Thursday, February 1, 2018

Đây là lằn đỏ để đoạn tuyệt với nhiệt điện than tại Việt Nam - Phạm Phan Long, P.E.



Phạm Phan Long, P.E. (Viet Ecology Foundation)
30/01/2018 


Nguồn: Google Map


Petro Việt Nam thiếu vốn hoàn tất nhiệt điện than Long Phú 1

US Ex-Im Bank không nên tiếp sức cho Long Phú 1 vì dự án này tốn kém nhất, xả thải ô nhiễm cao, có hại nhất cho sức khoẻ và môi sinh của 20 triệu dân cư đồng bằng sông Cửu Long và còn làm suy giảm uy tín Hoa Kỳ trên thế giới.
Ex-Im Bank của Hoa Kỳ sẽ cứu xét và quyết định có bảo đảm cho công ty General Electric (GE) cung cấp thiết bị cho dự án Long Phú và Việt Nam vay để nhập cảng hàng từ HK không. Trung tâm nhiệt điện than Long Phú tại Sóc Trăng gồm có ba dự án, với tổng công suất 4320 MW, Long Phú 1 (2) 600 MW, Long Phú 2 (2) 660 MW và Long Phú 3 (3) 600 MW [1]. Khi hoàn tất trung tâm nhiệt điện này Long Phú cưu mang số công suất tương đương với hai nhà máy điện hạch nhân.
Theo bản tin ngày 28 tháng 1, 2018, của New York Times [2]: Dự án Long Phú 1 có công suất đã được khởi công do Petro Việt Nam làm chủ và ngân hàng Nga VEB tài trợ. VN hiện không đủ vốn hoàn tất Long Phú 1 và bị British Ex-Im Bank từ chối cho vay nên Việt Nam đang yêu cầu US Ex-Im Bank bước vào yểm trợ. 

Nhiệt điện than là nguồn năng lượng có chi phí cao nhất/kWh
 
Theo báo cáo mới nhất vào tháng 11, 2017 của tổ chức có thẩm quyền Lazard [3], chi phí quy dẫn, Levelized Cost of Energy của nhiệt điện than 6 - 14,3 xu /kWh, LCOE cho điện mặt trời và điện gió chỉ 3 – 6 xu/kWh theo Bảng so sánh chi phí LCOE trích dẫn báo cáo của Lazard với chú giải tiếng Việt của người viết dưới đây. Chi phí quy dẫn, LCOE bao gồm chi phí đầu tư xây dựng, nhiên liệu, hoạt động và bảo trì.

Nhiệt điện than là nguồn ô nhiễm nặng nề nhất đè trên xã hội
 

Nguồn: Harvard Unversity [4] 

Tính toán LCOE chưa kể chi phí ngoại vi cho xã hội như bệnh tật cho thai nhi, mất sớm vì ô nhiễm và thuốc men dân cư trong vùng phải trả cả đời vì phải hít thở ô nhiễm thải ra với từng kWh điện than sản xuất được. LCOE cũng chưa kể hậu quả cho môi trường và biến đổi khí hậu. Theo nghiên cứu của GS Shannon N. Koplitz và cộng sự từ trường Havard đăng trên Environmental Science & Technology, Việt Nam và Nam Dương sẽ có số người mất sớm vì ô nhiễm từ nhiệt điện than cao nhất trong vùng Đông Nam Á [4].
Dân bị đánh thuế xăng để bảo vệ môi trường 115 lần cao hơn điện than
Thuế bảo vệ môi trường đánh vào xăng dân chúng tiêu thụ là 3000 VNĐ/lít, hay 3900 VNĐ/kg. Xăng phát thải 3 kg CO2/kg, như vậy dân phải trả 1260 VNĐ/kg CO2 khi tiêu thụ xăng.
Thuế bảo vệ môi trường đánh vào than là 30 VNĐ/kg. Than phát thải 2,73 kg CO2/kg, như vậy than trả 11 VNĐ/kg CO2 cho than.
Như thế, dân chúng đang gián tiếp bị trừng phạt nặng nề, họ phải trả thuế bảo vệ môi trường cho xăng 1260/11=115 lần nặng hơn so với than. Nếu điều chỉnh lại để nhiệt điện than đóng thuế ngang hàng xăng, điện than phải trả 1554 VNĐ/kWh hay 6 xu/kWh. Chính sách ưu đãi nhiệt điện than cho họ tránh trách nhiệm, phá hoại môi trường và âm thầm bóc lột thuế 90 triệu dân cư là một bất công xã hội không thể giải thích nổi.

Hoa Kỳ không nên đồng lõa với Trung Quốc theo đuổi điện than Việt Nam và tự hủy uy tín quốc tế

Nếu US Ex-Im Bank chấp thuận trợ giúp dự án này Hoa Kỳ giúp ngân hàng Nga VEB thoát khỏi bế tắc, Hoa Kỳ có thể sẽ vi phạm cam kết quốc tế năm 2014 của Liên Hiệp Quốc trừng phạt kinh tế cá nhân, doanh nhiệp và các lãnh đạo Nga và Ukraine sau khi Nga ngang nhiên xua quân chiếm đóng Ukraine. Tham gia vào Long Phú 1, Hoa Kỳ sẽ không có uy tín để tố cáo Nga và Trung Quốc đang lén lút giúp Kim Yong Un né tránh sự trừng phạt tương tự của Liên Hiệp Quốc. Hoa Kỳ đang cần các nước hợp tác để áp lực Triều Tiên ngừng chương trình hỏa tiễn hạch nhân. Hoa Kỳ không thể để chọn mối lợi đầu tư kinh tế nhỏ như Long Phú để cho an ninh toàn cầu và chiến lược quốc phòng Hoa Kỳ bị bấp bênh. Khi Hoa Kỳ hợp tác với Nga, theo chân Trung Quốc đầu tư cho ô nhiễm tràn vào Việt Nam, Hoa Kỳ sẽ bỏ mất vị trí vương đạo dẫn dắt thế giới mà thành đồng lõa với một Trung Quốc bá đạo ở châu Á.

Việt Nam cần thay đổi quy hoạch năng lượng

Các dự án NLTT đang chờ sự thay đổi nhận thức cùa lãnh đạo, TS Lê Anh Tuấn phát biểu trên Tiếp Thị Thế Giới [5]: “Năng lượng tái tạo chỉ đói chính sách. Nhận thức về việc bảo vệ môi trường sẽ khiến thế giới thay đổi rất nhiều trong tương lai. Hiện nay, nhiều nước quan niệm GDP không tăng, con người không chết; nhưng môi trường mà chết, xã hội sẽ nhiễu loạn.”
Với bước đột phá của tỉnh Bạc Liêu và chính phủ, Việt Nam đã loại bỏ dự án nhiệt điện Cái Cùng 1200 MW khỏi Quy hoạch Năng lượng VII để thay bằng năng lượng gió. General Electric thực ra không cần tham dự vào Long Phú vì GE đã ký kết dự án 800 MW điện gió 5tỉ USD cũng ngay tại Sóc Trăng [6]. Hai nhà máy của First Solar tại Saigon và JA Solar tại Bắc Giang, VN sẽ thành lò sản suất pin solar lớn nhất cho toàn Đông Nam Á. Cổ đông GE nên yêu cầu GE xét lại đầu tư đầy trắc trở vào Long Phú và có hại cho GE như thế.

Trở về với Hoa Kỳ, công dân Hoa Kỳ gốc Việt không thể để Ex-Im Bank tài trợ cho dự án Long Phú 1 vì đó không phải là tối ưu bền vững nhất mà ngược lại, ít lợi nhất về kinh tế, tồi tệ nhất về môi trường Việt Nam có hại cho uy tín quốc tế của Hoa Kỳ. Công dân Hoa Kỳ gốc Việt càng không để Đồng Bằng Sông Cửu Long thành sân khấu cho các thế lực quốc tế đến kiếm lợi nhuận mà không quan tâm đến quyền lợi dân cư và môi trường sống vốn rất mong manh của đồng bào mình.

California, ngày 29, tháng 1, 2018
Phạm Phan Long, P.E. (Viet Ecology Foundation)

Nguồn tham khảo

Source:

 

No comments:

Post a Comment