21/09/2017 13:50
Mặc cho thông tin “cá
linh giả” đồn thổi những ngày qua, làng ương cá giống Hậu Mỹ Bắc A (Cái Bè, Tiền
Giang) vẫn hốt bạc nhờ cá trôi giống.
Ông Âu Văn On kiểm tra cá
trôi bột sau khi ương.
ĐBSCL đang vào mùa lũ, cá
linh non từ thượng nguồn trôi về trở thành “đặc sản” với những món ăn khoái khẩu
mang đậm chất Nam bộ, như: lẩu chua cá linh, lẩu mắm cá linh, cá linh kho lạt…
Vì vậy, vào mùa lũ cá linh khá đắt hàng, đắt giá từ 100.000 – 150.000 đồng/kg.
Nhận thấy nhu cầu thị trường
“khoái khẩu” món cá linh non, một số thương lái mua cá trôi giống rồi trộn lẫn
vào cá linh non bán cho người tiêu dùng với giá cao ngất ngưởng.
Anh Lê Văn Kiệm – Giám đốc
HTX Tân Đồng Tiến (Long An) cho biết, “cá linh giả” hiện bán khá nhiều trên thị
trường, nhất là trong các quán ăn ở miền Tây Nam bộ. “Tui là dân vùng lũ chính
cống mà khi đi ăn lẩu cá linh đôi khi còn bị lầm. Rất khó nhận biết cá linh non
và cá trôi giống khi trộn lẫn vào nhau. Tức nỗi là vừa ăn lầm lại phải trả
cái giá khá cao”, anh nói.
Theo đó, cá trôi giống cỡ 120
– 150 con/kg được thương lái mua với giá khoảng 40.000 đồng/kg, đem trộn lẫn
với cá linh non rồi bán với giá 100.000 – 150.000 đồng/kg. Thậm chí tại một số
chợ ở TP.HCM, thương lái để nguyên cá trôi giống rồi rao là cá linh non bán cho
người tiêu dùng.
Bán cá linh non đầu mùa
lũ tại chợ ở Đồng Tháp.
Một thời, thông tin “cá
linh giả” làm điêu đứng làng ương cá trôi giống Hậu Mỹ Bắc A. Nông dân làm
ra cá trôi giống bán không ai mua. “Giờ mọi chuyện đã trở nên bình thường. Thị
trường đã chấp nhận con cá trôi giống như con cá linh non. Hiện cá trôi giống
không đủ cung cấp cho thị trường”, ông Trần Văn Trọng – cán bộ Trạm Khuyến nông
huyện Cái Bè cho biết.
Ông Âu Văn On – một nông
dân lão luyện trong nghề ương cá giống tại Hậu Mỹ Bắc A thổ lộ, thông tin
“cá linh giả” không còn gây ảnh hưởng đến làng ương cá, thậm chí nhờ ăn theo cá
linh non mà cá trôi giống bán được nhiều hơn trong mùa lũ. “Cá linh là đặc
sản miền Tây khi lũ về. Nhưng thực tế mùa lũ mấy năm nay cá linh về không
nhiều, ngay cả năm nay cũng vậy. Chính vì vậy, cứ vào mùa lũ là bà con ương cá ở
đây lại thả ương cá trôi giống. Hiện mỗi ngày làng ương cá bán ra gần 2 tấn cá
trôi giống. Một phần trong số này chở về chợ đầu mối Bình Điền (TP.HCM)”, ông
On nói.
Cũng theo ông On, người
tiêu dùng rất khó phân biệt cá linh non và cá trôi giống khi trộn lẫn vào nhau.
Để làm việc này chỉ có những người thường xuyên tiếp xúc với cá trôi giống.
Theo ông Trọng, chưa có
nghiên cứu nào cho thấy hàm lượng dinh dưỡng của cá linh hơn cá trôi. Điểm khác
biệt ở đây là cá linh được khai thác từ thiên nhiên nên sản lượng ít, hiếm hàng
nên giá cao, ngược lại cá trôi được nhân tạo, sản lượng nhiều nên giá thấp hơn
cá linh. Người tiêu dùng chọn mua cá linh hay cá trôi để làm thực phẩm đều
không ảnh hưởng gì đến sức khỏe.
Hiện xã Hậu Mỹ Bắc A đã
hình thành làng cá giống nước ngọt, với diện tích khoảng 150 ha với 80 hộ ương
cá. Mỗi năm cung cấp cho thị trường các tỉnh miền Tây, miền Đông Nam bộ và
Campuchia hơn 500 tấn cá giống, chủ yếu là cá: trôi, mè vinh, trắm, chép, mè trắng,
mè hoa, điêu hồng, rô phi, cá hường,...
Theo Trần Đáng (Dân Việt)
No comments:
Post a Comment