11/12/2020
Vì tầm quan trọng của vấn đề đối với sự phát triển vùng, và nếu cách xây dựng quy hoạch tốt sẽ gỡ một nút thắt mãn tính cho đồng bằng .
Dưới đây là toàn văn bài viết của GS-TSKH Nguyễn Ngọc Trân:
QUAN ĐIỂM VỀ QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
Theo ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng, Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư đã gửi cho tác giả tài liệu đã được trình bày tại Hội nghị báo cáo tham vấn về Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổ chức ngày 27/11/2020 tại Cần Thơ.
Tác giả đã nhận lời mời góp ý vì tầm quan trọng của vấn đề đối với sự phát triển vùng, và nếu cách xây dựng quy hoạch tốt sẽ gở một nút thắt quan trọng, mãn tính cho đồng bằng.
Làm cơ sở cho góp ý với Bộ KHvDT, trong bài này tác giả trình bày quan điểm của mình về nhiệm vụ Quy hoạch tổng thể phát trển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long (sau đây gọi tắt là Quy hoạch).
Quan điểm 1. Quy hoạch phải bám sát các quan điểm chỉ đạo của NQ 120-CP
Nghị quyết 120-CP giao cho “Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và cơ quan liên quan xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thích ứng với biến đổi khí hậu theo phương pháp tích hợp đa ngành, trên cơ sở quy hoạch các ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ lực, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt trước quý III năm 2020”.
Như vậy Quy hoạch phải là một quy hoạch vùng, mang tính tổng thể, phục vụ phát triển bền vững, và ứng phó với biến đổi khí hậu, được xây dựng có sự phối hợp với các Bộ ngành có liên quan.
Quy hoạch phải bám sát bốn quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết 120-CP là:
(a) Kiến tạo phát triển bền vững, thịnh vượng, trên cơ sở chủ động thích ứng, phát huy tiềm năng, thế mạnh, chuyển hóa những thách thức thành cơ hội để phát triển, (…); chú trọng bảo vệ đất, nước và con người.
(b) Thay đổi tư duy phát triển, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy, (…) sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp đa dạng, đáp ứng nhu cầu của thị trường, chuyển từ phát triển theo số lượng sang chất lượng; (…) phát triển mạnh mẽ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp sạch gắn với chuỗi giá trị và xây dựng thương hiệu;
(c) Tôn trọng quy luật tự nhiên, phù hợp với điều kiện thực tế, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên; chọn mô hình thích ứng theo tự nhiên, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững với phương châm chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn; (…) Phát triển kinh tế gắn liền với phát triển xã hội, giảm nghèo, tạo việc làm, giải quyết an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới.
(d) Phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long vì lợi ích chung của đất nước, Tiểu vùng sông Mê Công và quốc tế và là sự nghiệp của toàn dân, khuyến khích, huy động tất cả các tầng lớp, thành phần xã hội, các đối tác quốc tế và doanh nghiệp tham gia vào quá trình phát triển.
Quan điểm 2. Phương pháp luận rõ ràng; quy trình xây dựng minh bạch
Quy hoạch được chờ đợi, là kết quả một bài toán tối ưu hóa sự phân bổ nguồn lực trên địa bàn ĐBSCL nhằm đạt được ba mục tiêu phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần người dân, trong mối quan hệ với các vùng lãnh thổ khác trong cả nước, trước tiên với Tp. Hồ Chí Minh và Khu kinh tế trọng điểm phía Nam.
|
Phát triển còn phải bền vững. Có nghĩa là kết quả của Quy hoạch phải nằm trong phần giao giữa ba cột trụ là Kinh tế- xã hội, Môi trường được bảo vệ, và đối với người dân, công bằng và tiến bộ xã hội không ngừng được nâng cao.
Để vượt qua sự ngăn cách giữa các ngành, giữa các địa phương, giữa Trung ương và địa phương hiện nay, Quy hoạch phải trình được phương pháp luận rõ ràng, sản phẩm có sức thuyết phục.
Quy trình xây dựng Quy hoạch đảm bảo có sự trao đổi ý kiến với các ngành và các địa phương và các chuyên gia am tường trên cơ sở các bản đồ quy hoạch cụ thể.
Các hội nghị tham vấn là để lắng nghe ý kiến nhiều chiều nhằm tranh thủ mọi hiểu biết về đồng bằng, xem đây là kiểm tra thực tế, đối chiếu với hiện trường.
Quan diểm 3. “Ôn cố” sâu sắc … “để tri tân”.
Đánh giá khách quan hiện trạng, cách khai thác đồng bằng trong thời gian đã qua, từ vị thế các mặt của ĐBSCL so với cả nước, tại các mốc thời gian 5 hoặc 10 năm từ năm 2000 đến nay, đến tình trạng tài nguyên đất, nước, đa dạng sinh học [2] ; Đánh giá nguồn nhân lực, thu nhập bình quân đầu người và chỉ số nghèo đa chiều; tình trạng chỉ số già hóa dân số và tỷ suất di cư thuần của đồng bằng cao nhất cả nước [3] ;
Chỉ ra được các nguyên nhân, từ triển khai các đột phá chiến lược đã được Đại hội XI, XII thông qua [4] đến các dự án, công trình (đã, chưa và không phát huy tác dụng), mô hình phát triển, các chỉ tiêu kế hoạch giao cho các địa phương, …
Đó là điều kiện cần để đề ra những hướng quy hoạch sát hợp cho giai đoạn sắp tới.
Quan điểm 4. Phù hợp với bản chất, đặc điểm và đặc thù của đồng bằng
Đồng bằng sông Cửu Long là phần cuối cùng giáp biển của châu thổ sông Mekong, một châu thổ trẻ, được hình thành từ quá trình 6000 năm biển lùi và từ trầm tích thượng nguồn theo sông Mekong đổ ra biển, hiện nay đang trong giai đoạn triều chi phối.
Cao trình mặt đất thấp, nền đất yếu là những yếu tố hạn chế trong xây dựng. Đa dạng sinh học, đa nhịp điệu (nửa ngày, một ngày của triều, một tháng của triều cường, sáu tháng của hai mùa mưa và khô, một năm của lũ, thập niên của sự ra đời và biến đổi của những cồn bãi, cù lao, …), là những đặc điểm, đặc thù làm nên sự đa dạng và trù phú của đồng bằng, không đươc quên khi quy hoạch.
Rất cần tham khảo kinh nghiệm, mô hình ở các nơi khác nhưng khi áp dụng vào đồng bằng sông Cửu Long phải phù hợp với các bản chất, đặc điểm và đặc thù này.
Quan điểm 5. Biến đổi khí hậu nước biển dâng và nguồn nước từ thượng nguồn về là hai thách thức lớn mà Quy hoạch phải tính đến
Hai thách thức lớn đối với đồng bằng hiện nay là biến đổi khí hậu nước biển dâng và nguồn nước từ thường nguồn về đồng bằng giảm về khối lượng, và về lượng trầm tích mang theo.
Biển tiến (nước biển dâng), lượng trầm tích giảm, (do các đập thủy điện ở thượng nguồn giữ lại) kéo theo sạt lở bờ sông, xâm thực bờ biển: quy hoạch đồng bằng với tầm nhìn 2050 không thể không tính hai nhân tố này, đặc biệt khi đề xuất các dự án công trình quy mô.
Quan điểm 6. Xem ĐBSCL như một cơ thể sống, sống hài hòa và phát triển cùng với nó
Đồng bằng không thể phát triển bền vững khi mà tài nguyên kiệt quệ, tiềm năng ngày càng suy giảm. Phải xem đồng bằng như một cơ thể sống, các dòng sông là mạch máu, nước là máu, trầm tích là thịt.
Quy hoạch đồng bằng sao cho nó cường tráng hơn, sung sức hơn, tồn tại hài hòa với biển (phần bù tự nhiên của nó), để nó đủ sức nuôi sống hàng triệu người dân đã bao đời gắn bó với nó, và đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Quan điểm 7. Những đổi mới về thể chế cần thiết để thực thi Quy hoạch
Cuối năm 1990, cách đây đúng 30 năm, Chương trình Điều tra cơ bản tổng hợp đồng bằng sông Cửu Long trong Chương Bốn, Đồng bằng sông Cửu Long nhìn về thê kỷ XXI [5] tiếp tục kiến nghị cần có một chính sách phát triển kinh tế vùng cho đồng bằng sông Cửu Long (mà Chương trình đã nêu lên năm 1986) với những đề xuất cụ thể [6].
Quy hoạch để được thực thi, cần đề xuất, ngoài những dự án, công trình, những cơ chế, chính sách, biện pháp cụ thể.
Quan điểm 8. Các bản đồ phân vùng, quy hoạch, sản phẩm cụ thể của Quy hoạch là những tư liệu khoa học
Chúng phải dựa trên những tài liệu, bản đồ đáng tin cậy, được lựa chọn khách quan, không thiên vị, không tùy ý.
GS-TSKH Nguyễn Ngọc Trân
CHÚ THÍCH:
Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học, Nguyên Phó Chủ nhệm Ủy Ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước (1980-1992), Chủ nhiệm Chương trình Điều tra cơ bản tổng hợp đồng bằng sông Cửu Long (1983-1990), Đại biểu Quốc hội các khóa IX, X, XI (1992-2007).
SOURCE:
https://baodatviet.vn/dien-dan-tri-thuc
No comments:
Post a Comment