Thursday, February 1, 2018

GS. Nguyễn Ngọc Trân cảnh báo tai họa từ nhiệt điện than công nghệ lạc hậu



Thùy Dung 
19/01/2018

The LEADER Theo GS. Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, việc sản xuất điện than với công nghệ lạc hậu tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long sẽ là một tai họa cho cuộc sống của người dân nơi đây.
Số liệu từ Bộ Công thương cho biết, theo cơ cấu quy hoạch điện Việt Nam năm 2016 - 2030, nhiệt điện than chiếm tỷ trọng lớn nhất, ở mức 43% đến năm 2030, trong khi tiềm năng phát triển thủy điện không còn nhiều và không đám ứng kịp tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện năng của nền kinh tế.
Trong đó, giai đoạn từ 2020 đến 2030, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ có thêm 9 nhà máy nhiệt điện than hoạt động, nâng tổng công suất phát điện lên hơn 18.000MW với mức tiêu thụ than mỗi năm khoảng 54,68 triệu tấn và thải ra khoảng 13,67 triệu tấn tro, xỉ, thạch cao.
Đối với kế hoạch phát triển năng lượng điện than, Ngân hàng Thế giới cũng đã nhiều lần đưa ra những cảnh báo nghiêm khắc đối với kế hoạch này tại các quốc gia Đông Nam Á trong đó có Việt Nam.
Theo WB, nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á và Nam Á vẫn đang lên kế hoạch xây dựng thêm hàng trăm nhà máy nhiệt điện than trong 20 năm tới, điều này sẽ là một thảm họa đối với trái đất và môi trường sống của cộng đồng.


GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân

Chia sẻ tại Diễn đàn bền vững Việt Nam 2018, GS. Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho biết, ĐBSCL hiện có ba cụm nhiệt điện với tổng công suất lắp đặt gần 1.500MW và hàng năm sẽ thải ra khoảng 1,8 triệu tấn tro, xỉ.
Trong khoảng thời gian 15 - 20 năm tới, ĐBSCL sẽ tạo ra hơn 18.000 MW từ điện than nhưng công nghệ lại được nhập khẩu giá rẻ từ một quốc gia không sử dụng nữa. 
Điều này sẽ gây tác hại cho cuộc sống của người dân tại khu vực này và vấn đề năng lượng than là một tai họa cho Việt Nam. ĐBSCL cũng phải được hưởng các chính sách của Nhà nước là không đánh đổi môi trường để lấy tăng trưởng, ông Trân khẳng định.

GS. Nguyễn Ngọc Trân nguyên là Chủ nhiệm chương trình Nhà nước “Điều tra cơ bản tổng hợp vùng ĐBSCL” trong hơn một thập kỉ. Ông hiện cũng là chuyên gia cao cấp của Hội đồng Chính sách khoa học và công nghệ quốc gia – cơ quan tư vấn Thủ tướng Chính phủ về chính sách khoa học công nghệ.
Theo đánh giá của ông Trân, với giá năng lượng gió và năng lượng mặt trời như hiện nay, ĐBSCL là một mảnh đất rất phì nhiêu cho sản xuất năng lượng mới. Tuy nhiên một vấn đề đặt ra là mức giá mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thu mua.
Nếu EVN có chính sách mua hợp lý sẽ khuyến khích các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài vào lĩnh vực năng lượng gió và năng lượng mặt trời.

Cũng liên quan đến chủ đề năng lượng, tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2018 được tổ chức hồi đầu tuần qua, cựu ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có cơ hội và tiềm năng để phát triển năng lượng sạch như năng lượng gió, năng lượng mặt trời… và nếu biết kết hợp các loại hình này với nhau, chi phí sẽ giảm đi đáng kể.
Theo ông John Kerry, thế giới đang quay lưng lại với than đá, bởi lẽ, than đá là nguồn nguyên liệu bẩn nhất và cũng chính là một trong những yếu tố lớn nhất gây ra hiệu ứng nhà kính. Các nước đang dịch chuyển từ việc sử dụng năng lượng than đá sang các loại năng lượng sạch khác. 75% nguồn năng lượng điện của Mỹ hiện nay đến từ năng lượng mặt trời trong khi than đá chỉ chiếm 0,2% mà thôi.
Trước đó, hồi tháng 6/2017, trong buổi tiếp kiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ông John Kerry đã cho biết đã trao đổi với Ngân hàng Thế giới cùng một số định chế tài chính quốc tế và họ sẵn sàng đầu tư vốn để giúp Việt Nam trong lĩnh vực phát triển năng lượng đặc biệt là năng lượng tái tạo, năng lượng sạch.

GS. Nguyễn Ngọc Trân cho biết, hiện các thành tựu khoa học kỹ thuật đã được Việt Nam thực hiện tại nhiều tỉnh thành chứ không còn nằm trong vấn đề chính sách cần phải suy nghĩ.
Tại ĐBSCL, nhiều khu vực hiện đang được thử nghiệm việc làm phân bón thông minh kết hợp với canh tác khô và ướt xen kẽ. Công nghệ 4.0 được tận dụng trong khâu làm ướt, kết hợp với điện toán đám mây và Internet kết nối vạn vật (IoT) để người nông dân có thể điều khiển tưới nước thông qua điện thoại thông minh.
Ông Trân nhấn mạnh rằng, nếu tiến bộ khoa học không được theo dõi, nhất là trong lĩnh vực năng lượng thì những tỉnh như Ninh Thuận hay Bình Thuận sẽ là những tỉnh vĩnh viễn nghèo bởi vì thiếu nước nhưng lại quá nhiều mặt trời, quá nhiều nắng.
Nhưng nếu như có năng lượng mặt trời, năng lượng gió thì Ninh Thuận hay Bình Thuận sẽ giống như “cô bé lọ lem” trở thành những tỉnh rất giàu.

SOURCE:



No comments:

Post a Comment