phân tán và không có đập, thiết trí dễ dàng, ít bảo trì, thân thiện với cá, và có thể theo dõi từ xa – không sợ giông tố và nguy cơ lũ lụt và có tuổi thọ cao.
Đây có thể là một giải pháp có thể đứng vững cho tình trạng thiếu điện trong một số quốc gia ASEAN – nhất là các cộng đồng nông thôn lớn. Việc thiết trí đã bắt đầu ở Philippines, trong lúc tổ chức đang tìm kiếm nhà phân phối và đối tác phát triển trong khu vực ASEAN.
Kỹ thuật loại bỏ những phức tạp iên quan đến các nhà máy điện cổ điển và thay thế chúng với những bộ phận đơn giản. Một turbine duy nhất có thể sản xuất đến 200 kW, có thể cung cấp năng lượng cho khoảng 1.750 gia đình trong một cộng đồng hẽo lánh.
“Các turbines của chúng tôi là một đáp ứng tuyệt hảo cho nhu cầu của năng lượng xanh, tái tạo và phân tán,” Verreydt giải thích.
“Chúng tôi có thể thiết trí các nhà máy thủy điện cực nhỏ chỉ trong vài tháng và chúng rất dễ bảo trì bởi các cộng đồng hay các công ty địa phương. Nó cũng thúc đẩy nền kinh tế ở địa phương.”
.
No comments:
Post a Comment