Cùng bạn đọc,
Một cái Tết không mấy vui buồn đã qua,
Bauxite Việt Nam trở lại làm việc nhằm tiếp tục phục vụ các bạn xa gần. Bài
viết đầu tiên của năm Mậu Tuất lại là một bài mang tính phản biện, khá dài, lại
có vẻ khô khan vì nêu một số luận chứng khoa học, nhiều số liệu…
Tuy vậy, chúng tôi vẫn thấy khá hấp dẫn
vì trong bài có những quan sát, kết luận rút ra từ trực quan sinh động của
chính tác giả, nhiều dẫn liệu mô tả đời sống sinh học phong phú của sông nước
đồng bằng sông Cửu Long…
Tin rằng bạn đọc sẽ vui lòng đọc bài viết
với tinh thần khỏe khoắn, thanh sảng. Và đây chính là dấu hiệu mở đầu cho một
năm mà giới xã hội dân sự chúng ta sẽ dốc hết tâm sức phản biện mạnh mẽ các vấn
đề bức xúc đang chất chồng ngổn ngang trong xã hội Việt Nam, không phải chỉ
giới hạn trong mấy ngày trước Tết âm lịch.
Bauxite Việt Nam
Lời đề dẫn bài của BS Ngô Thế Vinh mà lần
trước kỹ thuật viên đã sơ suất không in kèm, nay xin in vào đây để quý độc giả
biết quan điểm của chúng tôi trên vấn đề cải tạo đê đập đồng bằng sông Cửu Long
vì sao mãi đến nay vẫn cứ chầy chật.
Kể ra thì nhiều lý do để những người “Bên
thắng cuộc” khi vào tiếp quản ĐBSCL đã đụng đâu hỏng đấy làm đảo lộn mọi quy
trình kỹ thuật, khiến cho cái vựa lúa lớn nhất nước ta rơi vào nguy cơ sút
giảm: nào dốt nát thất học mà lại mang bệnh kiêu ngạo CS quá nặng; nào thiếu
kinh nghiệm đối xử với một vùng biển có môi trường sinh thái đặc thù mà cả đời
họ chưa hề tiếp xúc; nào máy móc áp dụng những bài học đê đập ở miền Bắc vốn
rất xa lạ với điều kiện thủy triều, bùn lắng… trong Nam…
Nhưng tính từ năm 1975 đến nay đã đúng 42
năm, gần tròn nửa thế kỷ, hai thế hệ đã trôi qua rồi. Với những người nông dân
thất học, trong vòng nửa thế kỷ được điều đến canh tác ở một môi trường hoàn
toàn xa lạ họ cũng đã trở thành những lão nông giỏi giang bậc nhất, quen thung
thổ vùng đất mới như nhìn nó trong lòng bàn tay.
Vậy mà đây lại là một đám cán bộ ít ra
cũng có chút học hành như loại ông Cao Đức Phát (chứ không lẽ ông ta chỉ trình
độ i tờ mà lên làm Bộ trưởng?).
Vậy thì cái lý do khiến ĐBSCL vẫn bị áp
đặt bởi một cách làm cực kỳ tốn kém mà chỉ có ngày càng hư hỏng là gì? Xin
thưa: TÍNH ĐẢNG CỘNG SẢN.
Bauxite Việt Nam
Chuyên
gia độc lập về Tài nguyên nước và Môi trường
Trên trang Bauxite VN ngày 13-2-2018 có bài viết của
bác sĩ Ngô Thế Vinh
đầu đề “Cống đập chặn
mặn gây rối loạn hệ sinh thái và những cái giá phải trả” phê phán
việc xây đập ngăn mặn chặn dòng Cửu Long mà người chủ trương là các nhà lãnh
đạo và cán bộ nông nghiệp Miền Bắc không hiểu đặc điểm của thiên nhiên và con
người ở đồng bằng sông Cửu Long.
Đây không phải là bài viết khoa học mà chỉ là dạng tương tự như phóng sự
do tác giả ghi lại cảm nhận khi đi quan sát một số địa điểm thực tế và các ý
kiến thu nhận được để đưa ra những nhận định chủ quan về tác động bất lợi của
chương trình và các công trình thủy lợi mới được triển khai sau năm 1975, nhưng
không đưa ra các minh chứng, phương pháp luận khoa học nào thuyết phục. Do đó,
những người đọc quan tâm đến vấn đề này cũng dễ có những cảm nhận trái chiều:
nếu gặp nhóm người dùng kiến thức suy luận đơn giản có ý kiến là tác động xấu
thì sẽ gây nhận định tiêu cực, nếu gặp người hưởng lợi từ các dự án ngăn mặn
thì sẽ có nhận định ngược lại, những người có kiến thức chuyên môn trong lĩnh
vực này thì thấy còn thiếu dữ liệu và kết quả phân tích. Giống như vào lúc này,
nếu đi làm một phóng sự về chính sách của Tổng thống Donald Trump ở Mỹ thì có
thể tìm được cả ngàn người chỉ trích, mà ngược lại cũng có cả ngàn người ca
ngợi, chưa có cơ sở xác nhận luồng ý kiến nào là đúng.
Đối tượng nêu trong bài báo là môi trường bề mặt ở đồng bằng sông Cửu Long một vấn đề về điều kiện tự nhiên. Ở mức độ thường thức hiện nay mọi người đều hiểu được rằng, các hiện tượng tự nhiên luôn không ngừng vận động mà con người nhờ kiến thức thực tiễn và khoa học ngày càng nắm vững/hiểu rõ các quy luật vận động của từng hiện tượng để phòng tránh tác hại hay khai thác chúng hợp lý như nguồn tài nguyên phục vụ cho sản xuất và nhu cầu phát triển xã hội. Các giải pháp khai thác tài nguyên thiên nhiên luôn luôn có cả hai mặt lợi và hại, do đó khi đánh giá một đối tượng để khách quan và khoa học, phải thu thập được tối đa cơ sở dữ liệu liên quan đặt vào bối cảnh lịch sử (kinh tế-xã hội) cụ thể và có công cụ với mức tin cậy cho phép thực hiện bài toán “trade off“ phân tích “được và mất“ để từ đó lựa chọn được giải pháp tối ưu với tổ hợp các yếu tố cần sử dụng để làm sao cái được là lớn nhất, và cái mất là ít nhất, bởi vì khi con người tác động vào tự nhiên, không bao giờ cho ta được tất cả.
Về quan điểm và nhận thức phản biện là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự
phát triển kinh tế xã hội nên ý kiến của tác giả Ngô Thế Vinh ở góc độ truyền
thông thường thức là đáng trân trọng. Tuy vậy phản biện, đặc biệt là phản biện
một vấn đề hay một đối tượng khoa học, thì cần phải dựa trên các bằng chứng từ
kết quả phân tích bằng những công cụ khoa học tin cậy và phải tránh đưa vào
những nhận định từ dẫn chứng quan sát đơn giản với cảm xúc cá nhân. Về điều
này, người đọc nhận thấy trong bài viết của tác giả Ngô Thế Vinh còn khá nhiều
hạt sạn. Chính những hạt sạn- thiếu luận cứ và phương pháp khoa học đó đã làm
phản biện của tác giả bài báo chưa thuyết phục và mất đi tính khách quan.
Nhìn
lại qúa trình phát triển nông nghiệp và thủy lợi ở đồng bằng Sông Cửu Long.
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nổi tiếng là mảnh
đất giầu tài nguyên, đa dạng sinh học nhưng cũng gánh chịu những thách thức
khắc nghiệt của thiên nhiên mà người dân nơi đây đã lưu truyền trong dân gian
bằng những vần thơ:
Quê tôi nước mặn, đồng chua
Nửa năm nắng hạn, một mùa nước dâng
Nửa năm nắng hạn, một mùa nước dâng
Xuyên suốt quá trình lịch sử là sự nghiệp phát triển
nông nghiệp, nông thôn ở ĐBSCL vô cùng khó khăn, gian khổ nhưng thành tựu cũng
rất to lớn và vô cùng vẻ vang. Cha ông ta, đã đi từ khai mương, đắp bờ tát nước
bằng các công cụ thô sơ và sức người đến thời vua Nguyễn và Pháp thuộc có nhiều
kênh đào và đặc biệt sau năm 1975 với đường hướng phát triển kinh tế xã hội
đúng đắn của nhà nước lấy vai trò của thủy lợi làm biện pháp hàng đầu để phát
triển nông nghiệp, cùng với các tiến bộ của khoa học kỹ thuật, thiết bị hiện
đại và sáng tạo của người dân Nam bộ hàng loạt các công trình thủy lợi lớn, vừa
và nhỏ đã được xây dựng.
Ngày nay, ĐBSCL chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng
trong phát triển kinh tế-xã hội ở Việt Nam. Sản lượng nông nghiệp của ĐBSCL
chiếm trên 50% cả nước, riêng lương thực xuất khẩu 90%, cây ăn trái và thuỷ sản
khoảng 70% so với cả nước.
Nhớ lại năm 1976, sản lượng lúa ở ĐBSCL chỉ
khoảng 4,6 triệu tấn, phải nhập khẩu lương thực để cung cấp cho cả nước.
Lúa Đông Xuân chủ yếu ở Cai Lậy khoảng 10 nghìn ha, còn lại là lúa mùa, trong
đó 300 nghìn ha là lúa mùa nổi ở An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang vv… Hệ số quay
vòng đất 1 vụ canh tác, chủ yếu nhờ nước trời, giống lúa dài ngày bị thoái hóa.
Người dân cả nước thời ấy, phải ăn hạt bo bo, gạo hẩm, tấm, khoai lang, (bột mì
nhập cho gia súc nhưng nhiều nơi con người vẫn sử dụng) vì đói. Đất đai ở ĐBSCL
bị chua phèn, nhiễm mặn, nhiều cánh đồng “chó ngáp” rộng lớn bạc màu, phèn úa,
ngập úng cỏ dại, lau sậy um tùm… bị bỏ hoang.
Riêng năm 1980, nước ta phải nhập lương thực đến
1,6 triệu tấn. Kết quả phần lớn các mục tiêu kinh tế của kế hoạch 5 năm lần
thứ hai (1976-1980) do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng đề ra đều
không đạt được. Mức tăng trưởng kinh tế tụt xuống chỉ còn 2,9% vào năm 1980 so
với chỉ tiêu là 13%. Xuất khẩu chỉ bằng 20-25% nhập khẩu. Năm 1984, khoảng 75%
dân số sống dưới mức nghèo đói. Lạm phát lên đến mức đỉnh điểm năm 1986 là
774,7%. Khủng hoảng kinh tế đã đe dọa ổn định chính trị, xã hội và bảo vệ môi
trường.
Để tự cứu mình, nhà nước đã chủ trương toàn dân làm
thủy lợi, trong sản xuất lấy lúa và cây lượng thực làm tiêu chí. Riêng các công
trình thủy lợi lớn do nhà nước trung ương đầu tư với mục tiêu hàng đầu là phục
vụ sản xuất và đời sống của nhân dân. Ngay sau Thống nhất đất nước 1975, một
lực lượng lớn cán bộ kỹ thuật nông nghiệp, trong đó có thủy lợi từ Miền Bắc đã
được huy động đưa vào Miền Nam để tiến hành các công tác thủy lợi ở quy mô khác
nhau cũng như thực hiện các chương trình hợp tác quốc tế như Ủy ban lâm thời
sông Mekong.
Năm 1976-1977 ở Đồng Tháp Mười hầu hết còn hoang hóa
do hệ thống thủy lợi trước đây còn thưa thớt và không được tu sửa nên không còn
tác dụng. Để khai thác cho sản xuất nhà nước tiến hành nạo vét khôi phục các
kênh Nguyễn Văn Tiếp, Dương Văn Dương, Phước Xuyên, Đồng Tiến kết hợp với thủy
lợi nội đồng đào kênh cấp 2, cấp 3 để dẫn nước đến mặt ruộng. Mở rộng quy mô
ngăn mặn, giữ ngọt ở khu thủy nông Gò Công, xây dựng mới các cống Gò Dừa, Xuân
Hòa v.v…
Để khai thác vùng Đồng Tháp Mười thời đó không chỉ
dựa trên phương pháp kinh nghiệm sản xuất truyền thống, quyết tâm chính trị, mà
phải tiến hành các phương pháp tính toán khoa học. Khi phải giải quyết bài toán
đất phèn xảy ra tranh luận khoa học rất gay cấn giữa quan điểm giữ nguyên hiện
trạng vì sợ đụng đến rốn phèn và lấy nước ngọt từ sông Tiền về để thau chua,
rửa phèn.
Gs Võ Tòng Xuân là nhà khoa học có công lớn đưa ra một số giống lúa mới, chịu sâu rầy để phát triển sản xuất lương thực ở ĐBSCL nhưng ông cũng như một số nhà khoa học Hà Lan lại phản đối việc đào kênh Hồng Ngự vì sợ đụng đến “rốn phèn“ gây tác hại khôn lường. Nhờ sự quyết tâm của những nhà khoa học thủy lợi dám dấn thân và sự ủng hộ của số vị lãnh đạo thức thời, kênh Hồng Ngự đã được khởi công từ cuối năm 1977 dài 75 km nối từ Hồng Ngự qua Bình Châu vào rạch lớn của sông Vàm Cỏ Tây tưới cho 150 nghìn ha. Thành công của kênh Hồng Ngự, mở ra kỷ nguyên mới về ý nghĩa của giá trị khoa học và thực tiễn, lớn đến nỗi người dân trìu mến gọi kênh Hồng Ngự là kênh Trung ương.
Gs Võ Tòng Xuân là nhà khoa học có công lớn đưa ra một số giống lúa mới, chịu sâu rầy để phát triển sản xuất lương thực ở ĐBSCL nhưng ông cũng như một số nhà khoa học Hà Lan lại phản đối việc đào kênh Hồng Ngự vì sợ đụng đến “rốn phèn“ gây tác hại khôn lường. Nhờ sự quyết tâm của những nhà khoa học thủy lợi dám dấn thân và sự ủng hộ của số vị lãnh đạo thức thời, kênh Hồng Ngự đã được khởi công từ cuối năm 1977 dài 75 km nối từ Hồng Ngự qua Bình Châu vào rạch lớn của sông Vàm Cỏ Tây tưới cho 150 nghìn ha. Thành công của kênh Hồng Ngự, mở ra kỷ nguyên mới về ý nghĩa của giá trị khoa học và thực tiễn, lớn đến nỗi người dân trìu mến gọi kênh Hồng Ngự là kênh Trung ương.
Tứ giác Long Xuyên diện tích tự nhiên khoảng 500
nghìn ha là ví dụ điển hình về hiệu quả công tác thủy lợi từ kiểm soát lũ, đến
tưới tiêu, khai thác sử dụng đất phèn làm thay đổi hẳn bộ mặt kinh tế xã hội
của cả vùng. Xa xưa là công trình kênh Vĩnh Tế của cha ông để lại được thế hệ
sau mở rộng, nạo vét, nâng cấp, đặc biệt là hệ thống công trình thủy lợi khá
hoàn chỉnh như kênh ông Kiệt (người dân và chính quyền địa phương nhớ ơn, lấy
tên Thủ tướng Võ Văn Kiệt thay cho kênh Tuần Thống-T5).
Hàng loạt các hệ thống công trình thủy lợi ở vùng
kẹp giữa hai sông (Nam-Bắc Vàm Nao) và hệ thống công trình đê vùng ven biển như
khu Tiếp Nhật, đào kênh Long Phú – Lịch Hội Thượng tưới tiêu cho 1.700 ha, đào
kênh Cái Xe, Hợp Thành tiêu úng, giữ ngọt cho 19.000 ha, xây cống Tiếp Nhật và
An Nổ, đào kênh Phụng Hiệp – Sóc Trăng tiêu úng, giữ ngọt 21.000 ha góp phần
đáng kể về phát triển kinh tế xã hội vùng bán đảo Cà Mâu. Chỉ tính riêng đến
năm 1980, ĐBSCL đã đắp được 14 hệ thống đê ngăn mặn cho 650 nghìn ha và 5 hệ
thống đê bao bảo vệ lúa Hè Thu, đầu tư nạo vét khôi phục 75 kênh trục lớn, dẫn
nước tưới cho 450 nghìn ha, xổ phèn 300 nghìn ha.
Trong thâm canh, theo ước tính của các chuyên gia
nông nghiệp nhờ có công trình thủy lợi tăng 30% năng suất. Nhờ có thủy lợi mới
tăng vụ và phát huy hiệu quả các biện pháp kỹ thuật như sử dụng phân bón, thuốc
diệt cỏ vv… Đó là những thành tựu kinh tế quan trọng, vẫn bảo đảm không gây tác
động xấu đến môi trường nhờ áp dụng kết quả triển khai tính toán khoa học
nghiêm túc.
Anh Nguyễn Minh Nhị (Bẩy Nhị) nguyên Chủ tịch Ủy ban
nhân dân tỉnh An Giang, một nhà quản lý am hiểu sâu sắc thực tế ở ĐBSCL để lại
nhiều dấu ấn trong qúa trình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Năm 1988 khi
còn làm giám đốc Sở Nông nghiệp An Giang, tại hội nghị ngành nông nghiệp tỉnh,
Anh Bảy Nhị đã phát biểu khẳng định “Thành quả cách mạng sau giải phóng miền
Nam chỉ còn lại là các công trình thủy lợi. ” và trong thực tế Anh Bẩy Nhị cũng
chủ trương lấy thủy lợi làm khâu đột phá cho chuyển vụ, khai hoang, tăng diện
tích sản xuất. Khi làm Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp cũng chủ trương lấy tưới
– tiêu làm “khâu đột phá.
Tôi mới nhận được email của Anh Bẩy Nhị vào sáng 2 tết Mậu Tuất rất đáng
suy ngẫm nguyên văn như sau: ‘‘Trừ các công trình ngăn mặn tôi không biết, còn
lại, tôi khẳng định thủy lợi – tưới tiêu, đê bao phục vụ sản xuất lúa hai vụ ở
tỉnh An Giang là hoàn toàn phù hợp hoàn cảnh sống của con người ở đây và cũng
thuận với thiên nhiên. Tôi không hiểu nhiều về khoa học nên không bao giờ dám
viết bài về khoa học kỹ thuật mà chỉ dám viết dạng báo chí: Thời sự, tổng hợp –
chính luận, tùy bút… Ngược lại, người làm khoa học leo ra ngoài lề dễ bị “việt
vị” hoặc khoa học không gắn với đời sống thì cũng “không đất sống”. Về quản lý,
tôi tự hào là người đầu tiên làm đê bao kết hợp giao thông nông thôn và nội
đồng, đưa sản xuất lúa lên 2 vụ/năm. Tôi cũng cho chủ trương làm đê bao khép
kín, qui hoạch sản xuất vụ 3 ở An Giang 80 ngàn ha là không sai. Nếu nước biển
dâng như người ta nói thì bờ bao nầy giữ nước ngọt, đẩy mặn hoặc ngăn mặn xâm
nhập là tuyệt vời!” .
Nhận thức và sự lựa chọn giải pháp thích hợp
Tôi đồng tình chia sẻ với quan điểm của tác giả Ngô Thế Vinh về cống Vàm
Cỏ. Thập niên 90, Bộ Khoa học và Công Nghệ (KHCN) và Bộ NN & PTNT đã đề
xuất đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, ban chủ nhiệm đề tài kết luận đề
xuất xây dựng cống Vàm Cỏ. Tôi nhớ hồi ấy, khi làm việc trực tiếp với anh Hai
Tiếp (Bí thư tỉnh ủy Long An), anh Nguyên – Phó chủ tịch tỉnh phụ trách nông
nghiệp và phát biểu ở hội thảo (cũng như viết bài phản biện) tôi phân tích kết
quả về bài toán thủy lực, về tác động môi trường…, cũng không tán thành quan
điểm làm cống Vàm Cỏ. Cho nên tôi thấy ý kiến trong bài báo của tác giả Ngô Thế
Vinh cũng là dễ hiểu.
Tác giả Ngô Thế Vinh phân vân, nghi ngờ về tính hiệu qủa của công trình
Cái Lớn – Cái Bé (dự kiến đầu tư hơn 3000 tỷ đồng) là chính xác, mặc dù nhận
định của tác giả chỉ là định tính chưa có định lượng. Theo tôi hiểu, quy mô, vị
trí hệ thống công trình này, phụ thuộc vào cơ cấu bố trí sản xuất của các tỉnh
chủ yếu là Kiên Giang và Cà Mâu. Mặn xâm nhập từ biển phía Tây theo sông Cái
Lớn và Cái Bé yếu hơn xâm nhập mặn từ biển Đông. Khu vực phía nam sông Cái Lớn
(thuộc Kiên Giang và bắc Cà Mau) mặn ngọt luân phiên (mặn mùa khô/ ngọt mùa mưa
nhờ nuớc mưa và nuớc từ sông Hậu) vì vậy nếu mùa mưa trồng lúa/ mùa khô nuôi
tôm sẽ giảm áp lực nhu cầu nuớc ngọt hơn so với canh tác 2 vụ lúa và giải pháp
thuỷ lợi cũng cần điều chỉnh cho phù hợp. Đây là lý do cần tiếp tục nghiên cứu
kỹ hơn đánh giá “được và mất” về dự án cống Cái Lớn và cống Cái Bé trước khi
cho chủ trương đầu tư.
Những người am hiểu thời cuộc đều biết làm giao
thông, xây dựng và thủy lợi từ trước tới nay trên ĐBSCL là phục vụ đa ngành,
trong đó có nông nghiệp. Trong nông nghiệp có cây lúa, cây màu, hoa quả, con
tôm, con cá, con vịt, con bò, con trâu… cho nội địa và xuất khẩu, nhưng mỗi
loại cây trồng hay vật nuôi đòi hỏi có điều kiện môi trường khác nhau, đôi khi
đối nghịch nhau. Các châu thổ lớn trên thế giới dù có nuôi tôm, nuôi cá, trồng
màu, trồng lúa, hoa quả…, thì đều phải làm thật tốt phát triển cơ sở hạ tầng
giao thông, thủy lợi đến tận từng chân ruộng, đảm bảo cơ động vững chắc cho
chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng, vật nuôi theo đà tiến bộ của khoa học công
nghệ và biến động của thị trường trong nước và thế giới. Cho nên phát triển đa
ngành khi khai thác vùng cho một ngành thì rất dễ gây tác động xấu đến phát
triển ngành khác; cần phải có những tính toán lựa chọn phương án thích hợp, có
lợi nhất.
Trước năm 1995, con giống cá tra, cá basa trên ĐBSCL
cũng chưa làm ra được, nói gì đến giống tôm cao cấp; hơn nữa, thực tế thị
trường xuất khẩu thủy sản thời ấy còn cực kỳ khó khăn và quá nhỏ hẹp, do chính
sách cấm vận của Mỹ kéo dài đến năm 1994 và dư âm ảnh hưởng của nó còn lây lan
đến mãi sau năm 2000.
Sau năm 1995, nhờ sự phát triển của cây lúa và thị
trường tiêu thụ lúa trong và ngoài nước, ta vượt qua được ngưỡng tích lũy tối
thiểu bằng nông nghiệp, kết hợp với việc Mỹ bỏ chính sách cấm vận, cùng với các
điều kiện quốc tế thuận lợi khác, nông dân ĐBSCL đã chuyển dần sang làm thêm
con cá, con tôm xuất khẩu, hàng ngàn bè cá tra, basa to nhỏ nối đuôi nhau dọc
sông Tiền, sông Hậu, kênh rạch đến mức gần như đã vượt quá giới hạn cho phép về
khai thác diện tích mặt nước sông ngòi dành cho nuôi trồng thủy sản.
Sau thời ấy, ngoài việc khai thác mặt nước sông
ngòi nuôi trồng thủy sản đến mức “cạn kiệt”, dân ta đã “mổ xẻ” mặt bằng đồng
ruộng của cây lúa biến thành hàng vạn cái ao lớn nhỏ khác nhau nuôi cá da trơn,
tôm, cua, lươn xuất khẩu. Sau thời ấy, dân ta cũng đã chuyển dần gần 50% diện
tích lúa vùng bán đảo Cà Mau sang nuôi trồng thủy sản nước mặn, nước lợ. Ngành
thủy lợi cũng chuyển đổi tư duy từ ngăn mặn (làm đập) sang kiểm soát mặn (làm
cống điều tiết mặn theo 2 chiều) phục vụ cho cơ cấu sản xuất cây trồng, vật
nuôi có nghĩa là đã coi mặn cũng là tài nguyên.
Nguồn xuất khẩu thủy sản ĐBSCL cũng trải quả những
bước thăng trầm “ngoạn mục” theo nhu cầu thị trường thế giới, chứ đâu phải lúc
nào cũng mát mái, xuôi chèo?
Cống
đập ngăn mặn – cần tính toán và thiết kế phù hợp
Ngay cả cách mạng xanh hồi 1950-1960 đã giúp sản
lượng nông nghiệp theo kịp sự tăng trưởng dân số ở rất nhiều nước, nhất là giải
quyết lương thực cho nước đông dân như Ấn Độ, cũng có các ảnh hưởng sinh thái
và xã hội rất lớn, nên bên cạnh các ý kiến ca ngợi nồng nhiệt, vẫn có các chỉ
trích dữ dội.
Việc ngăn mặn ở ĐBSCL đã được thực hiện ngay cả trước khi thống nhất đất
nước. Đã có những dự án ngăn mặn như Tiếp Nhật ở Sóc Trăng do Nhật tài trợ, Gò
Công do ADB (Ngân hàng Á châu) đầu tư v.v… Dự án ngăn mặn lớn nhất trước 1975
có lẽ là dự án ngăn mặn cửa Mỹ Thanh mà vật liệu để xây dựng đã được chuẩn bị
từ thời Pháp, nhưng sau 1975 dự án này không được thực hiện vì chi phí lớn lúc
đó và các tác động môi trường vùng ven biển (sau các đánh giá của ESSA Ltd.
Canada năm 1989)- Thời kỳ này, tôi đang làm chuyên gia môi trường ở Ban thư ký
sông Mekong nên đã nhiều lần cùng tham gia đi khảo sát thực địa ở bán đảo Cà
Mâu và đánh giá về EIA (tác động đến môi trường) của công ty ESSA Canada gồm
các chuyên gia như Nick Sontag, Peter Macnamee và Ron Livingston v.v…)
Trước đây, khi nói đến phát triển thủy lợi là người
ta nghĩ đến giải pháp công trình (kênh, cống, đập, trạm bơm…) nhưng sau khi các
hiểu biết và bài học về tác động môi trường đã được nâng cao, các giải pháp phi
công trình (thay đổi hệ thống canh tác và thời vụ, tưới tiết kiệm…) cũng đã
được xem xét ưu tiên.
Trong
quá trình phát triển ở ĐBSCL, chúng ta cũng rút ra được nhiều bài học kinh
nghiệm quý báu đó là: không coi nước mặn là tài nguyên (để nuôi tôm nước lợ)
nên ở vùng ven biển thời kỳ đầu chỉ đắp đập ngăn mặn, chứ không phải kiểm sóat
mặn, cho nên có làm cống cũng thiên về 1 chiều (không phải cống 2 chiều). Hệ thống công trình thủy lợi hiện hữu phục vụ cho
cây lúa là chủ yếu, đầu tư chưa đồng bộ khép kín, yêu cầu về quản lý nước, cấp
thoát nước đối với nuôi trồng thủy sản chưa đủ năng lực phân chia ”mặn-ngọt”
như ở vùng Bắc Bến Tre, vùng Quản Lộ – Phụng Hiệp. Hệ thống cống tự động 1
chiều, không vận hành cưỡng bức được nên không chủ động cấp thoát nước theo yêu
cầu của nuôi trồng thủy sản, kênh cấp thoát nước kết hợp, dễ gây nên ô nhiễm
môi trường nước. Sông rạch, nhiều vùng giáp nước gia tăng mức độ ô nhiễm và bồi
lắng vv…
Bài học về đầu tư không đồng bộ đã được nhiều nhà
khoa học cảnh báo từ lâu rồi. Tôi vẫn còn nhớ cách đây khoảng hơn 20 năm, ông Võ
Văn Kiệt hỏi tôi về quan điểm đề xuất của nhóm chuyên gia GSVS Nguyễn Văn Hiệu,
GS Nguyễn Sinh Huy và PGS Hồ Chín về xây cống âu thuyền ở Tắc Thủ để kiểm soát
mặn. Tôi không tán thành, ông Kiệt nói với TS Vũ Đức Đam (trợ lý) gọi điện mời
tôi ra Văn phòng Chính phủ gặp trực tiếp ông Võ Văn Kiệt và ông Nguyễn Tấn Dũng
để lắng nghe ý kiến xử lý dứt điểm việc thuê đất trồng rừng 40.000 ha của công
ty Kiên Tài (Đài Loan) ở Tứ giác Long Xuyên ảnh hưởng đến thoát lũ và việc xây
cống âu Tắc Thủ. Tôi trình bày kết quả bài toán thủy lực xâm nhập mặn, để bảo
vệ quan điểm chỉ ủng hộ làm công trình Tắc Thủ nếu được đầu tư đồng bộ với cống
Xẻo Xô, cống Biển Nhị vv… để khép kín, không bị mặn tập hậu. Sau đó, ở hội thảo
tại TP.HCM, tôi cũng trình bày lại đúng quan điểm nói trên. Do ngành giao thông
hồi ấy còn thừa nguồn vốn ODA của dự án WB, nên đã sử dụng 5 triệu đô la Mỹ xây
cống âu thuyền Tắc Thủ. Kết quả sau đó, thực tế đúng như tôi đã cảnh báo công
trình này bị bỏ hoang, lãng phí vì mặn tập hậu.
Các
công trình ngăn mặn xây dựng trước đây là trong giai đoạn trước 1990 Việt Nam
đang cần tăng sản lượng lúa gạo nên hoàn toàn phù hợp cho giai đoạn đó. Hiện
nay, nhu cầu tăng sản lượng lúa gạo không còn nữa, nên có thể không cần ngăn
mặn như vậy nữa, hoặc nếu có thì khi nào mới cần làm. Đó là câu hỏi dành cho
các nhà hoạch định chính sách phát triển ở ĐBSCL.
Xin lưu ý, việc kiểm soát mặn chủ động ở vùng nuôi
trồng thủy sản cũng vẫn phải cần cống 2 chiều và nguồn nước ngọt để pha loãng
độ mặn theo chu kỳ sinh trưởng của con tôm và nhu cầu sinh hoạt của người dân.
Cần tránh khai thác qúa mức nước ngầm cho nuôi tôm gây nên hiện tượng sụt lún
đất và ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên nước ngầm. Đối với các con kênh ở vùng
triều, nếu ở cả 2 đầu kênh có cống kiểm soát nguồn nước thì lưu lượng lớn nhất
và lưu lượng nhỏ nhất sẽ bị giảm nhưng lưu lượng trung bình lại tăng lên nhờ
điều tiết chủ động.
Quan
điểm và sự cấp thiết bảo tồn thiên nhiên
Dù dân số tăng cao, đất chật người đông, cộng thêm
nhu cầu phát triển kinh tế nên phải khai thác tài nguyên đất và nước ở ĐBSCL,
nhưng để lưu giữ cho các thế hệ mai sau về vùng Đồng Tháp Mười tự nhiên, dưới
thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có quyết định cho thành lập khu bảo tồn sinh thái
quốc gia Tràm Chim hơn 7000 ha để mãi mãi Đồng Tháp Mười không chỉ có “đẹp nhất
hoa sen” mà còn đẹp mãi và giầu có nữa vì có những Tràm Chim huyền bí và thơ
mộng.
Thực ra, ở đây không chỉ có “tràm” và không chỉ có
“chim”, nhưng vì đó là hai loại sinh vật tiêu biểu cho vùng đất nên đã được
dùng để cho dễ gọi, dễ nhớ! Mà quả thật, chỉ lần đầu qua đây, tôi đã không thể
quên vẻ đẹp hoang sơ đến kỳ diệu của Tràm Chim. Chiều xuống, mặt trời khuất
phía biên giới xa xa, trên nền đỏ tía của chân trời nổi bật những mảng đen xẫm
của rừng tràm như những nét cắt vội vàng đầy ngẫu hứng của một họa sĩ. Trên cái
nền của bức tranh đó bỗng nổi lên râm ran tiếng kêu của hàng trăm, hàng ngàn
con chim. Dưới nắng chiều đang lụi nhanh, trên những thảm cỏ năng ven kênh,
từng đôi ba con sếu đang thong thả trình diễn điệu múa gọi bạn độc đáo. Những
con sếu cái thu mình, vươn cao cái cổ kênh kiệu và những chú sếu đực vừa giang
rộng đôi cánh, vừa đảo đôi chân xung quanh “người tình”. Người ta nói những khi
“tình tự” chỉ có sếu đực là vỗ cánh, đôi cánh mạnh mẽ, hào hiệp và duyên dáng
vô cùng.
Bức tranh thiên nhiên ấy chỉ là bề nổi của một vùng
đất ngập nước có một hệ sinh vật phong phú gồm 130 loài thực vật khác nhau, là
nơi cư ngụ của trên 100 loài động vật có xương sống, 40 loài cá, 147 loài chim
nước, trong đó có 13 loài chim quý hiếm, đặc biệt là “sếu cổ trụi” là loại được
quốc tế đưa vào “sách đỏ” cần đặc biệt bảo vệ.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện là thành viên trong đoàn đi khảo sát với tác giả
Ngô Thế Vinh vừa qua, là người hiểu rõ về ý nghĩa và giá trị của khu bảo tồn
Tràm Chim này và vai trò khởi đầu của tổ chức bảo vệ sếu quốc tế (ICF). Năm
1991, khi tôi sang Mỹ để trình bày báo cáo ở hội thảo quốc tế về chất lượng
nước ở Madison Wisconsin gặp Nguyễn Hữu Thiện đang học thạc sĩ ở đây. Hai anh
em có dịp cùng đi thăm khu bảo vệ sếu của ICF ở Mỹ. Khi về nước, thạc sĩ Nguyễn
Hữu Thiện là người có nhiều gắn bó với khu bảo tồn đất ướt Tràm Chim.
Các
hạt sạn trong bài viết của tác giả Ngô Thế Vinh.
Nước ta đất chật, người đông, do nhu cầu kinh tế,
phải khai thác tài nguyên đất nước để phát triển. Không thể lấy lý do “người
nông dân Miền Tây đã quen chung sống với nhịp đập thiên nhiên ấy” để từ chối
cải tạo thiên nhiên (nếu nó không thuận lợi) để thiên nhiên phục vụ con người
tốt hơn. Hãy nhìn người Israel cải tạo sa mạc và trồng trọt trên sa mạc, bắt sa
mạc mang lại lợi nhuận mà học tập.
Tác giả viết “Sông Ba Lai ngừng chảy. Thay vì biến sông Ba Lai thành một
hồ nước ngọt thì cư dân Bến Tre phải sống với nước sông Ba Lai mặn hơn trước
kia nhất là vào mùa khô. Hậu quả là tỉnh Bến Tre thiếu nước ngọt, đưa tới tình
cảnh bệnh viện lớn nhất Bến Tre mỗi ngày được xe tải cung cấp 10 mét khối nước
ngọt chỉ đủ cho các khoa phòng chia nhau từng lít nước, còn người dân thì sống
trong tình trạng thiếu nước ngọt kinh niên, phải mua nước ngọt có khi phải trả
tới 100,000 đồng VN/ mét khối”.
Tình trạng thiếu nước ngọt ở Bến Tre miêu tả như trên là chính xác nhưng
xin lưu ý năm 2016 ĐBSCL đều chịu chung cảnh thiếu nước ngọt vì hạn, mặn xâm
nhập sâu nhất so với lịch sử. Năm 2015 ĐBSCL không có lũ, sang mùa khô 2016 là
năm thời tiết cực đoan, hạn hán và xâm nhập mặn sâu xảy ra khắp nơi trên đồng
bằng. Bến Tre cũng bị ảnh hưởng từ bất lợi này. Không thể lấy một hậu quả gây
ra bởi thời tiết cực đoan để cho là do lỗi của cống đập Ba Lai, không có luận
chứng mà chỉ võ đoán.
Những năm mặn trung bình hơn ½ diện tích tỉnh Bến
Tre thường xuyên bị xâm nhập mặn, nhiều lúc mặn 4g/l lên đến tận An Hóa. Từ khi
có cống đập Ba Lai tình hình kiểm soát mặn đã khác hẳn trước đây, cấp nước ngọt
chủ động cho các huyện Giồng Trôm, Ba Tri và một phần của huyện Bình Đại (mặc
dù hệ thống công trình chưa khép kín).
Về nguyên tắc nguồn mặn xâm nhập chính từ biển đông
đã được cống đập Ba Lai kiểm soát nhưng lòng hồ vẫn bị mặn do thiếu vốn, hệ
thống công trình thủy lợi chưa đầu tư đồng bộ khép kín nên bị mặn tập hậu. Nếu
không có cống đập Ba Lai thì mặn còn xâm nhập sâu hơn nữa, chỉ cần làm bài toán
thủy lực 1 chiều là rõ ngay hiệu qủa kiểm soát mặn khi có và không có cống đập
Ba Lai. JICA (Nhật Bản) đã rà soát lại, thấy rõ tác dụng của hệ thống công trình
thủy lợi Ba Lai đã quyết định sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng các cống Chẹt Sậy,
Gia Hòa, Bến Tre cùng với nguồn vốn của Chính phủ để khép kín việc kiểm soát
mặn ngọt ở vùng này.
Tác giả cũng đưa ra hình ảnh sông cạn đáy thật ấn tượng nhưng liệu hiện
tượng cạn đáy đó có phải là do con người hay là chuyện tự nhiên. Các kênh rạch
của Venice cũng cạn đáy (hình dưới
https://baomoi.com/hang-loat-kenh-dao-o-venice-can-tro-day-sau-sieu-trang/c/24838694.epi)
mà có phải do con người can thiệp đâu. Vì vậy, tác giả nên có một chứng minh rõ
ràng hơn về nguyên nhân cạn đáy ở các hình đã dẫn ra trong bài viết.
Tác giả đã đưa ra thông tin là “biển dâng được dự đoán với vận tốc 5
cm/năm”. Đây có lẽ là điều không tưởng. Nên chăng tác giả cần đưa minh chứng?
Theo kịch bản “lạc quan” nhất, tới 2100, nước biển dâng thêm khoảng 51 – 106cm
so với thời kỳ 1980 – 2000 (kịch bản RCP 8.5, phiên bản 2016). Nghĩa là bình
quân 0,51 – 1,06cm/năm. Và tốc độ tăng trong những năm đầu thế kỷ nhỏ hơn những
năm sau.
Ngoài ra, tác giả viết “với gần 2 triệu người di cư ra khỏi ĐBSCL
trong hai chục năm qua, nhưng vẫn chưa hề có cuộc điều tra cơ bản nghiên cứu
về những nguyên nhân ra đi của họ” nhưng sau đó lại nhập xem chuyện “2 triệu
người di cư ra khỏi ĐBSCL” như là một hậu quả của những công trình như Ba
Lai. Điều đó không có cơ sở thuyết phục. Thực ra xu hướng thoát ly nông thôn,
tụ về thành phố là phổ biến khắp nơi trên thế giới trong giai đoạn nền kinh tế
thực hiện công nghiệp hóa, giảm tỷ trọng nông nghiệp và nguyên nhân của hiện
tượng này đã được nhiều nghiên cứu làm rõ. Và điều chắc chắn là cống đập “Ba
Lai” chưa từng được xác định là lý do của xu hướng di dân đó.
Sự băn khoăn lo ngại của tác giả Ngô Thế Vinh về
người lãnh đạo Bộ NN & PTNT và lực lượng cán bộ kỹ thuật triển khai công
tác nông nghiệp-thủy lợi từ Miền Bắc dẫn đến những quyết định về chủ trương và
giải pháp khai thác không phù hợp ở ĐBSCL là chưa chuẩn xác. Như đã phân tích ở
trên, vai trò của nhân lực là kiến thức cho việc tiến hành thu thập xây dựng cơ
sở dữ liệu và áp dụng phương pháp phân tích khoa học với chuẩn mực quốc tế đóng
vai trò quan trọng cho giải quyết nhiệm vụ khai thác góp phần phát triển kinh
tế ở đây. Những kinh nghiệm sản xuất truyền thống của người dân Nam bộ cũng như
sử dụng nhân lực, chuyên gia tại chỗ cũng luôn được duy trì và chính là một
trong các tham số của cơ sở dữ liệu của các phương pháp tính toán.
Không có gì hoàn hảo cả, nhất là khi phải xây dựng các công trình trên
một dòng sông. Bất kỳ một tác động nào đến dòng sông đều có hai mặt nhưng không
phải vì thế mà cho rằng không được xây dựng công trình ngăn mặn, chống lũ, hạn
chế xói lở,… (đê, kè, cống, đập,…). Cũng đừng “quy chụp” từng thời ông Bộ
trưởng, hay thứ trưởng,… bởi lẽ những công trình mang tính chiến lược, quan
trọng này phải trải qua rất nhiều cuộc họp, hội thảo giữa các ngành, các bộ,
các địa phương vùng dự án, sau đó mới đến các bước rà soát, thẩm tra, thẩm định
theo quy trình dự án.
Lời
kết
Ở thời kỳ Hội nhập thế giới về cả chiều sâu và chiều
rộng hiện nay các vấn đề kinh tế xã hội không còn là đối tượng riêng của một
quốc gia mà luôn được tính toán tác động ảnh hưởng tới khu vực lân cận kể cả ở
ngoài phạm vi lãnh thổ. Khai thác tài nguyên thiên nhiên phục vụ cho phát triển
kinh tế xã hội luôn có hai mặt tích cực và tiêu cực đến môi trường và ảnh hưởng
đến các ngành kinh tế khác cần được nghiên cứu cơ sở dữ liệu đầy đủ nhất có thể
và phải được phân tích bằng các phương pháp khoa học có đủ độ tin cậy để từ đó
lựa chọn giải pháp, quyết định triển khai thực tiễn với lợi ích thu được tốt
nhất và hạn chế ảnh hưởng xấu thấp nhất.
Đọc cả bài “Cống đập chặn mặn gây rối loạn hệ sinh thái và cái giá phải
trả” cho thấy tác giả mới chỉ đưa ra những nhận định mang cảm tính, trực quan
của cá nhân dựa trên chuyến đi thực tế cùng một số chuyên gia quen biết, chưa
có một phân tích, một đánh giá nào mang tính khoa học, định lượng,….Chưa thấy
một con số một đoạn viết nào có nội dung khoa học chứng minh về nhận định của
tác giả.
Nhìn lại lịch sử phát triển của ĐBSCL, mà mục tiêu
là phát triển lương thực để cứu đói, phải ngọt hóa để sản xuất lúa đã hoàn
thành vai trò lịch sử của nó. Nhận thức là cả quá trình, người dân Nam bộ cũng
như các nhà khoa học đã chuyển tư duy làm đập ngăn mặn sang làm cống 1-2 chiều
kiểm soát mặn, coi mặn cũng là tài nguyên. Ngày nay, với yêu cầu phát triển bền
vững và phòng tránh thiên tai cần rà soát lại tiêu chí của hệ thống công trình
và phi công trình, nhằm nâng cao đời sống nhân dân và hạn chế can thiệp đến tác
động môi trường ở ĐBSCL.
Vừa rồi, tôi có dịp xem phóng sự VTV1 nói về tác động của các công trình
thủy điện sông Mekong đối với ĐBSCL, một số nhà khoa học cảnh báo nguy cơ có
khi lưu lượng về ĐBSCL gần bằng 0! Đây là ý kiến của những người thích “chém
gió” không có kiến thức cơ bản về thủy văn, thủy lực dòng chảy trên sông.
Nghị quyết gần đây của Chính phủ có tinh thần cơ bản
nhấn mạnh trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tác
động của hệ thống đập thủy điện thượng nguồn sông Mekong và tác động của địa
chính trị kinh tế thế giới có nhiều biến động, trong đó có thị trường xuất khẩu
nông, lâm, thủy sản…, đang ngày càng ảnh hưởng mạnh đến ĐBSCL, do đó cần tích
cực điều chỉnh lại sách lược và chiến lược thích hợp để chủ động tiếp tục phát
triển kinh tế ĐBSCL theo hướng ổn định và bền vững. Có thể hiểu một cách nôm na
: ”Thị trường là mệnh lệnh của sản xuất” theo chuỗi giá trị hàng hóa, cho nên
ĐBSCL đã thay đổi thứ tự ưu tiên trong sản xuất nông nghiệp: thủy sản, cây ăn
trái, lúa.
Tô
Văn Trường
.
No comments:
Post a Comment